Nhân một chuyến về quê tìm gia phả, tôi được đưa đến thăm ngôi miếu thờ bà Trần Thị Đoan Trang. Khu miếu thờ nằm dưới bóng cây đa cổ, cạnh bờ sông quanh năm có trẻ con nô đùa. Chơi chán, chúng vục nước từ cái giếng đất bốn mùa trong vắt, mát lạnh uống ngon lành. Tuy thành tâm vào dâng hương, lòng tôi vẫn gợn lên câu hỏi: bà Trần Thị Đoan Trang là ai mà được dân gian khắp vùng quê tôi (và nghe nói cả một làng bên kia cầu Gia Bảy của Thái Nguyên) thờ phụng thành kính đến thế? Mà hình như tên người nghe quen quen, mặc dù dứt khoát không phải do tôi đọc ở bất cứ tài liệu lịch sử nào. Hóa ra từ hai chục năm trước, mẹ tôi đã nhắc đến tên bà trong một câu chuyện Người kể mà không hiểu sao phải hai mươi năm sau tôi mới nhớ lại. Có thể chính sự quên lãng ấy mà tôi chịu nhận một hình phạt là cứ khốn khổ mãi. Nhưng đấy là chuyện riêng, không dám làm khổ tai người khác.
Vùng quê tôi vốn nổi tiếng bởi nghề vật. Cho đến giờ hằng năm cứ vào mồng sáu tết, cả vùng lại náo nức vào hội. Theo mẹ tôi kể thì câu chuyện liên quan đến người đàn bà kia xảy ra đã lâu lắm. Thuở ấy, bà Trang còn là một thiếu nữ xinh đẹp. Chỉ lạ một điều, bao nhiêu chàng trai đến hỏi làm vợ, nàng đều lắc đầu. Hằng năm nàng chỉ xuất hiện trước đám đông vào hội vật. Nhưng năm nào cũng thế, hết mùa xuân nàng lại khép phòng khuê, âm thầm sống với cái bóng của mình.
Năm ấy hội vật mở rất to. Khắp bốn xứ đều cử những đô vật lừng danh về đua tài. Thông thường qua mỗi hội vật như thế, vì danh dự, không ít kẻ bỏ mạng. Vì thế người được chọn phải là người dũng mãnh, coi cái chết nhẹ như sợi tóc.
Trước ngày vào đại cuộc, các bô lão làng tôi bèn mở riêng một cuộc tuyển người tài, khả dĩ có thể đem vòng nguyệt quế – dù đẫm máu – về cho làng.
Đến ngày thi thứ ba, tức ngày cuối cùng, bỗng có một người cao lớn, tướng mạo hiên ngang, len lên ngồi xổm ngay trước khán đài. Cử chỉ thất lễ ấy, giá vào lúc khác có thể lĩnh trăm gậy kỳ đến rách da nát thịt. Nhưng vì đây là hội “cầu tài” cho nên mọi người đành nén nỗi bực xuống. Điều lạ là sau mỗi keo, chàng trai lại vỗ đùi cười ầm lên, đầy vẻ khinh miệt. Đám khán giả càng được thể khó chịu, trừ một người. Anh chàng cao lớn nhanh chóng nhận ra điều đó, lòng bâng khuâng tự hỏi: cô gái kia là thế nào mà chỉ riêng mình nàng nhận ra ta là kẻ anh hùng? Mỗi lần hai cặp mắt gặp nhau thì người e lệ nhìn xuống, kẻ thảng thốt như đang mơ. Bao nhiêu năm chuyên chú vào tu luyện, tưởng máu đã đông cứng, mà sao bỗng dưng chàng thấy tâm trí tán loạn, tim đập như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Tình đi ý lại, cả hai đều mười phần say đắm. Phải có tiếng reo hò nổi lên chấm dứt keo chung kết, chàng trai mới sực tỉnh trở lại. Chàng thét vang một tiếng khiến đám khán giả kinh hồn:
– Chưa xong! Ta muốn đấu với đô Úy.
Mọi người sững sờ trong giây lát, kịp để cụ thủ chỉ đứng dậy cất tiếng sang sảng:
– Đô vật kia tên gì?
Chàng trai cúi thấp mình, cử chỉ khác hẳn lúc trước:
– Thưa, tôi là Binh.
Chàng lại quét ánh mắt lên thân thể người đẹp như muốn nói: “Ta đấu không chỉ vì danh dự, mà chủ yếu vì nàng”.
Cô gái khẽ cúi đầu như đáp lại: “Điều đó thì em đã rõ”.
Cụ thủ chỉ quay sang người nhận giải hụt:
– Đô Úy, theo lệ anh phải đấu tiếp với đô Binh, ý anh thế nào?
Hai đô làm lễ chào khán giả xong là vào trận ngay. Mặc cho đô Úy vờn lừa miếng, đô Binh cứ xoay người tại chỗ, vẻ mặt không thay đổi. Có cảm tưởng chàng đang buồn chán vì phải vật với một gã thiếu niên. Bỗng chàng chuyển tay vụt một cái làm động tác giả, kẹp đô Úy vào nách rồi nâng bổng lên nhẹ nhàng như ta nâng con ếch. Đặt đô Úy lên vai, chàng chạy ba vòng sân, chân không bén đất trong tiếng trống đổ dồn dập và tiếng la hét của khán giả. Sau khi đô Úy chịu thua, chàng trở lại giữa sân, đi một bài chào tuyệt trần rồi bay mình lên như con đại bàng và trở về đúng chỗ cũ ở tư thế bái tổ.
Cụ thủ chỉ rạng rỡ bước xuống nâng chàng dậy, dắt lên khán đài. Chàng trai từ chối mọi loại giải thưởng, tâm trí hướng cả về phía cô gái đang rẽ đám đông chạy ra ngoài. Hướng theo cái nhìn của chàng, cụ thủ chỉ hiểu ý cười ầm lên:
– Ta biết bụng con rồi. Cũng là dịp may cho làng ta và phúc cho con bé. Không gặp con, ta còn chưa biết gả nó cho ai.
Chàng trai quỳ hẳn xuống, thốt ra một câu cảm tạ.
Đúng như mong ước của cụ thủ chỉ, đô Binh nhận thi đấu ở hội vật bốn xứ với điều kiện phải có nàng Đoan Trang đi cùng. Tuy chưa ngỏ lời chính thức, nhưng hai bên đều ngầm hiểu mọi việc sẽ ngã ngũ sau hội vật. Đô Binh phải đem được vòng nguyệt quế về cho làng, thay cho cái lễ ra mắt các cụ.
Đi theo chàng đến hội còn có ông thầy dạy chàng từ bé. Chưa có cuộc đua tài nào tụ hội được nhiều đô sừng sỏ như hội vật năm ấy. Luật lệ của cuộc thi thật thảm khốc và người ta cho phép quật chết đối phương trong một vài tình huống cụ thể. Chẳng hạn khi bốc được đối phương lên vai, vẫn chưa thắng cuộc nếu chưa chạy đủ ba vòng sân và đối thủ chưa nhận thua. Trong trường hợp ấy, người ta cho phép quật ngã đối phương xuống đất. Sau một thời gian quy định anh ta tỉnh lại thì keo vật được xem như chưa phân thắng bại.
Trong suốt sáu ngày đầu, đô Binh loại hầu hết các đối thủ lừng danh của ba xứ để vào chung kết với một đô Sơn Tây. Keo cuối cùng này, đô Binh không gặp may. Chàng rơi đúng vào tình huống hiểm nghèo nhất, nghĩa là bị đô vật Sơn Tây bốc lên vai. Tuy tiếng trống vẫn một nhịp tưng bừng giục giã, nhưng đã thấy lảng vảng âm điệu của tử khí. Chợt tiếng trống ngừng bặt sau vòng chạy thứ nhất của đô Sơn Tây. Người đề nghị hoãn đấu là ông thầy của đô Binh. Đô Sơn Tây buộc lòng phải đặt đối phương xuống, bởi theo lệ, đô Binh được phép hội ý với thầy. Thầy trò dắt nhau ra một chỗ khuất, ngay cạnh chỗ nàng Đoan Trang ngồi. Đám khán giả lặng phắc. Tất cả đều cầu mong thầy trò đô Binh tìm được phép giải bởi họ rất thiện cảm với chàng. Ông thầy bấm tay đô Binh, mặt sa sầm vì giận dữ:
– Miếng vuốt dọc để chôn bố mày à?
Đô Binh thảng thốt nhìn thầy. Chàng đưa mắt tìm nàng Đoan Trang đang tái mét vì xúc động. Không phải chờ thầy nhắc chàng mới nhớ đến miếng giải hiểm độc ấy. Nhưng như vậy chàng có thể phải giết người. Chàng tự nhủ: “Bằng mọi giá ta phải chiến thắng”. Chàng đổi nét mặt lắc mạnh tay ông thầy:
– Xin cảm tạ sư phụ!
Chàng trở lại bãi vật, bình thản trèo lên vai đô Sơn Tây để giữ nguyên hiện trạng. Đô Sơn Tây tiếp tục chạy nốt hai vòng còn lại. Mọi người hiểu như vậy là đô Binh lựa chọn cái chết. Không ai để ý tới nàng Đoan Trang đang chắp tay cầu nguyện: “Ta muốn chàng nhận thất bại”. Ở trên bãi, đô Sơn Tây đã chạy hết vòng thứ hai. Chợt người ta thấy đô Binh khẽ nhỏm người dậy. Một tay túm vào chỏm đầu, tay kia chàng đánh ngược lên cằm đô Sơn Tây. Đồng thời với cái vặn đầu, chàng vận hết công lực dùng chân miết dọc sống lưng đối phương, xẻ một nhát như dao chém khiến đô Sơn Tây ngã khuỵu xuống trong giây lát. Máu xối từ cơ thể đô Sơn Tây làm bãi vật rực lên một màu đỏ.
Theo luật đấu, đô Binh là người chiến thắng. Chàng vừa thở hồng hộc, vừa lảo đảo bước về chỗ ông thầy. Chàng đưa mắt tìm người đẹp nhưng nàng đã biến mất…
Hôm sau người ta tìm thấy xác nàng Đoan Trang trong một cái giếng, cạnh cây đa ở bờ sông. Theo truyền thuyết kể lại thì đô Binh đã dùng số tiền giải để xây lên khu miếu thờ nàng Đoan Trang rồi chăm lo hương khói cho nàng đến hết đời. Nhưng trong chuyến đi tìm gia phả này, sau khi nhớ đến câu chuyện mẹ kể, tôi đã bỏ công sưu tầm được một vài lời giải thích khác. Chẳng hạn ông cụ thủ từ làng Hạ kể rằng: vào thời Tây Sơn một viên tướng của Nguyễn Huệ thắng trận, trên đường về Thăng Long đã dừng chân ở lại làng tôi. Thấy phong cảnh hữu tình, ngài động lòng hứng khởi, nửa đêm lang thang một mình ra bờ sông. Chợt ngài gặp một cô gái, dung nhan tuyệt thế giai nhân đưa cho ngài chiếc khăn đẫm máu, rồi biến mất. Ngài dùng mọi cách giặt cũng không sạch. Băn khoăn bởi điềm lạ, ngài đến ngồi bên giếng, sơ ý để rơi chiếc khăn xuống nước. Khi vớt lên, viên tướng nọ tái mặt vì chiếc khăn trắng tinh. Hôm sau viên tướng nọ cho mời các bô lão đến, hỏi nguồn gốc của giếng nước. Vẻ mặt viên tướng bỗng trầm tư hẳn đi. Khi vào chầu, ngài tâu lên triều đình đề nghị phong bà Trần Thị Đoan Trang là Phúc thần, phóng thích những kẻ vì mẹ già con nhỏ mà án binh bất động. Đồng thời đích thân ngài chỉ đạo việc xây miếu thờ bà.
Giả thuyết cuối cùng mà tôi ghi được bớt huyền thoại hơn cả. Sau khi thắng trận rồi biết tin nàng Đoan Trang tự vẫn, đô Binh tìm đến đúng cái nơi chàng hạ sát đối thủ, dùng tay tự rạch bụng mình cho đến chết. Còn khu miếu thờ phải mấy đời sau mới được xây, do chủ ý của một kẻ vô danh nào đó cảm khái về thế cuộc, trải bao thăng trầm vẫn thâm nghiêm cùng trời đất và trở thành biểu tượng cho sự minh triết của dân gian.
Truyện ngắn của Tạ Duy Anh