Thứ Hai, Tháng Chín 9, 2024
Trang chủNHỊP CẦU BẠN ĐỌCNhững người lính già và nghĩa tình với đồng đội

Những người lính già và nghĩa tình với đồng đội

Khi còn ở tuổi đôi mươi, các anh cống hiến trọn tuổi xuân cho đất nước, cho cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, đến nay đã ở cuối dốc cuộc đời, sức tàn lực tận nhưng những cựu chiến binh vẫn cố gắng làm tròn nghĩa tình với đồng đội, giữa người còn sống với người đã khuất.

Chiến tranh đánh Mỹ qua rồi

Chiến tranh biên giới một thời đã qua

Nay về hưu trí tuổi già

Vì dân vì nước chúng ta vẫn làm

Đó là những vần thơ mà ông Lê Trường Giang – Trưởng Ban LLTT Trung đoàn 16, Sư đoàn 5 nói về những cựu chiến binh “anh dũng” trong thời bình. Dù đã 70, 80 tuổi nhưng họ vẫn không quản ngại khó khăn, sẵn sàng bỏ công sức, tiền của đi tìm hương hồn của những người đã khuất.

Nhiều năm qua, với vai trò Ủy viên Ban Chấp hành Hội Hỗ trợ gia đinh liệt sĩ TPHCM, nhờ có đồng lương hưu trí, những cựu chiến binh của Trung đoàn 16 đã đi khắp các nghĩa trang liệt sĩ, xuống các bản làng ngày xưa đơn vị chiến đấu ở các tỉnh Đông Nam Bộ để nắm bắt tin tức phục vụ việc xác minh phần mộ liệt sĩ và danh tính các Anh hùng liệt sĩ.

Trò chuyện với cựu chiến binh Lê Trường Giang, chúng tôi cảm nhận được những khó khăn trong công tác tìm kiếm đồng đội. Ông Giang kể, sau khi đi thực tế, ông và các cựu chiến binh phải dò lại danh sách liệt sĩ đang lưu trữ của đơn vị, so sánh, xác minh từng người, xem liệt sĩ nào đúng người của đơn vị có phần mộ, liệt sĩ nào sai lệch thông tin trên bia mộ với danh sách đơn vị quản lý. Tiếp đó, các ông làm hồ sơ báo về Sở LĐ-TB&XH, chính quyền địa phương và hướng dẫn gia đình làm thủ tục đi nhận mộ. Đến nay, các cựu chiến binh đã giúp 1.500 gia đình tìm được mộ.

Ông Giang và các cựu chiến binh của Trung đoàn 16 làm lễ cất bốc hài cốt liệt sĩ 

Trong suốt những năm tháng đó, nhiều gia đình gần như rơi vào tuyệt vọng vì hơn nửa thế kỷ đi tìm mộ người thân. “Ông ở đâu rồi? hy sinh ở đâu? còn xác không hay trôi sông, trôi biển rồi”? có những gia đình bán hết lúa, khoai, đồ đạc trong nhà để mua vé xe tàu đi tìm cha nhưng đi mãi, hết vào Nam lại ra Bắc, hết tiền rồi quay về nhà thắp nhang cầu khẩn nhưng vẫn không tìm thấy.

“Sau khi giúp các gia đình tìm được phần mộ, nhiều người điện thoại cảm ơn, tiếng khóc trong máy còn to hơn tiếng điện thoại. Họ nói: “Các anh thông cảm, năm mươi năm rồi, gần như tuyệt vọng, nay các anh giúp đỡ tìm kiếm phần mộ, chúng tôi vô cùng cảm ơn người lính Cụ Hồ có tâm, có đức”, ông Giang bồi hồi kể lại.

Trong nhiều trường hợp đã giúp, ông Giang nhớ nhất về hai liệt sĩ Trần Văn Trược và Hồ Văn Quán. Trong đó, liệt sĩ Trần Văn Trược, con ông Trần Văn Kè, sinh năm 1938, nhập ngũ tháng 4/1961 tại C11 Trung đoàn 16, quê xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Liệt sĩ Trược hy sinh ngày 16/9/1968 tại xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.

Sau khi đất nước thống nhất, mộ liệt sĩ Trược được quy tập về Nghĩa trang Đồi 82, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Phần mộ ghi sai tên và ngày hy sinh: Trần Văn Chước, hy sinh 19/6/1968.

Gia đình liệt sĩ Trược sống trong vùng chiến tranh tàn khốc, sau khi hoà bình lập lại càng nghèo khó, mấy anh em cùng nhau đi khắp Đông Nam Bộ tìm mộ nhưng không thấy. Năm 2014, gia đình ra Bà Rịa – Vũng Tàu nhờ nhà ngoại cảm Năm Nghĩa, sau nhiều giờ cúng vái cầu hồn, bà Năm chỉ mộ anh Trược ở Nghĩa trang cầu xe Hưng Thuận, Trảng Bàng, Tây Ninh. Bà Năm chỉ cho ngôi mộ không tên, cả nhà cúng vái bảy năm trời nhưng cô Thảo, em liệt sĩ Trược nghĩ không phải, sau đó cô vào quản trang thì được giới thiệu và cho số điện thoại, địa chỉ của ông Giang.

Dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ, những người không tiếc máu xương cho Tổ quốc

Tiếp đó, cả gia đình cô Thảo tìm đến gặp ông Giang ở quận Tân Bình, TPHCM. Sau khi xem giấy báo tử, ông cho gia đình xem danh sách liệt sĩ có tên Trần Văn Trược và ông nhận lời đi tìm giúp. Ông nhiều lần đến các nghĩa trang ở Tây Ninh nhưng vẫn không thấy, rồi ông quyết định đi tiếp lên đồi 8, cách nhà 140km, giữa tiết trời oi bức, ông nhìn thấy mộ liệt sĩ Trần Văn Chược, quê Bình Dương.

“Đúng rồi, nghĩa trang liệt sĩ ghi sai tên là Trần Văn Chược, sau đó ông chụp ảnh mộ, về nhà làm hồ sơ gửi gia đình cô Thảo và làm thủ tục xác minh gửi hai Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương và Tây Ninh”, ông Giang nhớ lại.

Sau 50 năm chạy ngược chạy xuôi tìm kiếm vất vả, gia đình cô Thảo vui mừng khôn xiết, cảm ơn các anh Ban LLTT Trung đoàn 16, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM đã giúp gia đình cô tìm được mộ của người anh.

Thứ hai là trường hợp liệt sĩ Hồ Văn Quán, sinh năm 1946, quê Nam Lạc, Nam Đàn, Nghê An, con ông Hồ Văn Hệ, hy sinh ngày 3/5/1968, trong chiến dịch Mậu Thân. Trước đó, ông Hồ Văn Hội, Đại tá công an, là em trai liệt sĩ Hồ Văn Quán cùng gia đình vào Nam tìm mộ nhiều lần mà không thấy. Có lần vào Nghĩa trang liệt sĩ Quận 9 thấy mộ Hồ Văn Quách, quê Lâm Đạt, Nam Đàn, Nghệ An nhưng khi vào gặp quản trang trình giấy tờ báo tử thì quản trang trả lời liệt sĩ sai tên, sai quê nên không thể cho nhận, thế là cả gia đình lủi thủi ra về trong niềm thương tiếc vô hạn.

Sau khi được kết nối, ông Giang và nhiều cựu chiến binh của Trung đoàn 16 đã đi từng nghĩa trang nghiên cứu từng ngôi mộ, rồi về xem lại danh sách liệt sĩ lưu trữ trước 1975 để lại làm thủ tục xác minh xem liệt sĩ Hồ Văn Quán và Hồ Văn Quách có phải là 1 người không, rồi gửi Sở LĐ-TB&XH Nghệ An và TPHCM cùng điều tra.

Các cựu chiến binh đã giúp hàng ngàn gia đình tìm được mộ của thân nhân

Sau thời gian thẩm định, các cơ quan và quản trang đều nhất trí Hồ văn Quán là tên liệt sĩ đúng, Hồ Văn Quách là sai, đồng ý sửa lại, còn quê quán Nam Lạc, Nam Đàn, Nghệ An là đúng; còn Nam Đàn không có xã Lâm Đạt.

“Nếu không có các anh giúp đỡ tìm kiếm thì trăm năm sau gia đình tôi cũng không tìm được mộ anh tôi, ôi sao mà có các anh, cảm ơn các anh rất nhiều”, Đại tá Hồ Văn Hội nói với ông Giang và những cựu chiến binh của Trung đoàn 16.

Lễ cất bốc, đưa tiễn liệt sĩ Hồ Văn Quán và đồng đội Lê Văn Lương cùng đơn vị có mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quận 9 được tiến hành vào ngày 10/4/2022, với sự giúp đỡ, hướng dẫn của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM và Ban LLTT Trung đoàn 16. Cũng tại đây, mỗi gia đình liệt sĩ được viếng 2,5 triệu đồng.

Có đi mới biết nghĩa trang

Có làm mới biết rõ ràng tên anh

Biết rồi báo với gia đình

Đừng để yên đó tội tình người ta

Tội cho các mẹ tuổi già

Ngày đêm trông ngóng ruột rà quặn đau

Tội cho người vợ âu sầu

Ngày đêm thương nhớ quặn đau cõi lòng

Những câu thơ vừa nói lên nỗi niềm vừa hối thúc những người cựu chiến binh phải có trách nhiệm với hàng ngàn, hàng vạn đồng đội, đồng chí đã anh dũng hy sinh. Ông Giang từng tâm sự: “Tuổi già chúng tôi như mặt trời gần lặn, còn hơi còn sức cần làm ngay kẻo quá muộn, lớp trẻ hậu sinh muốn làm cũng khó… bởi đây là một công việc rất dài hơi”.

Kim Sáng

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây