Trần Văn Toan
Ngày cuối năm 2021, sau thời gian gần một năm cùng cả nước chống chọi thành công đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, tôi trở về thăm Côn Đảo giữa mùa gió chướng phương Nam. Vừa bước chân lên đảo tôi đã cảm nhận rõ trong người có một luồng khí kỳ lạ làm cơ thể lạnh từ trên đầu xuống và thoáng qua một cách huyền bí. Những luồng gió chướng càng thêm mạnh và giật gấp liên hồi làm rung lắc liên khúc trên rặng phi lao dọc ven đảo tạo nên những âm thanh tha thiết pha lẫn tiếng sóng biển vỗ bờ trên vách đá Côn Đảo.
Vội để hành lý nơi tập kết, tôi nhanh bước đến Nghĩa trang Hàng Dương. Nằm cách thị trấn Côn Đảo khoảng 2,5 km, Nghĩa trang Hàng Dương là nghĩa trang lớn nhất tại Côn Đảo. Đây là nơi chôn cất hàng vạn chiến sĩ cách mạng và người yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày trong suốt giai đoạn năm 1862 – 1975 tại nhà tù Côn Đảo của thực dân Pháp, sau này Đế quốc Mỹ và chế độ tay sai Việt Nam Cộng Hòa. Nghĩa trang rộng 190.000m2, gồm 3 khu: khu A, khu B và khu C, có trên 20.000 tù nhân đã mãi mãi ở lại Côn Đảo.
Gió vẫn thổi mạnh và cuốn theo những luồng cát trắng trên mặt nghĩa trang bùng lên, tôi đang nhẹ bước thắp các nén hương thơm quanh các phần mộ anh hùng liệt sĩ nơi đây, bó hương trên tay tôi đang cầm bỗng bùng cháy. Khi vừa đặt chân vào cổng nghĩa trang, đôi mắt tôi đã cảm thấy cay xè, cát gió vẫn thổi, ngọn lửa của bó hương trên tay vẫn bùng cháy, đôi mắt đã không thể ngăn được dòng lệ rơi.
Lúc này đây, đứng trước mộ các nhà cách Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong, Lê Văn Việt, Võ Thị Sáu…. và hàng ngàn phần mộ các anh hùng liệt sĩ nữa, tâm trí của tôi như người bị thôi miên chỉ còn nói được và lặp đi lại một câu “các cô chú, các thủ trưởng, các đồng đội ơi! Sống anh hùng, thác linh thiêng chỉ cho tôi biết hài cốt của anh trai tôi là liệt sĩ Trần Văn Thiềng nay đang nằm ở đâu?”. Tôi như cây phi lao đứng lặng im giữa Nghĩa trang Hàng Dương có cảm giác anh trai liệt sĩ Trần Văn Thiềng của tôi đang đứng bên cạnh mình và ký ức ùa về.
Những ngày sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, tôi vừa tròn 5 tuổi vẫn nhớ rất rõ. Như thường lệ, vào một ngày giữa thu 1975 cả nhà đang quây quần bên mâm cơm trưa được trải bằng tấm chiếu cói cũ trên nền đất phía trước giường ngủ của bố và mấy anh trai.
Bỗng ngoài ngõ có tiếng của ai đó vọng vào nghe thân quen:
– Chú thím có nhà không vậy?
Từ mâm cơm, tiếng bố vọng ra:
– Ai hỏi vậy?
Bố tôi vừa dứt lời thì ai đó đã bước đến trước cửa liếp:
– Chú thím ăn trưa à?
Bố chưa kịp trả lời, tôi đã nhanh giọng:
– Mời anh Cẩn ăn cơm.
Nét mặt anh Cẩn có vẻ nghiêm trang tay cầm tờ giấy ngả màu:
– Chú thím xong cơm con có việc thưa.
Bữa cơm hôm đó, mọi người ăn nhanh hơn.
Bố mẹ đứng lên trước và ngồi ngay trên thành giường. Mấy anh em chúng tôi bưng mâm bát ra cầu ao rửa.
Anh Cẩn thấy cả nhà đã xong bữa cơm liền cất giọng:
– Cháu thưa với chú thím việc này chú thím bình tĩnh nhé!
Lúc này chắc chắn Bố mẹ và các anh chị tôi có phần đoán ra việc hệ trọng. Điều gì đã xảy ra với 2 người con trai ở chiến trường mà bấy lâu nay không có tin tức gì cả!
Đúng như linh cảm mách bảo, anh Cẩn giọng ấp úng run rẩy:
– Chú Thiềng nhà mình đã anh dũng hy sinh tại mặt trận phía Nam rồi ạ.
Tôi đang đứng lấp ló khe cửa bỗng nghe tiếng bịch mạnh nơi chỗ bố mẹ đang ngồi và thấy các anh chị chạy xúm nhanh lại cùng một số tiếng gọi: Mẹ ơi… Mẹ ơi… mẹ làm sao vậy?
Nghe anh Cẩn báo anh Thiềng đã hy sinh quá đột ngột mẹ tôi đã suy sụp và ngất xỉu.
Cả nhà xúm vào đau xót.
Những ngày sau đó và nhiều năm sau cứ mỗi lần nghĩ đến anh Thường, mẹ tôi lại ngất xỉu, vật vã khóc thương nhớ đứa con trai mãi mãi không về.
Chiến tranh đã đi qua gần được 50 năm, tại Nghĩa trang Hàng Dương và các nghĩa trang trên toàn quốc hàng vạn phần mộ, hài cốt liệt sĩ chưa rõ tên, hàng vạn người mẹ, hàng vạn gia đình vẫn ngóng đợi tin người thân. Cũng như thế, mẹ tôi nay đang bước vào những năm cuối đời người, một thế kỷ, vẫn hy vọng và đau đáu chờ con trai của mình trở về.