Chủ Nhật, Tháng chín 15, 2024
Trang chủVĂN HÓA-VĂN NGHỆNHỮNG NGƯỜI Ở LẠI

NHỮNG NGƯỜI Ở LẠI

LTS: Đất nước thống nhất đã 46 năm, kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử. Là con Rồng cháu Tiên, mọi người Việt Nam, bất cứ ở đâu, hoàn cảnh nào cũng mong muốn được góp phần xây dựng đất nước. Những người ở lại sau tháng 4 năm 1975 cùng đồng cam cộng khổ với đồng bào mình xây dựng cuộc sống mới.
Nhân kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Linh khí Quốc Gia xin trân trọng giới thiệu bút ký NHỮNG NGƯỜI Ở LẠI của nhà văn – nhà báo Trần Thế Tuyển, nguyên Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng. 

Trước thềm năm mới Tân Sửu 2021, tôi có may mắn cùng các giáo sư về thăm Di tích lịch sử văn hoá quốc gia Khu vực đồn Long Khốt (huyện Vĩnh Hưng tỉnh Long An) chiến trường xưa của chúng tôi.

QUYẾT ĐỊNH ĐÚNG ĐẮN

Trong đoàn có 3 giáo sư mà tôi hằng ngưỡng mộ:
GS – Nhà văn Trình Quang Phú – Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển
Phương Đông, người anh kết nghĩa của tôi gần nửa thế kỷ nay; Gs Nguyễn Khắc Thuần, nhà nghiên cứu lịch sử, thầy dạy tôi thời học Đại học và GS – AHLĐ Võ Tòng Xuân, một nhân sĩ trí thức tại miền Nam, tình nguyện ở lại phục vụ đất nước sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. GS Trình Quang Phú và GS Nguyễn Khắc Thuần đối với tôi đã thân thiết từ lâu. Còn GS Võ Tòng Xuân, nghe danh ông đã nhiều nhưng nay mới có dịp diện kiến, hầu chuyện. Thời đại công nghiệp 4.0, thông tin 5G, chỉ cần gõ trên mạng từ khoá Võ Tòng Xuân chúng ta sẽ nhận được hàng ngàn thông tin về vị nhân sĩ trí thức yêu nước khả kính này.

Khái quát, GS Võ Tòng Xuân người chính gốc miền Tây (Tri Tôn- An Giang) xuất thân từ gia đình nghèo khó. Ông đã vượt qua chính mình học hành bài bản “nhất nghệ tinh” suốt đời nghiên cứu, giảng dạy và sáng tạo ra giống lúa mới nuôi sống con người, góp phần làm giàu cho đất nước. Năm 1961, Võ Tòng Xuân sang du học ở Đại học Nông nghiệp Philippines. Năm 1966 tốt nghiệp xuất sắc cử nhân hoá nông, ông được giữ lại làm nghiên cứu sinh tại Viện Lúa quốc tế ( IRRI). Năm 1971 giữa lúc đang thăng tiến tại IRRI với mức lương hàng ngàn USD mỗi tháng, ông khăn gói về Việt Nam đào tạo đội ngũ kỹ sư nông nghiệp theo lời mời của Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ. Về nước thu nhập thấp, môi trường làm việc hạn chế, nhưng với tình yêu quê hương và khát vọng đổi mới, canh tân, Võ Tòng Xuân đã miệt mài lao động, sáng tạo. Chỉ 2 năm trước giải phóng ( 30/4/1975), Gs đã hướng dẫn 25 sinh viên làm luận án tốt nghiệp. Và điều đáng trân trọng cuối năm 1974, ông sang Nhật bảo vệ luận án tiến sĩ. Có nhiều cơ hội ở lại lập nghiệp, nhưng Võ Tòng Xuân đã trở về quê hương phục vụ sự nghiệp phát triển nông nghiệp Việt Nam. Để bây giờ, đất nước chúng ta có một GS hàng đầu ngành nông nghiệp với nhiều công trình nghiên cứu khoa học về LÚA, người thầy của hàng ngàn nhà khoa học nông nghiệp và là chính khách (Đại biểu Quốc hội 03 Khoá) Anh hùng Lao động và Hiệu trưởng nhiều trường Đại học danh tiếng thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nay đã vào tuổi bát tuần, nhưng Gs Xuân vẫn tráng kiện và minh mẫn. Thăm đền thờ liệt sĩ Long Khốt, nơi thờ phụng hơn 5000 liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến tại đây, Gs Võ Tòng Xuân không giấu được xúc động. Nước mắt đọng bờ mi, GS tâm sự : “ Tôi gắn bó với cây lúa đồng bằng sông Cửu Long gần như hết cả cuộc đời, đến đây tôi thật sự xúc động. Để có hạt lúa nơi mảnh đất Chín Rồng này đã có biết bao người ngã xuống. Các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cao cả. Đúng như đôi câu đối đã khắc ghi trong đền:

Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc                                                                                                             

Hồn bay lên hoá linh khí Quốc gia  (TTT).

 

Đền thờ liệt sĩ tại Di tích lịch sử quốc gia khu vực đồn Long Khốt.

Năm tháng qua đi, tôi càng thấy sự lựa chọn của mình trở về phục vụ đất nước là một quyết định đúng đắn” .

NGƯỜI TA KHÓC, CÒN MÌNH THÌ MỈM CƯỜI

Gần nửa thế kỷ nay, tên tuổi của GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng thật gần gũi với mọi người, nhất là bà mẹ trẻ. Danh tiếng của bà gắn liền với những công trình cứu sống bà mẹ và trẻ em, mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình, đặc biệt những cặp vợ chồng “ hiếm muộn”.

Sinh ra tại Biên Hoà, nhưng ông bà tổ tiên của Nguyễn Thị Ngọc Phượng ở quận Thủ Đức TP. Hồ Chí Minh ngày nay. Cha mẹ sang làm việc ở đồn điền cao su Chúp ( Koongpong Chàm-Campuchia ), Ngọc Phượng ở với bà ngoại. Năm 8 tuổi Phượng bị mắc bạo bệnh. Nhờ một bác sĩ người Pháp cứu chữa, từ đó Nguyễn Thị Ngọc Phượng nuôi ước mơ trở thành bác sĩ để cứu người. Ước mơ ấy đã trở thành sự thật. Cô nữ sinh Trung học Gia Long đã trở thành sinh viên Đại học Y khoa Sài Gòn. Gia đình nghèo, Phượng đã làm bất cứ công việc lương thiện nào để có tiền ăn học. Năm 1970 tốt nghiệp xuất sắc Bác sĩ y khoa, bà tiếp tục học sau đại học và năm 1973, Nguyễn Thị Ngọc Phượng đủ chứng chỉ công nhận là tiến sĩ y khoa tại Hoa Kỳ. Năm 1974 bà tốt nghiệp sau đại học chuyên ngành phụ khoa. Điều đáng trân trọng, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30 tháng 4 năm 1975), được chồng bảo lãnh sang định cư tại Cộng hoà Pháp, nhưng bà và các con quyết định ở lại Việt Nam. BS Vương Thị Ngọc Lan, con gái của bà là bác sĩ sản khoa nổi tiếng trong lĩnh vực thụ tinh ống nghiệm được thay mặt tập thể nữ nhận giải thưởng Kovalevskaya năm 1998.

 

Nhà văn Trình Quang Phú, GS Võ Tòng Xuân cùng đoàn Hội HTGĐLS TP. HCM viếng đền thờ liệt sĩ Long Khốt.         

Sự lựa chọn ở lại phục vụ đất nước của Nguyễn Thị Ngọc Phượng cách nay 46 năm đã cho chúng ta một GS – BS đầu ngành tài năng, đức độ, một Anh Hùng lao động – Thầy thuốc Nhân dân, một giám đốc bệnh viện danh tiếng (Bv Phụ sản Từ Dũ – Viện Tim TP. HCM ); một chính khách mẫu mực (Đại biểu Quốc hội 03 khoá liền VII VIII IX – Phó Chủ tịch Quốc hội khoá VIII …); người đặt nền móng cho công trình “ thụ tinh trong ống nghiệm” đầu tiên ở Việt Nam. Và đó là một phụ nữ Việt có triết lý sống thật mạnh mẽ và nhân văn. Đến nay, mọi người vẫn chưa quên những phát biểu nổi tiếng của bà, trong đó có: “Khi ta mới sinh ra thì ta khóc, mọi người nhìn ta mỉm cười. Hãy sống sao cho đến khi ta chết, mọi người nhìn ta khóc, còn ta thì mỉm cười”.

NGƯỜI BẢO VỆ VÀ GIỮ CHÂN TRÍ THỨC

Sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (tức ông Sáu Dân) được mọi người suy tôn là người bảo vệ và giữ chân trí thức.
Việc “bảo vệ và giữ chân” ấy của vị cựu Bí thư Thành ủy TP. HCM, cựu Thủ tướng có những ý kiến khác nhau. Nhưng thời gian đã trả lời công bằng nhất. Việc bảo vệ và giữ chân trí thức, nhân sĩ ở miền Nam nước ta sau ngày đất nước thống nhất với vô vàn khó khăn là một việc làm có tầm chiến lược, giàu tính nhân văn. Người xưa có câu: “ Hiền tài là nguyên khí quốc gia” (Thân Nhân Trung).

Nhà văn Trình Quang Phú, GS Võ Tòng Xuân cùng đoàn Hội HTGĐLS TP. HCM viếng đền thờ liệt sĩ Long Khốt.   

      
Thời nào, chế độ nào cũng cần trân trọng và sử dụng hiền tài. Cách nay hơn 10 năm (2008) nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đột ngột ra đi. Lễ tang của Ông được Đảng, Nhà nước ta cử hành trọng thể tại TP. HCM và Hà Nội. Là nhà báo đã nhiều lần có dịp làm việc với ông, ngày ông Sáu Dân về với tổ tiên tôi theo dòng người đến viếng ông ở hội trường Thống Nhất ( TP. HCM ). Trong dòng người như nước chảy ấy tôi gặp nhiều nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ trước năm 1975, đã ở lại phục vụ đất nước. Ông Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng Thư ký Hội trí thức yêu nước thời ông Sáu Dân làm Bí thư Thành ủy kể lại: “Ông Sáu luôn quan tâm bảo vệ và giữ chân nhân sĩ trí thức, động viên họ ở lại phục vụ đất nước”. Mọi người còn nhớ sau 1975, có một dòng người rời bỏ đất nước ra định cư ở nước ngoài. Có nhiều cách ra đi, trong đó có không ít người “vượt biên”. Mỗi lần ông Sáu nghe báo cáo về các nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ, nhà khoa học “vượt biên” ông buồn nhiều hơn giận họ. GS Chu Phạm Ngọc Sơn kể lại, năm 1980, trong lúc GS đi công tác tại Liên Xô thì một người con của ông ở nhà nghe theo bạn bè vượt biên. Gặp GS Sơn ông Sáu chia sẻ: “Để cháu đi như thế, có gì, tôi và anh đều có tội”. Thành phố lúc ấy khó khăn trăm bề, vợ con GS Sơn không chịu nổi xin ra định cư ở nước ngoài. Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt nói với GS Sơn: “Nếu chị và mấy người dứt tâm đi thì để họ đi. Họ đi rồi sẽ có ngày trở về. Để tôi đưa họ đi. Đừng vượt biên, nguy hiểm lắm”. Cách nhìn của vị lãnh đạo đứng đầu thành phố lúc ấy không phải ai cũng tán đồng. Có người còn nặng lời với ông. Nhưng thời gian đã chứng minh,cách nhìn ấy thật nhân văn. Thực hiện chính sách hoà giải hoà hợp dân tộc của Đảng và nhà nước ta, bây giờ mấy triệu kiều bào ta ở nước ngoài như dòng chảy đã trở về chung tay xây dựng đất nước.

Trong bài viết “Sức sống diệu kỳ” khóc ông Sáu đăng trên báo Sài Gòn Giải phóng số chủ nhật ngày 15/6/2008, tôi đã kể với mọi người kỷ niệm ấy. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một trong những lãnh đạo của Đảng và nhà nước ta có tầm nhìn chiến lược, nhân văn về vấn đề này. Dẫu có thể có người chưa hiểu, chưa ủng hộ, nhưng ông Sáu vẫn nghĩ và làm đúng lương tâm của mình: Bảo vệ và giữ chân nhân sĩ trí thức – nguyên khí quốc gia; xoá bỏ định kiến; tạo cơ hội cho họ cống hiến sức lực và tài năng, góp phần xây dựng đất nước./.

                                                                                                                                                                                                                        TRẦN THẾ TUYỂN

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây