Ghi theo lời kể của anh Nguyễn Ngọc Thanh xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, là chiến sĩ xạ thủ B40 trong trận đánh năm 1972 tại Quảng Trị. Hiện anh đang sống tại khóm 22, ấp Hoà Phú 4, thị trấn An Châu, Châu Thành An Giang.
Theo đoàn quân miền Bắc chi viện vào miền Nam phục vụ cho chiến trường, vào lúc 20 giờ ngày 30/3/1972 đơn vị tôi được lệnh vượt sông Bến Hải.
Sông Bến Hải hay còn gọi là sông Hiền Lương nối liền tỉnh Quảng Bình với Quảng Trị, nơi đây là vỹ tuyến 17 vô cùng ác liệt. Ngày ấy, trong ba lô bộ đội, ai cũng có một tấm vải ni long hình chữ nhật có cạnh 2,5 mét và 1,5 mét, gọi là tấm tăng. Tăng dùng để che mưa, trùm lên võng hay đùm ba lô hoặc làm “phao” những khi vượt sông.
Anh Nguyễn Ngọc Thanh chiến sĩ xạ thủ B40 trong trận đánh năm 1972 tại Quảng Trị
Đơn vị tôi khi ấy được gọi là “quân tiên phong”. Tối đó, chuẩn bị vượt sông, chúng tôi lột quần áo, giày, ba lô cho vào tăng gói kỹ. Qua sông, súng gác trên tăng, một tay giữ súng và tăng, một tay làm chèo… khẩn trương bơi qua bờ bên sẵn sàng chiến đấu.
Những ngày đầu, chúng tôi đào công sự giữa đồi đá sỏi quá cứng, ai nấy mệt nhoài. Không được chi viện lương thực vì địch lùng soát rất cẩn mật, chúng tôi phải ăn lương khô thay cơm. Nước mỗi người chỉ được một bình tong, khi nào khát khô họng mới được nhấp vài hớp.
Mùa hè Quảng Trị gió Lào thổi về nóng rát, khô hanh rất oi bức cộng với tiếng pháo nổ long trời, khói thuốc súng bom nồng nặc, những tia xanh, đỏ chớp loé… Tất cả bao vây chúng tôi đến ngộp thở.
Thời gian này đơn vị chủ yếu phòng ngự, tư thế sẵn sàng chờ lệnh chiến đấu. Đơn vị được lệnh tập kích chiếm cao điểm đó là điểm chốt của lực lượng xe tăng thiết giáp biệt hiệu Trâu Điên của địch.
Đêm 14/04/1972 lợi dụng cơ hội địch đang còn trong hầm trú quân chưa kịp bò lên chốt, mình bắt đầu tấn công.
Khoảng 5 giờ sáng, tiếng ầm ầm bom đạn xen lẫn tiếng két két của bánh xe tăng đang rú lên, đơn vị tôi gồm hai tiểu đoàn 8 và 9 đang chờ sẵn sàng chiến đấu. Trời càng sáng càng nhìn thấy rõ địch đang tiến thẳng về hướng chúng tôi cách chừng 150 mét, và cùng lúc tiểu đội trưởng Xuân Sách đang ở hầm bên kia cách tôi chừng 6 mét hô to: “Xạ thủ B40 đồng chí Thanh chuẩn bị để địch càng đến gần càng tốt rồi hãy bắn”. Tôi hồi hộp tay đưa vào cò súng, tư thế sẵn sàng, giọng dõng dạc: “Rõ”.
Cùng chung tiếng súng của đồng đội và các đại đội chốt vòng cung xuyên ngang hông hướng tấn công của địch, loạt đạn đầu bắn cháy một xe jeep chỉ huy và hai xe tăng của địch. Bọn chúng co lại dùng hỏa lực, tập trung bắn xối xả vào các hầm chiến đấu của chúng ta rất dữ dội, cả trận địa ầm vang khói đạn, tiếng đạn hỏa lực rền vang của xe tăng lẫn tiếng súng B40, B41 và tiếng RBK, AK trên bầu trời đục ngầu lửa khói suốt ngày đêm không ngớt. Bộ đội ta thương vong nặng nề, địch cũng tổn thất lớn.
19 giờ tối chúng tôi được lệnh rút quân để củng cố lực lượng và chờ tiếp viện thêm quân.
Sáng hôm sau, mình bố trí hình vòng cung đánh phá tan hàng rào thiết giáp Trâu Điên của địch để giải phóng Đông Hà, Cam Lộ. Trong trận đánh này có các đồng chí trợ thủ hỗ trợ cho hỏa lực bắn tăng. Đồng chí Lê Đình Thận cùng nhiều đồng chí trong đơn vị đã hy sinh.
Người luôn hỗ trợ cho tôi bắn B40 là xạ thủ RBK Phạm Hùng Vinh quê xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa.
Rạng sáng 26/04/1972 cao điểm của địch 246 ở Cam Lộ, Đông Hà chúng tôi được lệnh tập kích bao vây xung quanh chân cao điểm 246 của địch chiếm giữ điểm cao 246, chờ lệnh tiến công. Rạng sáng hôm 27/4 chúng tôi được lệnh tiến công, tiếng hô xung phong xé toạc cả bầu trời xen lẫn tiếng súng AK và tiếng rung của lựu đạn liên hồi ầm vang, cả không gian chớp lia lịa xanh đỏ nghi ngút giữa màn trời bao la đầy khói. Địch bị đánh bất ngờ chúng la thất thanh, hò hét nhau náo loạn, chúng bị tiêu diệt, chết ngổn ngang, tiếng kêu gọi đầu hàng vang vang của bộ đội ta, thỉnh thoảng có tiếng súng AR 15 của địch yếu ớt.
Chúng tôi tiến lên tiếp tục đánh giải phóng cầu Lai Phước, tiến tới đánh giải phóng động Ông Do. Trận đánh đó gồm có sư đoàn 320, 308, 304, 325 tất cả tham gia đánh chốt cao điểm tại trung tâm thành cổ Quảng Trị giành thắng lợi.
Tại trận đánh này, tôi bị thương, viên đạn xuyên qua gối trong lúc xung phong, cùng lúc đó tiểu đội phó Phạm Xuân Mỏng quê ở Vĩnh Hảo, Hải Phòng bị trúng đạn vào bộ hạ gục xuống cách tôi chừng 3 mét, chỉ vài phút sau đồng chí Phạm Hùng Vinh cũng lăn ra vì trúng đạn.
Một trận chiến bên trong thành cổ Quảng Trị, năm 1972. Ảnh Đoàn Công Tính
Đơn vị vẫn thừa thắng xông lên phá tan cao điểm của địch, còn những người bị thương thì được đưa xuống mương song hào, ở mương song hào cỏ mọc um tùm. Ở dưới mương song hào có y tá băng bó, còn đơn vị thì vẫn tiếp tục tiến lên theo trận đánh.
Mương nhỏ nên tôi ngồi nghiêng không cử động được, đạn xuyên đầu gối máu chảy ra ướt hết gạc chảy xuống chân đọng lại ở bàn chân. Đồng chí Phạm Xuân Mỏng bị rất nặng, khoảng 20 phút sau thì hy sinh.
Ba ngày sau bộ đội ta đi ngang qua thấy mới chôn cất đồng chí Mỏng và đưa tôi, đồng chí Vinh về trạm quân y cứu chữa…
50 Năm đã đi qua, thỉnh thoảng trong giấc chiêm bao, bên tai tôi vẫn văng vẳng tiếng hô xung phong, tiếng la thất thanh, tiếng hò hét nhau náo loạn của địch, tiếng kêu gọi đầu hàng vang vang của bộ đội ta… Hình ảnh đồng chí Phạm Xuân Mỏng cùng những đồng đội đã nằm xuống trong trận đánh vẫn thường làm tôi thức giấc giữa đêm…
Kim Nguyễn