Tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính liệt sĩ là trách nhiệm chính trị thiêng liêng, cao cả, có tính nhân văn, đạo đức sâu sắc với đồng đội đã ngã xuống; để đáp ứng niềm tin, mong mỏi của các thân nhân liệt sĩ. Đây là nhiệm vụ phải tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài với nhiều khó khăn gian khổ, với quan điểm tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ cho đến khi không còn thông tin. Đó là đạo lý, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam đối với các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế.
Ngay từ trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc; bảo vệ biên giới, giúp bạn Lào, Campuchia, đặc biệt sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất Đảng, Nhà nước, Quân đội đã có nhiều chủ trương giải pháp tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ và đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Thiếu tướng Trần Hữu Tài (bìa trái) cùng Bộ tư lệnh TP.HCM khảo sát địa điểm nghi có hố chôn liệt sĩ tại sân bay Tân Sơn Nhất – Ảnh: Nam Trần
Tuy nhiên, hậu quả chiến tranh quá khốc liệt. Chúng ta đã và đang chạy đua với thời gian khắc nghiệt để tiếp tục cuộc hành trình đi tìm đồng đội. Cho đến nay vẫn còn nhiều hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập, nhiều mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin. Nhân chứng biết thông tin liệt sĩ ngày càng ít đi vì tuổi tác ngày càng cao, trí nhớ không còn minh mẫn. Địa hình thay đổi do quá trình phát triển kinh tế xã hội. Tác động của thời tiết, khí hậu… Danh sách quân nhân từ trần hy sinh và các lý do khác vẫn còn những điều bất cập. Công tác lập trình, quản lý, lưu trữ hồ sơ liệt sĩ với thực địa còn nhiều vấn đề phải nghiên cứu một cách khoa học.
Các gia đình có thân nhân là liệt sĩ ngày đêm mong ngóng thông tin mộ liệt sĩ còn nằm đâu đó nơi chiến trường ác liệt. Khó khăn trở ngại lớn nhất hiện nay trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là thiếu thông tin về nơi hy sinh, chôn cất ban đầu của liệt sĩ, chưa xác định được. Triển khai kế hoạch tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ không chỉ là trách nhiệm mà còn là mệnh lệnh từ trái tim…”. Để thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính sách tri ân liệt sĩ cốt lõi quan trọng đó là phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, nêu cao ý thức trách nhiệm các cấp, các ngành, các tổ chức, lực lượng, của mọi người dân, của bạn bè quốc tế về cung cấp thông tin tìm kiếm mộ liệt sĩ. Ngày nào mộ liệt sĩ chưa tìm thấy thì chúng ta còn nhiều day dứt, nặng lòng.
Cán bộ chiến sĩ Đội 584 và lực lượng Ban CHQS huyện Gio Linh tìm kiếm và quy tập các hài cốt liệt sĩ tại nông trường Dốc Miếu, thôn Xuân Mai, xã Gio Bình, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. (Huy Cường – Báo Quân khu 4)
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP. Hồ Chí Minh ra đời mới chỉ 03 năm, nhưng với nghĩa tình tri ân sâu sắc đã triển khai và thực hiện nhiều công việc mang ý nghĩa nhân văn. Hội đã tổ chức các buổi trao đổi bàn giải pháp giữa các cựu chiến binh và các tổ chức liên quan tìm kiếm hài cốt liệt sĩ – tìm kiếm thông tin và hỗ trợ gia đình liệt sĩ cất, bốc hài cốt chuyển về quê hương; phối hợp Hội Cựu chiến binh TP. Hồ Chí Minh, Sở LĐ-TB-XH các ban, ngành, địa phương để tìm kiếm, xác minh những thông tin có liên quan tới liệt sĩ.
Đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, những cán bộ Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP. Hồ Chí Minh phần lớn đã từng trải qua các cương vị chiến đấu tuổi đã xế chiều vẫn hăng say, nhiệt huyết mong mỏi tìm lại những thông tin nơi đồng đội đã ngã xuống với tấm lòng thiện nguyện, với ước nguyện góp phần làm vơi đi nỗi mất mát đau thương cho các gia đình liệt sĩ.
Trung tướng Nguyễn Đức Hải