Bây giờ báo Quân khu 7 đã trưởng thành cả về lượng và chất. Báo không chỉ làm báo in mà có cả truyền hình, phát thanh và báo điện tử. Người làm báo tăng cả số lượng và chất lượng. Hầu hết họ được đào tạo cơ bản và trưởng thành qua thực tiễn.
Mỗi dịp về thăm báo Quân khu 7, chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động, nhớ lại buổi đầu tiên, một thời gian khó, nhưng thấm đẫm tình đồng chí, đồng đội – tình người.
Ngày ấy, sau năm 1975, khi báo Quân giải phóng Miền Nam hoàn thành sứ mạng chính trị. Cùng với việc giải thể Cục Chính trị Quân giải phóng Miền Nam, báo Quân giải phóng Miền Nam và đoàn Văn công Quân giải phóng Miền Nam cũng hoàn thành nhiệm vụ. Cán bộ, phóng viên báo Quân giải phóng được bổ sung về các đơn vị. Một số về báo Quân đội nhân dân; phòng Phát thanh QĐND; số khác chuyển ra ngoài quân đội. Phần lớn ở lại làm nòng cốt xây dựng tờ tin (sau này là báo) Quân khu 7 và Quân khu 9…
Tác giả và cố nhà báo Đỗ Kết.
Tháng 9 năm 1977, từ Trung đoàn 174 Sư đoàn 5 đóng quân tại núi Thị Vải (Đồng Nai), tôi nhận được công văn của báo Quân khu 7 do Thư ký Tòa soạn Vũ Xiêm ký về dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí. Trước đó, đầu năm 1976, tôi đã được tham dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí này do Cục Chính trị Quân khu 7 tổ chức tại số 2 đường Thống Nhất (nay là số 2 Lê Duẩn Quận 1 TP HCM).
Đúng lúc đơn vị hành quân lên biên giới Tây Nam ngăn chặn bọn phản động Pôn Pốt xâm lấn, tôi khoác ba lô về Cục Chính trị Quân khu 7. Và đó cũng được coi là ngày tôi chính thức trở thành phóng viên tờ tin Quân khu 7 (sau này là báo Quân khu 7). Tôi nhớ lúc đó, buổi đầu thành lập Tờ tin Quân khu 7 (đơn vị kế nhiệm báo Quân giải phóng Miền Nam), tòa soạn chỉ có vài phóng viên. Các anh: Mai Bá Thiện, Nguyễn Đức Toàn, Vũ Xiêm, Đỗ Tất Thắng, Nguyễn Sung, Đỗ Kết… từ báo Quân giải phóng chuyển sang. Lớp mới đầu tiên có hai phóng viên là Xuân Hòa và Trần Thế Tuyển. Anh Xuân Hòa là cán bộ Tuyên huấn Trung đoàn Gia Định, được cử đi học tại trường Quân chính Quân khu 7 ở Vạn Kiếp điều về tháng 6 năm 1977. Còn tôi là trợ lý Tuyên huấn Trung đoàn 174 đóng quân tại núi Thị Vải (Đồng Nai) điều về tháng 9 năm 1977.
Tác giả và nhà báo Xuân Hoà.
Tôi với anh Xuân Hòa đã có dịp gặp nhau tại lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí đầu tiên của Quân khu 7 kể trên. Song, chúng tôi gần gũi với nhau đã lâu qua báo Quân giải phóng và sau này là báo Quân khu 7. Gần như những số báo đầu tiên ấy luôn có tin, bài hoặc thơ của chúng tôi.
Cuối tháng 9 năm 1977, tôi về nhận nhiệm vụ ở báo Quân khu 7 thì anh Xuân Hòa đi công tác. Tháng 10 năm đó, chúng tôi mới gặp mặt nhau khi biên giới Tây Nam xảy ra chiến sự. Thật may mắn và vinh dự, anh Xuân Hòa và tôi là hai phóng viên đầu tiên của báo Quân khu 7 được cử lên biên giới theo sát bước chân bộ đội. Đúng như nhà báo Xuân Hòa đã viết, buổi sáng tiễn chúng tôi lên biên giới, tức là trở lại mặt trận, anh Mai Bá Thiện, nguyên phóng viên báo Quân giải phóng, trưởng ban tuyên truyền phòng tuyên huấn Quân khu, trực tiếp phụ trách tờ tin Quân khu 7 đã đãi chúng tôi bữa sáng tại phở Hòa nổi tiếng trên đường Pasteur bây giờ. Tôi nhớ mãi nét mặt đầy lo lắng của anh Mai Bá Thiện lúc ấy. Anh lo lắng cho chúng tôi như người anh trai ruột thịt. “Các chú ráng giữ gìn sức khỏe, bám sát bộ đội, viết bài gửi về tòa soạn. Nhớ cẩn trọng, bọn Pôn Pốt hay phục kích lắm đó”.
Theo sự phân công của tòa soạn, chúng tôi bám sát bước chân bộ đội. Chúng tôi có mặt tại Xa Mát-Thiện Ngôn, nơi vừa xảy ra vụ thảm sát đẫm máu do lính Pôn Pốt gây ra với đồng bào ta.
Sau đó anh Xuân Hòa theo Sư đoàn 3, Sư đoàn 310 lên phía Tây Campuchia. Còn tôi theo Sư đoàn 5, Sư 302 tiến quân theo đường số 7 qua Phnôm Pênh, rồi theo đường số 6 giải phóng Kong Pong Thơm, tiến lên Siêm Riệp…
Nhà báo Trần Thế Tuyển và sinh viên báo chí .
Những ngày đầu ở báo Quân khu 7 với biết bao kỷ niệm, như tôi đã nói đó là mối tình đầu của tôi trong cuộc đời làm báo. Sau này, do yêu cầu nhiệm vụ, có nhiều thay đổi. Anh Nguyễn Sung chuyển ngành về Thanh Hóa, anh Đỗ Tất Thắng về nhà xuất bản QĐND. Anh Đức Toàn và anh Xuân Hòa về Sư đoàn 310. Anh Vũ Xiêm chuyển lên mặt trận 779 giúp bạn ở Cam Pu Chia….Tôi ở lại cùng các anh Mai Bá Thiện, Đỗ Kết làm báo Quân khu 7. Sau này đội ngũ làm báo Quân khu 7 được bổ sung thêm các cây viết sắc sảo như: Trần Hùng, Mai Xuân Thọ, Phạm Văn Mấy, Lê Hanh, Nguyễn Công Thụ, Huỳnh Thiện, Nguyễn Trường, Phạm Sỹ Sáu,Nguyễn Dân Quyền, Phan Thanh Viếng…Và, thế hệ nối tiếp không chỉ làm báo Quân khu 7 mà còn được giao trọng trách quản lý các cơ quan báo chí của cả nước như : Trần Đại Ngoạn, Ngô Xuân Giang, Nguyễn Văn Bắc, Lại Thế Hiền …
Nhân dịp kỷ niệm 96 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam xin thắp nén tâm hương tưởng nhớ các nhà báo và cộng tác viên thân thiết của báo Quân khu 7 đã ra đi về cõi vĩnh hằng. Đó là các anh: Mai Bá Thiện, Đỗ Kết, Đỗ Tất Thắng, Trần Phấn Chấn, Lê Hanh, Trần Hùng, Khánh Trâm…
Mong các anh yên nghỉ ngàn thu, phù hộ độ trì cho báo và truyền hình Quân khu 7 ngày càng phát triển; xứng đáng với truyền thống Đơn vị Anh hùng của báo Quân giải phóng Miền Nam; xứng đáng với các thế hệ những người lính cầm súng cầm viết của mảnh đất “Thành đồng Tổ quốc”, của “Miền Đông gian lao mà anh dũng”./.
Trần Thế Tuyển
TP. Hồ Chí Minh, tháng 6 năm 2021