Thứ Bảy, Tháng Chín 7, 2024
Trang chủNHỊP CẦU BẠN ĐỌCHỎI ĐÁPNHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA PHÁP LỆNH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI...

NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA PHÁP LỆNH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG (SỬA ĐỔI)

NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA PHÁP LỆNH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG (SỬA ĐỔI)

(theo cổng thông tin điện tử Quốc Hội ngày 09/12/2020)

Tại Phiên họp thứ 51, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) với nhiều điểm mới, quy định chặt chẽ, khả thi, bảo đảm chế độ cho người có công và thân nhân. Đây là văn bản pháp luật có ý nghĩa chính trị , xã hội sâu sắc, thể chế rõ chủ trương ưu tiên chăm sóc, dành tối đa nguồn lực để nâng cao hơn nữa đời sống người có công với cách mạng.

Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua gồm 7 chương và 58 Điều. Pháp lệnh này quy định về đối tượng, phạm vi, điều kiện, tiêu chuẩn, các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ; nguồn lực thực hiện; quản lý nhà nước; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.

Tại phiên họp thứ 51, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi)

So với Pháp lệnh hiện hành, dự thảo đã bổ sung 03 chương, bỏ 01 chương và 03 điều, bổ sung 13 điều; có 36 điểm mới thuộc 8 nhóm nội dung lớn về đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc thực hiện, điều kiện, tiêu chuẩn ưu đãi người có công với cách mạng người có công, chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng, về quản lý nhà nước, về tạm đình chỉ, chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, xử lý vi phạm.

Nhiều nội dung đã được pháp lệnh hóa như khái niệm tỷ lệ tổn thương cơ thể quy định tại khoản 4 Điều 4; khái niệm hành động dũng cảm; công việc cấp bách, nguy hiểm tại khoản 5, khoản 6 Điều 4; Vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác tại khoản 10 Điều 16; Chế độ người có công giúp đỡ cách mạng tại khoản 5 Điều 39; các điều về điều kiện, tiêu chuẩn người có công giúp đỡ cách mạng (Điều 8, 11, 14, 23, 29); về Công trình ghi công liệt sỹ tại Chương III; về Ngân sách nhà nước về bảo đảm nhiệm vụ chi; một số nội dung về quản lý nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng.

Pháp lệnh quy định rõ đối tượng hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng: Một là, Người có công với cách mạng bao gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; Thương binh bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993; người hưởng chính sách như thương binh; Bệnh binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế; Người có công giúp đỡ cách mạng. Hai là, Thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ.

Quy định chặt chẽ hơn điều kiện, tiêu chuẩn người có công

Pháp lệnh quy định về điều kiện, tiêu chuẩn người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945: tại điểm a, b khoản 1 Điều 8; quy định điều kiện, tiêu chuẩn công nhận người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 11.

Pháp lệnh cũng quy định chặt chẽ hơn về điều kiện công nhận liệt sĩ tại điểm a, b, g, l và k Điều 14.

Về điều kiện, tiêu chuẩn thương binh, người hưởng chính sách như thương binh:  sửa đổi, bổ sung các điều kiện, tiêu chuẩn công nhận tại điểm a, b, d, g, k khoản 1 Điều 23; bổ sung quy định loại trừ không xem xét công nhận là người có công tại khoản 2 Điều 8 và khoản 2 Điều 38.

Bổ sung điều kiện, tiêu chuẩn bà mẹ Việt Nam anh hùng tại Điều 17. Theo đó, “Bà mẹ Việt Nam anh hùng là người được tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” theo quy định tại Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Về điều kiện, tiêu chuẩn bệnh binh: Pháp lệnh không tiếp tục quy định xem xét công nhận bệnh binh mới. Chỉ công nhận bệnh binh với trường hợp có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên khi làm nhiệm vụ cấp bách, nguy hiểm và thôi phục vụ trong quân đội nhân dân, công an nhân dân tại khoản 1 Điều 26.

Đồng thời, bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết danh mục địa danh, Danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học tại khoản 2 Điều 29.

Chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) gồm 7 chương và 58 Điều, có 36 điểm mới thuộc 8 nhóm nội dung lớn

Pháp lệnh bổ sung chế độ được cấp giấy chứng nhận Người có công tại khoản 1 Điều 9 và điểm a khoản 1 Điều 12.

Bổ sung các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng tại các điểm g, h, i và k khoản 2 Điều 5 về: Miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất đối với đất ở; chế độ ưu tiên giao hoặc thuê đất, ưu tiên giao, khoán bảo vệ và phát triển rừng; chế độ vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Quy định chế độ trợ cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng phải theo chỉ định của cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng tại khoản 5 Điều 9, điểm d khoản 1 Điều 12, khoản 8 Điều 16, khoản 4 Điều 21, khoản 5 Điều 24, khoản 4 Điều 27, khoản 6 Điều 30, khoản 5 Điều 31, khoản 5 Điều 33, khoản 1 Điều 39.

Bổ sung chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân người hoạt động cách mạng tại khoản 1 Điều 10 và khoản 1 Điều 13 (trước đây chỉ được hưởng khi người hoạt động cách mạng chết).

Quy định cụ thể chế độ trợ cấp một lần với mức bằng 03 tháng trợ cấp, phụ cấp hằng tháng đối với thân nhân khi người hoạt động động cách mạng đang hưởng chế độ mà chết tại điểm b khoản 3 điều 10, điểm b khoản 3 điều 13.

Pháp lệnh cũng bỏ chế độ trợ cấp tuất hằng tháng và bảo hiểm y tế (BHYT) đối với cha đẻ, mẹ đẻ người hoạt động cách mạng tại khoản 1 và điểm a khoản 3 Điều 10 và khoản 1, điểm a khoản 3 Điều 13.

Về chế độ ưu đãi đối với liệt sĩ, thân nhân liệt sỹ: Pháp lệnh bổ sung chế độ tại khoản 1, 2, 4 của Điều 15, quy định rõ người được hưởng chế độ thờ cúng đối với liệt sĩ không có thân nhân là người được giao, ủy quyền thờ cúng liệt sỹ tại khoản 3 Điều 15. Bổ sung chế độ hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ hoặc di chuyển hài cốt liệt sĩ tại khoản 9 Điều 16. Quy định chế độ đối với vợ/chồng liệt sĩ lấy chồng/ vợ khác tại khoản 10 Điều 16.

Đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng: quy định chế độ trợ cấp tuất hằng tháng bằng 03 lần mức chuẩn đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại khoản 2 Điều 18; chế độ trợ cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình tại khoản 1 Điều 18.

Đối với thân nhân của Bà mẹ Việt Nam anh hùng: quy định chế độ trợ cấp một lần đối với thân nhân khi Bà mẹ Việt Nam anh hùng chế mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi hoặc đang hưởng chế độ ưu đãi mà chết tại khoản 1 Điều 19.

Đối với Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động thời kỳ kháng chiến: chế độ ưu tiên giao, khoán bảo vệ và phát triển rừng, chế độ miễn hoặc giảm thuế tại khoản, chế độ trợ cấp một lần tại khoản 4 Điều 21.

Chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, thân nhân người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học: Bổ sung chế độ ưu tiên giao hoặc thuê đất; ưu tiên giao, khoán bảo vệ và phát triển rừng tại khoản 6 Điều 30.

Chế độ đối với thân nhân của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học: bổ sung chế độ trợ cấp một lần cho thân nhân khi người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học chết hoặc cho thân nhân của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học khi con đẻ của người hoạt động kháng chiến chết tại khoản 2 Điều 31.

Cụ thể hóa thân nhân của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên chết được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng tại khoản 3 Điều 31.

Bổ sung trường hợp thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng và trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng khi người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên chết tại điểm b khoản 3 Điều 31.

Bổ sung chế độ BHYT đối với con đẻ tại điểm b khoản 4 Điều 31; chế độ  cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho con đẻ tại khoản 5 Điều 31.

Chế độ đối với người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày: Bổ sung chế độ hỗ trợ cải thiện nhà ở, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở tại khoản 5 Điều 33.

Chế độ đối với người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế: Bổ sung chế độ hỗ trợ cải thiện nhà ở, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở tại khoản 3 Điều 36.

Chế độ đối với thân nhân của người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế: Chế độ trợ cấp 1 lần quy định tại khoản 1 Điều 37 khi người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi.

Chế độ đối với người có công giúp đỡ cách mạng: Bổ sung chế độ hỗ trợ cải thiện nhà ở, chế độ điều dưỡng phục hồi sức tại khoản 5 Điều 39.

Chế độ đối với thân nhân của người có công giúp đỡ cách mạng: Bổ sung chế độ trợ cấp 1 lần khi người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp hằng tháng chế hoặc chết mà chưa hưởng chế độ ưu đãi tại khoản 1 Điều 40, chế độ mai táng phí khoản 2, Điều 40. Bổ sung chế độ trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng tại khoản 2 Điều 39 cho thân nhân sống cô đơn.

Pháp lệnh bổ sung Chương III về Công trình ghi công liệt sĩ (các Điều 41, 42, 43) và Chương IV về nguồn lực thực hiện ( các Điều 44, 45, 46, 47)

Ngoài ra, Pháp lệnh quy định cụ thể trách nhiệm của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan.

Pháp lệnh lần này không tiếp tục công nhận bệnh binh mới, trừ trường hợp công nhận bệnh binh với trường hợp có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên khi làm nhiệm vụ cấp bách, nguy hiểm và thôi phục vụ trong quân đội nhân dân, công an nhân dân tại khoản 1 Điều 26.

Đồng thời quy định rõ: “Không xem xét công nhận người có công với cách mạng trong các trường hợp sau đây: 1. Tham gia các hoạt động chống phá chế độ, Đảng, Nhà nước; đào ngũ, phản bội, chiêu hồi; phạm tội đang chấp hành án tù giam có thời hạn, tù chung thân hoặc bị kết án về một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia; bị tước danh hiệu quân nhân, danh hiệu công an nhân dân; 2. Chết, bị thương, bị bệnh do tự mình gây ra; vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định của cơ quan, đơn vị; do tai nạn không phải do hành vi của đối tượng phạm tội gây ra.” tại Điều 53./.

Bảo Yến

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây