Trần Thế Tuyển
LTG: Nghe tin nhà văn – thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký trút hơi thở cuối cùng vào rạng sáng nay (28/9 / 2022), tôi và anh em Hội đồng hương Hải Hậu; đồng môn cấp 3 Hải Hậu không khỏi bàng hoàng.
Tưởng nhớ Anh, xin phép đăng lại bài viết về Anh cách nay gần chục năm.
Năm 1966, tôi vào học lớp 7 (hệ 10 năm) thì anh Nguyễn Ngọc Ký đã bắt đầu vào đại học. Thấm thoát gần nửa thế kỷ, bây giờ nhìn lại, tôi mới biết mình có may mắn cùng anh hai mốc son của cuộc đời. Thứ nhất, chúng tôi cùng học dưới mái trường cấp 2 và cấp 3 Hải Hậu, một trong những ngôi trường danh tiếng, có truyền thống hiếu học của khu vực và cả nước. Thứ hai, thời đại học, chúng tôi cùng học Khoa Ngữ văn (Đại học Tổng hợp) và đặc biệt, có cùng một người thầy hướng dẫn luận văn tốt nghiệp, đó là giáo sư Hoàng Như Mai, một trong những cây đại thụ khả kính của nền giáo dục nước nhà. Ngay từ thuở ấu thơ, anh Nguyễn Ngọc Ký đã là tấm gương sáng cho chúng tôi noi theo: Đó là nghị lực sống và sự vượt lên chính mình. Đọc Những năm tháng không quên (sau này tái bản đổi thành Tôi đi học) và đặc biệt là sống gần anh, chúng tôi thấy rõ nghị lực và bản lĩnh của anh. Bị liệt cả hai tay từ năm lên 4 tuổi, 7 tuổi Nguyễn Ngọc Ký đã vượt lên chính mình, viết bằng chân. Không những thế, anh còn là học sinh giỏi toàn diện. Năm 1963, anh Nguyễn Ngọc Ký đi thi học sinh giỏi toàn miền Bắc, đoạt giải 5, được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người lần thứ 2.
Là người nổi tiếng ngay từ nhỏ, nhưng anh Nguyễn Ngọc Ký luôn khiêm tốn, mẫu mực trong cách sống nên ở đâu anh cũng được mọi người quý trọng, thương yêu, giúp đỡ. Mới đây, Nguyễn Ngọc Ký gửi cho tôi bản thảo tập sách mới của anh Tôi học đại học. Với sự kính trọng và ngưỡng mộ anh từ lâu, tôi dành một đêm đọc hết tập bản thảo. Đó là cuốn tự truyện kể về một thời anh học đại học giữa lúc đất nước có chiến tranh, với bao nhiêu gian nan, khốc liệt nhưng ấm áp tình người. Tôi học đại học gồm 2 phần với 38 câu chuyện thật gần gũi và cảm động. Qua tác phẩm của Nguyễn Ngọc Ký, chúng tôi gặp lại chính mình – những chàng trai cô gái ở một vùng quê nghèo khó nhưng hiếu học. Như một món quà tinh thần quý giá, Nguyễn Ngọc Ký dành những trang viết chân thành, trân trọng nhất để tri ân các thầy, cô, cha mẹ, bạn học; cả người và đất đã nâng bước anh. Đó là thầy Châu, thầy Chử, thầy Trừu… (thời học cấp 3). Đó là thầy Diệp Tư, thầy Bùi Ngọc Trác, GS Hoàng Như Mai, GS Ngụy Như Kon Tum… (thời học đại học). Ấn tượng nhất là những trang viết về bạn bè của anh như: Vũ Như Cách, Nghiệp đen, Lê Quang Trang, Trần Bảo Hưng, Lê Thành Nghị, Lê Huy Hòa… Đó còn là Côn (Thái Bình), Hoàn (Phú Thọ), Lân (Quảng Bình), Đãng (Nam Định)… Cứ như thể, nếu không có họ thì anh không bao giờ trở thành Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký, nhà thơ Nguyễn Ngọc Ký… của ngày hôm nay. Điều ấy, hoàn toàn đúng. Nếu không có những người thầy, người bạn và cả những người dân của vùng quê Hải Hậu, Tràng Dương, La Khê… ấy thì một người có hoàn cảnh đặc biệt như Nguyễn Ngọc Ký không thể thực hiện được ước mơ, trở thành thầy giáo, trở thành nhà văn viết về mình, về cuộc đời nghiệt ngã nhưng “ấm áp giữa bơ vơ” này. Trong Tôi học đại học, Nguyễn Ngọc Ký không chỉ nhớ những người cưu mang mình mà còn nhớ rất lâu, rất sâu những kỷ niệm về những vùng đất với những con người yêu thương, giúp đỡ anh như người ruột thịt. Kỷ niệm về chiếc chăn bông, cây đèn tự chế, đôi tất lạ, đến bữa cháo sắn, cây cầu ông Kiểm, chiếc cửa sổ mới, chiếc bàn học của hai ông bụt… đã được Nguyễn Ngọc Ký kể với tình cảm trân trọng, tri ân. Tôi thích câu chuyện Đêm trăng sông Nhuệ. Đó là những ngày Nguyễn Ngọc Ký hoàn thành luận văn tốt nghiệp đại học, với biết bao trăn trở, gian nan khi chọn đề tài và tìm tư liệu. Cô gái thôn dã bên dòng Nhuệ giang có cái tên Thu Hằng xuất hiện trong trang viết của anh như là mối tình đầu trong trắng, mộng mơ. Thu Hằng yêu thương Nguyễn Ngọc Ký, một sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt, muốn làm hậu phương cho anh. Nhưng họ không đến được với nhau, có lẽ cũng bởi cái duyên cái số. Những cảm xúc của thuở ban đầu lưu luyến được Nguyễn Ngọc Ký viết theo bút pháp bay bổng của một nhà thơ khiến ta có cảm giác chuyện tình như vừa xuất hiện mới đây thôi.
Kết thúc 4 năm học đại học, Nguyễn Ngọc Ký chọn thơ Hồ Chí Minh với thiếu nhi làm đề tài luận văn tốt nghiệp. Luận văn của anh đã được GS Hoàng Như Mai, thầy giáo hướng dẫn và Hội đồng chấm luận văn đánh giá cao. Viết đến đây, tôi bỗng nhớ cái dáng cao cao, mái tóc bạc, giọng nói và đôi mắt ấm áp của thầy Hoàng Như Mai. Cũng như Nguyễn Ngọc Ký, tôi có hạnh phúc lớn được làm học trò của thầy và được thầy trực tiếp hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp đại học cách đây gần 40 năm. Mấy chục năm sau, tôi lại may mắn được sống cùng anh Nguyễn Ngọc Ký
ở TP mang tên Bác kính yêu, cùng sinh hoạt trong Hội đồng hương và Hội Cựu học sinh cấp 3 Hải Hậu tại TPHCM và các tỉnh phía Nam. Như vàng thử lửa, vượt qua bao gian nan từ sức khỏe đến đời sống riêng, anh Nguyễn Ngọc Ký vẫn là tấm gương sáng. Đúng như cố Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng nhận xét: “Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đại diện cho sự phấn đấu phi thường và kỳ diệu, là tấm gương sáng cho bạn trẻ hôm nay, nhất là những người khuyết tật noi theo”. Nhà giáo ưu tú – Nhà thơ Nguyễn Ngọc Ký, tấm gương sáng về sự phấn đấu phi thường và kỳ diệu