Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

NHỚ VỀ CHÚ GIANG

Đại tá Vũ Trường Giang. Chú là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; nguyên Trưởng ban Đại diện phía Nam, Văn phòng Tổng Cục Chính trị; Phó Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP. Hồ Chí Minh. Chú đã ra đi đột ngột để lại trong tôi sự tiếc thương vô hạn. Mãi mãi tôi sẽ không quên chú Giang – người lãnh đạo, người thầy, người cha đáng kính của tôi.  

 

Tôi gặp chú Giang lần đầu tiên tại nhà hàng Cây Sứ, trong một hội nghị của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, tôi đã tận mắt nhìn thấy những người lính Cụ Hồ tuy tuổi đã cao nhưng vẫn hăng hái, nhiệt huyết lo cho xã hội, đặc biệt hỗ trợ cho các gia đình chính sách.

Hội ra đời là mối nhân duyên cho tôi được gặp chú Giang. Được trực tiếp làm việc với chú, tôi rất cảm phục tinh thần thép, đầy dũng khí và quyết tâm của chú. Mặc dù tuổi đã cao nhưng chú cũng như các chú, các bác khác trong Hội hăng hái như “thanh niên”, từ bước đi nhanh nhẹn đến cách làm việc miệt mài không quản ngày đêm.

Giữ nghiêm kỷ luật người lính, buổi sáng chú Giang thường tới văn phòng từ rất sớm. Như một thói quen, chú “thắp nén nhang”. Sự linh thiêng, gần gũi, ấm áp khiến tôi cảm thấy nơi đây giống như ngôi nhà thứ hai của tôi vậy. Khác với lần đầu gặp chú, trông chú có vẻ rất nghiêm túc và khó gần, chỉ sau một thời gian tiếp xúc và làm việc, tôi cảm nhận đó là một người sống rất tình cảm, chân thành, thường hay giúp đỡ mọi người xung quanh. Bản thân tôi cũng có nhiều kỷ niệm với chú.

Nhớ ngày đầu mới vào làm, chỗ tôi ngồi đối diện với cửa chính của văn phòng. Sau khi ngắm nghía, chú cười nói với tôi: “Con gái ngồi đối diện cửa ra vào khó lấy chồng lắm đấy!”. Không biết điều ấy có thật hay không nhưng tôi cũng thấy lo lắng. Nhìn vẻ mặt hoang mang của tôi, chú bèn xếp cho tôi ngồi qua phía đối diện. Nhưng khi thấy ở đây buổi chiều bị nắng chiếu vào, chú lại nhường vị trí ngồi của chú cho tôi. Cách sống nghĩa tình, lo trước lo sau, quan tâm đến mọi người từ những việc nhỏ nhặt nhất của chú khiến tôi rất cảm động.

Là con gái không rành về điện nên mỗi lần những thứ đồ gia dụng trong văn phòng hư hỏng tôi đều qua nhờ chú sửa giúp. Lần nào chú cũng làm nhoáng một cái là xong cứ như “siêu nhân”. Có lần tôi nói: “Đúng có bàn tay chú là đâu lại vào đấy ngon lành cành đào ạ!”. Chú cười và nói: “Mày lại nịnh chú đấy à!”. Giọng chú thân tình đầy trìu mến như người cha nói với con gái làm tôi rất hạnh phúc.

Có dịp chuyện trò, chú hay chia sẻ với tôi những trải nghiệm về cuộc sống, nghề nghiệp, cách đối xử nhân thế… Những điều mà trước đây tôi ít khi được ai chỉ dạy. Tất cả những tình cảm chân thành của người thầy, người chú, người cha ấy khiến tôi quý mến chú vô cùng.

Chú Giang còn là người rất thích nghe nhạc. Tôi đặc biệt ấn tượng với “gu” âm nhạc của chú khi lần đầu tiên nghe chú mở bài “Để Mị nói cho mà nghe”. Tôi không thể ngờ chú lại thích những bài hát trẻ trung như vậy. 

Đời thường là thế nhưng khi vào công việc, chú rất nghiêm túc. Giao việc gì cho tôi, chú cũng thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tiến độ chặt chẽ. Cách sống của chú Giang là một trong những động lực giúp tôi cố gắng, nỗ lực làm việc có hiệu quả mỗi ngày.

Hôm 12/12/2020 diễn ra chương trình “Mẹ trong trái tim người lính”, một sự kiện lớn của Hội phối hợp với Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm tri ân gia đình liệt sĩ tiêu biểu có hoàn cảnh khó khăn hiện cư ngụ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Ban tổ chức ai cũng lo hoàn thành nhiệm vụ được phân công. Riêng chú Giang tỉ mẩn ngồi trực tiếp gọi điện thoại cho đại diện 76 Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Trong khi mọi người đang háo hức chờ đợi ngày diễn ra sự kiện thì sáng sớm 11/12/2020, vừa thức dậy, tôi nhận được tin sét đánh từ Chủ tịch Trần Thế Tuyển, chú Vũ Trường Giang từ trần đêm qua. Đột ngột quá, tôi thảng thốt, bối rối, hụt hẫng, nghẹn ngào, tim như thắt lại, không dám tin đó là sự thật! Trời! Sao lại như thế? Mới chiều hôm qua, nhìn chú khỏe mạnh có sao đâu? Khi rời khỏi bàn làm việc, chú còn nói với tôi: “Chú về trước đón cháu”. Không ngờ đó là câu nói cuối cùng chú Giang nói với tôi, cũng là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy chú làm việc tại cơ quan. Tôi là đứa rất cứng rắn thế mà nước mắt tôi không ngừng chảy. Sự ra đi đột ngột của chú khiến tôi như ngã quỵ. Hàng ngàn câu hỏi diễn ra trong đầu tôi mà không có lời giải đáp.

Sáng hôm ấy lên văn phòng, Ban Thường vụ Hội có mặt đầy đủ. Không ai tin đó là sự thật, không khí văn phòng như chùng xuống. Tôi không cầm nổi nước mắt. Chú Giang ra đi không kịp dặn dò gì với ai… Một thân nhân liệt sĩ gọi điện đến: “Sao chị gọi cho chú Giang mà không liên lạc được?”.Tôi nghe, tim như nghẹn lại: “Dạ, chú Giang mất rồi chị ạ!”.

Cố Đại tá Vũ Trường Giang (thứ 2 từ bên trái) tặng quà Mẹ VNAH.

Chương trình “Mẹ trong trái tim người lính” sau đó vẫn phải diễn ra và đã thành công tốt đẹp hơn cả sự mong đợi của ban tổ chức. Tôi tin rằng nhờ có chú Giang phù hộ.  

Với mọi người, chú Giang ra đi là một tổn thất, để lại bao ngỡ ngàng, đau xót. Đối với riêng tôi, Chú Giang mất đi để lại trong lòng tôi sự tiếc thương vô hạn cùng bài học lớn về một nhân cách sống. Đó là sự yêu thương, giúp đỡ, chia sẻ với cộng đồng. Chú đã sống một cuộc sống thực sự có ý nghĩa cho bản thân và xã hội. Noi gương chú, tôi luôn đặt mình vào tâm thế “Chỉ còn một ngày để sống” mà trân quý những điều hiện tại. Tự dặn lòng hãy trao yêu thương khi còn có thể vì tất cả chúng ta không ai có thể biết thời điểm nào là giây phút cuối cùng của cuộc đời mình…

Tôi sẽ mãi mãi không quên một người lãnh đạo đáng kính, một người thầy, một người cha đã để lại một nhân cách sống cho thế hệ trẻ chúng tôi học hỏi và noi theo… Giờ đây, mỗi ngày làm việc ở Hội, tôi vẫn cảm thấy chú như còn ở đâu đây, đang giúp đỡ cho tất cả mọi người. Tôi sẽ luôn nhớ về chú.

Chú Giang ơi! Chú hãy yên lòng an nghỉ bên cạnh các đồng đội của mình đúng như hai câu thơ của Đại tá Trần Thế Tuyển đã viết: 

     Thân ngã xuống thành đất  đai Tổ quốc    

    Hồn bay lên hóa Linh khí Quốc gia.                                             

                                                                       Thảo Nguyên Hà

                                                             

                                                                                             

         

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây