Sau chiến tranh, người lính trở về cuộc sống đời thường, “tàn nhưng không phế”, họ biến đau thương thành hành động, vực dậy nghị lực sống để xây dựng gia đình, quê hương thêm giàu đẹp.
Chiến tranh đã đi xa nhưng nỗi đau vẫn còn mãi, sau bom đạn, khói lửa, có những người bỏ lại chiến trường một phần cơ thể của mình, có những người mang trong mình chất độc dioxin, tuy nhiên vượt qua mọi khó khăn, người lính nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống đời thường để ổn định và phát triển kinh tế.
Vừa qua, chúng tôi có dịp theo chân các cô chú thương binh tỉnh Bình Phước đến với Nha Trang. Trong hành trình, đoàn đã dừng, nghỉ ngơi tại Trung tâm điều dưỡng và chăm sóc người có công Khánh Hòa.

Buổi giao lưu của các cô chú thương binh tại Trung tâm điều dưỡng và chăm sóc người có công Khánh Hòa.
Tại đây, các cô chú có thời gian nghỉ dưỡng, tham quan trung tâm và nhận được sự chăm sóc nhiệt tình, chu đáo của đội ngũ cán bộ, nhân viện nơi đây. Cũng giống nhiều nơi khác, Trung tâm điều dưỡng và chăm sóc người có công Khánh Hòa luôn xem việc chăm sóc người có công là nghĩa vụ, trách nhiệm, họ thực hiện công việc bằng cái tâm và tấm lòng của mình.
Trong chuyến đi, đoàn đã đến thăm đảo Gạc Ma, nơi các chiến sĩ hải quân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu hy sinh giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc.

Đảo Gạc Ma.
Ngày 14/3/1988, 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam đã hy sinh tại đây Trước khi hy sinh, các chiến sĩ vẫn nắm chặt tay nhau thành vòng tròn quyết bảo vệ lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc. 64 chiến sĩ đã chìm sâu trong biển cả không tìm được xác, 11 chiến sĩ bị thương, 9 chiến sĩ bị bắt, 3 năm sau mới trở về. Tất cả còn rất trẻ, tuổi đời 18, 20.
Chuyến đi đã lại gợi lại trong lòng các cô chú thương binh một thời cứu nước đầy đau thương mất mát. Nhiều người đứng lặng suy tư sau giây phút tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ tại đảo Gạc Ma.
Ông Phạm Văn Dân (81 tuổi), thương binh 2/4, ngụ tại phường An Lộc, Thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước nói để có độc lập tự do ngày hôm nay phải kể đến những gian khổ, hy sinh của bộ đội ta trong các cuộc chiến tranh.
Ông Dân cho biết, ông là lính bộ binh, ông nhớ lại ngày đơn vị đang trên đà tiến lên thì bom nổ phía trước mặt, lách qua một chút thì bom nổ sau lưng, súng đạn hai bên bắn nhau bom khói mịt mù, nhìn đồng đội chết nằm dưới chân mình, nhưng tình thế tiến công không cho phép mình dừng lại, lệnh xung phong tất cả tiến lên. Cứ thế không quản bom đạn, không quản gian lao, trong lòng chỉ biết tiến, cứ thế nã vào đầu kẻ thù.
“Trong đợt tiến công đó tôi và hai đồng đội đã bị quả pháo nổ ngay bên hông, hai đồng đội chết, còn tôi bị thương” ông đau lòng nhớ lại.

Giao lưu văn nghệ cùng các cô chú thương binh tỉnh Bình Phước.
Lúc chia tay, bà Đặng Thị Thuỳ Tiên – Giám đốc Trung tâm điều dưỡng và chăm sóc người có công Khánh Hoà chia sẻ nỗi lòng biết ơn các thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Bà mong các cô chú thương binh tiếp tục sống vui khoẻ để làm chỗ dựa cho thế hệ đi sau.
Hàng năm, bên cạnh các chế độ, chính sách, nhà nước chăm lo cho những người có công các chuyến thăm quan, an dưỡng. Đây là việc làm vừa mang tính nhân văn, vừa giúp cho các thương bệnh binh có thêm nghị lực, tinh thần để họ sống vui sống khỏe.
Nguyễn Nhị