Thứ Hai, Tháng Chín 9, 2024
Trang chủDiễn đànNHỮNG THẾ HỆ NGƯỜI LÍNH LÀM BÁO MIỀN ĐÔNG

NHỮNG THẾ HỆ NGƯỜI LÍNH LÀM BÁO MIỀN ĐÔNG

Nhân kỷ niệm 60 ngày truyền thống báo Quân giải phóng Miền Nam – đơn vị AHLLVTND

(2/11/1963-2/11/2023)

Bất chợt, tôi nhận được bức ảnh chụp với anh Mai Bá Thiện, khi tôi còn rất trẻ, mang quân hàm thiếu úy. Ngày ấy, tờ tin Quân khu 7 mới thành lập. Lực lượng nòng cốt là những phóng viên chiến trường từ báo Quân giải phóng và Điện ảnh Quân giải phóng chuyển qua: Nguyễn Viết Tá, Mai Bá Thiện, Đỗ Kết, Vũ Ngọc Xiêm, Đỗ Tất Thắng, Nguyễn Sung…
Rưng rưng kỷ niệm một thời với người còn, người đã đi xa, tôi nhớ về các thế hệ người lính làm báo Miền Đông, từ báo Quân giải phóng đến báo Quân khu 7.
 
Như chiến binh thực thụ 
 
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, Trung tướng Nguyễn Văn Thái, nguyên Phó Chính ủy Sư đoàn 7 – đơn vị được giao chốt chặn đường 13 – Tàu Ô-Xóm Ruộng (Tân Khai – Hớn Quản) mùa hè 1972 và giải phóng Xuân Lộc trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 vẫn nhớ như in gương mặt các phóng viên báo Quân giải phóng và điện ảnh Quân giải phóng tăng cường cho đơn vị.

Đó là các phóng viên: Mai Bá Thiện, Trần Phấn Chấn, Phạm Ngọc Thành, Ngô Đăng Rêu, Lê Quang Mưu, Đỗ Kết, Nguyễn Ngọc Lưu, Đình Thịnh, Nguyễn Đức Toàn, Vũ Ngọc Xiêm, Duy Khải, Tô Tấn, Đỗ Tất Thắng, Phùng Bất Diệt, Phan Thanh Dũng, Minh Quang… Họ như một chiến sĩ thực thụ – Tướng Thái tâm sự: cũng trang bị vũ khí như lính chiến, bám trụ trận địa và khi có địch cùng chiến đấu. Đáng nhớ nhất là phóng viên ảnh Đỗ Kết. Để có ảnh đẹp, mang tính thời sự, Đỗ Kết bám trụ cùng anh em nơi tiền tiêu mấy ngày liền.

Khi địch phản kích, nhà báo cũng nổ súng, ném lựu đạn. Còn phóng viên Vũ Ngọc Xiêm, Đỗ Tất Thắng… đã bám sát đội hình hành quân chiến đấu của Sư đoàn, kịp thời viết bài, phát trên chương trình phát thanh Quân đội nhân dân và Quân giải phóng miền Nam…

Riêng Phóng viên Vũ Ngọc Xiêm đã được báo tử 2 lần. Lần đầu vào tháng 12/1972.  Ngày đó, Vũ Xiêm vừa tốt nghiệp Khoa Báo chí, Trường Tuyên huấn TW (nay là Trường Nguyễn Ái Quốc) , thì được cử vào công tác tại Mặt trận B5 (Trị Thiên). Ngày 18/12/1972, đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Phan Anh làm đoàn trưởng, bên Quân đội có Thiếu tướng Lê Trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn công tác gồm 40 người vào Quảng Trị để chuẩn bi tiếp quản Thành phố Huế. Bộ tư lệnh Mặt trận B5 đã cử Nhà báo Vũ Ngọc Xiêm và Nhà nhiếp ảnh Lê Huy Nhật cùng đi với đoàn. Dự kiến đoàn sẽ đi qua Cửa Việt lúc 18 giờ.

Nhưng kế hoạch bị lộ, địch chuẩn bị cho B52 ném bom hủy diệt đoàn. Cũng rất may, tình báo của ta cũng đã nắm được âm mưu ném bom của địch, nên đã bố trí cho đoàn đi sớm hơn 2 giờ ( tức là lúc 16 giờ), mặc dù giờ này rất nguy hiểm, vì trời còn sáng, lại phải đi qua khu vực cồn cát trắng, rất dễ bị địch phát hiện. Nhưng  đoàn quyết định phải đi. Khi đoàn qua Cửa Việt được 2 giờ, thì máy bay B52 của địch đến ném bom xuống khu vực Cửa Việt.

Cứ từng tốp 3 chiếc B52 bay theo hình chữ V đến ném bom xuống cửa Việt. Sau khi 4 tốp B 52 của địch (12 chiếc) ném bom xong, vùng trời Cửa Việt khói đen mù mịt. Nhưng đoàn cán bộ gồm 40 người cùng hai Nhà báo Vũ Ngọc Xiêm và phóng viên ảnh Lê Huy Nhật thoát chết. Đúng 6 giờ sáng ngày hôm sau (19/12/1972), Đài  BBC của địch đưa tin máy bay B52 của Không lực Hoa Kỳ đã hủy diệt đoàn cán bộ của Chính phủ Bắc Việt và Đài đã thông tin đầy đủ danh sách gồm 40 cán bộ của đoàn công tác cùng Nhà báo Vũ Ngọc Xiêm và Nhà nhiếp ảnh Lê Huy Nhật.

Sau gần một tháng công tác tại các đơn vị của Mặt trận B5 trở về đơn vị. Một sự kiện hết sức ngạc nhiên là cả đơn vị ùa ra, rồi tiếng hò reo “Thằng Xiêm, thằng Nhật còn sống các vị ơi….”. Mọi người dẫn hai anh em lên hội trường. Tại đây một bàn thờ được bày trí đơn giản, trên bức tường có dòng chữ “Vô cùng thương tiếc Nhà báo Vũ Ngọc Xiêm và Nhà nhiếp ảnh Lê Huy Nhật”.

Ngày 12/3/1975, Vũ Xiêm được cử đi công tác trong thành phần của Bộ chỉ huy tiền phương B2, chuẩn bị cho chiến dịch mở màn tấn công Sài Gòn – Gia Định. Tại Mặt trận tiền phương, Đại tá Hồ Văn Sanh (Phó chủ nhiệm Cục  Chính trị Miền) cử Vũ Xiêm đến công tác tại Sư đoàn BB9 – Quân đoàn 4 (Sư đoàn Chủ lực của Bộ chỉ huy Miền B2).

Bản tính của Nhà báo Vũ Xiêm là thích đi sát các đơn vị ở tuyến trước, nên khi đến Sư đoàn BB9, Vũ Xiêm đến một đơn vị pháo cao xạ. cách Sư đoàn Bộ khoảng 10 km. Nhưng không may đơn vị pháo cao xạ bị lộ, địch cho máy bay và pháo bắn liên hồi, định hủy diệt đơn vị pháo cao xạ này. Một quả pháo của địch bắn trúng ngay khẩu pháo của Đại úy Trần Văn Giúp – Chính trị viên Tiểu đoàn. Đồng chí Giúp bị một mảnh pháo phạt ngang vào bụng, ruột lòi ra, lúc đó  Vũ Xiên đứng ở gần, nhanh tay chụp một chiếc chén sành úp vào bụng đồng chí Giúp, cứ như vậy Vũ Xiêm chạy theo chiếc cáng đưa đồng chí Giúp đến trạm phẫu thật tiền phương.

Sau đó, Vũ Xiêm đi theo một đơn vị Trinh sát của Sư đoàn 9, mà không biết rằng Đại tá Hồ Văn Sanh cứ nghĩ Xiêm đã hy sinh, nên báo về Cục Chính trị Miền là đồng chí Vũ Xiêm đã hy sinh. Sau thời gian công tác ở mặt trận trở về, lại một sự kiện nữa hiện lên trước mắt Xiêm, đó là bàn thờ có dòng chữ “Vô cùng thương tiếc Nhà báo Vũ Ngọc Xiêm”..

Buổi tối hôn ấy, thay vì là mâm cơm cúng Tam tuần hương hồn nhà báo Vũ Ngọc Xiêm, thì lại là bàn tiệc chúc mừng nhà báo Vũ Ngọc Xiêm trở về đơn vị.
 
Nối tiếp thế hệ đàn anh, khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và cuộc chiến giúp bạn ở Campuchia xảy ra, một thế hệ phóng viên chiến trường nữa xuất hiện. Đó là Vũ Xiêm, Đỗ Kết, Xuân Hòa, Lê Hanh, Trần Thế Tuyển, Trần Hùng, Phạm Văn Mấy, Mai Xuân Thọ, Phan Thanh Viếng, Phạm Sỹ Sáu… Ngoài trang bị nghiệp vụ: máy ảnh, ghi âm, giấy bút…họ có cả súng ngắn, súng dài, lựu đạn…
Phóng viên Xuân Hòa không bao giờ quên, ngay khi bọn phản động Pôn Pốt tràn sang tàn sát đồng bào ta ở Xa Mát, Thiện Ngôn…, tổ công tác đặc biệt của báo Quân khu do nhà báo Mai Bá Thiện dẫn đầu đã có mặt tại hiện trường. Những tấm ảnh, bài viết hừng hực hơi thở cuộc chiến mới được chuyển ra Hà Nội kịp thời lan tỏa đến đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế, tố cáo tội ác “trời không dung, đất không tha” của kẻ phản bội, xâm lấn. 
Bức ảnh mà tôi bất chợt nhận được ấy chụp khi các thủ trưởng phòng tuyên huấn và báo Quân khu 7 tiễn chúng tôi lên biên giới mùa xuân 1979 tham gia chiến dịch giải phóng Phnôm Pênh; cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng…

Năm tháng qua đi, nhiều phóng viên báo Quân giải phóng, báo Quân khu 7 đã về với tổ tiên, nhưng những bài báo, bài thơ, truyện ngắn, những bức ảnh… của các ông còn mãi với thời gian. Đó là các nhà báo: Mai Bá Thiện, Đỗ Kết, Đặng Văn Nhưng, Vũ Tuất Việt, Hàm Ninh, Trần Phấn Chấn, Đỗ Tất Thắng, Lê Hanh, Trần Hùng, Nguyễn Viết Tá, Phạm Ngọc Thành…
Sau này, rời nhiệm sở chính, tôi được mời giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm làm báo cho sinh viên và các nhà báo. Tôi nói với các bạn trẻ rằng, từ thực tiễn gần nửa thế kỷ làm báo, chúng tôi rút ra hệ luận: làm báo phải lấy thực tiễn làm cơ sở. Phóng viên chiến trường phải thực sự như một người lính cầm súng chiến đấu. Những nhà báo mặc áo lính trên đất “Miền Đông gian nan mà anh dũng” là như thế!
 
Cái nôi của những nhà báo 
 
Có thể nói, báo Quân giải phóng Miền Nam trước đây và báo Quân khu 7 ngày nay là trường học lớn, là cái nôi nuôi dưỡng, rèn luyện nên các nhà báo trưởng thành.
Dấn thân trong các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, những nhà báo chiến sĩ Miền Đông đã thực sự là lính chiến, cùng đồng đội xông pha trên mọi nẻo đường chiến dịch. Có những nhà báo Quân giải phóng đã ngã xuống ngay trên chiến hào; có nhiều nhà báo đã hiến dâng một phần thân thể qua các chiến dịch khốc liệt. Và, chính thế họ trưởng thành, trở thành các cây viết xuất sắc; có người trở thành tướng lĩnh và có nhiều người trở thành cán bộ cấp cục, tổng biên tập các cơ quan báo chí.
Tôi nhớ những năm làm báo Quân đội nhân dân, chúng tôi được giao tìm đất, xây dựng văn phòng thường trú của báo tại Cần Thơ. Một lần vào làm việc với Cục Chính trị Quân khu 9, tiếp  chúng tôi là một vị tướng. Hỏi ra mới biết đó là bác Bảy Sanh, nguyên phóng viên báo Quân giải phóng Miền Nam, một cây bình luận sắc sảo của báo Quân giải phóng và chương trình phát thanh Quân giải phóng Miền Nam. Có lẽ thế, câu chuyện xin đất, làm văn phòng diễn ra suôn sẻ. Thiếu tướng Bảy Sanh (Hồ Văn Sanh) ôm vai tôi: “Đồng đội, đồng nghiệp mà. Không chỉ Tổng cục Chính trị muốn mà chúng tôi (Bộ tư lệnh Quân khu 9) cũng rất muốn có một văn phòng thường trú báo Quân đội nhân dân tại các tỉnh Miền Tây Nam Bộ”.
 
Khi tôi về làm Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải phóng (2008), đọc lược sử Báo Sài Gòn Giải phóng, tôi biết trước mình đã có một phóng viên báo Quân giải phóng làm Tổng Biên tập tờ báo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố mang tên Bác. Đó là nhà báo Vũ Tuất Việt. Vốn là phóng viên Báo Nhân dân bổ sung cho chiến trường, từ đơn vị chiến đấu, Vũ Tuất Việt được điều về báo Quân giải phóng. Ông cùng các nhà báo Phạm Phú Bằng, Nguyễn Viết Tá, Hồ Văn Sanh, Nguyễn Ngọc Bằng.. là những cây viết bình luận sắc sảo, góp phần tạo nên “thương hiệu” tờ báo của Quân ủy – Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng Miền Nam.
Không chỉ có Vũ Tuất Việt, Trần Thế Tuyển từ báo Quân giải phóng Miền Nam, báo Quân khu 7 trở thành Tổng Biên tập cơ quan báo chí mà còn rất nhiều người lính làm báo Miền Đông được tín nhiệm giao trọng trách quản lý các cơ quan báo chí. Đó là các nhà báo: Đặng Văn Nhưng (Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân); Nguyễn Viết Tá, Nguyễn Dân Quyền (Tổng Biên tập Báo Cựu chiến binh Tp Hồ Chí Minh); Trần Đại Ngoạn, Ngô Xuân Giang (Phó Giám đốc Trung tâm Phát thanh – Truyền hình Quân đội nhân dân); Vũ Ngọc Xiêm (Phó Tổng biên tập Báo Người yêu trẻ)….
Những người phụ trách, Tổng Biên tập Báo Quân khu 7 qua các thời kỳ: Minh Khoa, Nguyễn Viết Tá, Mai Bá Thiện, Vũ Xiêm, Trần Thế Tuyển, Nguyễn Dân Quyền, Phan Thanh Viếng, Trần Đại Ngoạn, Ngô Xuân Giang, Nguyễn Văn Bắc… đều trưởng thành từ thực tiễn cuộc chiến đấu khốc liệt trên chiến trường Miền Đông – Thành đồng tổ quốc.
 
Từ  cái nôi báo Quân giải phóng, báo Quân khu 7, những người lính làm báo Miền Đông mỗi người một nét đã cống hiến, đóng góp xây dựng nên danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam cho tờ báo của mình. Và, ngày nay, thế hệ nối tiếp với nền tảng mà những người đi trước để lại đang tiếp tục đóng góp, gìn giữ và xây dựng nên truyền thống vẻ vang của tờ báo chiến sĩ Anh hùng.


 
Trần Thế Tuyển 

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây