LTS: Tháng 3/2023, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – nguyên UVTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã xuất bản cuốn hồi ký “Người thầy”. Cuốn sách kể về những kỷ niệm sâu sắc của ông với người thầy của mình là Thiếu tướng Đặng Trần Đức (Ba Quốc) – một nhà tình báo tài ba từng mang lon trung tá trong phủ Đặc ủy tình báo của chính quyền VNCH trước năm 1975 – người đã dìu dắt ông từ một sĩ quan trẻ trở thành Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo quân đội Nhân dân Việt Nam. Nhân dịp này, tòa soạn xin trích đăng một chương trong cuốn sách trên có tựa đề Bà Mai, để hiểu thêm về cách đối nhân xử thế của vị tướng tình báo nổi tiếng Đặng Trần Đức.
“Câu chuyện về bà Mai ông Ba đã từng kể với tôi trong quãng thời gian thầy trò tôi ở Campuchia, ông kể nhiều kỷ niệm với người phụ nữ đặc biệt mà ông thân thiết khi ở địch hậu.
Theo lời ông Ba, ông quan hệ thân thiết với bà Mai từ năm 1960. Bà Mai có sắc đẹp nổi tiếng ở Sài Gòn, chơi thân với bà Trần Lệ Xuân (vợ Ngô Đình Nhu -TG).
Phụ nữ Sài Gòn lúc đó ít học, chỉ đi buôn là chính, nhưng bà Mai lại rất trí thức, ăn chơi sành điệu. Ông Ba bảo người ta nói thời đó bà Trần Lệ Xuân là người phụ nữ đầu tiên mặc mốt áo dài không cổ, nhưng không phải, chính bà Mai mới là người mặc mẫu áo dài đó đầu tiên ở Sài Gòn.
Bà Mai rất đẹp, dáng người thanh mảnh, phong cách cao bồi rất ấn tượng. Vào thập niên 60 mà bà đã mặc quần ống tuýp, áo dài tứ thân vô cùng sành điệu, vừa ăn chơi, vừa rất trí thức. Bà Mai đứng đầu một nhóm phụ nữ nổi tiếng Sài Gòn toàn những bà nhà giàu, chồng làm quan to. Bà còn là Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ Cộng hòa, một tổ chức nữ quyền nổi tiếng lúc bấy giờ ở Sài Gòn.
Chồng bà – ông Trần là quan chức cao cấp của chính quyền Sài Gòn, nhưng ông ta cũng là người của CIA, một trong những người được cấp sổ lương “1 đô la” (tức là thẻ ngân hàng có thể tiêu hàng triệu đô la, nhưng số lương của CIA thì chỉ thể hiện nhận được 1 đô la/1 tháng). Ông Ba cũng từng được nhận lương “1 đô la” của CIA trong một thời gian ngắn và ông chồng bà Mai cũng thế. Có thể nói, người chống cộng có tri thức, có bài vở chính là chồng bà Mai.
Ông Ba kể:
Tôi quen và quý trọng bà Mai, bà ấy cũng rất quý tôi. Đầu tiên tôi định thông qua bà ấy tác động đến chồng bà ta vì hồi đó công việc của tôi là về đảng phái và các tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, tôi không thuyết phục được vì ông ta là người của CIA. Nhưng qua bà Mai, tôi lại có nhiều thuận lợi, dùng kênh này để tạo quan hệ với các giới chức Sài Gòn.
Năm 1973, lúc ấy ông Ba chưa bị lộ, ông gặp bà Mai thì nghe bà nói:
– Em nghe công an bảo Phủ Đặc ủy có cộng sản nằm vùng, có người nghi anh đấy. Nhưng em bảo ngay với chồng em là ông Tá làm sao mà làm cộng sản được? Ông ấy mà là cộng sản thì các anh thua lâu rồi, trước sau cũng thua!
Cuối năm 1973, một lần gặp khác với bà Mai, bà lại bảo với ông Ba:
– Em di Mỹ!
Ông Ba còn chưa kịp nói gì thì bà xả một tràng:
– Em phải đi Mỹ, quốc gia không thể nào thắng được đâu, trước sau cũng đổ. Những người như anh mà theo cộng sản thì chế độ này không bao giờ đứng vững được.
Ông Ba nghe rất lo. Bà Mai “thả” một câu như vậy rồi đi Mỹ. Sau đấy một thời gian thì chồng bà cũng đi.
Kể lại chuyện này với tôi, ông Ba bảo: “Lúc đó bà ấy nghe tin ở đâu đó, bà cũng nghi nghi, nhưng đoán chắc tôi là người bên mình rồi nên bà mới nói với tôi câu ấy, rồi bà đi Mỹ, cậu ạ!”.
Tôi hỏi ông Ba:
– Sau này chú có liên hệ với cô ấy không?
– Không!
– Sao chú không giữ liên lạc, cô ấy tốt như thế mà!
– Không! Bà ấy là người của bên kia!
Lúc kể chuyện với tôi ở Campuchia thì ông Ba không nói tên thật của bà Mai, ông gọi là “bà vợ ông Trần”. Nhưng sau này, năm 1995, lúc tôi làm Cục phó Cục 12 thì một hôm ông Ba bảo tôi:
– Hôm nay cậu đi mời khách cho tôi, đón ở khách sạn Caraven, lúc 4 giờ. Bảo cậu Đồng đến chuẩn bị cho tôi bữa cơm đãi khách.
Ông bảo với tôi người khách là bà Mai, rồi cho tôi biết cả số phòng bà ở khách sạn, nhưng dặn:
– Cậu không cần hỏi đâu, bà ấy sẽ đợi cậu ở lobby khách sạn, cậu đến đón bà ấy về đây.
Hôm ấy, tôi nhớ điểm hẹn gặp là ngôi nhà mặt phố Nguyễn Văn Mai, gần nhà ông Hai Nhạ. Tôi không nhớ chuyện cũ đã nghe hồi ở Campuchia, mà người cũ hồi ông kể thì tên cũng không phải là Mai, chỉ biết là một người phụ nữ, cũng lớn tuổi, cỡ ngang ông Ba.
Ông còn dặn thêm tôi:
– Cậu chuẩn bị cơm
– Thưa chú, chuẩn bị mấy người ăn?
– Hai người, à ba người, cậu ngồi ăn cùng luôn
Đấy là người phụ nữ đầu tiên ông hẹn gặp, không bao giờ ông hẹn gặp riêng người phụ nữ nào khác.
Tôi ở trong Nam lâu nên học được cách của ông Ba nói chuyện với người “quốc gia” ngày trước, không phải là “Chào bác hay chào cô” mà:
– Thưa bà, bà có phải bà Mai?
– Đúng, có phải anh Tá (một tên gọi khác của ông Ba) bảo chú em đến đón tôi không?
– Dạ phải! Mời bà.
Tôi định đi đón bà Mai bằng xe của tôi nhưng ông Ba bảo đi xe của ông, do Phú lái. Chiếc xe này ông không cho ai đi việc khác bao giờ, tôi nghĩ chắc ông không muốn nhiều người biết chuyện. Tôi mở cửa xe cho bà Mai ngồi vào, rồi đưa bà về phố Nguyễn Văn Mai. Đến con hẻm nhỏ gần chợ Tân Định rẽ vào thì ông Ba đã chờ sẵn ở đó.
Cung cách của ông ảnh hưởng đến tôi nhiều lắm nên khi tôi gặp mấy ông bà người Sài Gòn cũ người ta cũng thích tôi, kiểu Sài Gòn xưa người ta có cung cách ứng xử rất lịch thiệp. Lúc đón bà Mai, ông Ba đứng đó cười cười. Tôi nhớ mãi điệu cười của ông, cười và không nói gì, rất bình thản, không hề lúng túng.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (trái) và người thầy tình báo tài ba của ông – Anh hùng LLVTND Đặng Trần Đức.
Lúc ngồi xuống ghế bà Mai cất giọng rất tự nhiên:
– Trời ơi anh Tá, sao mà anh gầy thế này anh Tá.
Rồi bà đưa tay vuốt tay ông một cái. Tôi thấy thế đứng dậy định đi ra liền, nhưng ông hỏi:
– Cậu đi đâu đấy?
– Cháu ra ngoài chuẩn bị cơm.
Tôi chưa bao giờ thấy ai dám vuốt tay ông ấy, nhưng bà Mai này đúng là kiểu như ông Ba từng nói, phong cách tự tin, phóng khoáng, nhưng rất thân tình. Lúc đó là năm 1995, ông 72 tuổi, bà ấy gần 70.
Bà ấy cũng rất quý tôi. Lúc vào bữa cơm, ông Ba nói với bà:
– Cậu này ở với tôi lâu, là người giúp việc cho tôi.
Bà Mai cười bảo:
– Em thấy anh Tá ở đâu cũng có những người trung thành.
Bà ấy nói rất tự nhiên, tôi nghe phỉnh cả mũi. Dân Sài Gòn mà ca thì hay lắm. Một lát sau tôi đi ra, hai ông bà thoải mái trò chuyện. Bữa cơm ấy kéo dài, ông Ba uống rượu thuốc, tôi chuẩn bị rượu vang cho bà Mai. Sau vào thấy chỉ còn nửa chai vang, nghĩa là ông bà uống cũng… ác liệt!
Rồi tôi đưa bà Mai về. Dọc đường tôi không nói câu gì, nhưng bà chủ động hỏi:
– Chú em ở với anh Tá lâu chưa?
– Dạ thưa, hơn 10 năm ạ!
– Dạo này anh Tá thế nào? Bà Xuân dạo này sao?
Bà nói nhiều chuyện lắm, còn nói:
– Tôi biết cậu Phong con trai ông bà ấy mà.
Bà còn biết ông Tá có một đời vợ ở Hà Nội, không hiểu vì sao bà biết, tôi đoán chắc ông Tá “khai” với bà.
Câu chuyện đến thế thôi, nhưng sau này có một lần khi ngồi uống rượu với ông Ba, lần duy nhất tôi hỏi ông về bà ấy:
– Chú không có điện thoại, thư từ, sao chú biết bà Mai về, sao chú biết ở khách sạn đó, sao chú hẹn 4 giờ đón bà? Một quy ước hoàn chỉnh?…
Ông im lặng không nói gì, quay sang chỗ khác. Một lúc, ông nhắc lại câu chuyện kia, là khi bà đi Mỹ, bà đánh động cho ông là “người ta biết anh là cộng sản rồi!”. Lần ấy bà cũng nói với ông: “Những người như anh mà theo cộng sản thì chế độ này không bao giờ đứng vững được”.
Sau thời điểm gặp lại bà Mai, ông Ba cũng có kế hoạch làm việc liên quan đến Mỹ, chuẩn bị cho bình thường hóa quan hệ, đang rất cần đầu mối bên ấy. Tôi lại gợi ý với ông:
– Chú cho cháu đầu mối để cho người gặp bà Mai được không?
– Không!, Ông dứt khoát.
Hàng đầu từ trái sang, các nhà tình báo nổi tiếng trong đánh Mỹ: Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ, Thiếu tướng Đặng Trần Đức, Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn.
Rồi ông trầm ngâm:
– Đời người ta hy sinh giúp mình một lần là quá đủ, đừng làm phiền thêm nữa, lại nguy hiểm cho người ta
Đó là câu chuyện ông Ba với bà Mai. Sau này mỗi lần tôi ngồi với các con ông Ba, kể chuyện về ông, về bà Mai với chị Giang, anh Thành và cháu Hà (con gái chị Giang) cả nhà đều không gợn lòng về mối quan hệ ấy, thậm chí cô cháu gái của ông Ba còn bảo:
– Cháu chỉ ước nhìn thấy bà Mai ấy!
Bà Mai giờ cũng đã mất rồi. Tôi nghĩ, những người như bà ấy, có tình cảm chân thành với ông Ba và cũng có thể hy sinh vì ông, nhưng để bà ấy quay lại với lý tưởng khác thì chính ông Ba cũng hiểu là không bao giờ. Một mối quan hệ đặc biệt, hai con người ở hai bên chiến tuyến, rất trọng nhau nhưng vẫn có giới hạn, họ cư xử với nhau rất cao thượng, rất người.
Sau này tôi được biết, bà Mai mang nỗi đau lớn khi con trai bà là sĩ quan chế độ cũ, tử trận vào ngày 14 tháng 4 năm 1975. Vì vậy ông không cho tôi liên lạc với bà ấy, ông hiểu bà ấy đến mức như thế, kiểu như: “Vì tình cảm giữa con người với nhau, cần việc gì tôi sẽ giúp ông. Nhưng để tôi đến với lý tưởng của ông thì không!”.
Câu chuyện cũng cho thấy, ông Ba rất trân trọng những người đã giúp mình thời trong địch hậu, mặc dù họ đứng ở chiến tuyến bên kia, mặc dù người ta mang tư tưởng “chống cộng”.
Trích hồi ký của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh