Chủ Nhật, Tháng mười 13, 2024
Trang chủNHỊP CẦU BẠN ĐỌCBẠN ĐỌC VIẾTNgười lính ấy đã về trời!

Người lính ấy đã về trời!

Alo cháu nhà báo, tụi chú đi viếng.

Tin nhắn kèm hình ảnh người cựu chiến binh năm nào tôi từng phỏng vấn, chút thảng thốt nhói đau nơi con tim, tôi nhắn lại: Cho cháu đi với.

Lát sau chú gửi lại hình ảnh đã có mặt ở đám tang và ra thăm nơi yên nghỉ cho người cựu chiến binh ấy. Tôi hiểu rằng gửi tin nhắn cho tôi, chú chỉ có ý báo tin. Lật giở trong ký ức, tôi vẫn nhớ lần đầu có mặt ở Long An giữa cái nắng ong vàng của miền Nam những ngày tháng 8. Tiếp tôi là người cựu binh gầy gò, da bọc xương và nếu để tôi lột tả thì dùng hai từ “trơ xương” cho dễ hình dung nhưng dùng từ như vậy không đúng, chú gầy gò chỉ có da bọc xương do chịu hậu quả của bom đạn chiến tranh đâu phải do hoàn cảnh sống.

Thế rồi chỉ sau cuộc gặp ngắn ngủi, bữa cơm trưa ăn vội cùng chú và gia đình mà sau đó chú liên lạc với tôi thường xuyên hơn cùng lời nhắn nhủ: Khi nào cháu có dịp về miền Tây chơi thì nhớ ghé thăm nhà. Chú lại có cơm thịt gà thái lá chanh đặc sản miền Bắc đãi cháu.

Sở dĩ người cựu binh năm nào thích món này dù sống ở miền Tây vì chú quê ở huyện Ý Yên, Nam Định, nhập ngũ năm 1969 và chiến đấu ở chiến trường miền Nam hơn nửa thế kỷ nay.

Chiến tranh kết thúc, chú chọn nơi này làm quê hương thứ hai, dù ở miền Tây nhưng chú vẫn giữ thói quen ăn uống, nếp sống của miền Bắc. Biết tôi cũng người miền Bắc vào trong này học tập và chọn miền Nam làm quê hương thứ hai nên chú đãi tôi các món chuẩn” cây nhà là vườn “ và khẩu vị miền Bắc.

Hội tụ tại Đền Thờ liệt sĩ Phú Quốc, Kiên Giang.

Ký ức cũ đan xen, tôi ngồi lật giở lại những bài bút ký đã từng viết về chú và nhiều cựu chiến binh, người lính cụ Hồ khác. Có một điều tôi thấy nét chung, nét nổi bật làm nên cốt cách, hình ảnh đẹp của màu xanh quân nhu và ngôi sao vàng năm cánh đó là sự mộc mạc, chân thành, nhân hậu ở họ.

Thực ra trước khi phỏng vấn chú, tôi đã phỏng vấn nhiều bác cựu chiến binh khác, điều khiến tôi luôn ấn tượng và có nhiều cung bậc cảm xúc chính là sự mất mát, hy sinh, là nghĩa tình đồng đội, là những khẩu hiệu thời chiến mà có lẽ thế hệ nối tiếp như chúng tôi không bao giờ nghe nếu không có những bài viết, những thước phim về chiến tranh.

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Long Khốt. 

Những khẩu hiệu “nói không to, ho không tiếng, đun không khói”, “cánh đồng chó ngáp” “áo phơi nhòe đêm trăng”… Và rất nhiều những câu nói tương tự thế. Nhưng ấn tượng nhất: “đi là đi bảo vệ Tổ quốc chứ bận tâm gì chuyện sống chết”.

Hay có lần phỏng vấn một cựu chiến binh quê ở Hà Tây, bác bảo: Giờ chú ngồi đây với cháu nói về chuyện chiến tranh, trong lòng vẫn thấy thương những “đứa” nằm lại nơi chiến trường. Có đứa mới 17 tuổi. Sinh thời, rảnh, trò chuyện, nó bảo: Hết chiến tranh rồi em ước học nốt chương trình đại học. Vậy mà nửa tiếng sau phải vuốt mắt nó. Người hậu thế, không đi qua chiến tranh như tôi, chỉ biết nhói con tim và ngay khi phát hiện không khí trùng xuống, chú bảo: Thôi! Có thế thì thế hệ các cháu mới được ấm no như ngày hôm nay.

Đan xen ký ức trong các lần phỏng vấn cũng như theo dõi những hoạt động của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, trong đó có Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM, những con người đầu đã hai thứ tóc, những con người ở độ tuổi lục, thất tuần có khi hơn nhưng vẫn đầy nhiệt huyết, gắn kết tình đồng đội keo sơn và luôn xác định rằng “dẫu biết rằng ngày ấy sẽ đến” – ngày ấy ở đây là ngày về trời theo quy luật, tôi thấy trong lòng chợt xao xác đến lạ.

Lần nữa, trong tôi dâng trào ký ức của người cựu binh quê hương Ý Yên, Nam Định  – người hôm nay về trời – ký ức về căn nhà, khuôn viên sống của người cựu binh năm nào có mái lán được xây dựng như thể một di tích lịch sử gợi nhớ thời thanh xuân với dòng chữ:

“Ký Ức – Hồi Tưởng – 50 Năm Nhớ Lại Một Chặng Đường” có đoạn viết: “Với nén hương trầm, xúc động nước mắt tuôn trào tưởng nhớ đến đồng chí, đồng đội hãy yên tâm an nghỉ giấc ngủ ngàn thu! Giờ đây với mái lán nhỏ mộc mạc đơn sơ như những ngày ở căn cứ rừng xưa, tôi mãi nhớ đồng đội đã hy sinh. Tôi gọi đây là phòng trà lý tưởng”.

Tại nơi phòng trà lý tưởng này, người cựu binh vẫn thường xuyên ra nghỉ ngơi để tưởng nhớ đồng đội, để thấy rằng bản thân còn may mắn dù đã phải mổ sống ở phổi 6 lần không có thuốc tê để lấy đạn. Còn nhớ khi tôi hỏi: Vậy chính xác chú mổ bao nhiêu lần?

Chú nào có nhớ, nhiều lắm. Do phổi mổ nhiều quá phải nhớ vì nó liên quan tới hơi thở.

Và tôi giật mình trở về hiện tại, người lính ấy nay đã trút hơi thở cuối cùng, người lính ấy nay đã về trời!

Ngọc Thạch

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây