Chủ Nhật, Tháng chín 15, 2024
Trang chủKÝ ỨC CHIẾN TRANHNgười cựu chiến binh đi kể chuyện chiến trường

Người cựu chiến binh đi kể chuyện chiến trường

Chuẩn bị đón năm mới Quý Mão 2023, chúng tôi có chuyến thiện nguyện đến thăm các em học sinh nghèo tại Trường Phổ thông xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Ở đây, tình cờ chúng tôi gặp CCB Hoàng Đình Phiêu đang nói chuyện chuyên đề về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của bộ đội ta cho các em học sinh phổ thông nghe trong giờ ngoại khoá.

CCB Hoàng Đình Phiêu

Với tư cách là nhân chứng lịch sử, từng câu chuyện chiến trường khốc liệt, trên bom dưới đạn, nhịn đói, nhịn khát, ngâm mình suốt ngày đêm dưới nước thực hiện nhiệm vụ… được anh kể lại bằng một chất giọng ấm áp truyền cảm. Các em học sinh ngồi bên dưới say sưa nghe như nghe một câu chuyện ly kỳ hấp dẫn. Ngồi nghe “ké”với các em học sinh, tôi cũng say sưa không kém.

Anh Phiêu kể, đơn vị anh là đơn vị đặc công thủy, chuyên ngâm mình dưới nước, thở bằng ống dẫn, có khi đỉa bám hút máu no tròn căng bụng tự nhã ra. Nhiệm vụ của đơn vị là đặt mìn tiêu hủy các kho chứa vũ khí, hay bến cảng, kho bãi của địch. Mỗi người một nhiệm vụ xong là rút quân. Mìn hẹn giờ, sau 1 tiếng đồng hồ mìn nổ làm cho địch bất ngờ trở tay không kịp. Đặc điểm của người lính đặc công thủy là lặn dưới sông tiến vào mục tiêu trong khi máy bay trực thăng lượn trên trời, bọn lính địch gác kín các điểm mà không để chúng phát hiện.

“Hôm ấy vào khoảng tháng 8/1972 chú và một đồng chí nữa nhận nhiệm vụ trong đêm là cho nổ tung cầu Bông với quả mìn nặng 70kg. Đây là cây cầu huyết mạch trên đường tiếp tế quân, vũ khí, lương thực từ sài Gòn đi Tây Ninh của địch. Đêm đó chú và đồng đội kéo mìn đặt vào vị trí cầu sau đó lui về rừng nằm chờ cho đến 9 giờ sáng mìn nổ. Tiếng nổ long trời, cầu Bông bị phá hủy, địch khủng khoảng náo loạn…”, anh Phiêu kể cho các em học sinh nghe về trận đánh sập Cầu Bông mà anh đã tham gia.

Sau buổi nói chuyện, tôi hân hạnh được trò chuyện cùng anh. Được biết CCB Hoàng Đình Phiêu sinh năm 1953, tại xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, nhập ngũ tháng 4/1970, đơn vị K27, D5, đặc công nước trực thuộc Bộ tư lệnh 305, huấn luyện tại Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ngày 17/12/1971 anh đi B –  vào Nam trực tiếp chiến đấu. Biệt hiệu Đoàn đi B 2030.

Sau gần 5 tháng vượt Trường Sơn, đơn vị anh được bổ sung cho chiến trường miền đông Nam Bộ. Sở trường tác chiến của đơn vị chủ yếu là các vùng sông nước, mục tiêu đánh địch trọng tâm là các điểm cầu, tàu, kho bãi, bến cảng. Anh tham gia nhiều trận đánh trên chiến trường Củ Chi, Hóc Môn, Sài Gòn, Gia Định, Bến Cát, Bình Dương…

Anh kể cho tôi nghe một kỷ niệm đáng nhớ khi đơn vị đang trên xe đi vào Quảng Bình. Hôm ấy nhằm ngày 17/12/1971, vừa tới phà Quán Hàu thì một đồng chí bị rơi từ trên xe xuống đất chảy máu đầu, gãy răng, bất tỉnh. Anh  được thủ trưởng điều xuống xe hộ tống “nạn nhân” đưa vào trạm quân y gần đó cấp cứu, còn đơn vị vẫn tiếp tục hành quân vào Nam.

Sau 4 ngày Mười – người rớt từ trên xe xuống – tỉnh lại. Trạm hỏi ý kiến anh, giờ quay ra Bắc hay đi tiếp vào Nam tìm đơn vị. Trong lòng anh Phiêu rất muốn đi vào Nam để được chiến đấu.

Hôm sau, có đơn vị quân y toàn nữ đang trên đường vào Nam, anh được trạm quân y giới thiệu, thế là đi luôn. Được mấy ngày, anh xin tách đoàn.  Được liên lạc cho biết đơn vị anh đã đi cách đây 4 ngày mà mỗi ngày đi 8 tiếng. Nếu muốn, anh phải đi 1 ngày 16 tiếng mới mong bắt kịp.

Lúc đó, vai mang hai khẩu súng B40. AK, hai quả lựu đạn, sau lưng ba lô anh Phiêu bắt đầu hành quân. Kiên trì đi ròng rã suốt 7 ngày. Cuối cùng anh tìm thấy đơn vị đang nghỉ chân sinh hoạt bên bờ suối. Thủ trưởng đơn vị mừng quá ôm lấy anh khóc nghẹn, nghĩ anh đã quay ra Bắc huấn luyện chờ đi đợt sau, không ngờ anh lại vượt Trường Sơn một mình nhịn đói, nhịn khát đội bom đạn đi tìm đơn vị.

Sáng hôm 31/12/1971 thủ trưởng họp đơn vị tuyên dương và chuẩn y kết nạp Đảng cho anh tại Trường Sơn. Mới 18 tuổi, chưa hề biết gì về Đảng, chưa từng học cảm tình Đảng, rất bỡ ngỡ nhưng sau ngày 31/12/1971 Anh Phiêu đã chính thức trở thành người đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Tiểu đội đặc công, anh Phiêu bìa phải, hàng sau, dấu đỏ, anh là tiểu đội trưởng

 Nói về công việc đang đảm nhiệm, anh chia sẻ: “Tôi là người lính trực tiếp chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Trải qua cuộc chiến đấu đầy cam go, gian khổ… đặc biệt với người lính đặc công thủy, đã hy sinh thì mất xác là chuyện bình thường. Mỗi lần nói chuyện với các em, những hình ảnh chiến đấu cứ diễn ra trước mặt tôi như mới ngày hôm qua, nó góp thêm cho tôi sự hào hứng trong khi truyền đạt.

Giúp cho các cháu hiểu biết về cuộc chiến tranh là điều cần làm của các thế hệ đi trước. Vì thế, tôi làm với tinh thần tự nguyện, mỗi khi nhà trường sắp xếp giờ ngoại khoá tại các trường phổ thông trong huyện là tôi vui vẻ tham gia.

Những buổi nói chuyện ngoại khóa với người thật việc thật như thế này có giá trị gấp trăm lần tiết học trên lớp. Đây là kiến thức trau dồi cho các em về lịch sử, về lòng yêu nước và sự tri ân đối với những người lính đã hy sinh cho độc lập dân tộc”.

Kim Kim

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây