Thứ ba, Tháng chín 17, 2024
Trang chủVĂN HÓA-VĂN NGHỆĐẶC SANNIỀM VUI GÓP PHẦN ĐƯA BÀ CON LÁNH DỊCH

NIỀM VUI GÓP PHẦN ĐƯA BÀ CON LÁNH DỊCH

GS-TS TRÌNH QUANG PHÚ

Giáo sư, Tiến sĩ Trình Quang Phú, Viện trưởng viện nghiên cứu phát triển phương đông

Năm 2021 vừa qua, vào thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát tại TP.HCM, hàng vạn người dân đang làm ăn sinh sống ở TP đã lũ lượt kéo nhau về quê, vì không chịu nổi áp lực cuộc sống, tính mạng bị đe dọa bởi dịch bệnh. Đa phần người dân di chuyển cả gia đình trên một chiếc xe máy vô cùng gian nan, bất trắc với quãng đường hàng trăm cây số; đã thế nhiều địa phương còn hạn chế bà con trở về quê vì sợ lây lan dịch bệnh.

Trong bối cảnh đó, tỉnh Phú Yên đã mở rộng vòng tay, tổ chức đón gần 18 ngàn người dân trở về quê bằng xe khách. Đây là một công việc hoàn toàn không dễ dàng và Hội đồng hương Phú Yên tại TP.HCM do GS- TS Trình Quang Phú làm Chủ tịch, đã góp phần quan trọng vào “chiến dịch giải cứu” này.

Khi được hỏi về những ngày đáng nhớ đó, GS- TS Trình Quang Phú trải lòng: “Thời điểm đó gia đình mình ở Sài Gòn, cảm nhận rất rõ sự  khốn khó đối với người lao động làm thuê ở TP. Dịch bệnh bao vây tứ bề, cái chết mò vào từng con hẻm, bệnh viện quá tải không còn chỗ; trong khi người lao động ở thành phố việc làm không còn, tiền hết, gia đình điêu đứng kéo dài; cứu trợ chưa đến tay hoặc không đáng kể… Trong tình cảnh đó, nhiều người lao động đã nghĩ rằng chỉ còn một con đường là trở về quê nương tựa vào tình làng nghĩa xóm để tồn tại, ít nhất là không chết vì đói, vì dịch.

Trong khi một số địa phương e ngại bà con trở về sẽ mang theo dịch bệnh, thì lãnh đạo Phú Yên đã có một quyết định dũng cảm và nhân văn, là tổ chức đón người dân trở về quê. Nhưng từ chủ trương đến việc thực hiện trong hoàn cảnh khó khăn trăm bề đó là cả một bài toán không hề đơn giản. Anh thử hình dung trong một thời gian ngắn, tổ chức cho gần hai chục ngàn người từ TP.HCM trở về quê bằng ô tô, bố trí chỗ ăn ở, phòng dịch bệnh… sẽ khó khăn ra sao.

Đặc biệt, trách nhiệm “đầu cầu” ở TP.HCM được lãnh đạo tỉnh tin tưởng giao cho Hội đồng hương Phú Yên ở TP tổ chức. Cụ thể là nắm danh sách, lên danh sách để tỉnh duyệt. Với mỗi chuyến xe, chúng tôi phải xác định đúng công dân Phú Yên, âm tính với covid và bố trí lên xe theo từng huyện, mỗi người có 2 tờ khai nhân thân và y tế. Sau cùng là lo bữa ăn nước uống trên đường vv… cho bà con. Rất may chúng tôi được hãng xe Phương Trang ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình, điều động hàng trăm chuyến xe miễn phí đưa bà con về quê.

Anh biết đó, thực ra bộ máy của Hội đồng hương không có bộ máy chuyên trách, tập hợp lại chỉ có khoảng mươi người, cộng thêm 20 tình nguyện viên. Khó khăn lớn nhất lúc đó là “ai ở đâu ở đó”, mọi đi lại rất khó khăn. Cán bộ Hội và tình nguyện viên đi lại đã khó nhưng cái khó hơn là bà con Phú Yên có danh sách được về làm sao ra được bến xe, mọi việc từ “cái khó ló cái khôn”. Được sự hỗ trợ của TP.HCM trong đó có Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM, Hội tích cực tìm mọi cách để vượt qua, anh chị em văn phòng Hội phải thực hiện “3 tại chỗ”. Anh nghĩ coi một người 2 bản khai Hội phải có mấy vạn tờ khai có đóng dấu của Hội. Suốt gần 3 tháng, chúng tôi trực tiếp có mặt ở bến xe Miền Đông để tiến hành mọi thủ tục đưa bà con lên xe, đúng đối tượng, đúng thủ tục quy định”.

Được hỏi đâu là nguồn sức mạnh, động lực để ông có thể hoàn thành được nhiệm vụ nặng nề đó, GS-TS Trình Quang Phú cho biết: “Khi biết được chủ trương của tỉnh phối hợp với Hội đồng hương Phú Yên tại TP.HCM tạo mọi điều kiện đón bà con mình trở về, với tư cách là Chủ tịch hội, tôi xác định đây là nhiệm vụ chính trị, mình là người lính thì phải vào cuộc với tinh thần dám xông pha, chịu trách nhiệm của người lính. Bên cạnh tình đồng bào còn là tình đồng hương. Mình không thể ngồi nhà chỉ đạo trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng, khi cả ngàn bà con đã trả nhà, cả gia đình đã không còn nơi bấu víu rồi, phải nhanh chóng cho người ta đi.

Phú Yên có khoảng 50 ngàn người lao động ở TP.HCM làm đủ thứ nghề. Thời điểm đó cũng đã có nhiều người tự về quê bằng xe máy rất vất vả, nguy hiểm. Vì thế chúng tôi xác định nếu tổ chức cho bà con trở về sẽ vừa an toàn, vừa kiểm soát được dịch bệnh không lây cộng đồng, đồng thời “chia lửa” với TP.HCM.

Một tổng đài về quê được thiết lập để người dân đăng ký. Danh sách người về từng đợt được kiểm tra chặt chẽ, thông báo sớm để phía TP.HCM chủ động tạo điều kiện cho người dân di chuyển từ nơi trọ ra bến xe. Những khó khăn khi qua chốt hoặc một vài trường hợp không có trong danh sách về nhưng vẫn đến bến xe “năn nỉ” đều được lực lượng của tiểu ban này giải quyết linh động, nhanh chóng.

Khi bà con biết chủ trương trên, thông qua địa chỉ liên lạc của Hội, chỉ trong vòng 5 ngày đã có 12 ngàn người đăng ký về quê. Anh em trực điện thoại có ngày phải tiếp đến 500 cuộc từ bà con. Hội phải đứng ra trực tiếp thu nhận thông tin của bà con, gồm họ tên, quê quán, hoàn cảnh… Rồi lập danh sách cho tỉnh duyệt, phối hợp bố trí xe chở bà con về quê từng đợt, lo chỗ ở, xét nghiệm… Chúng tôi phải tiếp cận bà con ở bến xe Miền Đông xử lý các tình huống phát sinh ngoài dự kiến. Ví dụ nhiều bà con không có trong danh sách hoặc không phải quê Phú Yên nhưng vẫn nằng nặc xin được bố trí xe để đi ké về quê họ vv…

Xe của tỉnh phối hợp xe Phương Trang với 800 xe đi 30 chuyến, tổng cộng chở gần 18 ngàn người hoàn toàn miễn phí, trong đó ở TP.HCM là 12 ngàn người. Hội đồng hương còn lo phần ăn tối cho họ vì xe chạy một đêm. Tổng cộng 63 ngày, từ tháng 7-8-9, chúng tôi gần như ra có mặt ở bến xe miền Đông để chỉ huy, động viên, xử lý việc tổ chức cho bà con về quê.

Bộ phận hậu cần của Hội đồng hương Phú Yên sắp xếp để bà con lên xe trên những chuyến xe giường nằm của FUTA Bus Lines – Ảnh: QUANG ĐỊNH/tuoitre.vn

Tiếp xúc với hàng ngàn người, mình cũng phải lo phòng tránh dịch cho bản thân, mỗi chiều về phải tránh tiếp xúc với cả nhà, phải xông để phòng bệnh… May mình tuy tuổi cao nhưng có sức khỏe tốt, và cái chính là vì cuộc sống của bà con, vì quê hương nhất là yêu cầu bức xúc của bà con nghèo là động lực, là sức hút để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi chiều khi còi xe cảnh sát dẫn đường hú lên khởi hành. Chúng tôi đứng vẫy chào bà con, trên xe nhiều bàn tay, có những bàn tay bé xíu chào chúng tôi. Đây là phút giây hạnh phúc, mỗi chúng tôi như được thả lòng theo bà con về quê”.

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, xúc động : “Hội đồng hương Phú Yên tại các tỉnh và đặc biệt là TP.HCM đã cùng chúng tôi xây dựng kế hoạch chi tiết, chu đáo. Từ TP.HCM, Hội đồng hương lo cho người dân ở hầu hết các tỉnh phía Nam có nguyện vọng về quê. Khi kế hoạch được xây dựng xong, các anh chị em từ hội đồng hương lại tổ chức tiếp đón, sắp xếp tiễn bà con lên đường.Tỉnh nhà rất biết ơn những nghĩa cử cao đẹp đó”.

(M. Phong ghi)

*Bài viết đăng trên đặc san ” Linh khí quốc gia” số xuân nhâm dần

Bài trước đó
Bài tiếp theo
Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây