Thứ Bảy, Tháng Mười Hai 9, 2023

NHANG KHÓI NGÀY XUÂN

Tùy bút của Thanh Kim Tùng

Đất nước thống nhất đã 46 mùa xuân, nhưng biết bao người mẹ chiến sĩ trên đất nước thân yêu vẫn chưa khô nước mắt bởi câu hỏi đời người “Con về rồi, còn em con đâu?”. Bầu sữa và lời ru của Mẹ Tổ quốc, dù trong muôn vàn gian khó, vẫn nồng ấm ngọt ngào nâng bước hành quân cho lớp lớp Bộ đội Cụ Hồ. Lòng tôn kính đáp đền đức hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ trong lòng mỗi người như mạch nguồn chảy mãi. Nghĩa cử tri ân, đền ơn đáp nghĩa lan tỏa, nồng ấm hơn trong nhang khói ngày Xuân…

Năm Tân Sửu 2021, đất nước ta đối mặt cuộc thử thách khắc nghiệt chưa từng có trong lịch sử. Đại dịch Covid-19 đã gây ra biết bao đau thương, mất mát cho hàng triệu đồng bào, chiến sĩ cả nước. Chống dịch, cứu dân trở thành cuộc chiến tranh trong thời bình của các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ. Cùng với gần 140.000 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị LLVT toàn quân xông pha trên tuyến đầu chống dịch, hàng chục vạn hội viên cựu chiến binh (CCB) cả nước cũng tham gia các hoạt động phòng, chống dịch, tổ chức các mô hình hỗ trợ, giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sĩ, các đối tượng chính sách và người nghèo.

Khi bộ đội hành quân về các vùng tâm dịch tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam giúp dân, nhiều chiến sĩ đã được các bà má Nam Bộ nhận làm con nuôi. Nhiều cô gái ở thì cập kê, vì cảm mến Bộ đội Cụ Hồ nên đã đem lòng yêu thương, hẹn thề xây tổ ấm. Chuyện tình của Thượng úy Lê Quốc Tài, cán bộ Tiểu đoàn 9, Trường Sĩ quan Lục quân 2 với nữ sinh tình nguyện Nguyễn Lê Huỳnh Trúc Linh ở phường 7, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh là một ví dụ.

Trong thời kỳ cao điểm chống dịch, Bình Thạnh là địa bàn thuộc “vùng đỏ đậm đặc”, số lượng F0 trong cộng đồng rất nhiều, tỷ lệ bệnh nhân phải nhập viện, tử vong cao. Cùng đơn vị hành quân đến địa bàn giúp dân, sự cần mẫn, chân thành, nhiệt huyết của chàng sĩ quan trẻ đã tạo dấu ấn sâu sắc trong trái tim nữ sinh tình nguyện. Khi nhiệm vụ hoàn thành, Tài được Trúc Linh dẫn về nhà ra mắt gia đình. Má của Trúc Linh rất vui mừng, ủng hộ quyết định của con gái: “Con quen ai thì má còn đắn đo, chớ yêu bộ đội là má ưng liền hà”. Tết này đôi trẻ chính thức về chung nhà.

Câu chuyện của Trung sĩ Trần Ngọc Sơn, Tiểu đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 60, Bộ Tham mưu, Quân đoàn 4 cũng có cái kết đẹp. Trong cao điểm chống dịch, Sơn xung phong làm nhiệm vụ tại phường Bình Nhâm, TP. Thuận An, Bình Dương. Mối tình của Sơn với nữ tình nguyện viên Nguyễn Phan Thanh Thảo chớm nở khi cả hai cùng tham gia chống dịch. Tết này Sơn hoàn thành nghĩa vụ quân sự, xuất ngũ, hai gia đình sẽ tổ chức đám cưới cho đôi trẻ.

Còn rất nhiều những câu chuyện tình được ươm mầm trong gian khó, khi bộ đội về với dân. Những chuyện tình của đôi lứa hôm nay khiến nhiều CCB rưng rưng cảm động, nhắc nhớ một thời đất nước chiến tranh. Trong khói lửa đạn bom trên các chiến trường khốc liệt, các chiến sĩ giải phóng được sự cưu mang, đùm bọc của nhân dân. Những ánh mắt, hơi thở, mùi hương cơ thể trong căn hầm tránh bom, trong giao thông hào hay những đêm bám bưng, lội sình trinh sát thực địa dưới sự hướng dẫn của nữ giao liên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… đã đem lại những câu chuyện tình thấm đẫm hàng ngàn trang văn. Trong buổi lễ khánh thành Đền thờ Liệt sĩ tại Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ở Long Khốt, Vĩnh Hưng, Long An cuối năm 2020, chúng tôi được gặp lại nhiều nhân chứng lịch sử, biết nhiều câu chuyện tình cảm động như vậy.

Đó là những giá trị nhân văn, lãng mạn, góp phần làm nên sức mạnh, phẩm giá Bộ đội Cụ Hồ. Bên cạnh những câu chuyện tình có cái kết đẹp, là hàng vạn, hàng triệu những lời hứa, lời thề dở dang. Bao người mẹ mất con. Bao người vợ mất chồng. Bao đôi lứa đợi chờ nhau đến đầu bạc, răng long, biết là vô vọng nhưng vẫn cứ chờ, cứ đợi…

Câu chuyện của các CCB khiến tôi nhớ về ký ức tuổi thơ. Năm 1972, giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Quê tôi có đơn vị bộ đội phòng không về xây dựng trận địa. Có một o thanh nữ đẹp có tiếng trong làng đem lòng yêu một anh bộ đội. Đám cưới chưa diễn ra thì đơn vị anh chuyển quân. Anh ra đi để lại lời hẹn sẽ trở về cưới chị, nhưng rồi chị đã phải đợi chờ trong vô vọng. Không chồng mà có con, chị bị gia đình, họ hàng xa lánh, phải chuyển đến sinh sống ở một khu làng mới.

Đất nước thống nhất được mấy năm thì có một anh thương binh về làng tìm chị. Nghe tin, chị bỏ đám ruộng đang gặt, vứt cả liềm và quang gánh chạy như bay lên đê. Khi đến gần anh thương binh, chân chị như ríu lại. Anh thương binh tiến đến nắm bàn tay chị. Hai người khóc như mưa giữa triền đê nắng hạ chang chang. Dân làng cũng ùa lên vây quanh chị. Chưa ai kịp nói lời chúc phúc cho cuộc trùng phùng bất ngờ này thì chị đột ngột buông tay anh thương binh, gạt nước mắt: “Chồng em hy sinh rồi phải không anh?”. Người thương binh lặng lẽ gật đầu. Anh kể rằng, chồng chưa cưới của chị đã hy sinh trên đường vào Nam chiến đấu. Trước khi nhắm mắt, anh đã trăng trối với đồng đội mình, hãy thay anh về gặp chị và gia đình để nói lời xin lỗi vì đã không thể về cưới chị theo lời hẹn…

Hoạn nạn, khó khăn là môi trường rèn luyện tinh thần xả thân của người lính. Cuộc sống và nhiệm vụ của bộ đội luôn gắn bó ruột thịt với nhân dân. Trong đại dịch Covid-19, chúng ta phải đương đầu với một cuộc chiến thực sự cam go để bảo vệ tính mạng cho nhân dân. Trong những cuộc chiến thời bình, nơi đầu sóng ngọn gió, trong những hoàn cảnh hiểm nguy, ngặt nghèo, nguy cơ lây nhiễm cao, họ luôn sẵn sàng nhận về mình cái chết để đổi lấy cuộc sống yên bình cho dân. Tôi đã nhiều lần thắt lòng đi viếng đồng đội hy sinh. Mỗi lần đưa tay lên chào di ảnh đồng đội là một lần chứng kiến ân nghĩa đồng bào, đồng chí. Qua hoạn nạn, hy sinh, càng thấy rõ hơn lòng bao dung, yêu quý của nhân dân.

Vậy là năm Tân Sửu 2021 sắp đi qua, hừng đông của năm mới Nhâm Dần 2022 đang hé cửa. Vòng quay của tạo hóa đưa trái đất hoàn thành thêm một chu trình quanh mặt trời. Mỗi chúng ta thêm một tuổi mới. Trong nhang khói ngày Xuân, người người, nhà nhà thành kính trước bàn thờ gia tiên, trước mộ phần tiên tổ, trước nghĩa trang liệt sĩ trên dọc dài đất nước, thành tâm cất tiếng thiêng liêng cung thỉnh ông bà, tổ tiên về ăn Tết cổ truyền, tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Trong niềm vui Tết đoàn viên của dân tộc, có những câu chuyện bình dị mà lay động lòng người. Đó là những đôi chân vạn dặm xuyên rừng đi tìm hài cốt đồng đội của những CCB, là hành trình đền ơn đáp nghĩa của Hội Hỗ trợ Gia đình liệt sĩ, là những trang viết bày tỏ thái độ tri ân anh hùng, liệt sĩ của rất nhiều cây bút trẻ… Đất nước đã bao đời chinh chiến chống ngoại xâm, bị chiến tranh vùi trong đổ nát, đời sống kinh tế còn khó khăn, thiên tai, dịch bệnh khắc nghiệt…, hành động tri ân trở thành nhu cầu tự thân. Đó là biểu hiện sinh động của nền văn hóa đậm chất nhân văn, tích tụ từ hàng ngàn năm với biết bao mồ hôi, nước mắt, xương máu của các thế hệ.

Như một nét đẹp có sức lan tỏa sâu rộng, những việc làm xuất phát từ thiện tâm xuất hiện ngày càng nhiều. Lòng nhân ái, tình yêu thương đang bung tỏa như sắc mai, đào ngày xuân. Nhờ đó mà những hoạt động của Hội Hỗ trợ Gia đình liệt sĩ TP. Hồ Chí Minh, phối hợp cùng các cấp chăm lo Tết cho gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công, đồng bào vùng bị thiên tai tàn phá… nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhiều tổ chức, nhà hảo tâm và người dân. Sự chung tay góp sức ấy kết tinh trong những phần quà, những căn nhà tình nghĩa, trong những lời thăm hỏi, chúc Tết, tri ân. Bầu không khí Tết nghĩa tình, Xuân yêu thương ngập tràn khắp mọi miền…

Nhang khói ngày Xuân, linh thiêng, trầm mặc!

*Bài viết đăng trên đặc san ” LINH KHÍ QUỐC GIA” số xuân nhâm dần

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây