Thứ sáu, Tháng mười một 8, 2024
Trang chủVĂN HÓA-VĂN NGHỆĐẶC SANNIỀM VUI CỦA NGƯỜI CON LIỆT SĨ

NIỀM VUI CỦA NGƯỜI CON LIỆT SĨ

Phong Minh

Bà Đoàn Thị Sứ và chồng bên ngôi ” mộ gió” mới xây của người cha là liệt sĩ Đoàn Minh Lương

Năm 2021 vừa qua, niềm vui bất ngờ đến với bà Đoàn Thị Sỹ (74 tuổi, ngụ tại hẻm 124/89 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.21, Bình Thạnh, TP.HCM), khi gia đình bà được Hội hỗ trợ gia đình Liệt sĩ TP.HCM trao tặng 50 triệu đồng. Bà đã cùng chồng về quê ở Quảng Trị tôn tạo lại mộ phần của người cha là liệt sĩ Đoàn Minh Lương, hy sinh năm bà vừa chào đời.

Liệt sĩ Đoàn Minh Lương là cán bộ tiền khởi nghĩa, thuộc Đội diệt ác trừ gian ở vùng quê huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Gia đình ông nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng, bản thân ông lập được nhiều chiến công xuất sắc, được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng ba. Thực dân Pháp và tay sai coi ông là mục tiêu săn lùng.

Ngày 10/8/1948, trong một lần đi công tác, ông bị địch phục khích và bị bắt. Dùng đủ nhục hình tra tấn nhưng vẫn không khuất phục được người chiến sĩ cộng sản kiên trung, kẻ thù đã bí mật thủ tiêu ông, gia đình và đồng đội không tìm được thi thể.

Lúc bấy giờ, người con gái duy nhất của liệt sĩ Lương là Đoàn Thị Sỹ vừa mới chào đời. Trước sự o ép, khủng bố của địch, người vợ liệt sĩ đành bế con gái mới đầy tháng tuổi trốn vào Huế lánh nạn. Bà phải đổi con qua họ Nguyễn để tránh sự truy sát của kẻ thù.

Năm 1966, mẹ con bà Sỹ trôi dạt vào Sài Gòn sống trong căn nhà thuê xập xệ ở một con hẻm, làm thuê làm mướn mưu sinh. Rồi bà lập gia đình với anh Bình, một công chức kỹ thuật làm việc ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Sau ngày đất nước thống nhất, việc xác minh, công nhận liệt sĩ đối với một người đã hy sinh gần 30 năm như ông Đoàn Minh Lương là không hề dễ dàng. Nhưng nhờ sự nhiệt tình của những người cùng hoạt động với liệt sĩ Đoàn Minh Lương, bà Sỹ được công nhận là con liệt sĩ.

Lúc này mẹ đã mất, bà cũng đã lớn tuổi, nên hầu như không được hưởng quyền lợi đáng kể nào đối với gia đình chính sách. Bà cùng chồng con vẫn sống trong căn nhà chật hẹp ở con hẻm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh sâu hun hút. Chồng đạp xích lô, vợ buôn bán lặt vặt, cuộc sống khó khăn. Dù vậy, ông bà và các con vẫn tự hào có một người cha, người ông đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Tuy nhiên, điều canh cánh trong lòng bà Sỹ là không tìm kiếm được hài cốt người cha liệt sĩ. Ở quê, gia đình liệt sĩ Lương đành đắp một ngôi “mộ gió” tượng trưng để thờ cúng. Qua thời gian cùng với hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ngôi mộ cũng dần xuống cấp.

Ở tuổi trên 70, bà Sỹ vẫn ao ước về quê để tôn tạo lại ngôi mộ cho cha. Bà kể, ngày còn nhỏ, trong những giấc mơ, bà vẫn thường thấy một người đàn ông mặc bộ quần áo đen, đeo xắc cốt, súng lục hiện về âu yếm nhìn mình. Khi bà tả lại, mẹ bà cho biết hình bóng đó không khác gì người cha lúc còn sống.

Thế rồi thật bất ngờ, khi nắm được thông tin về hoàn cảnh của bà và gia đình, giữa năm 2021, Hội hỗ trợ gia đình Liệt sĩ TP.HCM đã đưa gia đình bà vào danh sách hỗ trợ đợt hai. Ngày được mời dự lễ trao tặng quà là số tiền 50 triệu đồng, vợ chồng bà cùng cô con gái lớn đã có mặt và vô cùng xúc động trước sự quan tâm, ân cần của các cán bộ Hội.

Bà Đoàn Thị Sỹ ( thứ ba từ phải sang) nhận kinh phí hỗ trợ từ HHTGĐ LS TP.HCM

Bà nói: “Không ngờ các anh chị ở đây hoạt động hoàn toàn thiện nguyện, không nhận bất cứ đồng lương, thù lao nào, mà lại rất uy tín khi tạo được nguồn tài trợ, để giúp đỡ thiết thực cho các gia đình liệt sĩ như gia đình tôi. Chuyến này vợ chồng tôi sẽ về quê để thực hiện nguyện ước lâu nay của mình, là xây cất lại ngôi mộ cho người cha, làm một bữa giỗ tươm tất mời họ hàng, bà con xóm giềng chung vui. Tuy chỉ là ngôi mộ gió, nhưng chắc ba tôi cũng mát lòng mát dạ vì tình đồng đội, tình cha con…”.

Sau chuyến về quê Quảng Trị thực hiện được điều ước, bà Sỹ khoe với chúng tôi về những bức ảnh bà chụp ở quê, trong ngày khánh thành ngôi mộ liệt sĩ Đoàn Minh Lương. Mộ liệt sĩ Lương được xây mới, nằm ấm cúng trong khu mộ khang trang của gia tộc. Vậy là ước nguyện canh cánh cuối đời của một người con liệt sĩ đã thành sự thật. Bà Sỹ xúc động nói: “Đêm trước đi nhận quà tặng của Hội hỗ trợ, ba tôi cũng hiện về đứng đầu giường, nhìn ông vui lắm!”.

PM

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây