Thứ Hai, Tháng Mười Hai 4, 2023
Trang chủDiễn đànPHẦN BA: Một số ý kiến về "Thực tiễn và Kiến nghị: THÊM...

PHẦN BA: Một số ý kiến về “Thực tiễn và Kiến nghị: THÊM MỘT NGÀY QUỐC GIỖ?”

Phần ba

NÊN THÊM MỘT NGÀY QUỐC GIỖ!

 

Đọc bài “Thực tiễn và Kiến nghị: THÊM MỘT NGÀY QUỐC GIỖ?” của tác giả Trần Thế Tuyển – Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh trên Đặc san “Linh khí Quốc gia” nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2021), tôi rất đồng tình với kiến nghị của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh về việc chọn ngày 27/7 hàng năm làm ngày Quốc giỗ, ngày giỗ chung của liệt sĩ cả nước. Ngoài những luận cứ đã phân tích trong bài viết của tác giả, tôi thấy kiến nghị còn phù hợp bởi lẽ:

Thứ nhất, dân tộc Việt Nam là một dân tộc đa tín ngưỡng, trong đó tín ngưỡng thờ cúng những vị Anh hùng dân tộc, những người có công dựng nước, giữ nước; thờ cúng ông bà, tổ tiên là những tín ngưỡng phổ biến trong nhân dân (Đền thờ các Vua Hùng, Đền thờ Hai Bà Trưng, Đền thờ Trần Hưng Đạo… và trong lịch sử cận đại chúng ta thấy nhiều nơi lập Đền thờ Bác Hồ để tưởng nhớ công lao của Bác đối với dân tộc, đất nước). Đối với những liệt sĩ đã ngã xuống trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước, chống lại các kẻ thù xâm lược, ở nhiều nơi, người dân đã lập các miếu thờ, các đền thờ để tưởng nhớ). Vì vậy, nếu có ngày giỗ chung các liệt sĩ cũng là phù hợp với tập quán tín ngưỡng của đại đa số người dân.

Thứ hai, có ngày Quốc giỗ các liệt sĩ sẽ tôn vinh thêm truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc, để mọi người bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã đổ xương máu cho độc lập dân tộc, cho hòa bình, hạnh phúc của nhân dân.

Thứ ba, hình thức Quốc giỗ cho các liệt sĩ sẽ là dịp để hun đúc thêm truyền thống yêu nước của dân tộc. Từ lễ giỗ này sẽ nhắc nhở mọi người, nhất là thế hệ trẻ phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của biết bao anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống; phải có hành động cụ thể, thiết thực để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ mà cha ông đã gầy dựng.

Thứ tư, về mặt tâm linh, Quốc giỗ sẽ làm ấm lòng hàng trăm ngàn liệt sĩ còn thất lạc chưa được quy tập về, chưa được về với gia đình và cũng là dịp để các hương hồn liệt sĩ quây quần cùng với mọi người trong niềm vui đoàn tụ, thanh bình của đất nước./.

                      Trần Tấn Hùng (Nguyên Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ)

RƯNG RƯNG KHI NGHE QUỐC CA

Cứ mỗi lần ngày 27/7 hằng năm tôi đến tại nghĩa trang xã thắp nén hương lòng tưởng nhớ và tri ân liệt sĩ. Tôi tìm lại ký ức từ những ngôi mộ ngày xưa, trước hương hồn những người một thời là đồng chí của cha, đồng chí của mẹ, đồng chí của chị, và có vài liệt sĩ tuổi 14,15 là đồng chí của tôi. Cùng cảm xúc ấy, mỗi khi quốc ca Việt Nam trỗi dậy, lòng tôi tràn dâng cảm xúc. “Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc… Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước….” . Đọc kiến nghị, tôi như thấy các liệt sĩ hiện diện đâu đây. Các anh hùng, liệt sĩ sống mãi với non sông, đất nước./.

Pb Hao Ho Van

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây