Thứ Ba, Tháng Tư 16, 2024
Trang chủDiễn đànPHẦN MỘT: Một số ý kiến về “Thực tiễn và Kiến nghị:...

PHẦN MỘT: Một số ý kiến về “Thực tiễn và Kiến nghị: THÊM MỘT NGÀY QUỐC GIỖ?”

PHẦN MỘT

LTS: Sau khi Đặc san Linh khí Quốc gia số tháng 7 năm 2021 của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh đăng bài “Thực tiễn và Kiến nghị: THÊM MỘT NGÀY QUỐC GIỖ?” của Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển (linhkhiquocgia.vn đăng ngày 25/7/2021), tòa soạn LKQG nhận được nhiều ý kiến bàn luận về vấn đề tâm linh, hệ trọng này.
Để rộng đường dư luận, nhằm cung cấp thông tin cho cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến.
    Trân trọng giới thiệu và mong nhận được các ý kiến của tất cả quý vị!

RẤT CẦN THIẾT VÀ THUYẾT PHỤC

Tôi đã đọc bài Thực tiễn và kiến nghị “THÊM MỘT NGÀY QUỐC GIỖ ?” của Nhà báo Trần Thế Tuyển. Tôi thấy đây là việc rất cần thiết và rất thuyết phục, hợp lòng dân; thể hiện đạo lý của dân tộc ta: Uống nước nhớ nguồn; tri ân các Anh Hùng Liệt sĩ.
Tôi đề nghị Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và nhà báo Trần Thế Tuyển, Chủ tịch Hội nói riêng sớm có kế hoạch, lộ trình để thực hiện. Cá nhân tôi sẽ tiếp tục góp tiếng nói để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định theo quy định của pháp luật ./.

Tiến sĩ Lê Doãn Hợp, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin; nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

 

VIỆC RẤT NÊN LÀM

Tôi đồng tình với đề xuất của Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là việc lớn mang ý nghĩa sâu sắc với toàn dân tộc Việt Nam nhằm tri ân hàng triệu anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do, thống nhất Tổ Quốc ,vì ấm no hạnh phúc của dân tộc Việt Nam; thực hiện trọn vẹn di chúc của Bác Hồ kính yêu. Rất cần ghi dấu ngày Quốc giỗ thứ 2 này để muôn đời mai sau con cháu chúng ta nhớ mãi mốc lịch sử vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh quang vinh như những: Rạch Gầm, Xoài Mút, Bạch Đằng Giang… Thiết nghĩ, toàn dân toàn quân sẽ đồng thuận khi Nhà nước đề nghị và Quốc Hội thông qua lấy ngày kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ 27/7 làm Ngày Quốc Giỗ thứ hai. Đó là Ngày giỗ các Anh hùng Liệt sĩ đã xả thân cứu nước.Một đề xuất hợp ý Đảng lòng dân rất nên làm !
                                              XUÂN HÒA (cựu nhà báo)

 

TRÁCH NHIỆM CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐANG SỐNG

Hôm nay 27/7 là ngày cả nước tri ân Người có công với nước. Lịch sử của Dân tộc ta được xây đắp bằng máu xương của bao thế hệ Anh hùng- Liệt sĩ. Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của Dân tộc Việt Nam được coi là cuộc chiến tranh khốc liệt nhất hành tinh ở nửa cuối của thế kỷ 20! Trong 2 cuộc kháng chiến và cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc nước ta đã có hơn 1 triệu Anh hùng ngã xuống nơi sa trường và hơn 9 triệu Người Có Công với Nước! 127 ngàn Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng đã cống hiến chồng con cho sự nghiệp Độc lập – Tự do của dân tộc. Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam có cả chồng và 9 người con là Liệt sĩ – hiện tượng mà cả thế giới chưa từng có trong lịch sử…

Chiến tranh đã lùi xa và đã dần lui vào quá khứ. Nhưng hậu quả của chiến tranh vẫn còn đó và luôn hiển hiện ở quanh ta. Hàng trăm ngàn hài cốt liệt sĩ vẫn không biết đang ở chốn nao..? Những Bà Mẹ ngày đêm ngóng trông con đến giờ chỉ còn đếm được trên đầu… những ngón tay và thời gian chờ đợi không còn bao lâu nữa… Đó là một “món Nợ không trả không xong!”
Năm 1995 việc ra đời “Pháp lệnh ưu đãi người có công” và “Pháp lệnh về Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng” là một đỉnh cao của của việc dần hoàn thiện chính sách của Đảng và Nhà nước. Song còn rất nhiều việc phải làm – làm sớm ngày nào hay ngày đó – để trước khi trở thành quá muộn!
Nhân kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ năm nay, Đại tá Trần Thế Tuyển nêu một kiến nghị chọn Ngày này làm Ngày Quốc Giỗ, tôi chợt nhớ lại dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ năm 1997- khi ấy ông Trần Đình Hoan đang là Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực này là Anh hùng Trịnh Tố Tâm. Dịp đó ông Cựu chiến binh Lưu Xuân Tình có viết “một bản tấu” kinh người về việc phải trả món nợ sau chiến tranh, nhờ tôi trình tới ông Trần Đình Hoan và anh Trịnh Tố Tâm. Trong “bản tấu” ấy có 1 kiến nghị chọn Ngày 27/7 làm Ngày Quốc Giỗ của Dân tộc. “Bản tấu” ấy khiến ông Trần Đình Hoan & anh Trịnh Tố Tâm đã phải trăn trở rất nhiều nhưng rất tiếc sau đó chưa kịp tính chuyện thì Anh hùng Trịnh Tố Tâm đã đi xa và ông Trần Đình Hoan cũng dời Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đảm nhiệm công tác khác…
Sang năm đất nước ta sẽ Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ. Kiến nghị của Đại tá Trần Thế Tuyển dịp này âu cũng là thời điểm hợp hiến hợp pháp và hợp LÒNG NGƯỜI…

NGUYỄN NGỌC NIÊN, Cựu Phóng viên báo QĐND; nguyên Tổng biên tập Báo Lao Động – Xã hội; nguyên Tổng biên tập Nhà báo và Công Luận.

 

SÂU SẮC VÀ TÂM HUYẾT

Bài viết sâu sắc và tâm huyết. Tôi đồng tình với kiến nghị của Đại tá, nhà báo, nhà thơ Trần Thế Tuyển. Cảm ơn đồng đội đã thay mặt những người lính Bộ đội Cụ Hồ nói lên ước nguyện tri ân đối với những người con ưu tú đã hy sinh vì Tổ quốc !

Đại tá, nhà báo Nguyễn Chí Long, nguyên Tổng biên tập tạp chí Langbian

 

CẦN LAN TỎA ĐỂ TẠO SỰ ĐỒNG THUẬN

Tôi thấy ý kiến của anh Trần Thế Tuyển rất tâm huyết với đồng đội. Nhưng nếu chỉ là kiến nghị cá nhân của đại tá Trần Thế Tuyển không thôi thì tôi nghĩ khó thành hiện thực, khó có thể được xem xét.
Tôi nghĩ cần phát động rộng rãi tâm thư này, lấy ý kiến của hàng vạn gia đình liệt sĩ; đặc biệt các tướng lĩnh, Cựu Chiến binh đã xông pha trận mạc ; đã từng sát cánh cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Chính các Cựu Chiến binh  này đã chôn cất nơi chiến trường và chính họ, hơn ai hết hiểu được giá trị của sự hy sinh của đồng đội để đất nước ta có ngày hôm nay. Nếu lan tỏa tạo được sự đồng thuận của cả xã hội về ý tưởng này, chúng tôi hy vọng sẽ vào dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/2022), Đảng, Nhà nước, Quốc hội sẽ công nhận ngày 27/7 hằng năm là Ngày Quốc giỗ của dân tộc Việt Nam!

Thương binh Lê Thành Đại, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh; nguyên Phó Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng

 

PHẢI LÀ MỘT NGÀY QUỐC GIỖ

Ngày 27/7 phải là Ngày Quốc giỗ, là ngày cả nước làm giỗ các Anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh xương máu để đất nước có ngày hôm nay.
Vài năm trước Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có tờ trình đề nghị như thế nhưng bị nhiều đại biểu phản đối. Rất thất vọng vì những đại biểu như thế…
Tôi hoàn toàn nhất trí kiến nghị của nhà báo Trần Thế Tuyển về việc chọn ngày 27/7 hằng năm là ngày “Quốc giỗ”. Đề nghị các cơ quan chức năng của Chính phủ sớm lấy ý kiến toàn dân, trình cấp có thẩm quyền và Quốc hội để thỏa ước nguyện của người đang sống với các anh hùng liệt sĩ đã hiến cả đời mình cho Tổ quốc./.

Đại tá Nguyễn Hùng Phong, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Tổng cục Hậu cần

 

THÊM MỘT NGÀY QUỐC GIỖ, TẠI SAO KHÔNG?

Tôi hoàn toàn tán thành với đề xuất của Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển về việc nước ta nên có thêm một ngày Quốc giỗ.
Nói “thêm một Ngày Quốc giỗ” là vì hiện nước ta đã có một Ngày Quốc giỗ là ngày Giỗ tổ Vua Hùng vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm. Đó là ngày giỗ của nhân dân cả nước hướng về những bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Tuy nhiên, với những người đã ngã xuống vì có công giữ nước thì cho đến nay chỉ dừng lại ở Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 dương lịch hàng năm.
Người có công dựng nước đã được cúng giỗ xứng đáng thì người có công giữ nước cũng rất cần được như thế. Bởi ngày quốc giỗ 27/7 ấy khi thành hiện thực sẽ có rất nhiều ý nghĩa. Không chỉ để tưởng nhớ, ghi công những người đã khuất mà còn có ý nghĩa giáo dục vô cùng to lớn với những người đang sống hôm nay.
Thêm một ngày quốc giỗ. Tại sao không?

               Nhà báo Hà Tùng Sơn (Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh)

 

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây