Thứ Hai, Tháng Chín 9, 2024
Trang chủNGƯỜI ĐỒNG HÀNHNguồn cảm hứng lớn đối với cuộc đời tôi

Nguồn cảm hứng lớn đối với cuộc đời tôi

Sinh ra vào những năm tháng chiến tranh khói lửa, tôi đã hiểu thế nào là hai chữ “hy sinh”. Từ thế hệ cha anh cầm súng đi vào trận mạc, người nằm xuống mất cả cuộc đời, người trở về thương đau nhuốm cả màu mắt; những người mẹ già cõng gạo nuôi quân, chiến tranh đã cướp đi của họ chồng con mất rồi; còn những em bé vót chông đào hầm, niềm vui tuổi thơ hóa thành lửa giận vì quê hương bị giày xéo…

Tất cả những hình ảnh, những câu chuyện mà tôi được tận mắt chứng kiến, được nghe hay được kể lại đều vô thức trở thành cái gai trong tim tôi từ thuở bé. Để rồi đi qua từng giai đoạn khác nhau của cuộc đời, cái gai ấy lại nhói lên như một lời nhắc nhở: Mọi điều tôi gặt hái được, cơm tôi ăn, áo tôi mặc, chữ nghĩa tôi theo đuổi trên giảng đường, niềm hạnh phúc tôi đang nắm giữ… một phần đều nhờ vào sự hy sinh cao đẹp của thế hệ đi trước. Nếu không có những sự hy sinh đó, lịch sử đã khác và tôi, và chúng tôi đã không có ngày hôm nay.

Nhận thức rõ rệt về cái “ơn” mà mình có được, tôi luôn tự nhủ bản thân phải trở thành người sống có ích cho đất nước, từng việc tôi làm đều luôn hướng đến lợi ích chung của Việt Nam như là một người kế thừa tinh thần giữ nước và dựng nước của thế hệ cha anh. Và không chỉ tôi, kế thừa tinh thần thiêng liêng ấy còn có những người mà tôi thật sự xem họ là người có công với đất nước trong thời bình.

Bà Đỗ Thị Kim Liên.

Họ là những nhà lãnh đạo liêm khiết, là các nhà khoa học tài ba, là những nhà giáo ưu tú, là những lương y giỏi giang, là những văn nghệ sĩ cao đẹp, là những cầu thủ bóng đá, tuyển thủ thể thao tài năng và những cựu chiến binh vẫn hết mình vì lý tưởng… Có thể đôi dòng tôi không thể kể hết ra tất cả nhưng với tôi, những người có công với đất nước trong thời bình là những người dành cả tuổi xuân, cả cuộc đời để xây dựng và bảo vệ đất nước bằng trí tuệ, chất xám, nỗ lực và tài năng thiên bẩm.

Mỗi người trong số họ, đều có chức năng và nhiệm vụ tự đặt để trên vai mình. Người làm công tác lãnh đạo đất nước, người lại nghiên cứu khoa học, người hết mình phát triển y tế, phát triển giáo dục, người lại viết ra những cuốn sách hay hoặc sáng tác bài hát khích lệ tinh thần dân tộc và người theo đuổi thể thao với mơ ước làm rạng danh nước nhà, tấm huy chương mang về là cả vinh quang Việt Nam… Từng việc họ làm, tôi đều khâm phục, kính trọng và dành nhiều tình cảm tri ân.

Nếu thế hệ cha anh đã ngã xuống để bảo vệ đất nước, thì chính họ với trái tim đỏ lửa nhiệt thành, lòng trong mắt sáng tay sạch đã và vẫn đang đứng lên xây dựng đất nước trong thời bình. Không ai bảo ai, nhưng họ dường như hiểu được rằng, đó là trách nhiệm mà bản thân họ phải gánh vác để nối tiếp ân tình ơn nghĩa đối với các bậc tiền bối giữ nước xưa kia, góp sức mình đưa Việt Nam tiến lên trên con đường phát triển và hội nhập.

Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình liệt sĩ.

Nhưng con đường mà phần lớn trong số họ lựa chọn không hề dễ dàng, đôi khi còn rất cô độc. Biết bao chông gai, khó khăn khi mà bản thân họ phải đứng trên lằn ranh giữa việc nghiên cứu, cống hiến và câu chuyện cơm áo gạo tiền, giữa một thời đại mà phần đông đều lựa chọn tìm kiếm lợi ích cho chính mình đầu tiên, thậm chí lằn ranh ấy còn là lằn ranh giữa sự sống và cái chết.

Xuất thân là một cô giáo nên tôi biết nhiều về những nhà giáo giỏi, khi về hưu, cuộc sống khó khăn, ban ngày phải đi bán vé số kiếm cơm, ban đêm lại tình nguyện vào các lớp học tình thương, dạy từng con chữ cho những đứa trẻ nghèo, không thu lấy một đồng học phí. Cũng có những thầy cô giáo khác lại chọn băng rừng lội suối mang tri thức đến cho trẻ em vùng cao.

Như thế có gọi là có “công” với đất nước không? Tôi nghĩ là có, bởi chính sự tận tụy và lòng cống hiến của những thầy cô giáo đó đã góp phần nâng cao tỷ lệ trẻ em nghèo được đến trường. Và rồi những đứa trẻ ấy lớn lên, cùng với nền tảng tri thức có được, sẽ quay trở lại giúp ích cho cộng đồng, lao động tạo ra giá trị cho xã hội, quê hương.

Đó chỉ mới là ở nghề giáo, cái nghề nơi tôi xuất thân và hiểu rõ; còn những lĩnh vực khác, không khó để chúng ta tìm kiếm thấy những thông tin một nhà khoa học nghèo miệt mài với công trình mình nghiên cứu nào đó với mong ước giúp đỡ cho xã hội; hay một kỹ sư nông nghiệp quê Sóc Trăng, dù hiện tại đã thành công trong việc phát triển giống lúa mới nhưng nhìn về quá khứ, anh ấy đã trầy da tróc vảy đến mức nào trên chuyến hành trình nghiên cứu đầy cô độc của mình. Cả cô gái kỹ sư từ bỏ lời mời trở thành giảng viên đại học, để về nơi vùng sâu vùng xa giúp phát triển kinh tế địa phương với lý do “nặng nợ với nông dân”.

Tôi biết có cả những cựu chiến binh, tuổi già sức yếu nhưng vẫn theo đuổi công tác hỗ trợ, giúp đỡ thân nhân của những liệt sĩ, đồng đội mình ngày xưa. Và những bạn trẻ theo đuổi sự nghiệp thể thao, gian khổ tập luyện với những rủi ro ảnh hưởng cả sức khỏe và tính mạng, các bạn vẫn quyết chí theo đuổi đến cùng chỉ để đổi lấy vinh quang cho đất nước.

Tất cả họ, những người mà tôi gọi là có công với đất nước trong thời bình, họ đã hy sinh cuộc sống mà đáng lý ra sẽ rất an nhàn của mình để bước chân vào những con đường với nhiều thách thức, khó khăn nhằm đem lại hạnh phúc và tiến bộ cho dân tộc.

Tôi luôn nhớ về công lao của các bậc cha anh, những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu đổi lấy độc lập cho dân tộc và cũng luôn dành sự kính trọng, tri ân của mình đối với những người có công với đất nước trong thời bình. Họ chính là nguồn cảm hứng lớn để tôi trung kiên theo đuổi giấc mơ, tận tụy thực hiện lý tưởng, sứ mệnh của mình vì một Việt Nam phát triển vững mạnh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Đỗ Thị Kim Liên

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây