Thứ Hai, Tháng Mười Hai 4, 2023

Những người làm việc nghĩa

2023 là năm khởi động các chương trình, kế hoạch hướng tới Đại lễ kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất (30/4/1975 – 30/4/2025). Trong chuỗi hoạt động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, việc tổ chức các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa đối với những người đã xả thân vì Tổ quốc là mạch nguồn chủ đạo. Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh, nơi quy tụ những người lính Cụ Hồ đã kinh qua lửa đạn chiến tranh, đã trở thành mái nhà ân tình, lan tỏa nghĩa tri ân, kết nối những tấm lòng nhân ái…

Hồi đầu năm, khi gặp Đại tá Trần Thế Tuyển, Phó chủ tịch Hội Hỗ trợ Gia đình liệt sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội Hỗ trợ Gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh, chúng tôi nghe ông chia sẻ về kế hoạch hoạt động của Hội trong năm 2023, hướng tới Đại lễ kỷ niệm 50 năm non sông liền một dải. “Đời sống kinh tế xã hội sau đại dịch Covid-19 đang đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của Hội, nhưng không vì thế mà mình hạ thấp các mục tiêu. Nền kinh tế càng gặp khó thì đời sống vật chất, tinh thần của những người yếu thế, những gia đình chính sách nghèo, neo đơn… càng cần được quan tâm nhiều hơn. Đó là bản chất của việc nghĩa” – Đại tá Trần Thế Tuyển nói.

Khó, bởi hoạt động của Hội hoàn toàn tự nguyện, tự chủ. Không tham gia sản xuất kinh doanh, không sử dụng ngân sách Nhà nước, không có nguồn thu cố định… Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh phải tự tìm kiếm, huy động các nguồn lực xã hội để hoạt động. Năm 2023, chương trình hoạt động của hội tập trung vào 10 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó công tác tìm kiếm, xác định danh tính, hỗ trợ quy tập, hồi hương, an táng hài cốt liệt sĩ; chăm lo cho gia đình liệt sĩ, thương binh, Mẹ Việt Nam anh hùng và các đối tượng người có công với nước… là những đầu việc ưu tiên số 1.

Lễ ký kết tài trợ của Công ty Địa Ốc Xanh Toàn Cầu với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM

Là một tổ chức hội non trẻ, quy tụ những người lính Cụ Hồ đã trải qua chiến tranh và những doanh nhân tâm huyết vì việc nghĩa, chỉ sau 3 năm chính thức đi vào hoạt động, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh đã trở thành tổ chức hội uy tín, thực hiện được nhiều chương trình hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, có sức lan tỏa lớn.

Đặc biệt, hoạt động của Hội đã tạo niềm tin vững chắc đối với cấp ủy, chính quyền, các đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp và đông đảo người dân. Chính vì vậy, các chương trình hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” do Hội phát động, tổ chức, luôn nhận được sự quan tâm tham gia, đồng hành của nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp. Trong môi trường hoạt động ấy, những giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ luôn được thể hiện đậm nét.

Vào dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Bác Hồ, cũng là ngày lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Đền thờ Liệt sĩ Long Khốt (Long An), tôi nhận được điện thoại của anh Lê Thắng Lợi, cán bộ Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại TP Hồ Chí Minh. Anh Lợi được đạo diễn, NSƯT Lê Thụy thông tin về hoạt động tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Long Khốt nên đã đi theo đoàn về vùng đất thiêng này tham gia các hoạt động tri ân.

Thăm hỏi và tặng quà gia đình chính sách

Trở lại TP Hồ Chí Minh, anh Lợi xúc động bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên tôi được về Long Khốt, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở vùng sông nước Đồng Tháp Mười. Tìm hiểu lịch sử truyền thống vùng đất thiêng này, tôi vô cùng cảm phục những việc làm đầy tâm huyết, nỗ lực, thấm đẫm tính nhân văn cách mạng của các bác trong Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí  Minh. Càng xúc động hơn khi biết, các bác lãnh đạo chủ chốt của hội là những chiến sĩ từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Đồng Tháp Mười những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần xây đắp nên linh khí quốc gia linh thiêng ở vùng sông nước…”.

 Việc thu thập tài liệu, xây dựng đề án, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương để Bộ VH TT DL công nhận khu vực đồn Long Khốt là Di tích Lịch sử cấp quốc gia và vận động các nguồn lực xã hội để xây dựng Đền thờ Liệt sĩ Long Khốt, Đền thờ Liệt sĩ Phú Quốc, dựng bia tưởng niệm Liệt sĩ ở Đắk Tô (Kon Tum)… là một trong những mốc son quan trọng nhất trong hoạt động của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh những năm qua.

Đưa đồng đội về quê

Trong nhiều năm trời, Đại tá Trần Thế Tuyển, CCB Trình Tự Kha – những  người chiến sĩ Đoàn Cao Bắc Lạng tham gia chiến đấu giải phóng Đồng Tháp Mười năm xưa, đã cùng đồng đội là những tướng lĩnh như Trung tướng Lưu Phước Lượng, Trung tướng Triệu Xuân Hòa, Đại tá Lê Thanh Song… đi gõ cửa khắp các cơ quan, đơn vị, địa phương để lan tỏa ngọn lửa thiêng Long Khốt.

Hai câu thơ nổi tiếng của Đại tá Trần Thế Tuyển: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí Quốc gia” viết để tưởng niệm đồng đội ở Long Khốt, nhanh chóng trở thành đôi câu đối được treo trong hệ thống các đền thờ, công trình tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ toàn quốc. Đó là khoảnh khắc “xuất thần” của sáng tạo ngôn ngữ, nhưng từ sâu thẳm nghĩa cử tri ân, đời người cầm bút có được câu thơ đi vào lịch sử như thế, hẳn đó là sự “trả nghĩa” của miền thiêng linh khí trên cõi cao xanh dành cho ông.

Người làm việc nghĩa, cốt ở tấm lòng thành. Nhưng tấm lòng thành ấy chỉ thực sự có được trong tâm khảm con người khi nó tích tụ, hội tụ mọi cảm giác của hạnh phúc, khổ đau, chia ly, đoàn tụ, mất mát, hy sinh, đền ơn, đáp nghĩa… chứ không phải nói là được. Cõi người hữu hạn, nhưng linh khí là vô biên. Nghĩa cử tri ân là cây cầu nối giữa đôi bờ cõi ấy!

Những người làm việc nghĩa ở Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh vẫn ngày đêm gom từng viên gạch, góp từng mẩu sắt để làm nên cây cầu ấy. Đó là một cây cầu trong muôn vàn cây cầu mà chúng ta đang rất cần người thiết kế, thi công, dựng lên trên dọc dài đất nước, hướng đến Đại lễ 50 năm đất nước thống nhất.

Thanh Kim Tùng

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây