TRẦN NGUYÊN TRANG
Lịch sử xã hội Việt Nam từ phong kiến đến cộng hòa đã có biết bao ví dụ về xử trảm quan đầu triều. Thời đại nhà Trần là một ví dụ. Trước sự “hư đốn” của vua đương triều, Thái Thượng hoàng đã bắt úp mặt, nằm sấp, tùy mức độ “hư đốn” để “đón nhận đòn roi”.
Đến thời cộng hòa, dân chủ, hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận ra điều đó. Người cho rằng, khi có quyền lực, người ta có thể làm bất cứ điều gì người ta muốn. Thực tế cho thấy, có nơi, người lãnh đạo cho rằng, Đảng là ta, chính quyền là ta. Ta làm gì chả được (?)… Chính vì nhận thức sai lệch đó mà gây ra hệ lụy khôn lường. Gần đây nhiều vụ việc gây chấn động mà gần trăm năm kể từ lúc xây dựng chế độ cộng hòa chưa từng có. Những lĩnh vực tưởng như “bất khả xâm phạm”; những nhân vật tưởng như “nằm ngoài luật pháp” bỗng dưng bị khui ra ánh sáng, không chỉ tàn phai tiếng tăm xã hội mà còn vướng vào lao lý.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vụ việc đau lòng này, nhưng trước hết, hỏi xem ai đã lập trình, ai kiểm soát để đưa những người ấy vào vị trí “đứng đầu”, đặc biệt, “người đứng đầu con tàu khổng lồ”? Việc cựu 2 Bộ trưởng vừa bị bắt là một ví dụ. Án tại hồ sơ, hai vị quan đầu triều bị còng tay khi cơ quan bảo vệ pháp luật có đầy đủ chứng cứ chứng minh sự phạm tội không phải bàn. Điều đáng bàn là ai đã tham mưu, đề xuất để cấp có thẩm quyền bổ nhiệm họ vào vị trí then chốt, đặc biệt ấy?
Nhân chuyện này, người viết bài này có vài cảm nhận:
Thứ nhất, qua vụ việc và cách xử lý cho thấy Đảng và Nhà nước ta hết sức lo cho dân. Lo cho dân cũng chính là bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ; bởi không loại khỏi Đảng những sâu mọt ấy sẽ làm Đảng từ suy yếu đến diệt vong.
Thứ hai, việc “dứt khoát” với tham nhũng, tiêu cực, chứng tỏ sức mạnh của Đảng. Sức mạnh ấy là niềm tin của quần chúng – nhân dân. Rằng, có nhiều tổ chức, đảng phái xã hội muốn dành quyền dẫn dắt nhân dân. Nhưng ai, thực sự có đủ tâm huyết, đạo đức và năng lực dẫn dắt dân tộc này vượt qua sóng gió đến bến bờ hạnh phúc?!
Thứ ba, nhân chuyện “quan đầu triều bị xử trảm” cho thấy sự đổi mới một cách thực chất của Đảng cầm quyền; Trong đó, Đảng không chỉ vì Đảng mà trước hết vì dân, vì lợi ích dân tộc; đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Ngoài lợi ích của dân tộc, lợi ích của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác”.
Cựu chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh và Cựu Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
bị bắt vì liên quan đến vụ Việt Á
Thứ tư, qua vụ việc đau lòng này càng củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ. Rằng, thời đại hội nhập quốc tế, dân chủ cộng hòa này có nhiều mô hình… vì dân. Nhưng Đảng ta, dù còn những bất cập, khiếm khuyết, nhưng đó là một Đảng “chân thành” vì nước, vì dân; vì sự tồn vong và danh dự của cộng đồng dân tộc “con rồng cháu tiên” trên mảnh đất hình chữ S thân thương này!