Đi bộ đội sau nhưng bị thương nên Trần Sinh, người bạn học và ở cùng khu tập thể với Kiên, giải ngũ trước. Thời gian đầu thấy nói Sinh chẳng có vẻ gì là phế binh. Anh đã định cưới vợ. Nhưng dần dần từ chân trái lan sang chân phải rồi nửa người Sinh bị liệt.
Dạo Kiên mới phục viên về, Sinh còn chống gậy nhúc nhắc được, sau phải đành nằm bẹp. Các bác sĩ lấy làm lạ không hiểu vì sao cái vết thương cột sống kinh khủng ấy không lượm Sinh ngay trong chiến tranh mà nấn ná lâu thế mới giáng họa. Y học bó tay, họ bảo thế, càng chữa chạy càng khổ sở và người thân càng điêu linh vì hầu hạ phục dịch. Ròng rã như thế đã bốn năm giời. Bố mẹ Sinh đã qua đời. Người anh trai có gia đình. Phòng họ ở tầng một khu tập thể, sâu cuối hành lang, tối tăm, ẩm thấp, cửa sổ hướng trực diện nhà vệ sinh chung.
Kiên đẩy cửa bước vào phòng thăm bạn. Trong buồng mờ tối. Hai đứa bé và một người đàn bà hom hem – chị dâu của Sinh, đang ngồi giữa nền nhà hí húi cắt dán những hộp bìa các tông gia công cho xí nghiệp bánh kẹo. Không ai ngẩng lên.
– Anh ấy thế nào rồi? – Kiên khẽ hỏi.
– Vẫn thế, còn thở – Bà chị dâu ngán ngẩm đáp – Ai đến thăm cũng chịu chú ấy giỏi kéo dài. Nói đoạn chị thở dài đánh sượt.
Người ốm nằm trên một chiếc chõng tre kê giúi trong xó. Kiên lại gần. Mùi hôi thối lợm giọng. Chăn chiếu bẩn thỉu. Đầu Sinh trụi hết tóc, đen sạm, quắt queo như cái gộc cây. Mũi dẹt lét chỉ còn cái sống mảnh như lưỡi dao. Môi má chẳng thấy, chỉ thấy hai hàm răng và hai hố mắt, không rõ nhắm hay mở. Kiên cúi xuống, hỏi:
– Nhận ra mình không Sinh?
– Vẫn nhận ra đấy – Chị dâu nói chõ tới – cơ mà chả nói nổi, còn hơi nữa đâu mà nói.
– Có ăn uống được gì không?
– Vẫn, nhưng lại tự tháo ra hết. Vậy mà vẫn cứ gượng. Khổ lắm thay!
Kiên ngồi xuống chiếc ghế bên chõng. Chẳng biết nói gì. Ngồi mười lăm, hai mươi phút. Nhìn kỹ mới thấy tấm chăn chiên nâng hạ chút ít theo một thứ nhịp thở nào đó. Trong phòng im ắng. Thỉnh thoảng mới nghe tiếng bà chị dâu lẩm bẩm gì đấy. Huấn, ông anh trai của Sinh nằm ngáy trên gác xép, chếch bên trên chỗ Sinh. Khổ thân Sinh, nhà thơ của lớp 10A, đáng thương thay.
Hồi hè, có lần Kiên vào bệnh viện thăm Sinh. Bấy giờ hy vọng khỏi đã lụi hẳn nhưng Sinh còn cử động được đôi chút, còn có thể ngồi xe đẩy và đầu óc hoàn toàn tỉnh táo. Khác với nhiều người mắc phải nan y cầm chắc sẽ chết, Sinh không tự dối mình về tình trạng vô phương của bản thân, song anh không rên rỉ, than thân trách phận, luôn luôn anh cố gắng để không làm rầu lòng người đến thăm, không tìm cách trút sang bạn nỗi bất hạnh của mình.
Khuôn mặt xanh lướt cố rạng rỡ, Sinh cố mỉm cười, và dịu dàng, với giọng nói yếu ớt, anh khơi mạch chuyện vãn, chủ động kéo Kiên vào những mẩu hồi ức học trò, những kỷ niệm về các cô bạn học, các thầy cô giáo, những ký ức lảng xa cảnh ngộ của anh. Rồi với vẻ chăm chú hết mức, ngạc nhiên, say mê, hiếu kỳ, đầy tin tưởng, anh làm như thể hoàn toàn bị lôi cuốn vào những chuyện Kiên kể. Gật gù, nhướn cao cặp lông mày, anh thầm thì: “Thế kia à? Tuyệt thật… Thú vị nhỉ… Oà, cô ấy là như vậy đấy, đáng yêu thật… À, mình nhớ ra rồi, chà, chuyện đó mới thực là nhộn…”.
Kiên đẩy chiếc xe lăn đưa Sinh ra vãn cảnh khu vườn hoa của bệnh viện. Chiều hè yên ả, không khí thoáng đãng. Những tia nắng xiên khoai màu hồng chiếu dài lên thảm cỏ xanh um. Kiên dừng xe dưới một cây bồ đề.
– Nắng chia nửa bãi chiều rồi… vườn hoang trinh nữ khép đôi lá rầu… Đấy, thơ thế mới là thơ chứ, – Sinh mỉm cười, mắt nheo nheo – vậy mà mình đây đã từng ôm mộng thành nhà thơ cơ đấy. Đi lính ấy mà, mình định bụng sẽ trở thành Lê Anh Xuân, tạc vào thế kỷ. Đấy ước mơ thế đấy… Còn hồi trước nữa thì thú thực mình đã làm khối thơ tình tặng Phương của cậu, chỉ hãi cậu biết cậu đấm cho thì khốn.
Rồi cả hai cùng im lặng. Chẳng phải nói gì nữa. Hai người bạn thân thời niên thiếu, sau những năm dài trận mạc giờ đây trong hai cảnh ngộ ngồi bên nhau, thầm lặng nói với nhau bằng nỗi lòng, cùng nhau trầm tư nhớ lại những chuyện xa lắc, những ngày xưa kia.
Kiên đưa Sinh về giường rồi cáo từ. Anh ôm lấy vai Sinh, hôn lên đôi má gầy hóp, lạnh như đồng của bạn.
– Thỉnh thoảng vào với mình nhé, Kiên ơi… thỉnh thoảng nhé – Thương thân, bi thiết nín mãi trong lòng, không còn gượng nổi nữa, Sinh bật nức lên, nghẹn ngào – Lắm lúc nghĩ cay cực khôn cùng. Ước gì có cách nào tự chết ngay cho chóng cuộc đời. Thân phận những thằng bị thương như mình bị chiến tranh đoạt mất tự do, cay cực biết bao…
Kiên đưa tay bưng mặt, và không chịu đựng nổi anh bật đứng dậy bước vội ra khỏi căn buồng nửa nhà mồ, không kịp chào cả bà chị dâu của Sinh. Trở lên phòng mình không cởi áo bông, Kiên nằm ngửa xuống giường, gác đôi giày đen lấm bùn lên chiếu. Vòng tay dưới gáy anh trừng trừng nhìn lên trần nhà nẻ rạn, vàng. Lặng lẽ nước mắt ứa ra, nóng rực và đau nhói. Thương người bạn biết bao mà chẳng biết làm gì hơn.
Có những mất mát, thương đau, lặng thầm chịu đựng của người lính bước ra khỏi cuộc chiến tranh như thế, không gì đo đếm được. Để thấm hơn về giá trị hòa bình hôm nay.
Bảo Ninh