Thứ Hai, Tháng Chín 9, 2024
Trang chủGƯƠNG ĐIỂN HÌNHNgười cựu chiến binh và mô hình kinh tế đa năng ở...

Người cựu chiến binh và mô hình kinh tế đa năng ở Phú Thọ

Từ quân đội, năm 1990 chuyển ngành, anh Nguyễn Hồng Thái vào làm bảo vệ tại Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao. Sau khi xây dựng gia đình cùng chị Hoàng Thị Sơn, anh chị bắt tay vào làm kinh tế. Vừa công tác tại công ty, anh vừa gánh vác việc gia đình, sản xuất, khai hoang, trồng trọt với phẩm chất người lính “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. 

Anh Thái, chị Sơn bên ngôi nhà của mình

Ở một miền đất nửa đồng bằng nửa sườn núi, tại khu 5, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, anh Nguyễn Hồng Thái và chị Hoàng Thị Sơn đã tạo dựng cho mình một tương lai bền vững tại nơi đây.

Nghe tin đã lâu, hôm nay chúng tôi quyết định đi một chuyến đến thăm mô hình kinh tế đa năng của anh chị để biết rõ hơn về những ngày tháng anh chị vất vả để có được ngày hôm nay.

Bao nhiêu năm qua với ý chí và lòng quyết tâm cộng với bản lĩnh vững vàng anh chị đã vượt qua gian khó. Hơn 2ha đất đồi hoang hóa mà cha mẹ anh mua cho là rừng núi hoang nên công khai phá hết sức nặng nề. Sườn núi dốc thoai thoải, đá ghềnh lởm chởm nhấp nhô, cây rừng gai gốc chằng chịt. Mới ban đầu thoạt nhìn thấy rất ngán nhưng với lòng quyết tâm, lửa thử vàng, gian nan thử sức, ngày này qua tháng khác, anh chị vẫn miệt mài không ngại đổ mồ hôi.

Mùa nóng cháy da đi qua, mùa đông lại tới lạnh như cắt từng miếng thịt nhưng cũng không làm nản lòng đôi vợ chồng người nông dân ấy. 2ha đất đồi lần lượt được giải phóng nhìn rất đẹp mắt. Mít, na, bưởi, xoài, nhãn… lần lượt mọc lên xanh tốt, mỗi năm cho hàng tấn quả ngọt lịm.

Cộng thêm 1ha đất ruộng trồng lúa, thời gian quay con người chóng cả mặt. Anh tâm sự, vợ chồng anh không một ngày ngơi nghỉ, hai đứa con còn nhỏ, mọi thứ đều do vợ chồng anh cáng đáng. Khi ổn đất đồi lại đến đất ruộng, ổn đất ruộng lại đất vườn, 1ha đất quanh vườn nhà, anh chị trồng ngô, chuối. Anh cho biết, tất cả những loại cây trồng mỗi năm thu hoạch trên 100 triệu.

Khi nghe chúng tôi hỏi anh đang công tác trong cơ quan nhà nước vậy thời gian đâu để anh làm kinh tế gia đình với biết bao công việc như thế ? Anh chia sẻ, làm những ngày nghỉ, những đêm trăng sáng, buổi trưa, chiều về, rảnh lúc nào làm lúc đó, không có lúc nào ngơi tay. “Để có được cơ ngơi này, vợ chồng tôi bám trụ dựng chòi tại nương rẫy không quản ngày đêm hay mưa nắng bão bùng cô ạ!”, anh bộc bạch.

Đặc biệt anh chị còn có mô hình trang trại chăn nuôi. Gà của anh chị mỗi năm xuất hơn 4.000 con. Là gà thả đồi, thức ăn chủ yếu do gà tự kiếm trên đồi như mối, giun, cào cào, châu chấu, sâu bọ, nên lượng thức ăn vợ chồng anh chu cấp cho chúng không đáng kể. Gà đồi thịt rất thơm ngon, giá 100 nghìn/1kg, trọng lượng từ 2,5 – 3,5 kg/con. Mỗi ngày chúng cho khoảng hơn 2.000 trứng.

Riêng heo nái, một đàn 4 con, mỗi năm cho 2 lứa, 2 năm 5 lứa, mỗi lứa một heo mẹ từ 10 đến 13 con. Giá 1 triệu/con, cùng mấy chục con heo thịt. Anh Thái cho biết trừ chi phí, mỗi năm anh thu nhập khoảng hơn 200 triệu từ gà và heo.

Đúng là trời đất không phụ lòng người, “bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Nhờ ý chí chinh phục khó khăn, vươn lên làm giàu, bây giờ vợ chồng anh Thái chị Sơn đang vững “như Thái Sơn”. Họ sống trong ngôi biệt thự gần 200m2, tiện nghi đầy đủ, có xe hơi đắt tiền, hai con anh chị chăm ngoan học giỏi. Riêng anh Thái công tác trong Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cũng đã gần 30 năm, anh cho biết anh chuẩn bị nghỉ hưu. Đến hôm nay anh mới được thở phào nhẹ nhỏm, bây giờ chỉ ngồi hái lượm, ngắm nhìn thành quả của mình. Giơ hai bàn tay lên anh nói, giờ nhìn lại thấy thương đôi bàn tay. Rồi anh nở nụ cười đầy mãn nguyện.

Đàn gà nghìn con đang trú nắng trong vườn ngô

Anh Thái còn cho biết anh thường xuyên đi làm từ thiện giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn, và đỡ đầu cho các cháu mồ côi trong tỉnh, đặc biệt trong đại dịch Covid – 19. Cái tâm của anh chị càng làm cho mọi người ngưỡng mộ.

Đây là tấm gương người nông dân cần cù chịu thương chịu khó vượt qua gian nan thử thách, lấy sức người vượt sức thiên nhiên, vươn lên làm giàu bằng chính công sức mồ hôi của mình, xây dựng gia đình, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Người chiến sĩ trở về đời thường trực tiếp làm ra của cải, làm giàu cho quê hương đất nước, thật sự rất đáng trân trọng, rất đáng khâm phục, rất đáng được nhân rộng cho xã hội học tập và noi theo.

Kim Nguyền

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây