Ban thường vụ và Tổ tư vấn của Hội hỗ trợ gia đình Liệt sĩ TP. HCM
Bút ký TRẦN THẾ TUYỂN
Đúng dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/2022), tôi có may mắn được tham gia đoàn Đại biểu của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tiếp kiến Chủ tịch nước tại Phủ Chủ tịch. Thay mặt Ban Thường vụ Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM tôi đã báo cáo với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc những công việc tri ân liệt sĩ mà những người thiện nguyện của Hội đã làm và cả những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để việc hỗ trợ gia đình liệt sĩ có hiệu quả hơn. Tôi thấy Chủ tịch nước chăm chú nghe, đôi lúc ông lấy bút ghi chép điều gì đó. Kết thúc buổi tiếp kiến, tôi thực sự vui mừng khi các kiến nghị của chúng tôi được Chủ tịch nước nhắc lại. Người đứng đầu nhà nước nhấn mạnh: “Đúng như đồng chí Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM nói, công việc của các đồng chí đang làm, đang tiếp tục cống hiến là công việc “ăn cơm nhà vác nghĩa tình đồng đội”.
MỘT
Đó là sự mách bảo của trái tim hay nói một cách ước lệ hơn đó là sự điều động của liệt sĩ. Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM mới ra đời, nhưng ngay từ ngày đầu thành lập đã thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội, trong đó các cựu chiến binh làm nòng cốt. Họ là các tướng lĩnh, sĩ quan, chuyên viên cao cấp đã từng giữ trọng trách trong quân đội hay hệ thống chính trị của Đảng và nhà nước; nay được nghỉ hưu theo chế độ. Nhưng vì món nợ với đồng đội – những người đã hiến dâng đời mình cho tổ quốc, họ lại “khoác ba lô” một lần nữa “vác nghĩa tình đồng đội”.
Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên Bí thư Đảng ủy Quân khu 9, nguyên Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ là một người như thế. Tôi nhớ lại cách đây gần 5 năm, một lần chúng tôi về thăm lại chiến trường xưa. Thắp nhang trong đền thờ liệt sĩ Long Khốt (Long An), nơi thờ tự hàng ngàn liệt sĩ, tôi thấy đôi mắt Trung tướng Lưu Phước Lượng đỏ hoe. Trên đường trở về, Lưu Phước Lượng trầm tư. Ánh mắt ông nhìn xa xăm về cuối chân trời. Đoạn, Trung tướng Lưu Phước Lượng ghé tai tôi nói, phải xây lại ngôi đền thờ này mới xứng đáng sự hy sinh cao cả của đồng đội. Nghĩ và làm, ít lâu sau, giữa khuya, Lưu Phước Lượng điện thoại cho tôi: “Đã tìm ra nhà tài trợ. Tuần sau, sẽ xuống bàn với lãnh đạo địa phương để triển khai xây dựng lại đền”. Suốt đêm ấy tôi không thể nào ngủ được. Niềm hạnh phúc tràn dâng. Thế là ước mơ của chúng tôi – những cựu chiến binh trong Ban liên lạc Truyền thống Trung đoàn 174 (Đoàn Cao-Bắc-Lạng) sắp trở thành hiện thực.
Và, như một giấc mơ, với sự tài trợ của tập đoàn Donacoop do cựu chiến binh Bùi Thanh Trúc làm Chủ tịch HĐQT, chưa đầy 4 tháng trên trận địa xưa – Đồn Long Khốt, một ngôi đền thờ liệt sĩ khang trang, ấm áp đã mọc lên thay thế ngôi đền đầu tiên mà chúng tôi đã vận động xây dựng hơn 10 năm trước. “Vác nghĩa tình đồng đội”, không chỉ có thế, khi Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM thành lập, Trung tướng Lưu Phước Lượng tham gia từ đầu. Với tư cách tư vấn, ông không chỉ góp ý định hướng các chương trình hoạt động mà còn tham gia vận động tài chính, cơ sở vật chất để Hội hoạt động hỗ trợ gia đình liệt sĩ có hiệu quả.
Cũng như Trung tướng Lưu Phước Lượng, các thành viên trong Tổ Tư vấn là những người thiện nguyện “vác nghĩa tình đồng đội”. Trung tướng PGS-TS Nguyễn Đức Hải, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng, rời quân ngũ đã tình nguyện tham gia đội quân “vác nghĩa tình đồng đội”. Có người hỏi ông, “nhiều nơi mời Trung tướng tham gia tổ chức chính trị xã hội sao ông không nhận lời, lại tình nguyện tham gia làm tư vấn cho Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM?”. Vị Trung tướng dạn dày trận mạc, tràn đầy năng lượng nói: “Tôi thấy tham gia Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ có ý nghĩa thiết thực hơn. Đó là dịp để trả món nợ với đồng đội – những người đã hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho đất nước”.
Cùng với Trung tướng Lưu Phước Lượng và Trung tướng PGS-TS Nguyễn Đức Hải, Thạc sĩ luật sư Trần Văn Sự, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM, thành viên Tổ Tư vấn, bằng sự cống hiến vô tư, trong sáng của mình thực sự là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM.
HAI
Những người “vác nghĩa tình đồng đội” không thể nói khác đó là các chiến sĩ thiện nguyện; đó là sự mách bảo của trái tim mẫn cảm. Đại tá Lê Thanh Song, Phó Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM là người tiêu biểu. Tôi nhớ cách đây hơn 3 năm, trong một dịp họp mặt đồng đội, anh Lê Thanh Song ghé tai tôi thì thầm: “Chú mày nhận nhiệm vụ mới nhé, cùng các anh tổ chức thành lập Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM để tri ân, đáp nghĩa với đồng đội”. Thấy tôi chần chừ, người cựu chiến binh tuổi cập kè bát tuần nói: “Đến như anh Hân (Trung tướng Lê Văn Hân, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị; Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam) và các anh tuổi cao hơn chú nhiều mà còn gánh vác. Chú mày nhận lời nhé”. Và, tôi đã nhận lời đồng hành cùng đội quân “vác nghĩa tình đồng đội”.
Tham gia Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM, tôi cùng được sống và làm việc với những người thiện nguyện có trái tim vàng. Quê Bến Tre đồng khởi, Đại tá Nguyễn Văn Ái (Chín Ái), Phó Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM, tham gia cách mạng từ sớm. Ông là một trong những người được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” sớm nhất. Bằng súng bộ binh, Chín Ái đã bắn rơi 2 máy bay của địch. Trong chiến tranh biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế với cách mạng và nhân dân Campuchia, Nguyễn Văn Ái là một trong những người được giao nhiệm vụ đặc biệt, móc nối, giúp bạn xây dựng lực lượng vũ trang ngay từ thời kỳ đầu phôi thai, trứng nước. Trước khi tham gia Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM, Đại tá Nguyễn Văn Ái là Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.HCM. Dù đã từng giữ trọng trách, nay tham gia đội quân thiện nguyện cũng như mọi người, Chín Ái không nề hà bất cứ việc gì khi tổ chức phân công để lo cho gia đình liệt sĩ.
Đội quân thiện nguyện “vác nghĩa tình đồng đội” của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM còn nhiều gương mặt bình dị mà cao quý. Đó là kỹ sư, cựu chiến binh Trình Tự Kha, nguyên khẩu đội trưởng ĐKZ thời chống Mỹ, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Golf Việt Nam (VinaGolf); đó là bác sĩ, luật sư cựu chiến binh Nguyễn Đồng Bằng, nguyên Tổng giám đốc Công ty dịch vụ Tổng hợp Dầu khí Vũng Tàu; Đại tá Bùi Xuân Tiến, nguyên Chính ủy Cục Hậu cần Quân khu 7; Phạm Thị Út, nguyên Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận Tân Bình.
Cả những nhà báo, doanh nhân, sinh viên “con nhà nòi”: Nguyễn Hồng Hà (nhà báo Đan Hà), Thư ký tòa soạn Báo Công lý tại TP.HCM; Nguyễn Thanh Ngà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Địa ốc Xanh Toàn Cầu; Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn SCI Kangnam; Đoàn Minh Phong, nguyên Phó Tổng biên tập Báo phụ nữ TP.HCM; Nguyễn Thị Thảo… cũng dâng hiến thời gian và tâm huyết cho việc tri ân liệt sĩ. Mỗi người một nét, chính họ tạo nên diện mạo, lẵng hoa đa sắc của những người “vác nghĩa tình đồng đội”.