Thông qua chị Huỳnh Thị Minh Tâm, Giám đốc quỹ Ztrợ tài năng và thể thao học đường, tôi được biết về liệt sĩ Huỳnh Dương Long, em trai của chị hy sinh anh dũng trên đất bạn Campuchia khi chưa đầy 18 tuổi. Trong trận chiến ác liệt, dù bị thương nặng, Huỳnh Dương Long vẫn yêu cầu đồng đội để vũ khí lại để anh chặn địch cho đồng đội rút lui, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Liệt sĩ Huỳnh Dương Long
Huỳnh Dương Long sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Cha của anh là ông Huỳnh Văn Một, lão thành cách mạng vào đảng trước khi thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, quê của ông ở Đức Hòa, Long An. Ông đã kinh qua nhiều cương vị trọng trách như Chỉ huy phó lực lượng vũ trang Giải phóng liên quận Hóc Môn – Bà Điểm – Đức Hòa, Thường vụ Tỉnh ủy liên tỉnh miền Đông, Trưởng ban quân sự Liên tỉnh, Tư lệnh phó Quân khu Sài Gòn – Chợ Lớn, Đại biểu Quốc hội khóa 1, Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, Trưởng ban căn cứ Xứ ủy Nam Kỳ…
Mẹ của anh là liệt sĩ Dương Thị Huê – một chiến sĩ cách mạng kiên cường đã tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hy sinh năm 1971.
Huỳnh Dương Long sinh ngày 5/4/1961 tại xã Phước Hải, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Anh mang đậm chất truyền thống anh hùng cách mạng của ông cha. Khi nhỏ anh ở với Bác Hai để cha mẹ đi hoạt động cách mạng.
Sau ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, Huỳnh Dương Long lúc đó 14 tuổi tham gia công tác tình nguyện ở thành đoàn, được thành đoàn giới thiệu vào học Trường con em liệt sĩ Lý Tự Trọng thành phố. Hòa bình chưa được bao lâu thì tình hình biên giới Tây Nam trở nên căng thẳng. Đất nước ta lại bước vào thời kỳ vừa có hòa bình vừa có chiến tranh. Hưởng ứng lời kêu gọi của non sông đất nước, nhiều thanh niên đã gác bút nghiên lên đường đi chiến đấu.
Lúc này Huỳnh Dương Long vừa học xong lớp 11, cũng như bao thanh niên khác sục sôi muốn lên đường đánh giặc bảo vệ non sông. Anh đã làm đơn gửi lên nhà trường xin đi bộ đội. Nhưng các thầy đã không chấp nhận đơn vì Trường Lý Tự Trọng nuôi dạy con liệt sĩ thuộc diện chính sách, được miễn nghĩa vụ quân sự.
Mùa hè năm 1978 anh về với ba tại số 95 đường Hòa Hưng P.22 – Q.10, sinh hoạt hè tại địa phương. Là một cán bộ đoàn nhiệt tình, xông xáo với các phong trào thanh niên ở phường, Huỳnh Dương Long đã giấu cả nhà làm đơn tình nguyện đi bộ đội ở phường 22, Quận 10. Việc Huỳnh Dương Long, con liệt sĩ, con cán bộ lão thành cách mạng sẵn sàng lên đường bảo vệ Tổ quốc đã thúc đẩy nhiều thanh niên khác trong Phường 22 lên đường, năm đó Phường 22 vượt chỉ tiêu nhập ngũ.
Tháng 9/1978, Huỳnh Dương Long nhập ngũ, được huấn luyện cấp tốc tại thao trường Quang Trung, Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi huấn luyện, anh được điều về đại đội 18, đại đội hỏa lực 12 ly 8 của Trung đoàn 88. Đây là Trung đoàn có bề dày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam – một trung đoàn 3 cuộc chiến chinh, 3 lần Anh hùng với hàng ngàn liệt sĩ.
Cuối tháng 10 năm 1978, Huỳnh Dương Long đã tham gia chiến đấu cùng Trung đoàn 88 trong chiến dịch “thời cơ 1978”. Trong thời gian này Trung đoàn 88 có nhiệm vụ chốt giữ Xa Mát, Lò Gò thuộc huyện biên giới Tân Biên tỉnh Tây Ninh. Đầu năm 1979, anh cùng Trung đoàn 88 tham gia giải phóng Campuchia. Ngày 24 tháng 3 năm 1979, Huỳnh Dương Long đã theo đội hình trung đoàn 88 hành quân đến tỉnh Ốt Đô
Miên Chay của Campuchia thay thế cho Trung đoàn 2 của Sư đoàn 31, quân đoàn 3.
Mới đặt chân đến địa bàn mới Chông Kai Sàm Rông, chiều 26 tháng 3 năm 1979, khẩu đội Huỳnh Dương Long được lệnh ngày 27/3 đi yểm trợ cho tiểu đoàn 3 truy đuổi Pôn Pốt ở Phum Ka Pum phía bắc huyện Sàm Rông, tỉnh Ốt Đô Miên Chay gần biên giới Thái Lan. Sáng 27/3/1979, trước khi lên đường đi đánh giặc anh được phong quân hàm binh nhất. Trận chiến ngày 27/3 là trận chiến ác liệt vô cùng, quân của tiểu đoàn 3 ở vào thế nằm giữa đồng không mông quạnh, vận động hướng ngược gió. Địch nằm phục ngoài phum bắn ra dữ dội.
Huỳnh Dương Long là xạ thủ, anh đã bắn trả quyết liệt. Một viên đạn bắn tỉa của địch đã xuyên từ mạn sườn bên phải sang phía đùi sau của Long. Tiểu đội trưởng Trần Văn Năm lính 77, người gắn bó thân thiết với Huỳnh Dương Long nhìn sang thấy viên đạn phá đùi sau to bằng chiếc bát. Anh thấy Huỳnh Dương Long không nói năng được gì vẫn cười và bám khẩu súng bắn.
Thấy vết thương của Long quá nặng, Tiểu đội trưởng Năm ra lệnh cho anh em thay Long mang súng vận động lên chiến đấu. Chiến sĩ Thái Hữu Tài, người phường 8, Quận 11, vừa vác súng lên thì bị địch bắn trúng hy sinh. Thế địch quá mạnh nên quân ta phải rút lui. Biết mình không thể đi được nữa, Huỳnh Dương Long đề nghị “Các đồng chí để vũ khí lại cho tôi chặn địch”. Anh đã chiến đấu cản địch đến hơi thở cuối cùng.
Huỳnh Dương Long hy sinh là nỗi đau thương không bao giờ nguôi, nhưng cũng là niềm tự hào của gia đình. Hài cốt của anh đã được đưa về Nghĩa trang liệt sĩ thành phố. Liệt sĩ Huỳnh Dương Long ra đi mang theo bao khát vọng, tình yêu đối với Tổ quốc, quê hương và người thân. Sự hy sinh cao cả của anh sống mãi cùng năm tháng, như tấm gương cho thế hệ hôm nay và mai sau.
*Bài viết được đ8ang trên đặc san ” LINH KHÍ QUỐC GIA” số xuân nhâm dần.