Chủ Nhật, Tháng Mười Hai 3, 2023
Trang chủThời sự"RANH GIỚI" HAY ĐỂ SỰ THẬT LÊN TIẾNG?

“RANH GIỚI” HAY ĐỂ SỰ THẬT LÊN TIẾNG?

Không quá lộng ngôn, VTV đặc biệt mang tựa đề “Ranh giới” của VTV phát tối 8/9 vừa qua là một trong những thành công LỚN của nhà đài này giữa “đại hồng thủy” và nhân dịp kỷ niệm lần thứ 51 Đài Truyền hình Quốc gia phát sóng.

Thành công trước hết, các nhà làm phim đã đề cập tới một vấn đề nóng bỏng, bức xúc hiện nay trong cuộc chiến sinh tử phòng chống đại dịch Covid 19 – một cuộc chiến chưa có tiền lệ, chưa có giáo trình hoặc thực địa nào nhuần nhuyễn bấy nay.

Thứ 2, đó là cái cách mà các nhà làm phim chạm tới trái tim và lấy đi nhiều nước mắt của người xem đài. Có nhiều yếu tố dẫn tới điều ấy, nhưng theo tôi cái chính là nói đúng sự thật.

Xét về ngữ nghĩa, sự thật là cái có thật vừa xảy ra, có thời gian, không gian và con người (nhân vật) cụ thể mà trong đó các nhà làm phim không quá can thiệp vào bối cảnh và diễn biến sự việc. Rõ ràng, các nhà làm phóng sự đặc biệt trong một chương trình đặc biệt đã tận dụng tối đa lợi thế ấy. Khoa K của Bệnh viện Hùng Vương chỉ là điểm nhấn của cả chiến trường chống đại dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, tâm dịch lớn nhất hiện nay của cả nước. Không sử dụng nhạc nền, không cần lời bình như các phóng sự thường thấy. Hãy để sự thật lên tiếng. Không ai có thể thay thế sự thật bằng chính bản chất của sự thật.

Sự thật là, cuộc chiến chống Covid làn sóng 4 tại Việt Nam là tàn khốc và đau thương. Dù chính quyền các cấp đã cố gắng vượt bực, dù cả hệ thống chính trị đã đồng tâm vào cuộc, nhưng sự thật thật đau đớn, bẽ bàng vẫn diễn ra.

Theo thông tin đáng tin cậy, tính đến ngày 05 tháng 9 năm 2021, riêng Thành phố Hồ Chí Minh có 251.933 ca bệnh, trong đó 128.396 ca đã điều trị khỏi; có 87.629 F0 đang được điều trị tại nhà, 42.665 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị, trong đó có 2.780 ca bệnh nặng; số ca tử vong đến nay là 10.685, tương ứng với tỷ lệ tử vong khoảng 4,2%… Số ca tử vong này chắc là chưa tính số người chết do Covid ngoài bệnh viện. Và, còn nhiều hệ lụy nữa mà báo cáo của chính quyền các cấp và thông tin báo chí chưa đề cập tới.

 

Thứ 3, nhân xem “Ranh giới”, mọi người mới ngộ ra rằng, bấy lâu nay sự thật, đặc biệt sự thật về tổn thất, bất cập trong cuộc chiến này, hình như chỉ “trôi nổi loáng thoáng ” trên mạng xã hội, còn hệ thống báo chí, truyền thông chính thống thì chưa đề cập đầy đủ và kịp thời. Có người đặt câu hỏi, đại dịch Covid-19 như bóng ma bao trùm thế giới, các quốc gia và vùng lãnh thổ (kể cả các nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới) đều công khai kịp thời số ca nhiễm và đặc biệt số ca tử vong trên kênh truyền thông chính thức của nhà nước. Sao Việt Nam ta không làm chuyện đó? Làm chuyện đó có “để các thế lực chống đối “lợi dụng phá hoại không? Việc đó, có dịp sẽ bàn sau. Nhưng trước mắt, thông tin kịp thời sự thật con số tử vong mà ai cũng xót xa, đau lòng ấy, trước hết nhằm thức tỉnh người dân. Rằng, cuộc chiến không có tiền lệ này rất khốc liệt, muốn chống và chiến thắng phải có sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội. Rằng, giãn cách xã hội là việc nên làm, phải làm. Rằng, công thức 5 K + V (vaccine) mang tính nguyên tắc… Chỉ có thế, may ra mới ngăn chặn được đại dịch, trả lại cuộc sống an lành- bình thường mới. Rõ ràng, “Ranh giới” đã thức tỉnh điều đó.

Thứ 4, xem phim này, mỗi người có thể có nhận xét và cung bậc cảm xúc khác nhau. Nhưng điều chắc chắn là mọi người thấy rõ sự khốc liệt của cuộc chiến; thấy rõ ranh giới sinh tử thật mỏng manh; đúng như một “nhân vật” người thực việc thực thốt ra giữa bãi chiến trường: Sống chết mong manh lắm. Hãy sống mạnh mẽ và tử tế khi còn đang được sống (đại ý).

Cuối cùng, điều lấy đi nhiều nước mắt, đánh thức lương tri, lòng trắc ẩn của người xem nhiều nhất, đó chính là tình người. Đội ngũ thầy thuốc và lực lượng tuyến đầu chống đại dịch, không thể gọi khác đó chính là các chiến sĩ cảm tử. Họ làm việc không kể hiểm nguy, không kể thời gian, không gian, mệt nhọc, nóng bức, quên cả việc riêng tư, toàn tâm toàn ý cho việc cứu người. Bệnh nhân nặng tử vong, còn họ không ngoại lệ. Chỉ một khoa của bệnh viện Hùng Vương đã có hơn 100 thầy thuốc, lực lượng tuyến đầu nhiễm Covid, thậm chí có cả 2 mẹ con thầy thuốc bị F0. Họ phục vụ bệnh nhân với tấm lòng trong sáng “lương y như từ mẫu”. Không phải người thân yêu, ruột thịt mà họ chăm sóc cho bệnh nhân từ hơi thở, miếng nước, thìa cháo, sợi tóc đến việc cứu mẹ, cứu thai nhi và cả việc vệ sinh cá nhân mà chỉ người thân yêu, ruột thịt mới làm được.

Nhân đây, tôi nghĩ đến việc Chủ tịch nước vừa truy tặng Huân chương Lao động và Thủ tướng Chính phủ truy tặng Bằng khen cho những người làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu nhiễm Covid tử nạn. Tại sao không nghĩ đến việc, xem xét từng trường hợp cụ thể để lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận những người anh dũng hy sinh ấy là Liệt sĩ.

Mọi người đều thống nhất, tất cả phải thượng tôn pháp luật. Nhưng ai cũng biết pháp luật do con người sinh ra. Sinh ra để phục vụ lợi ích quốc gia, bảo vệ con người. Cái gì không phù hợp với thực tiễn thì sửa đổi. Cái gì thiếu thì bổ sung. Tôi rất cảm động giữa lúc đại dịch khốc liệt diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, đến kiểm tra việc phòng chống dịch tại Bệnh viện Quân y 175, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói, lúc này không kể quân hay dân, ai nhiễm Covid 19, Bệnh viện Quân y 175 phải cứu chữa. Chống dịch như chống giặc. Giặc đến, không kể trẻ già, trai gái ai cũng phải đánh giặc. Cũng suy nghĩ ấy, trong phim “Ranh giới”, Giám đốc bệnh viện Hùng Vương giao ban trực tuyến nghẹn ngào nói rằng: “Lúc gian nan này, tôi kêu gọi mọi người hãy vào cuộc cứu người, cứu bệnh nhân”. Trong lúc trang bị bệnh viện chưa đáp ứng yêu cầu chữa bệnh thực tế, Bác sĩ Viện trưởng đã mượn câu nói của Bác Hồ, kêu gọi mọi người: “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm…tất cả để cứu người… “

Không rơi nước mắt sao được trước lời nói thốt ra từ trái tim, không có trong kịch bản như thế. Trở lại vấn đề thông tin sự thật của phóng sự truyền hình VTV đặc biệt “Ranh giới”, đúng là đã đến lúc, chúng ta phải trả sự thật về cho sự thật. Nói như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh (đại ý), cái gì có hại cho dân thì tránh. Cái gì có lợi cho dân thì cứ thế mà làm.

Cảm ơn các anh chị – tập thể những người làm phim RANH GIỚI. Họ cũng chính là các chiến sĩ cảm tử nơi tuyến đầu chống dịch. Ranh giới không chỉ là ranh giới sinh tử mà còn là ranh giới giữa thiện và ác; giữa lương tri và trách nhiệm; giữa mơ màng và tỉnh táo…

Những vấn đề sự thật và những tấm lòng vàng của lực lượng tuyến đầu chống đại dịch như “Ranh giới ” đề cập chắc chắn sẽ chạm đến trái tim, góp phần tiếp sức cho chúng ta trên trận tuyến phòng chống đại dịch, trả lại sự bình yên cho con người và toàn xã hội./.

Sài Gòn, đêm 8-9-2021

                                                                                          Trần Thế Tuyển

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây