Thứ Bảy, Tháng Chín 7, 2024
Trang chủVĂN HÓA-VĂN NGHỆPHẠM QUỐC TOÀN, "KHÚC HÁT SÔNG NGÀN"

PHẠM QUỐC TOÀN, “KHÚC HÁT SÔNG NGÀN”

Trong “Lời thưa” mở đầu tập sách thứ 17 của mình, nhà báo Phạm Quốc Toàn viết: “Bước vào mùa Thu cuộc đời, tôi dành thời gian tự cảm nhận về mình, về quê hương và gia đình, đấng sinh thành; sưu tầm, tập hợp các bài viết của bạn bè, đồng nghiệp viết và cảm nhận về Phạm Quốc Toàn. Đời là vô thường. Cõi tạm chỉ tày gang. Khúc hát sông Ngàn cũng như thay lời muốn nói, là sự tạ ơn cuộc đời vậy”.
Tôi cuốn hút bởi những lời tự cảm ấy. Dẫu đã thân quen nhà báo Phạm Quốc Toàn gần nửa thế kỷ nay, tôi vẫn háo hức xem ông “tạ ơn cuộc đời” này như thế nào? 

CHUYỆN ĐỜI TỰ KỂ

Phần một của tập sách dày gần 500 trang in gồm sáu chương, Phạm Quốc Toàn đặt tên: Quê hương, gia đình – Đấng sinh thành. Phải là người nặng lòng với quê hương lắm, hiếu thảo với đấng sinh thành lắm, tác giả tập sách, bằng những câu chuyện giản dị, đời thường mới lan tỏa đến người đọc về tình yêu quê hương, đất nước, tấm lòng và trách nhiệm với bố mẹ; với người thân yêu ruột thịt trong gia đình, dòng tộc.
Xứ Nghệ từ xa xưa đã đi vào văn chương và tâm khảm của nhiều thế hệ người Việt Nam và bạn bè quốc tế. “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/ Non xanh nước biếc, như tranh họa đồ”. Trong cái “non xanh nước biếc” ấy có làng Phúc Trạch, Hương Khê của nhà báo, nhà văn Phạm Quốc Toàn. Hương Sơn có nghĩa là núi thơm, Hương Khê là suối thơm. Địa linh sinh nhân kiệt. Xưa có Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ… nay có những vị tiền bối của Đảng và Nhà nước ta. Đặc biệt đó là nơi khởi nguồn, sản sinh, nuôi dưỡng những người con ưu tú trên mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội của đất nước. “Vùng đất tâm phúc” có “Đấng sinh thành” bình dị như bất cứ người dân xứ Nghệ – xứ Ông Đồ nào đã sinh ra chàng trai làng Can Hợi – Phúc Trạch học giỏi, chăm ngoan, khao khát được học hành nên người, phục vụ quê hương, đất nước. Nước có giặc thì đi đánh giặc, chàng trai sinh ra bên dòng sông Ngàn Sâu ấy cũng như bạn bè cùng trang lứa gác bút nghiên lên đường chiến đấu. Anh là chiến sĩ cầm súng ngoài mặt trận, trước khi trở về cầm bút nơi giảng đường đại học cũng như làm nhà báo chiến sĩ. Cuộc đời thật vô thường, không thể nói trước được. Đang là cây viết chủ lực bình luận thời sự quốc tế của báo Quân đội nhân dân, nguồn cán bộ quản lý cấp chiến lược của báo, đùng cái “Vũng Tàu biển hát” đã cuốn hút Phạm Quốc Toàn.  Không biết có phải từ lời bài hát da diết “Vũng Tàu biển hát” hay tiếng sóng biển rì rầm vỗ vào bờ cát mỗi đêm như lời thủ thỉ của “nàng tiên cá” đã làm chàng  Thiếu tá – Nhà báo – Bình luận viên cao cấp tờ báo của những người lính, mê mẩn?!
Mặc dù “Thử thách nghiệt ngã” nhưng Phạm Quốc Toàn đã “Trọn đời với nghề báo”. Thoáng cái, người con trai bên dòng sông nên thơ Ngàn Sâu ấy đã cầm bút nửa thế kỷ. Ông là Tổng Biên tập nhiều tờ báo, trong đó có 21 năm 7 tháng làm TBT tờ báo của Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Chưa hết, ông còn là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam hai khoá liền (2005 – 2015). Trọn đời với nghề báo, điều còn lại với Phạm Quốc Toàn là cái nghĩa, cái tình, ý thức trách nhiệm của người cầm bút. Điều còn lại với Phạm Quốc Toàn là 17 tập sách (và sẽ còn những tập sách tiếp theo sẽ in trong nay mai) và hàng ngàn bài báo như những đứa con tinh thần trên cánh đồng chữ nghĩa, góp cho đời hướng tới Chân- Thiện – Mỹ…
Phạm Quốc Toàn viết về “Đấng sinh thành” với cảm hứng lạ thường. Ngòi bút của ông lúc bay bổng, khi trầm lắng  theo các cung bậc cảm xúc khác nhau. Đó là “Buổi tối chủ nhật định mệnh” khi nghe tin bố mất. Đó là “Hình bóng mẹ khắc sâu trong tim”. Cả nỗi đau khi “Em trai Hồ Khiêm không trở về”. Và, đặc biệt khi con gái út yêu thương  – Phạm Thị Phương Thảo – một doanh nhân giỏi giang, xinh đẹp rời cõi tạm. Dưới ngòi bút của Phạm Quốc Toàn, con gái ông hiện lên với sự toàn mỹ. Đó là người con hiếu thảo, người mẹ thương yêu con cái đến tuyệt vời. Tối 19 tháng 3 năm 2020, trước ngày về cõi tiên, Phương Thảo làm sinh nhật sớm cho con trai bên giường bệnh. Tặng con cuốn sách “Đắc nhân tâm” của tác giả người Mỹ Dale Cảnegie, Phương Thảo viết: “Tặng hai con tình yêu của mẹ. Đây là cuốn sách hay. Mẹ muốn hai con đọc và rèn luyện. Phải sống tử tế và thành người tốt hai con nhé?”…
Phần một của cuốn sách như chuyện đời tự kể của nhà báo , nhà văn, nhà quản lý báo chí Phạm Quốc Toàn. Đó thực sự “Thay lời muốn nói”, là sự tạ ơn cuộc đời vậy!

TỪ TRÁI TIM ĐẾN TRÁI TIM

Không phải nhà báo, nhà văn – người cầm viết nào cũng được đồng đội, đồng nghiệp, bạn bè… dành cho tình cảm đặc biệt như thế. Phần hai của “Khúc hát sông Ngàn” tập hợp bài viết của 36 tác giả là những người thầy, người bạn, người em, đồng nghiệp, đồng hành cùng Phạm Quốc Toàn trong hơn nửa thế kỷ làm báo. Họ là những “cây đa cây đề” trong làng Báo chí cách mạng Việt Nam như các nhà báo: Hữu Thọ, Phan Quang, Phạm Khắc Lãm, Hồng Vinh,… Họ là thầy dạy cho ông thuở còn là sinh viên báo chí như thầy giáo Trần Bá Lạn. Họ còn là những bạn học, bạn nghề hay đồng liêu như các nhà báo, nhà văn: Nguyễn Tuấn Dũng, Kim Toàn, Lê Liên, Hồ Quang Lợi, Nguyễn Uyển, Nguyễn Xuân Lương, Vũ Đình Quý, Tô Hà, Nguyễn Đức Thiện, Phạm Đình Trọng, Mai Đức Lộc, Minh Sơn, Nguyễn Thị Trường Giang… Có những người viết văn, làm thơ như: Trần Thế Tuyển, Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Sĩ Đại, Hải Đường, Lê Minh Quốc, Nguyễn Minh Nguyên, Phạm Thùy Linh, Trần Kim Hoa, Trần Thu Thủy, Trần Văn Hiền, Dương Thanh Hoài. Có những nhà giáo, doanh nhân như Bùi Ngọc Diệp, Nguyễn Văn Cung, Tống Minh Hùng, Chử Văn Lịch… Có cả người nước ngoài như nhà bao Bandhit Rậvatanadhanin – nguyên Chủ tích Liên đoàn báo chí ASEAN, Cố vấn cao cấp Liên đoàn báo chí Thái Lan, nguyên TBT báo Bangkor Post….

Mỗi nhà báo, nhà văn – chính khách có cảm nhận riêng về Phạm Quốc Toàn. Nhưng điều chung nhất vẫn là tình cảm đặc biệt dành cho người đồng nghiệp, đồng đội, người bạn tri âm, tri kỷ trân quý. Thay lời giới thiệu, mở đầu tập sách GS TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên UVTU Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên TBT tạp chí Cộng sản viết: “36 tác giả ấy đã làm nên một “bách khoa toàn thư” nhỏ về anh Phạm Quốc Toàn và sự nghiệp sáng tạo trên cánh đồng chữ nghĩa của anh. Cho dù là viết về tác phẩm hay viết về những kỷ niệm sống, làm việc cùng nhau thì tất cả các bài viết đều trở về mẫu số chung là con người anh” – nhà báo, nhà văn, nhà quản lý báo chí Phạm Quốc Toàn. Tôi có cách tiếp cận khác. Nếu ví “Khúc hát sông Ngàn” là toà nhà thì toà nhà ấy được dựng nên bởi hai đơn nguyên. Đơn nguyên thứ nhất là “Chuyện đời tự kể” của Phạm Quốc Toàn. Đơn nguyên thứ hai mang tên “Từ trái tim đến trái tim” – nói như GS TS Tạ Ngọc Tấn là “Bách khoa toàn thư” nhỏ về nhà báo, nhà văn Phạm Quốc Toàn của 36 tác giả – những nhà báo, nhà văn, nhà thơ, thầy giáo, doanh nghiệp đã đồng hành với Phạm Quốc Toàn suốt nửa thế kỷ làm báo của ông.


TP. Hồ Chí Minh, tháng 6 năm 2021

TRẦN THẾ TUYỂN

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây