TRẦN THẾ TUYỂN
LTS: Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Mai Chí Thọ (15/7/1922- 15/7/2022) nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Thành ủy TP Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Đại tướng Mai Chí Thọ với lực lượng Công an nhân dân Việt Nam và Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Hồ Chí Minh”. Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã mời Đại tá nhà báo Trần Thế Tuyển, nguyên Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải phóng; Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh viết bài tham luận. Đặc san Linh Khí Quốc Gia trân trọng giới thiệu bài viết này.
Đại tướng Mai Chí Thọ
Lúc còn cắp sách tới trường, chúng tôi đã nghe danh ông – Đại tướng Mai Chí Thọ. Không chỉ có ông mà cả đại gia đình ông, một gia đình giàu truyền thống yêu nước, cách mạng trên quê hương Thành Nam – trấn Sơn Nam Hạ xưa, quê hương của các vua Trần.
Sau ngày Sài Gòn giải phóng – miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ông về làm Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh. Công việc làm báo cho phép tôi có nhiều dịp tiếp xúc, làm việc cùng ông. Nhưng thực sự gần gũi, ấn tượng, ấy là khi, Đại tướng Mai Chí Thọ tạo động lực để chúng tôi thành lập Hội đồng hương Hà Nam Ninh tại TP Hồ Chí Minh, cách đây gần 30 năm.
NHỮNG CÂU CHUYỆN THẤM ĐẪM TÌNH NGƯỜI
Đối với mảnh đất phương Nam, tháng 7 thường nhiều mưa. Năm 2000, năm cuối cùng của thế kỷ XX, tháng 7 ở TP Hồ Chí Minh ngày nào cũng mưa như trút nước.
Năm ấy, lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long về sớm. Cả một dải đất mênh mang từ Vĩnh Hưng, Mộc Hóa (Long An) đến Tân Châu, Hồng Ngự (Đồng Tháp)… lúa non của bà con chưa kịp thu hoạch đã ngập chìm trong nước. Đại tướng Mai Chí Thọ tiếp chúng tôi tại nhà riêng của ông, trong căn phòng đơn sơ với những tập sách báo và vài đồ vật lưu niệm sau mỗi chuyến công tác. Trong câu chuyện, ông luôn lo lắng đến lũ bão đang hoành hành, làm khổ bà con.
Một người con của đất Thành Nam, 14 tuổi rời quê hương vào Huế rồi tham gia cách mạng; vào tù ra tội, được giao các trọng trách: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an)… Đại tướng Mai Chí Thọ (tên thật là Phan Đình Đống) về nghỉ hưu cũng như bao nhiêu người chiến sĩ cách mạng khác, sống giản dị, khiêm nhường; trái tim vẫn đau đáu lo cho dân, cho nước.
Mặc dù, Phan Đình Đống không thích nghề công an, nhưng khi tổ chức phân công, là đảng viên, ông đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh. Ông đã từng đảm nhiệm chức vụ Giám đốc công an các tỉnh: Cần Thơ (1946), Mỹ Tho (1948); Phó Giám đốc Công an Nam Bộ (1949), Phó Giám đốc Công an Liên khu Miền Đông (1952); Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh (1975); Bộ trưởng Nội vụ (Công an) năm 1986…
Nghề nghiệp tạo cho ông bản lĩnh và sự quyết đoán. Nhưng bên trong sự quyết đoán của một vị tướng làm nghiệp vụ công an ấy, là một trái tim nhân hậu.
Chiều mưa cuối tháng 7 ấy, tôi đã trò chuyện cùng ông về cái nghề mà lúc đầu ông không thích, nhưng gần như gắn bó với ông cả cuộc đời làm cách mạng. Đại tướng Mai Chí Thọ tâm sự:
– Đặc điểm nghề nghiệp phải thế. Muốn hoàn thành nhiệm vụ, anh phải kiên cường, quyết đoán, đôi khi sắc lạnh. Nhưng anh phải nhân hậu và nhân văn, như cụ Nguyễn Trãi đã từng nói: “lấy chí nhân thay cường bạo”. Anh phải thuyết phục, giáo dục người ta, khơi gợi, phát huy cái “nhân chi sơ bản thiện” của người ta, anh mới hoàn thành nhiệm vụ.
Đại tướng Mai Chí Thọ không kể, nhưng tôi đã nghe các đồng chí của ông kể cho nghe nhiều câu chuyện nhân văn thấm đẫm tình người. Đó là câu chuyện về tướng cướp Tiểu La Thành (La Thành là nhân vật anh hùng, hảo hán trong truyện cổ Trung Hoa). Năm 1945, sau khi vượt ngục Côn Đảo, ông được tổ chức phân công làm Giám đốc Công an Cần Thơ. Một lần, cơ quan báo cáo có “tướng cướp” biệt danh là Tiểu La Thành vừa mãn hạn tù về, lại tiếp tục đường cũ: trộm cướp. Ông cho gọi Tiểu La Thành đến gặp. Giọng ân cần, ông nói với anh ta:
– Trộm cướp lúc này là tội lớn, có thể tử hình. Hảo hớn như anh, trong lúc nhân dân đang kháng chiến giải phóng đất nước mà bị tử hình vì tội trộm cướp thì còn ra gì nữa. Nếu muốn làm Tiểu La Thành thì sao anh không vào Vệ quốc đoàn, chiến đấu vì dân, vì nước. Nếu có phải hy sinh thì cũng xứng danh Anh hùng, hảo hán, để tiếng thơm lại cho đời. Nghe có lý, Tiểu La Thành bỏ nghề trộm cướp tình nguyện vào bộ đội. Anh chiến đấu dũng cảm và anh dũng hy sinh, để lại tiếng thơm và sự tiếc thương của đồng đội, nhân dân.
Lại nữa, năm 1977, làm Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh kiêm Giám đốc Công an Thành phố, ông được báo cáo có một người đàn ông đeo băng đỏ với dòng chữ: “Đả đảo Cộng sản” hiên ngang đứng trước nhà thờ Đức Bà cách trụ sở UBND Thành phố không xa. Với lòng nhân hậu và sự tỉnh táo, ông nhận định: “Chuyện này chỉ có thể xảy ra trong 3 trường hợp. Thứ nhất, anh ta mất trí, điên loạn. Thứ hai, có kẻ dùng tiền mua chuộc. Thứ ba, vì lý do nào đó anh ta cùng quẫn, làm bậy”. Ông chỉ đạo anh em bình tĩnh điều tra, tìm hiểu. Quả nhiên, anh em báo cáo đó là một người lính chế độ cũ, vợ yếu, con đông, nghèo túng, bán hủ tiếu cạnh căn cứ Quang Trung cũ. Nay chính quyền thu hồi nhà đất xây dựng công trình công ích nên cùng quẫn, làm bậy. Ông chỉ đạo thả anh ta ra và giao chính quyền cơ sở vận dụng hỗ trợ về chỗ ở và tặng gia đình anh ta một tạ gạo.
Cảm kích trước sự đối xử nhân văn ấy, người lính chế độ cũ đã ăn năn phục thiện, chí thú làm ăn.
ĐAU ĐÁU VỚI QUÊ HƯƠNG
Vào khoảng những năm cuối thế kỷ XX, những người con tâm huyết cùng quê hương đứng ra vận động thành lập Hội đồng hương Hà Nam Ninh tại TP Hồ Chí Minh. Lúc ấy, Đại tướng Mai Chí Thọ đã bước vào tuổi bát tuần. Được bà con tôn vinh là Chủ tịch danh dự – một trong những người sáng lập Hội, Đại tướng Mai Chí Thọ vui vẻ nhiệt tình tham gia công tác Hội. Đại hội lần thứ nhất thành lập Hội đồng hương tỉnh Hà Nam Ninh được tổ chức tại trường THPT Trần Đại Nghĩa, với sự có mặt của đoàn đại biểu quê hương do đồng chí Bùi Xuân Sơn, Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu, ông có mặt từ sớm.
Thấy cả ngàn bà con đồng hương, không kể nguồn gốc, lai lịch đến dự, Đại tướng Mai Chí Thọ xúc động lắm. Theo đề nghị của Ban tổ chức, ông nói chuyện cùng bà con. Giọng ông lạc đi khi nói về quê hương với những kỷ niệm ấu thơ khó phai mờ. Chính truyền thống văn hiến của đất Thành Nam, quê hương của các vua Trần và biết bao chí sĩ, danh nhân văn hóa đã nuôi dưỡng ông thành chiến sĩ cách mạng. Ông nhắc nhở những người trong Ban Liên lạc Hội đồng hương phải hướng hoạt động của mình vào việc giúp đỡ bà con, nhất là bà con nghèo, gặp chuyện chẳng lành, ổn định cuộc sống. Phải có hình thức phù hợp để giáo dục truyền thống yêu nước, hiếu học, truyền thống cách mạng của quê hương. Ông suy nghĩ và hành động đúng tâm nguyện của mình. Tôi nhớ khi trận bão số 7 (1997) tràn vào tàn phá vùng duyên hải tỉnh nhà, ông gọi chúng tôi đến, bảo rằng phải tổ chức đoàn về chia sẻ với bà con đang gặp nạn. Ông còn kết nối với các doanh nghiệp để ủng hộ quà trao tặng bà con giữa cơn bĩ cực.
Tấm lòng nhân hậu của ông đã thu hút mọi người. Tuy không còn đảm nhiệm trọng trách, nhưng trái tim ông vẫn đau đáu hướng về quê hương, đất nước, đặc biệt những vùng căn cứ cách mạng và những người nghèo khó. Chính vì thế, với bà con quê hương, ông như cây cao, bóng cả, chỗ dựa tinh thần. Mọi người không chỉ kính trọng, ngưỡng mộ ông ở sự hy sinh, cống hiến cho đất nước mà còn bởi tấm lòng nhân hậu, nhân văn.
Tôi nhớ mãi đêm ấy, một đêm cuối tháng 5 năm 2007, khi nghe tin ông về với tổ tiên, chúng tôi – anh em trong Ban Liên lạc Hội đồng hương tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) gần như thức trắng đêm chờ đợi tại sân bay Tân Sơn Nhất để đón ông từ Hà Nội vào. Ông nằm đó như vừa chợp mắt. Nhìn khuôn mặt phúc hậu và rạng ngời của ông, tôi nghe văng vẳng bên tai lời dặn dò của Đại tướng:
– Nhớ chăm lo cho bà con nhé, nhất là những người nghèo khó…
Tôi trân trọng cảm ơn Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an – nơi Đại tướng Mai Chí Thọ đã từng công tác và cống hiến đã tổ chức Hội thảo khoa học “Đại tướng Mai Chí Thọ với lực lượng Công an nhân dân Việt Nam và Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh”, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (15/7/1922-15/7/2022).
Bài viết nhỏ này như nén tâm nhang tưởng nhớ ông – vị Đại tướng, một trong những người con ưu tú của đất nước, của quê hương Thành Nam giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, hiếu học và anh hùng.