Chủ Nhật, Tháng chín 15, 2024
Trang chủCHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCHQUÁN TRIỆT VÀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XIII CỦA ...

QUÁN TRIỆT VÀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG VỀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH NGƯỜI CÓ CÔNG

Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về thực hiện chính sách người có công

(trian.vn) – Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về thực hiện chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng là một vấn đề chính trị – xã hội quan trọng của quốc gia, dân tộc. Bởi vậy, công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng luôn được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quan tâm và dành những tình cảm, trách nhiệm để tri ân, chăm sóc bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và phù hợp với từng giai đoạn của cách mạng. Điều đó thể hiện đạo lý và truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam.
Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về thực hiện chính sách người có công

Trung tướng Lê Văn Hân – Chủ tịch Hội Hỗ trợ Gia đình liệt sĩ Việt Nam điều hành một cuộc họp tại trụ sở Hội.

Những năm qua, quán triệt và thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, nghị định của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; Chỉ thị 368-CT/QUTW, ngày 12.6.2016 của Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với nước; Nghị định số 58/2019/NĐ-CP, ngày 01.7.2019 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với Người có công với cách mạng. Các địa phương, đơn vị trong cả nước đã khắc phục những khó khăn, bất cập, đẩy mạnh việc tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ; thúc đẩy phong trào: “Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng; với truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”.

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách và người có công. Ngoài những thành tựu đã đạt được, Hội Hỗ trợ Gia đình Liệt sĩ Việt Nam cùng với các hội: Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội truyền thông số,…các tỉnh thành phố đã và đang tích cực thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về thực hiện chính sách tri ân đối với gia đình liệt sĩ và người có công với nước. Tuy vậy, những vấn đề về chính sách xã hội vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục giải quyết. Nhiều trường hợp người tham gia cách mạng bị chết, bị thương hoặc mất tin chưa được các cơ quan có trách nhiệm kết luận, hàng vạn người mẹ, người vợ liệt sĩ vẫn mong đợi thông tin chính thức về phần mộ của người thân… Chế độ trợ cấp ưu đãi nói chung còn thấp; một số nội dung ưu đãi đã được qui định trong Pháp lệnh của Chính phủ nhưng còn thiếu những văn bản hướng dẫn thực hiện. Phong trào xã hội hóa công tác thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng chưa đều và còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng, tình cảm, trách nhiệm của từng địa phương, cơ sở. Những sai sót, nhầm lẫn trong thực hiện chính sách, chế độ xảy ra ở một số nơi đã gây không ít phiền hà cho người hưởng chính sách, gây dư luận không tốt trong xã hội. Cũng còn không ít gia đình chính sách đời sống còn nghèo, học hành và việc làm của con em chưa được bảo đảm,…

 Tư duy mới của Đảng về công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với người có công trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú”[1]. Theo đó, cần chăm lo tốt hơn đối với các gia đình chính sách và những người có công với cách mạng, bảo đảm tất cả các gia đình chính sách đều có cuộc sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình so với người dân địa phương trên cơ sở kết hợp 3 nguồn lực: Nhà nước, cộng đồng và cá nhân các đối tượng chính sách tự vươn lên. Nhấn mạnh quan điểm này, để giải quyết dứt điểm các tồn đọng về chính sách đối với người có công, đặc biệt là người tham gia hoạt động trong lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong qua các thời kỳ cách mạng và qua các cuộc kháng chiến.

Đảng ta yêu cầu: “Cân đối chính sách để tiếp tục thực hiện việc nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công; nâng cấp các ông trình “đền ơn đáp nghĩa”[2]. Như vậy, việc thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công; giải quyết tốt lao động, việc làm và thu nhập của người lao động; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; coi trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đồng thời, Đảng ta khẳng định: “Đổi mới cơ chế, huy động phân bổ và đa dạng hóa các nguồn lực, thực hiện chính sách xã hội phù hợp với nhu cầu, lợi ích của các tầng lớp dân cư, nhóm xã hội, bảo đảm bình đẳng về cơ hội phát triển”[3]. Cùng với đó, Đảng ta chỉ rõ: “Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý, phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân”[4]. Điều này thể hiện rõ tư duy mới của Đảng về sự quan tâm trực tiếp đến việc hoàn thiện chính sách xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Coi trọng các đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội đến mọi người dân; tạo điều kiện để trợ giúp có hiệu quả cho tầng lớp yếu thế, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Mấy định hướng cơ bản nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng

Để tiếp tục quán triệt và thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về thực hiện chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng trong thời gian tới, các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt mấy định hướng cơ bản sau:

1. Quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về thực hiện chính sách thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Các bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan chức năng cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt và thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng; đồng thời chủ động xác định rõ kế hoạch, giải pháp hoạt động tri ân phù hợp với đặc điểm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị, địa phương cần gắn phong trào: “Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng; và truyền thống “đền ơn đáp nghĩa” với nhiệm vụ chính trị được giao; chú ý kết hợp chặt chẽ với công tác vận động các tổ chức chính trị, xã hội chung sức, đồng lòng cùng tham gia tri ân.

2. Đẩy mạnh phong trào toàn dân chung sức, đồng lòng thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công bằng các chương trình cụ thể; toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện tốt việc chăm sóc người có công với trách nhiệm và lòng biết ơn sâu sắc. Sự đóng góp của cộng đồng là nguồn lực, là sức mạnh để đạt mục tiêu của Đảng đề ra cũng là nguồn bổ sung phong phú cùng Nhà nước chăm sóc tốt hơn, chu đáo hơn đời sống người có công. Đồng thời, các cấp cần thường xuyên làm tốt việc sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình, tiên tiến trong các đối tượng chính sách có nhiều cố gắng trong sản xuất, học tập và công tác.

3. Tập trung giải quyết có hiệu quả những tồn đọng về xác nhận thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Đây vừa là định hướng vừa là giải pháp cơ bản nhằm quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ; những người có công với cách mạng và công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; tu bổ, nâng cấp mộ, Nghĩa trang liệt sĩ và các công trình ghi công liệt sĩ. Đây là công việc lớn, phức tạp và rất nhiều khó khăn. Vì vậy, cùng với sự cố gắng của Nhà nước, cần có sự chung tay của các ngành, các cấp và của toàn dân. Coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách; kiên quyết xử lý những hành vi gian dối, vi phạm pháp luật đối với người có công.

4. Chú trọng đảm bảo các khoản phụ cấp, trợ cấp và những phần quà tri ân được trao cho các đối tượng chính sách. Theo đó, tập trung triển khai thực hiện tốt Nghị định số 58/2019/NĐ-CP, ngày 01.7.2019 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với Người có công với cách mạng. Triển khai thực hiện tri ân đối với thân nhân gia đình liệt sĩ, người Việt Nam có công, tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế như: Lào, Campuchia…. còn gặp nhiều khó khăn.

Kỷ niệm ngày thương binh, liệt sĩ 27.7 hằng năm là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nêu cao truyền thống của dân tộc ta: “đền ơn đáp nghĩa”, tiếp tục và đẩy mạng hơn nữa công tác chăm sóc, ưu đãi thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng ngày càng phát triển mạnh mẽ, mang lại những hiệu quả thiết thực, làm cho các đồng chí, đồng bào yêu quí đó yên tâm về vật chất, vui vẻ về tinh thần như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn. Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp chính quyền có trách nhiệm đi sát cuộc sống thực tế của nhân dân, lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng; loại bỏ những điều không phù hợp, kịp thời bổ sung những điểm mới cần thiết nhằm giảm bớt khó khăn cho thương binh, thân nhân liệt sĩ và những người có công với cách mạng./.

Trung tướng Lê Văn Hân

Nguyên Phó Chủ nhiệm TCCT QĐND Việt Nam

Chủ tịch Trung ương Hội Hỗ trợ Gia đình liệt sĩ Việt Nam

Chú thích:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb, CTQG, H. 2021, tr.146-149.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb, CTQG, H. 2021, tr.149.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb, CTQG, H. 2021, tr.148.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQG-ST, H. 2021, tr.47.

ĐTTA

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây