Thứ Hai, Tháng Chín 9, 2024
Trang chủKÝ ỨC CHIẾN TRANH  NGƯỜI THẦY KHÔNG BỤC GIẢNG

  NGƯỜI THẦY KHÔNG BỤC GIẢNG

Chúng tôi tới thăm anh lúc anh đang chăm sóc khu vườn hơn một héc ta trái cây đang vào mùa trĩu quả. Nào bưởi, cam, na, chuối nhìn mê mắt. Anh cho biết, giờ già rồi vui bên vườn cây ao cá cũng là cách thể dục giữ gìn sức khỏe. Anh là Phạm Bình, người thầy, người thủ trưởng 8 năm trên thao trường, hiện đang sinh sống tại xã Lệ Mỹ, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.

Biết chúng tôi muốn viết về anh, anh dừng công việc, thân tình mời chúng tôi vào nhà. Cũng như bao người cựu binh khác, nhắc lại một thời hào hùng của mình, anh như chìm đắm trong quá khứ. Nhìn vào đôi mắt anh, tôi thấy có hình bóng người lính năm xưa – người trực tiếp huấn luyện tân binh, người thầy không bục giảng.

Nhiệm vụ của thầy Bình là nhận quân tỉnh đội giao về từ các đợt khám nghĩa vụ quân sự để huấn luyện. Có em 18 tuổi, có em 17 tuổi, thậm chí có em mới 16 tuổi cũng xung phong lên đường nhập ngũ, chỉ cần đủ chiều cao, cân nặng là sẵn sàng lên đường cứu nước.

Có lần cả thầy và trò đang hăng say trên thao trường, giữa trời nắng nóng cháy da của mùa hè oi bức, mồ hôi ướt đẫm, thầy nhìn các em rất thương.

Thầy trò đang mãi mê lăn lê bò toài, bên người súng, lựu đạn và trên thao trường đủ mọi thứ chướng ngại vật. Trận đánh giả mà như thật, nghiêm khắc, kỹ luật… Bỗng đâu trời đổ cơn mưa xối xả. Thầy muốn các tân binh của thầy sau này khi vào chiến trường, ai cũng vận dụng được mọi tình huống xảy ra, linh hoạt, tháo vát, thông minh và dày dặn lòng dũng cảm đối phó với quân thù nên yêu cầu các em vẫn giữ nguyên vị trí chiến đấu. Sau trận mưa đó, nhiều em bị cảm lạnh. Cũng may, uống thuốc có mấy hôm các em lại khỏe, lại tiếp tục ra thao trường.

“Giờ nhớ lại tôi vẫn còn thấy thương các em, lại tự trách mình nhưng nghĩ, thà thao trường đổ mồ hôi để chiến trường bớt đổ máu”.

Trong giờ huấn luyện tính thầy Bình tuy nghiêm khắc nhưng ngoài giờ thầy rất xề xòa. Đối với các em, thầy luôn đối đãi chân tình, thương yêu nhất mực. Thầy luôn sát cánh, hòa đồng, vui chơi, hò hát, khuyên bảo các em, không bao giờ phân biệt. Những lúc rảnh rỗi hoặc trong giờ nghỉ giải lao, các em thích quây quần bên thầy kể hàng tỷ chuyện trên đời. Thầy trò tâm sự chuyện đời, chuyện gia đình. Có em hoàn cảnh rất đáng thương, cha mất, mẹ ốm đau, em còn nhỏ… Nhưng nhìn chung các em rất ngoan, luôn thể hiện mình là người lính”.

Sau 4 tháng trời ròng rã huấn luyện các em thành thạo vững vàng tay súng đúng chuẩn người chiến sĩ giải phóng quân Việt Nam, Thầy Bình lại là người trực tiếp giao quân. Thầy đưa các em vào Quảng Bình bàn giao chuẩn bị lên đường vào Nam chiến đấu.

“Lúc đó, trong tôi dấy lên một tình cảm rất dạt dào nhưng phải nén lòng để không bật lên tiếng khóc trước mặt các em. Khi ấy trong đầu tôi hiện lên hình ảnh của sự gian khổ mất mát, hy sinh, hình ảnh khốc liệt của chiến trường trong khi các em còn quá trẻ.

Các em ai cũng đỏ hoe đôi mắt nhìn tôi, có em chạy lại ôm chầm lấy tôi thật chặt, ríu ra ríu rít, em chào thủ trưởng, em chào thầy, em nhớ thầy quá thầy ơi!… Có em không kềm nổi đã bật khóc thật to. Tôi hô khẩu lệnh “Nghiêm! Nín!”, đồng chí không được quên mình là chiến sĩ giải phóng quân Việt Nam” nhưng thật ra tôi đang nuốt tiếng khóc vào lòng”.

Cứ hết lớp này đến lớp khác, chia tay các em, thầy Bình lại quay về tiếp tục công việc của mình, làm người đưa đò. Năm tháng trôi đi, mỗi năm 3 đợt, thầy chu cấp quân vào chiến trường miền Nam để bổ sung vào các đơn vị.

Đất nước chiến tranh ác liệt, bao nhiêu thanh niên lớn lên đều ra trận. Thầy cũng là người lính. Người lính không ở trên mặt trận chiến đấu giáp mặt kẻ thù, nhưng ở tuyến sau Thầy luôn là người lĩnh nhiệm vụ rất nặng nề tiếp viện sức người ra tiền tuyến.

Tân binh của Thầy Bình những ngày đầu học ăn, học nói, học cách xếp chăn màn, cách mang giày, học cách hành quân trong đêm, vác súng đạn lội suối trèo đèo… tất cả phải thành thạo như một người lính khi ra trận. Em nào lề mề, vụng về là lập tức bị khiển trách, phê bình trước đơn vị.

Hơn 8 năm làm người thầy không đứng trên mục giảng, thầy đã cung cấp không biết bao nhiêu “tân binh” cho chiến trường.

“Cuộc chiến tranh ác liệt, tàn khốc đã qua đi. Quân dân Việt Nam đã dành thắng lợi vẻ vang. Tôi thật tự hào về những người lính. Trong chiến đấu đã có biết bao anh hùng, liệt sĩ, biết bao thương binh, bệnh binh, biết bao cựu chiến binh đã làm nên một Việt Nam  hôm nay. Bây giờ tuổi đã về chiều, ngồi nhớ lại những ngày trên thao trường cùng với các chiến sĩ tân binh của mình, trong số đó, có em đã hy sinh, có em đã trở thành thương binh, có em chưa tìm thấy nơi vùi nắm xương tàn…  lòng tôi như nghẹn lại”.

Bóng chiều đã khuất, tôi từ giã anh ra về. Anh nắm chặt tay tôi. Nhìn vào đôi mắt anh tôi thấy hình bóng người lính năm xưa vẫn như mới ngày hôm qua.

Khánh Ngọc

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây