PHÒNG CHỐNG LÂY NHIỄM COVID-19 : VÌ SAO CÓ KHUYẾN CÁO NGƯỜI CAO TUỔI KHÔNG NÊN RA KHỎI NHÀ
Bác sỹ Nguyễn Xuân Lam – nguyên Chủ nhiệm Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Hải Quân – Chủ tịch Phòng khám Đa khoa Quốc tế YERSIN.
(HHTGĐLS-TP.HCM). Đúng như dự báo của Bộ Y tế, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 trở lại Việt Nam diễn biến rất phức tạp, khó lường và tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm hơn…Để tiến công ngăn chặn, dập dịch có hiệu quả Chính phủ kêu gọi toàn dân thực hiện tốt 5K theo thông điệp của Bộ Y tế “Khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế”; Chính phủ và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kêu gọi người dân ở vùng đang thực hiện giản cách xã hội…không nên ra khỏi nhà nếu không có việc cần thiết… nhất là người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên…) nên ở nhà để bảo đảm an toàn. Để biết thêm về tình hình dịch bệnh và cách phòng tránh lây nhiễm COVID; phóng viên (PV) đã có bài phỏng vấn bác sỹ Nguyễn Xuân Lam – nguyên Chủ nhiệm Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Hải Quân – Chủ tịch Phòng khám Đa khoa Quốc tế YERSIN.
PV: Thưa bác sỹ Nguyễn Xuân Lam? Vì sao đợt bùng phát dịch lần này diễn biến phức tạp và lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn, nhất là ở địa bàn TP. Hồ Chí Minh ?
-Bác sỹ Nguyễn Xuân Lam: Trong lịch sử tồn tại và phát triển của loài người đã phải trải qua nhiều đại dịch, có những đại dịch đã làm tổn thất nặng nề dân số của một khu vực, có những đại dịch tuy không chết người nhiều nhưng lại gây ra tổn thất lớn về kinh tế và xã hội của nhiều nước. Tôi xin sơ lược về một số đại dịch đã từng xảy ra trên thế giới.
Bệnh dịch hạch: Bệnh dịch hạch Justinian, còn gọi là “cái chết đen” bùng phát năm 541 sau công nguyên là đại dịch được gọi là đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử loài người. Trong vòng 200 năm tiếp theo dịch hạch đã lấy đi sinh mạng của khoảng 100 triệu người khu vực Địa Trung Hải, bệnh được đặt tên của Justinian Hoàng đế của đế chế Đông La Mã, bệnh bắt nguồn từ Ethiopia lan rộng nhiều nước, cướp đi sinh mạng của hơn 5.000 người dân Châu Âu, Châu Phi trong thời gian ngắn. Bệnh do trực khuẩn Yersinia pestis gây ra, lưu hành trong động vật gặm nhấm như chuột, thỏ,… và được truyền sang người qua vết cắn của bọ chét ký sinh.
Bệnh dại : Bệnh dại được ghi nhận là một bệnh truyền nhiễm từ xưa, được mô tả từ rất lâu khoảng 3.000 năm. Bệnh trước đây không có thuốc chữa, người bị nhiễm sẽ chết sau vài ngày hoặc vài tuần. Cuối thể kỷ 19 vaccin phòng bệnh dại được Louis Pasteur phát minh và cho tới nay tiêm vaccin phòng dại vẫn là biện pháp duy nhất chữa bệnh dại khi có động vật mang mầm bệnh cắn phải. Tuy nhiên phải tiêm vaccin khi triệu chứng chưa khởi phát, nếu đã xuất hiện triệu chứng thì khó qua khỏi.
Bệnh đậu mùa: Đậu mùa xuất hiện từ thời kỳ Ai Cập cổ đại, sau đó được loại trừ hoàn toàn nhờ tiêm chủng. Tỷ lệ tử vong của đậu mùa khoàng 30%, người khỏi bệnh chịu nhiều biến chứng và mang sẹo trên cơ thể suốt đời.
Tại Châu Âu đậu mùa đã giết chết khoảng 60 triệu người trong thế kỷ 18. Năm 1980 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát động chiến dịch tiêm vaccine toàn cầu thì đậu mùa bị tiêu diệt hoàn toàn.
Bệnh lao: Bệnh Lao do vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis (MTB) tấn công phổi, thận, cột sống,… lây truyền qua không khí tỷ lệ tử vong khoảng 80%.
Theo WHO số người chết vì bệnh lao chỉ sau HIV/AIDS, năm 2012 có 8,6 triệu người bị bệnh lao, tử vong khoảng 1,3 triệu người. Ngày nay bệnh lao hiếm gặp tại các nước phát triển, người có miễn dịch yếu thường dễ mắc bệnh, do vậy cần thiết có sự đề phòng.
Bệnh sốt rét: Bệnh sốt rét là căn bệnh nguy hiểm, đặc biệt xuất hiện ở các nước đang phát triển khu vực Châu Phi,.. theo WHO năm 2012 thế giới có khoảng 207 triệu ca sốt rét làm 627.000 người tử vong.
Sốt rét bị xóa sổ vào cuối thế kỷ 20, hiện nay còn lẻ tẻ xuất hiện nhưng không bùng phát bằng dịch bệnh.
Bệnh dịch tả : Bệnh dịch tả là bệnh nhiễm trùng cấp tính có nguồn gốc ở Ấn Độ từ nhiều thế kỷ trước lan sang Châu Âu khoảng năm 1831. Triệu chứng bệnh tả là đau bụng, nôn và tiêu chảy, nguyên nhân do ăn phải thực phẩm bẩn, ô nhiễm nước… Bệnh được ghi nhận nhiều ở các nước đang phát triển, ảnh hưởng đến khoảng 5 triệu người trên khắp thế giới và gây ra khoảng 130.000 người tử vong mỗi năm.
Cúm Tây Ban Nha: Theo các nhà khoa học Châu Âu thì cúm Tây Ban Nha là bệnh dịch tồi tệ xảy ra vào thế chiến thứ nhất, bệnh đã lây lan khoảng 500 triệu người và làm cho 100 triệu người tử vong trong hai năm 1918-1919, cúm Tây Ban Nha cũng được đặt tên theo quốc gia ghi nhận.
Bệnh bại liệt: Là bệnh cấp tính do vi rút lây truyền qua đường tiêu hóa ảnh hưởng đến hệ thần kinh có thể gây liệt và tử vong. Bệnh bùng phát vào năm 1940 tại Châu Âu, Bắc Mỹ, New Zealand. Hiện bệnh đã có vaccin hiệu quả phòng ngừa đến 90%, với hy vọng được loại trừ hoàn toàn trong tương lai gần.
Bệnh Ebola:
Bệnh do vi rút Ebola hay còn gọi là sốt xuất huyết Ebola, là bệnh truyền nhiễm hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, nguy cơ tử vong cao. Virus được truyền từ động vật hoang dã sang người và lây lan từ người sang người, tỷ lệ tử vong khoảng 50%. Tỷ lệ tử vong có thay đổi từ 25% đến 90% trong các vụ dịch trước đây.
Dịch SARS: Đây là hội chứng hô hấp cấp tính do một loại Corana- virus gây ra có tên là Sars (SARS-COV); Sars được báo cáo lần đầu tiên ở Châu Á vào tháng 2 năm 2003, bệnh đã lan sang hơn 20 quốc gia ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Châu Á và được ngăn chặn năm 2003. Hiện nay WHO vẫn đang tiếp tục theo dõi tình hình dịch Sars trên toàn cầu.
Dịch MERS – CoV: MERS là chữ viết tắt của cụm từ Middle East Respiratory Syndrome, có thể dịch là hội chứng hô hấp Trung Đông xảy ra năm 2012. MERS lây truyền từ người sang người trong vùng dịch môi trường bệnh viện và các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Theo số liệu từ tháng 6 năm 2012 đến tháng 6 năm 2019 đã có 2449 trường hợp được xác định dương tính với Virus MERS – CoV. Trong đó 84% được ghi nhận tại Ả Rập Xê út và đã lây lan đến 27 quốc gia thuộc khu vực Trung Đông, Bắc Phi, Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ. Đến tháng 1năm 2019 trên toàn thế giới đã có 845 ca tử vong do MERS chiếm 34,5% số ca nhiễm bệnh.
Dịch COVID-19: Là bệnh viêm phổi cấp với tác nhân là Virus SAR-CoV-2 đang diễn ra với phạm vi toàn cầu. Khởi nguồn vào cuối tháng 12 năm 2019 với tâm dịch đầu tiên được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán thuộc miền Trung, Trung Quốc, bắt nguồn từ một nhóm người mắc viêm phổi không rõ nguyên nhân.
Đại dịch COVID-19 đang hoành hành và lan đến 219 quốc gia, vùng lãnh thổ. Từ cuối năm 2019 tính đến nay (22-6-2021) đã có hơn 179 triệu người bị nhiễm với hơn 3,8 triệu người tử vong, hơn 164 triệu người khỏi bệnh, hơn 11 triệu người đang điều trị (trong đó có hơn 82 ngàn người bệnh nặng). WHO đã cảnh báo đại dịch COVID-19 trong năm 2021 có thể diễn biến phức tạp và khó lường hơn năm 2020, đặc biệt đã xuất hiện biến thể của virus.
PV : Thưa bác sỹ Nguyễn Xuân Lam, hiện nay người dân rất lo lắng bởi dịch COVID lây lan nhanh trên địa bàn cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng, ngay cả các bệnh viện lớn cũng bị COVID xâm nhập mặc dầu các nhân viên y tế 100% đeo khẩu trang và phòng ngừa đúng cách?
-Bác sỹ Nguyễn Xuân Lam: Dịch bệnh COVID là dịch bệnh truyền nhiễm vì vậy nó rất khắc nghiệt và tàn bạo với cuộc sống của người dân. Do vậy mọi người dân cần phải có ý thức phòng và chữa bệnh, chấp hành nghiêm các quy định rất cụ thể của cơ quan y tế. Trong thời đại truyền thông đa phương tiện, người dân tiếp cận rất nhanh và kịp thời các khuyến cáo của cơ quan y tế, đó là hướng dẫn nhanh nhất, kịp thời nhất để người dân thực hiện. Trong môi trường y tế đó là các cơ sở đón tiếp người bệnh, do vậy việc nhân viên y tế có lây nhiễm cũng là điều dễ hiểu. Trong môi trường đậm đặc vi rút Corona thì dụng cụ bảo hộ cũng chỉ góp phần giảm lây nhiễm tối đa chứ không thể giảm 100% là không lây nhiễm. Các cán bộ, nhân viên y tế đang hành nghề thì họ đã xác định phục vụ người bệnh, dù có lây nhiễm thì họ vẫn hoàn thành tốt công việc được phân công.
PV: Hiện nay ngành Y tế khuyến cáo người dân không nên ra khỏi nhà , nhất là người cao tuổi khi không có việc cần thiết, phải chăng đối tượng người cao tuổi, người có bệnh nền rất dễ bị tổn thương khi bị vi rút Corona tấn công?
-Bác sỹ Nguyễn Xuân Lam: Ngành Y tế đã khuyến cáo phòng và chữa bệnh với nhiều vấn đề cụ thể, trong đó hạn chế tối đa đi ra khỏi nhà chỉ là một yêu cầu. Mục đích không ra khỏi nhà cũng là để tránh nhiễm bệnh và lây bệnh. Với người cao tuổi thì rất dễ bị nhiễm bệnh nên nghành Y tế khuyến cáo hạn chế tối đa ra khỏi nhà cũng là điều dễ hiểu.
PV: Bác sỹ có lời khuyên nào cho người cao tuổi trong thời điểm hiện nay khi cả TPHCM đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ?
Bác sỹ Nguyễn Xuân Lam: Lời khuyên của bác sỹ đối với mọi người đặc biệt là người cao tuổi trong tình hình hiện nay khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp là rất cần sự chung tay, góp sức của mọi người đó là: bình tĩnh, hiểu rõ sự khắc nghiệt của dịch bệnh, phổ biến cho người xung quanh luôn chấp hành nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và khuyến cáo, hướng dẫn của nghành Y tế.
PV: Xin cảm ơn bác sỹ Nguyễn Xuân Lam.
Trần Đại Ngoạn (thực hiện)