BÀI HƯỞNG ỨNG CUỘC THI “ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA”
(Vanchuongthanhphohochiminh.vn) – Yêu thương, lo lắng và lặng lẽ hi sinh, mẹ đã âm thầm nối tiếp sự sống của những người đã khuất. Chính những người như mẹ đã nối sự linh thiêng vào cuộc đời này.
Nhà văn Bích Ngân
Trời tối. Chút ánh sáng đèn đường dẫn tôi tìm đến căn nhà của cô Hai – Lê Thị Xuyến. Gọi đến lần thứ hai, tôi nghe tiếng đáp: “Ai gọi cô đó, cứ đẩy cửa vào!”…
Gian trước không người, chỉ có chiếc bàn thờ với hai lư hương và chân dung của hai người đàn ông đều còn trẻ dùng hai tấm bằng Tổ quốc ghi công. Giáp với cánh cửa trước là chiếc bàn gỗ chất những chồng tập vở, bút mực học sinh. Gian trong, trên chiếc giường đơn, cô Hai nghiêng người, chỏi tay muốn ngồi dậy. Cô gầy gò và mong manh. Di chứng của lần tai biến mạch máu não khiến cô không thể đi lại bình thường. Cô nằm ngồi, đi lại hết sức khó nhọc. Tôi dìu cô ra chiếc bàn, nơi chất đầy sách vở học sinh. Cô ngồi xuống chiếc ghế, cạnh chồng sách vở. Tôi hỏi: “Cô lại dành dụm mua sách vở tặng học sinh ngheo phải không?”. Cô nhìn tôi, tỏ vẻ phật lòng trước câu hỏi hơi… thừa. Cô lấy tay ra rờ rờ chồng vở: “Lần nào nhận được sách vợ tập viết tụi nhỏ cũng mừng rơn, thấy thương!”.
Gương mặt tiều tụy của cô Hai chợt tươi tỉnh lên khí nhắc đến lũ trẻ. Cô bảo tôi mở tủ, lấy quyển tập được bao bọc cẩn thận đưa cho cô. Cô lật những trang vở mà cô đã nắn nót ghi tên họ từng học sinh đã vượt qua được nghịch cảnh, tiếp túc cắp sách đến trường; và chính cô là người góp phần đỡ đầu về tinh thần lẫn vật chất. Cô bọc giữ từng tấm ảnh của các lứa học sinh mà cô dõi theo từng bước đi của chúng: cháu Chiến, mồ côi cha mẹ, học hết cấp II, đi bộ đội; cháu Quang, mồ côi mẹ, học hết cấp II, đi học nghề; cháu Tiến học năm cuối Đại học Xây dựng; cháu Vân học năm cuối Đại học Ngoại ngữ – tin học; cháu Dũng học năm 2 Học viện An ninh; cháu Linh học năm 3 Học viện Ngân hàng…
Lúc đó cô Hai ngồi tỉ mẩn nhìn ngắm từng tấm ảnh, tôi đứng lên bước xuống nhà sau. Bếp núc lạnh tanh. Giở nắp nồi cơm, thấy còn ít hạt cơm dính đáy nồi. Giở ơ cá kho, thấy hai con cá kèo kho khô quắt khô queo. Cạnh đó, một cái rá đựng mấy củ khoai chưa luộc và vài trái đậu bắp héo. Trở lên nhà trên, tôi hỏi cô Hai: “Cô ăn uống kham khổ như thế làm sao khỏe được?”. Cô cười: “Nhờ ăn ít dầu mỡ cô mới khá lên như thế này!”.
Nhưng cô Hai cũng đâu có thể sống khác đi! Khi nhận số tiền tuất đầu tiên của chồng và đứa con trai duy nhất, cô liền mua chăn mền thuốc men cho bộ đội, quân y tiền phương ở biên giới Tây Nam; tiền chính sách thì dành trọn cho việc học hành của học sinh nghèo; cô còn thường xuyên trích số tiền hưu của mình ủng hộ các hoạt động xã hội của địa phương nơi cô cư ngụ, đặc biệt những gia đình có con cắp sách đến trường mà đời sống chật vật. Thấy cô neo đơn lại bệnh tật, chính quyền đoàn thể địa phương nhiều lần khuyên cô nên để số tiền ấy chăm lo cuộc sống cho mình, nhưng cô kiên quyết không nghe. Cô bảo cô không chỉ sống cho mình mà còn sống tiếp cuộc sống của chồng và của con trai nữa. Tuy số tiền giúp các cháu không đáng là bao nhưng phần nào thực hiện được tâm nguyện của người đã hi sinh. Điều đó giúp cô an lòng, thấy đời mình còn ý nghĩa.
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Xuyến cũng nói điều tâm nguyện đó cho Tổng bí thư Nông Đức Mạnh nghe trong lần ông cùng các vị lãnh đạo tỉnh Cà Mau đến thăm mẹ tại ngôi nhà cấp 4 ở phường 8, thành phố Cà Mau. Lần gặp gỡ đó, bà Lê Thị Xuyến nắm tay Tổng bí thư, nói: “Mẹ sống như vầy là tốt lắm rồi, đau yếu có chòm xóm, có đoàn thể chăm lo, trưa chiều có các cháu học sinh tới lui trò chuyện. Mẹ chỉ lo là quanh đây vẫn còn những trẻ em lang thang, thất học”.
Yêu thương, lo lắng và lặng lẽ hi sinh, mẹ đã âm thầm nối tiếp sự sống của những người đã khuất. Chính những người như mẹ đã nối sự linh thiêng vào cuộc đời này.