Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
Trang chủTác phẩmNGƯỜI VỀ TỪ PHÍA BÊN KIA

NGƯỜI VỀ TỪ PHÍA BÊN KIA

Truyện ngắn
TRẦN THẾ TUYỂN

Cuối cùng sau gần 10 năm học tập ở nước ngoài, Thạch cũng “mang“ về một người bạn gái. Ông Thái, cha của anh về hưu đã hơn chục năm nay. Một trong những việc ông nghĩ phải hoàn thành trước khi đi xa là cưới vợ cho Thạch, con trai duy nhất của ông bà. Tham gia kháng chiến từ sau những năm mảnh đất xứ dừa, quê hương “đồng khởi”, bàn chân ông Thái in hầu hết chiến trường từ miền Tây đến miền Đông Nam Bộ.
Sau ngày giải phóng Miền Nam, ông mới có dịp xây dựng gia đình riêng. Vợ ông, mẹ của Thạch là một phụ nữ nết na ở vùng chiến trường xưa – Đức Huệ, Long An, nơi ngạt ngào hương mía và những câu vọng cổ cưa xé lòng người. Thật tội cho ông Thái, lấy vợ được hơn 10 năm thì vợ ông bị ung thư. Ấy là lúc cuộc chiến giúp bạn mà ông là chỉ huy một đơn vị tình nguyện quân đang diễn ra quyết liệt. Cả hai đứa con, một gái, một trai, khi vợ sinh, ông đều vắng mặt. Về hưu, sum họp gia đình cũng là lúc vợ ông mắc bệnh hiểm nghèo. Dù ông tìm mọi cách cứu chữa, nhưng vợ ông không qua khỏi. Bà ra đi để lại hai đứa con chưa trưởng thành. Thạch trên 10 tuổi, còn Ngọc, chị nó vừa bước vào tuổi trăng tròn.
Ông Thái một mình “gà trống nuôi con”. Vài năm sau khi vợ ông mất, người ta khuyên ông nên tìm một người đàn bà nào đó để sẻ chia lúc xế chiều. Nhưng ông từ chối. Ông bảo, mọi thứ rồi sẽ qua mau thôi. Mai mốt nhỏ Ngọc đi lấy chồng, thằng Thạch lấy vợ thì tha hồ mà ẵm cháu. Cách đây vài năm, tốt nghiệp đại học, Ngọc xin được việc ở công ty liên doanh. Ít lâu sau, nó lên xe hoa về nhà chồng. Chồng Ngọc là một kỹ sư hóa thực phẩm làm chung công ty. Thạch là học sinh giỏi của trường Lê, một trong những trường điểm của thành phố. Tốt nghiệp PTTH vào loại xuất sắc, Thạch nhận học bổng sang Pháp 5 năm rồi sang Mỹ 3 năm lấy bằng tiến sỹ. Ông Thái một mình trong ngôi nhà nhỏ do quân đội cấp. Được cái, vợ chồng Ngọc cũng mua một căn hộ gần đó. Hằng ngày vợ chồng Ngọc vẫn qua lại săn sóc ông…
Bây giờ khi Tết sắp đến, Thạch điện, sẽ “mang“ bạn gái về ra mắt. Nó còn nói thêm, nếu mọi việc suôn sẻ, qua Tết sẽ xin phép làm đám cưới.
Ông Thái đứng ngồi không yên. Gần trưa, Thạch mới đưa bạn gái về đến nhà. Khi Thạch mở cửa, từ trên xe một người con gái dáng cao cao, mái tóc phủ bờ vai, da trắng, trang phục bà ba đen bước xuống. Mắt ông Thái nhoè đi. Ông không thể tin vào mắt mình. Người bạn gái học cùng trường, cũng là mối tình đầu của ông hơn nửa thế kỷ trước bỗng hiện ra như trong mơ.
– Con chào ba! Thưa ba, đây là Tuyết Hoa, bạn gái của con. Quay về phía ông, giọng Thạch trong lạ: – Còn đây là ba của anh.
Cô gái cúi đầu lễ phép:
– Con chào bác.
Ngay cả giọng nói cũng giống. Cố kìm sự xúc động, ông Thái cất tiếng:
– Ờ, ờ, bác chào cháu. Hai đứa vào nhà đi con.
Trong lúc Thạch và bạn gái của nó mang hành lý vào nhà, ông Thái đến bàn thờ vợ. Ông vén màn, thắp nhang. Vừa lúc ấy, Thạch cũng đến, anh đặt trái cây và hoa lên bàn thờ mẹ. Trong hương nhang ngạt ngào, giọng ông trầm đục:
– Thằng Thạch về thăm nhà, có cả bạn gái của nó về nữa. Bà sống khôn, thác thiêng, phù hộ độ trì cho các con bình an, mọi sự như ý.
Thạch và Tuyết Hoa chắp tay trước ngực đứng sau lưng ông. Ông nghe tiếng khấn lầm rầm của cô gái. Ông không nghĩ một cô gái sinh ra và lớn lên ở nước ngoài mà vẫn giữ được phong tục truyền thống, gia giáo của tổ tiên như thế.
Cả nhà vừa thắp nhang bàn thờ xong thì cũng là lúc gia đình Ngọc về. Vợ chồng Ngọc đã có một bé gái chừng bốn tuổi:
– Con chào ông ngoại, cậu Ba và cô… đi con. Thay lời chào, Ngọc nhắc con gái. Bé gái ngoan ngoãn khoanh tay cúi đầu. Giọng bé trong như tiếng suối:
– Con chào ông ngoại. Con chào…
Lâu lắm gia đình mới có dịp sum họp đầy đủ, lại vào dịp Tết nên có phần rộn ràng, ấm cúng hơn. Vợ chồng Ngọc chuẩn bị bữa trưa. Tuyết Hoa theo Ngọc xuống bếp. Trên nhà chỉ còn hai bố con. Ông Thái:
– Bạn gái con quê ở đâu? Bao nhiêu tuổi, gia đình thế nào?
Thạch chừng như đã chuẩn bị sẵn, trả lời bố một hơi:
– Thưa ba. Ba mẹ Tuyết Hoa đồng hương với nhà mình. Ba Tuyết Hoa là sĩ quan quân đội chế độ cũ. Sau năm 1975 định cư ở Mỹ và Tuyết Hoa là con út, sinh ra ở đó…
Ông Thái cắt ngang, vẻ nghiêm trọng:
– Vậy mẹ của bạn con là ai ?
– Dạ, mẹ bạn con cùng học một trường với ba bạn ấy. Nhưng cách đến mấy lớp…
– Bà mẹ tên gì?
– Dạ, Bạch Vân ạ? Ba biết sao?
Đến lượt giọng của Thạch dồn dập. Rõ ràng anh nhận ra sự lúng túng của bố.
– Không. Không có gì đâu con. Ba hỏi thế thôi…
Ngọc và Tuyết Hoa từ dưới bếp bưng lên một mâm cơm đặt trên bàn thờ. Ông Thái không giấu được xúc động. Cây nhang trên tay ông nhảy múa. Không biết ông đã khấn gì. Thật sự khác thường. Ngọc nhận ra điều đó. Cứ nghĩ là em trai đưa bạn gái hay chính xác vợ sắp cưới về nên ba xúc động như thế.
Đêm ấy, khi cả nhà đã chìm vào giấc ngủ, ông Thái vẫn ngồi như pho tượng nơi chiếc ghế mây đặt trước hiên nhà. Từ lúc con trai đưa vợ sắp cưới về, ông vừa mừng vừa lo. Mừng vì con trai sắp cưới vợ, ông sẽ có cháu nội. Lo vì điều sâu thẳm mà không thể chia sẻ có ảnh hưởng gì đến cuộc tình giữa hai đứa nhỏ. Không còn nghi ngờ gì nữa, qua câu chuyện với Tuyết Hoa, ông biết rõ dâu con tương lai của ông là con của tình địch và đối thủ của ông ngày trước.
Ấy là những năm giữa thập kỷ 60 của thế kỷ XX, khi ông và Chánh – cha của Tuyết Hoa cùng học lớp đệ tam tại ngôi trường huyện. Thời ấy ông Thái là con nhà nghèo, nhưng học giỏi. Còn cha của Tuyết Hoa, con nhà giàu, song học chỉ vào loại dưới trung bình. Ngay từ hồi đó, hai người đã kình nhau. Chánh luôn tìm cách khiêu khích, nói xấu ông, nhất là mỗi lần ông được nhà trường khen thưởng, biểu dương. Lúc ấy, Bạch Vân học dưới các ông hai lớp. Nàng được mệnh danh là hoa hậu học đường nên có nhiều chàng trai theo đuổi.
Gần nhà, nhiều lần ông cho Bạch Vân “quá giang” trên chiếc xe đạp cũ kỹ đến trường. Có khi trời mưa gió, hai người cùng chung một mảnh vải nhựa.
Để ý Bạch Vân từ lâu, ganh tỵ, Chánh tung tin nói xấu ông. Anh ta lên tận ban giám thị tố cáo rằng ông “trai gái”, vi phạm quy định của nhà trường. Việc làm đó, Chánh tưởng chia rẽ được ông và Bạch Vân. Trái lại, càng làm hai người gắn bó, thân thiết nhau thêm…
Ông nhớ mãi vào cuối lớp đệ tam (lớp 11 bây giờ), trước khi chia tay vào chiến khu, ông đã hát tặng Bạch Vân ca khúc “Nỗi buồn hoa phượng“. Bài hát vừa ra đời đã tạo nên cơn sốt trong giới trẻ.
“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn/ Những ngày đã qua chứa chan tình thương/ Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi/ Phút gần gụi nhau mất rồi…”
Ông đã sửa lời bài hát cho phù hợp. Nghe xong, Bạch Vân gục vào ngực ông. Ông thấy trái tim mình rung lên. Nàng hứa, đợi ông ngày chiến thắng…
Vào Quân giải phóng, lúc đầu ông Thái được giao làm liên lạc cho bộ đội tỉnh. Năm sau ông được cử đi học tại trường đào tạo cán bộ tận rừng Miền Đông Nam Bộ. Vài lần ông viết thư nhờ cơ sở gửi về cho Bạch Vân. Ông bảo rằng nhớ nàng da diết. Những lúc nhớ Bạch Vân, ông thường ra bờ suối ngồi một mình, thầm hát “Nỗi buồn hoa phượng“ mà thời ấy, trong chiến khu cấm không ai được nghe, được hát…
Chờ đợi mãi, rồi ông cũng nhận được thư hồi âm của Bạch Vân. Nàng kể cho ông nghe chuyện trường, chuyện lớp và còn nói thêm Chánh nhận nàng làm em kết nghĩa. Cuối cùng nàng nhắc lại, em nhớ anh nhiều lắm. Đợi anh ngày chiến thắng…
Ít lâu sau, vào chiến dịch mùa khô 1973-1974, ông nghe tin sét đánh: Bạch Vân lấy chồng. Người chồng của nàng không ai xa lạ chính là Chánh. Ông còn biết thêm sau khi ông vào chiến khu, Chánh cũng đầu quân cho quân đội chế độ cũ và được cử đi học tại trường sĩ quan Thủ Đức. Ra trường về tỉnh làm việc, Chánh được thăng tiến liên tục bởi nhà có nhiều tiền và điều này nữa, Chánh tỏ ra một sĩ quan mẫn cán, anh ta đã trực tiếp chỉ huy các đợt truy sát gia đình có người tham gia cách mạng, trong đó có gia đình ông.
Thế mà, Bạch Vân bội ước, làm vợ tình địch, đối thủ của ông. Không hiểu Bạch Vân bị ép hay tình nguyện? Cứ mỗi lần nghĩ đến Bạch Vân, ông bỗng thấy lòng đau như sát muối. Ông mong có dịp về quê để xem ngọn nguồn ra sao.
Đầu năm 1975, trước sự suy sụp của kẻ thù, chớp thời cơ cấp trên mở cuộc Tổng tiến công và Nổi dậy Mùa Xuân 1975, thực hiện mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông là cán bộ tiểu đoàn thuộc Đoàn 232 đánh địch ở hướng Tây Nam Sài Gòn. Thực sự ông không còn thời gian để nghĩ đến Bạch Vân cùng người chồng là kẻ nợ máu với cách mạng.
Sau giải phóng (30-4-1975), ông xin phép tranh thủ về thăm nhà ít ngày. Người ta báo cho ông biết, Bạch Vân đã theo chồng di tản ra nước ngoài…
Thăm lại mái trường xưa, ông Thái thả bộ dọc con đường rợp bóng dừa mà năm xưa ông đã sánh vai, hát cho Bạch Vân nghe “Nỗi buồn hoa phượng”. Dù không muốn nghĩ đến Bạch Vân, con người bội ước ấy, nhưng trong ông vẫn vang lên lời ca da diết như lưỡi dao cứa vào tim gan: “Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng/ Biết ai còn nhớ đến ân tình không/ Đường xưa in bóng hai đứa nay đâu/ Những chiều hẹn nhau lúc đầu/ Giờ như nước trôi qua cầu”…
Ông Thái đang bập bềnh trôi theo ký ức bỗng giật mình khi thấy Thạch và bạn gái của nó đứng sau lưng:
– Khuya rồi, ba đi ngủ thôi
Ông Thái nhìn đồng hồ:
– Đã quá 12 giờ rồi hả con. Ba đi ngủ đây!
Nói là đi ngủ, nhưng vào giường ông chẳng thể nào chợp mắt được. Hình bóng người con gái da trắng, tóc phủ bờ vai, mặc bộ bà ba đen – mối tình đầu, đúng như tên gọi của nàng như những áng mây trắng lang thang trôi trong ký ức…
Chỉ còn ít ngày nữa là đến cái Tết lần thứ 45, kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông như thấy mình bừng tỉnh. Thế giới đã đổi khác. Đến những cựu thù cũng đã gác lại quá khứ, hướng tới tương lai. Tại sao mình cứ băn khoăn, day dứt mãi về điều ấy…
Giọng ai đó đang vang lên trong tiềm thức: “Giã biệt bạn lòng ơi!/ Thôi nay xa cách rồi/ Kỷ niệm mình xin nhớ mãi/ Buồn riêng một mình ai/ chờ mong từng đêm gối chiếc/ Mối u hoài này ai có haỵ/ Nếu ai đã từng nhặt hoa thấy buồn/ Cảm thông được nỗi vắng xa người thương/ Màu hoa phượng thắm như máu con tim/ Mỗi lần hè thêm kỷ niệm/ Người xưa biết đâu mà tìm…
Ông Thái bỗng thấy mình bay bổng trên những đám mây hình cánh vạc
T.T.T

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây