Thứ Bảy, Tháng Chín 7, 2024
Trang chủVĂN HÓA-VĂN NGHỆĐẶC SANQUÂN DÂN ĐOÀN KẾT LẬP KỲ TÍCH LỊCH SỬ

QUÂN DÂN ĐOÀN KẾT LẬP KỲ TÍCH LỊCH SỬ

Trung Tướng LƯU PHƯỚC LƯỢNG

Nguyên Phó trưởng ban – Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ

Xuyên suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, quân đội ta mãi mãi xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Tổ quốc và nhân dân… Là Bộ đội Cụ Hồ, chúng ta đều có quyền tự hào chính đáng về truyền thống hào hùng hết sức vẻ vang này.

Trong mỗi chặng đường chiến đấu và trưởng thành, càng gian khó, hiểm nguy, thì hình ảnh và truyền thống vẻ vang của quân đội càng sáng ngời những đức tính tốt đẹp: Sự tận tụy, dũng cảm, hy sinh hết lòng vì nước, vì dân…, một nét văn hóa và nhân văn hết sức sâu sắc. Điều ấn tượng trên được ghi đậm trong những năm gần đây với việc bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ở Biển Đông; quân đội còn là lực lượng nòng cốt trong phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống dịch bệnh… Đặc biệt trong phòng chống dịch Covid-19.

Đại dịch Covid-19 đã diễn ra với chủng Delta nguy hiểm của giai đoạn 4, là sự thử thách khốc liệt đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Chính trong cơn hiểm nghèo này, bằng trách nhiệm với toàn Đảng, toàn dân, quân đội ta từ Bắc chí Nam đã làm tất cả mọi việc có thể để giúp dân và cao hơn nữa trong thời điểm nghiệt ngã nhất là để cứu dân. Quân ủy Trung ương – Bộ Quốc phòng đã khẳng định trong lễ phát động thi đua ngày 23/8/2021: “Ở đâu nhân dân cần, ở đâu có khó khăn thì ở đó, có bộ đội”, hay khẩu hiệu mà Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Quân Khu 7 đã phát động trong toàn Quân Khu: “Chống dịch cứu dân”; của Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Quân khu 9: “An sinh để an dân”, “Vững vàng nơi tuyến đầu, sẵn sàng nơi tuyến sau”,… những phương châm hành động đậm nét văn hóa, nhân văn với ý nghĩa chính trị sâu sắc làm xúc động lòng người.

Lược lại những chủ trương của Đảng và Nhà Nước được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng triển khai cho thấy diễn biến của đại dịch đến đâu thì hành động của Quân đội ta chủ động, thích ứng kịp thời đến đó.

Ngay từ đầu, quân đội, công an cùng các lực lượng chuyên ngành khác đã kịp thời hỗ trợ các địa phương đang bùng phát dịch. Rõ nét nhất là nhường doanh trại để cách ly các ca nhiễm và nguy cơ bị lây nhiễm cao; tổ chức quản lý và phục vụ chu toàn… đã góp phần giành thắng lợi giai đoạn đầu phòng chống dịch ở nước ta.

Vào thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhất ở giai đoạn 4, tập trung khu vực TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cùng các lực lượng khác, quân đội với hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ khắp mọi miền đất nước đã kịp thời hỗ trợ hệ thống chính trị cơ sở, “các pháo đài” chống dịch đang căng mình chiến đấu sau nhiều tháng đương đầu với con virus SARS-CoV-2 chủng Delta cực kỳ nguy hiểm.

Trong cuộc chiến đấu gian khổ, các lực lượng trong toàn quân đã nêu cao đức tính tận tụy quên mình để cứu dân. “Đối tượng tác chiến” của quân đội ta lúc này là con virus SARS-CoV-2 chủng Delta. Và lực lượng quân y, phối hợp cùng các lực lượng khác của trung ương và địa phương là lực lượng trực tiếp chiến đấu trên “chiến trường” nóng bỏng này. Hàng vạn y, bác sĩ, nhân viên y tế, sinh viên các trường đại học, chuyên ngành y tham gia vào các nhóm công việc quan trọng nhất, từ việc xét nghiệm quy mô cộng đồng, truy vết F0 để quản lý và điều trị, đến việc tiêm chủng thần tốc tạo lá chắn bảo vệ dân; tham gia tổ chức, điều trị ở nhiều tầng cho đến cấp cơ sở xã, phường với các tổ quân y thường trực và lưu động, đã thực sự góp phần giảm tải, giảm áp lực đang đè nặng hệ thống y tế của thành phố.

Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ giúp dân, chia sẻ những khó khăn, cơ cực của nhân dân trong phòng chống dịch qua việc tổ chức phối hợp hoạt động cùng cộng đồng các doanh nghiệp, những nhà thiện nguyện với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả như: “Tất cả vì tuyến đầu chống dịch”, “Nhà trọ không đồng”, “Gian hàng không đồng”, “Cây ATM gạo tình nghĩa”, “Bữa cơm nghĩa tình”, “Chuyến xe yêu thương chung tay vượt qua đại dịch Covid-19”… nhiều hoạt động giúp dân tiêu thụ nông sản, hỗ trợ hộ nghèo… Đặc biệt nhiều cơ quan, đơn vị trong toàn quân trích quỹ, huy động sản phẩm tăng gia sản xuất, vận động cán bộ, chiến sĩ tiết kiệm chia sẻ khó khăn cùng nhân dân… Cùng chính quyền địa phương, hệ thống chính trị cơ sở vận động, tuyên truyền nhân dân thực hiện các quy định phòng chống dịch, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các “điểm nóng”, các trung tâm dịch đang bùng phát lây lan mạnh cũng như trên biên giới đất liền và trên biển.

Những ngày đầu tháng 10/2021 khi trọng điểm dịch Thành phố Hồ Chí Minh nới giãn cách và sau đó thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ “Quy định tạm thời thích ứng an toàn linh hoạt dịch Covid-19”, là thời điểm các lực lượng vũ trang nói chung và quân đội ta nói riêng chủ động phối hợp với chính quyền Thành phố và các địa phương có liên quan đưa dân về quê, giảm thiểu tối đa những rủi ro, trở ngại, bức xúc không đáng có.

Trong giúp dân phòng chống dịch, cán bộ, chiến sĩ đã làm mọi việc khi có yêu cầu; có việc, không có trường lớp nào dạy, không nằm trong khoa mục huấn luyện nào của nhà trường. Tất cả đều vận dụng một cách sáng tạo bằng ý chí, sự quyết tâm cao, sự tận tụy, vì nghĩa cử trước những tổn thương đau lòng của nhân dân. Chúng ta vô cùng tự hào về nét đẹp văn hóa này.

Gắn bó và phối hợp chặt chẽ với quân đội nhân dân, TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam đã căng mình phòng chống dịch. Sau hơn 04 tháng thực hiện giãn cách xã hội và sau đó thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, các hoạt động của toàn thành phố dần dần đi vào ổn định, cuộc sống người dân từng bước trở lại bình thường.

Chính trong thời khắc ấy, lãnh đạo Thành phố luôn khẳng định: Chúng ta không được chủ quan, nhưng phải vững tin vào khả năng Thành phố sẽ phòng chống dịch thành công, phấn đấu thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” mà Chính phủ đã đề ra.

Thực hiện quyết tâm đó, Thành ủy đã chủ động ban hành nghị quyết cho giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế khi thành phố cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, được hơn 10 triệu dân Thành phố chung sức, đồng lòng tham gia.

Hơn một năm nhìn lại, với cuộc sống “bình thường mới”, qua Hội nghị lần thứ 19 mở rộng của Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM Khóa XI đã khẳng định các hoạt động kinh tế – xã hội của TP.HCM hồi phục nhanh, khá toàn diện, đã củng cố và nâng cao sự tự tin, niềm tự hào của quân dân toàn thành phố chúng ta.

Dồn sức thực hiện các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn, nhiều công trình tạo động lực cho Thành phố phát triển như: Cầu Thủ Thiêm 2, đường song hành Võ Văn Kiệt, rạch Xuyên Tâm, cải tạo kênh Nước Đen; Các công trình, dự án liên kết vùng như dự án đường Vành đai 3 cùng tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên góp phần giải điểm nghẽn cho hạ tầng đô thị của Thành phố và vùng phụ cận; đang tích cực giải quyết những bức xúc về an sinh xã hội như ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, nhà ở xã hội, những bất cập trên lĩnh vực y tế… Những dự án phát triển trong tương lai gần như đường Vành đai 4… các yếu tố ưu tiên cho chuyển đổi tăng trưởng: phát triển công nghệ; tổ chức và nhân sự; nguồn lực tài chính ngân sách; nguồn lực đất đai; mở cửa hội nhập thu hút đầu tư… đã và đang được các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân bàn thảo, phân tích một cách xác đáng.

Trong sự tất bật dồn sức cho sự phát triển, Thành phố đã chủ động đề xuất Trung Ương có những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội hơn so với Nghị quyết 54 của Quốc hội Khoá XIV cũng như cơ chế, chính sách để Thành phố Thủ Đức thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương: Thành phố trực thuộc Thành phố với mục tiêu trở thành “Cực tăng trưởng mới” của TP.HCM, Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước – một kỳ vọng lớn lao!

Trước mắt thành phố còn nhiều khó khăn, thách thức với những phức tạp khó lường cần phải tháo gỡ khắc phục để phát triển bền vững. Với quyết tâm và nỗ lực của Thành phố, sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả của Trung Ương qua phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khi làm việc với Thành phố vào cuối tháng 9/2022, đặc biệt, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị Khoá XIII về phát triển kinh tế – xã hội bảo đảm quốc phòng – an ninh ở vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 với hạt nhân là đô thị đặc biệt TP.HCM. Và mới đây, Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16/NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020, phương hướng nhiệm vụ phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ tạo động lực mới cho Thành phố thực hiện thành công 04 chương trình phát triển với 51 nội dung đề án, các chương trình thành phần mà Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ Thành phố đã đề ra.

Quân, dân đoàn kết chung sức, đồng lòng vượt qua thời điểm hiểm nghèo lập kỳ tích lịch sử – một mốc son chói lọi của Quân đội nhân dân Việt Nam và nhân dân TP.HCM anh hùng.

 

Dưới đây là Những hình ảnh  Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 (Quân khu 7) thể hiện tình đoàn kết cùng dân chống dịch Covid19 trước Tượng đài Bác Hồ ở quận 1, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân). ảnh : QUÂN DÂN ĐOÀN KẾT CHỐNG DỊCH COVID 19

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây