NHỚ VỀ NHỮNG NGƯỜI LÍNH CỦA ĐOÀN CAO – BẮC – LẠNG
Phạm Châu Tuệ
(Trưởng phòng Người có công, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum).
Để có được đất nước Hòa bình, Độc lập,Tự do, đổi mới và phát triển như ngày hôm nay, hàng triệu những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã theo tiếng gọi của Đảng đi chiến đấu và anh dũng hy sinh để đánh đuổi kẻ thù xâm lược giành lại non sông gấm vóc tươi đẹp mà tiền nhân đã gây dựng gìn giữ qua mấy ngàn năm lịch sử như lời Bác căn dặn “các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.
Công tác trong lĩnh vực Người có công thuộc ngành Lao động –Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum, với nhiệm vụ thực hiện các chế độ chính sách “đền ơn đáp nghĩa” của Đảng, Nhà nước, tôi mới cảm nhận và thấu hiểu hơn những mất mát hy sinh thầm lặng của các anh hùng liệt sĩ. Cuộc chiến đã lùi xa, nay không còn nhiều nữa những người trong cuộc đã từng một thời nếm mật nằm gai, chia nhau từng ngụm nước, củ khoai, nắm cơm, điếu thuốc…rồi sau mỗi trận chiến đấu ác liệt với kẻ thù người còn, người mất để lại nỗi day dứt khôn nguôi trong ký ức của những người còn lại. Trách nhiệm của mỗi chúng ta hôm nay phải khắc ghi những chiến công và cả những sự hy sinh mất mát đau thương của những người chiến sĩ năm xưa để lịch sử không bị lãng quên và cũng chính là cách giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.
Thật may mắn cho tôi cách đây vài năm được gặp gỡ đón tiếp đoàn Cựu chiến binh của Trung đoàn 174 (Đoàn Cao – Bắc – Lạng) anh hùng đến đặt vấn đề xây dựng Bia tưởng niệm liệt sĩ của Trung đoàn. Cảm động và trân quý biết bao dù tuổi cao sức yếu, các bác cựu chiến binh lão thành tuổi ngoài 80 như Đại tá Nguyễn Văn Bạch, cố Đại tá Bùi Đức Trần, Đại tá Lê Thanh Song; các anh Cựu Chiến binh lớp U70 như Trần Thế Tuyển, Trình Tự Kha, Phùng Ngọc Đồng, Nguyễn Đồng Bằng… vì trách nhiệm với đồng đội, với lịch sử mà đích thân lặn lội hàng trăm cây số từ Thành phố Hồ Chí Minh lên lại chiến trường xưa Đắk Tô – Tân Cảnh. Nhìn những bước chân không được vững chãi như thời còn trai trẻ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” nhưng toát lên trong ánh mắt, nụ cười của mỗi người là sự lạc quan, tin tưởng phấn khởi mà lòng tôi đầy xúc động và càng quý trọng, hiểu hơn cái “chất” của những anh Bộ đội Cụ Hồ năm xưa đã từng được nghe kể lại.
Qua những câu chuyện hồi ức về chiến tranh, về lịch sử của Trung đoàn 174 (Đoàn Cao-Bắc-Lạng) anh hùng mà nay tôi mới biết, Trung đoàn 174 được thành lập ngày 19/8/1949 tại Hòa An tỉnh Cao Bằng thuộc chiến khu Việt Bắc là một trong hai Trung đoàn chính quy chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trung đoàn đã tham gia các chiến dịch lớn như: Chiến dịch Đông Khê 1950, đánh chiếm đồi A1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa “Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”, chiến dịch Nguyễn Huệ (năm 1972) giải phóng Lộc Ninh, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng (30/4/1975) giải phóng thị xã Tân An; chiến tranh Biên giới Tây Nam 1979; giúp nước bạn Lào, Campuchia…Trung Đoàn đã 02 lần được tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang”; có những Anh hùng vang danh lừng lẫy như La Văn Cầu, Bế Văn Đàn, Đàm Văn Ngụy…
Tại Tây Nguyên, trong Chiến dịch Mậu Thân 1967-1968, Trung đoàn đã tham gia chiến đấu tại Đắk Pét, Đắk Siêng, Plei Kần…quần nhau với quân Mỹ liên tục 24 ngày đêm trên các điểm cao 875, 823, 882… chiếm huyện lỵ Đắk Tô vào đêm 30 Tết Mậu Thân 1968 góp công tiêu diệt khoảng 4.000 tên Mỹ-Ngụy của Lữ đoàn dù 173, Lữ đoàn 1 thuộc Sư đoàn 4 của Mỹ. Tuy nhiên cũng tại nơi đây, gần 200 cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn đã hy sinh mà đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt và xác định danh tính. Do đó mong muốn cháy bỏng của các bác, các anh cựu chiến binh Trung đoàn 174 với các cấp lãnh đạo, chính quyền ở Kon Tum là xây dựng Bia ghi danh tưởng niệm các liệt sĩ Trung Đoàn 174 (Đoàn Cao-Bắc-Lạng) đã hy sinh tại Đắk Tô – Tân Cảnh và ghi vào Lịch sử Đảng bộ tỉnh Kon Tum về sự đóng góp của Trung đoàn tham gia chiến đấu trong 02 năm 1967-1968.
Cựu chiến binh của Trung đoàn 174 (Đoàn Cao – Bắc – Lạng) dâng hương ở Bia ghi danh tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Đắk Tô – Tân Cảnh
Lãnh đạo tỉnh Kon Tum, huyện Đắk Tô chụp hình lưu niệm
cùng các CCB Trung đoàn 174 tại lễ khánh thành bia
Trách nhiệm, tôn trọng lịch sử tri ân đồng đội những nguyện vọng chính đáng của Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn đã được lãnh đạo tỉnh Kon Tum kịp thời giải quyết. Với sự thống nhất cao, tỉnh Kon Tum đã phối hợp với Ban Liên lạc Cựu Chiến binh Trung đoàn 174 – đơn vị thành viên của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng xong “Bia tưởng niệm liệt sĩ Trung Đoàn 174 (Đoàn Cao-Bắc-Lạng)” tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đắk Tô thật khang trang và được khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng Đăk Tô – Tân Cảnh (24/4/1972 – 24/4/2021). Đồng thời cơ quan chuyên môn của Tỉnh ủy Kon Tum đã thống nhất đề nghị biên soạn bổ sung thành tích của Trung đoàn 174 vào tư liệu Lịch sử Đảng bộ tỉnh Kon Tum. Đây cũng chính là quà tặng tinh thần để tiếp thêm ngọn lửa anh hùng và thỏa lòng mong đợi của các cựu chiến binh Trung đoàn với các đồng đội của mình đã hy sinh trong dịp chuẩn bị kỷ niệm 72 năm ngày truyền thống của Trung đoàn 174 (Đoàn Cao-Bắc-Lạng) anh hùng vào ngày 19/8 năm nay (19/8/1949 – 19/8/2021).
Kon Tum, tháng 6 năm 2021
Phạm Châu Tuệ