TRẦM HƯƠNG
Tôi nhớ một ngày mùa đông năm 2007, khi thực hiện bộ phim tài liệu “Người phụ nữ mang tên loài cỏ đẹp” về nữ tình báo Nguyễn Thị Yên Thảo (Tám Thảo), chúng tôi đến căn nhà lịch sử 214A Lý Chính Thắng, chứng kiến cuộc gặp gỡ cảm động giữa Tám Thảo và bà Hoàng Thu Nhạn – phu nhân của nhà tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn. Họ gặp nhau, hai người phụ nữ không còn trẻ nữa, rưng rưng nhớ những phút giây sinh tử mà những người trong cuộc phải đối mặt. Cho đến lúc ấy, bà Hoàng Thu Nhạn mới hiểu thêm những đồng đội của chồng trong đường dây tình báo tuyệt mật.
Nữ tình báo Tám Thảo
Tám Thảo, người phụ nữ hiện hữu trước mắt mình không chỉ là người em thân thiết của Phạm Xuân Ẩn mà bà đã từng biết. Người phụ nữ với mái tóc bạc phơ trước mắt bà Nhạn mấy mươi năm trước là một thiếu nữ xinh tươi, quyến rũ. Là con gái một thương nhân lớn bán vải, lụa ở Sài Gòn; Nguyễn Thị Yên Thảo (Tám Thảo) tạo được vỏ bọc thuận lợi để hoạt động tình báo. Ngôi nhà của gia đình cô tại số 136B đường Gia Long đã nuôi chứa thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Tàu – cụm trưởng tình báo H.63, khi ông xâm nhập nội đô, nắm tình hình chuẩn bị cho Mậu Thân 1968. Với vẻ đẹp dịu dàng, giỏi ứng xử, Tám Thảo có được mối quan hệ tốt với các sĩ quan tình báo Mỹ nơi cô làm việc, lấy được nhiều tài liệu quan trọng, phục vụ cho trận đánh vào Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy.
Trong đêm mồng 3 tết Mậu Thân, khi Nguyễn Văn Tàu nổ súng chia lửa với các chiến sĩ biệt động bị vây bên kia căn nhà, địch làm cuộc bố ráp, phong tỏa khu phố. Bằng sự bình tĩnh, Tám thảo đã mưu trí cứu Nguyễn Văn Tàu thoát chết trong gang tấc. Không chỉ cứu sống cụm trưởng trong một đêm mùa xuân máu lửa, Tám Thảo còn là một cộng tác đắc lực trong đường dây hoạt động của nhà tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn. Khi Phạm Xuân Ẩn từ Mỹ về Sài Gòn hoạt động báo chí, chính Tám Thảo là người tổ chức móc nối, đưa ông Ẩn ra căn cứ ở Củ Chi, gặp lại tổ chức tình báo. Từ đó, cô là giao liên, nối dài những bước chân cho “điệp viên hoàn hảo” Phạm Xuân Ẩn với căn cứ và ngược lại, mang những chỉ thị mật cho các cơ sở nội thành. Đó là công việc lướt trên hiểm nguy và cái chết…
Đó là chuyến “giao hàng” gồm 24 cuộn phim Kodax chụp tư liệu mà Phạm Xuân Ẩn dày công lăn lộn trong hàng ngũ cao cấp chính quyền Sài Gòn mới có được. Hôm ấy, địch chặn hành khách trên xe, xét giấy. Vẻ đẹp, sự bình tĩnh đã cứu Tám Thảo vượt qua tình huống nguy hiểm. Khi giao cho thủ trưởng 24 cuộn phim Kodax có đánh số hẳn hoi, Tám Thảo mới hay mình vừa thoát qua cửa tử. Nếu tên lính trên đường bắt cô lại xét giỏ, các cuộn phim đánh số bị phơi bày, chắc chắn cô bị dày xéo không thương tiếc dưới gót sắt, đòn roi kẻ thù. Đó không phải là chuyến đi duy nhất.
Một hôm, Phạm Xuân Ẩn đích thân lái xe đưa cô lên Củ chi. Từ Củ Chi, Tám Thảo phải quyền biến tìm phương tiện thích hợp đi vào căn cứ. Tám Thảo ngậm ngùi nói: “Sau này anh Ẩn nói với tôi: “Hôm ấy, anh ngồi trên xe hơi, vờ lấy thuốc hút nhưng tâm trạng rối bời. Anh cứ nhìn theo dáng mảnh mai của em leo lên chiếc xe thổ mộ khuất dần”. Phải, khi ấy tôi ngoái lại, bắt gặp cái nhìn của sâu thẳm, đầy lo lắng của anh. Cái nhìn ấy đi theo suốt cuộc đời tôi”.
Sau Mậu Thân 1968, trước tình hình địch phản công dữ dội, để bảo vệ đường dây hoạt động của ông Phạm Xuân Ẩn, Tám Thảo được tổ chức đưa vào chiến khu, công tác tại Cục tình báo miền. Sau chiến tranh, trong một buổi họp mặt, Phạm Xuân Ẩn gắp thức ăn cho Tám Thảo, bị đồng đội đùa: “Cha, ông Ẩn chăm chút cho Tám Thảo dữ a”. Ông lặng đi, nói: “Năm ấy, để giữ vỏ bọc an toàn cho tôi mà “tiểu thư Mỹ Nhung” Tám Thảo phải vô rừng, đối mặt với bao gian khổ, hiểm nguy. Tám Thảo được tổ chức tạo điều kiện xây dựng gia đình cùng một sĩ quan quân đội nhưng cô ấy đã phải hy sinh rất nhiều. Tôi có chăm chút cho cô ấy bao nhiêu cũng không đủ đền bù những mất mát trong cuộc đời cô ấy!”. Nhìn đôi mắt sâu thẳm, đượm buồn của ông Phạm Xuân Ẩn trên bàn thờ, Tám Thảo không ngăn được nước mắt…
Sau chiến tranh, Phạm Xuân Ẩn từng chân thành nói với những người bạn: “Tôi đã được những người phụ nữ che chở. Vì những tài liệu tiếng Anh tôi gửi ra căn cứ mà Mỹ Linh đang làm việc trong cơ quan USOM sẵn sàng thoát ly vào chiến khu để dịch”. Mỹ Linh là em gái của Tám Thảo. Đó là người phụ nữ thầm lặng trong đường dây tình báo của Phạm Xuân Ẩn. Ít ai ngờ, Mỹ Linh chính là người giúp ông Phạm Ngọc Thảo lúc ấy đang là đại úy bảo an ở Vĩnh Long gặp ông Nguyễn Quốc Hương (Mười Hương) – phụ trách công tác tình báo ở Nam Bộ, sau này là Bí thư Trung ương Đảng.
Bà Hoàng Thị Thu Nhạn và người bạn đời Phạm Xuân Ẩn
Cuộc gặp gỡ ấy tạo tiền đề cho sự dấn thân của người anh hùng tình báo Phạm Ngọc Thảo trong hang ổ kẻ thù, lập nên những chiến công huyền thoại.
Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Mười Hương, Mỹ Linh vốn xinh đẹp, giỏi tiếng Anh, vào làm việc cho cơ quan USOM của Mỹ. Vốn thông minh, tháo vát, Mỹ Linh nhanh chóng tạo được cảm tình, sự tin cậy của những người Mỹ. Những chuyến đi cứu trợ khắp mọi miền đất nước giúp Mỹ Linh có được cơ hội nắm bắt nhiều tin tức chiến sự.
Sau này Tám Thảo nói: “Tôi rất tiếc là khả năng này của Mỹ Linh không được khai thác triệt để. Theo tôi, Mỹ Linh ở lại Sài Gòn hoạt động có lẽ hiệu quả hơn nhưng…”. Chiến tranh đã trôi qua mấy mươi năm, những người phụ nữ ấy nay cũng không còn trẻ nữa. Có lẽ vì vậy mà cô Mỹ Linh có phút nói thật với lòng mình. Gia đình Tám Thảo là cơ sở của đường dây H63, có mối liên hệ thân thiết với Phạm Xuân Ẩn. Ông thường lái xe đưa Mỹ Linh, Mỹ Nhung, Lan, Huệ đi dự những tiệc chiêu đãi. Ông rất vui khi nhìn chị em cô nhảy đầm đẹp, nói tiếng Anh trôi chảy. Tuy nhiên, ông cũng nghiêm khắc uốn nắn từng sai sót nhỏ của các cô trong giao tiếp. Trong đáy lòng, Mỹ Linh rất ngưỡng mộ ông anh tài hoa. Cô được Phạm Xuân Ẩn dạy tiếng Anh, gần gũi, chia sẻ với ông áp lực của cuộc sống hai mặt đầy khắc nghiệt của ngành tình báo.
Giữa lúc ấy, Mỹ Nhung được lệnh của tổ chức vào chiến khu Củ Chi. Tại Ban tham mưu Cục tình báo miền Nam, Mỹ Linh lúc ấy với bí danh Chín Chi phải chịu bom đạn và những trận càn quét của địch. Từ một tiểu thư con một gia đình tư sản giàu có, cô chịu đựng bom đạn, gian khổ để dịch những tin tức mà tình báo của ta lấy được từ cơ quan đầu não của địch chuyển ra, trong đó phần lớn từ Phạm Xuân Ẩn. Dẫu xa cách nhưng cô tự an ủi mình rất gần đồng đội, những người thân yêu qua những tài liệu cô được tiếp cận. Cô còn được giao nhiệm vụ theo dõi điện đài, ý đồ, kế hoạch hành quân càn quét của địch báo về cấp trên…
Mậu Thân 1968, nếu như nội đô quân giải phóng đồng loạt nổ súng tấn công vào các mục tiêu đầu não của địch, thì giữa rừng, dưới căn hầm bí mật, Mỹ Nhung liên tục bắt điện đài, lấy tin tức. Một mình cô theo dõi tin từ 6 chiếc máy PRC25, nghe, ghi chép… Cường độ làm việc căng thảng suốt ngày đêm, Mỹ Linh bị sẩy thai. Những ngày ở rừng gian khổ, hiểm nguy để lại trong lòng Mỹ Nhung những kỷ niệm sâu sắc. Trong chiếc tủ đựng những vật kỷ niệm, cô đặt trang trọng chiếc đèn làm bằng vỏ đạn. Cô nói: “Trong nhiều năm liền, chiếc đèn bé xíu này đã thắp lên ngọn lửa cho tôi làm việc, dưới căn hầm bí mật”.
Mấy mươi năm trôi qua, trong lòng hai chị em nữ tình báo Tám Thảo, Mỹ Linh vẫn nguyên vẹn lòng yêu thương, kính trọng người anh, người đồng chí cùng đi với họ trên con thuyền hiểm nguy, bất trắc của nghiệp tình báo. Khi nhắc đến Phạm Xuân Ẩn, mối tình đầu dang dỡ, cô không ngăn được nước mắt…