Thứ ba, Tháng mười 15, 2024
Trang chủKÝ ỨC CHIẾN TRANHNgười chiến sĩ của đội quân tóc dài Đồng Khởi Bến Tre...

Người chiến sĩ của đội quân tóc dài Đồng Khởi Bến Tre và những trận đánh mùa Xuân 

Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, phụ nữ không những hăng hái động viên chồng con lên đường đánh giặc mà rất nhiều người còn trực tiếp cầm súng chiến đấu trực diện với kẻ thù ngoài chiến trường. Họ không hề thua kém nam giới về mưu trí và lòng dũng cảm. Chiến sĩ bộ đội Thu Hà, Huỳnh Thị Ngọc Sết, là một người như thế.

Hưởng ứng phong trào Đồng khởi, ở Bến Tre, vào cuối năm 1961, đội du kích nữ Mỏ Cày đã đánh trận nở màn, tay không lấy đồn An Bình giữa ban ngày, thu 12 súng mà vẫn bảo toàn được lực lượng.

Thừa thắng xông lên, ngày 4 tháng giêng năm 1964, tại ấp Phước Hảo xã Bình Khánh huyện Mỏ Cày, đồng chí Nguyễn Văn Ba tức Mười Phục đại diện cho tỉnh ủy và ban quân sự tỉnh công bố quyết định thành lập C710 với quân số ban đầu là 46 đồng chí toàn nữ – sau có biệt danh là Nữ bộ đội Thu Hà, niềm tự hào của chị em phụ nữ Bến Tre. Đó là đơn vị vũ trang nữ đầu tiên trong thời kỳ chống Mỹ mang phiên hiệu đại đội.

Trong quá trình hoạt động, cán bộ chiến sĩ C 710  đã nhiều lần vào sâu vùng địch đánh những trận bất ngờ làm chúng rất hoang mang lo sợ. Chị em đã tham gia nhiều trận đánh, lập được  nhiều chiến công. Trong tổng tấn công nổi dậy mùa xuân 68, đơn vị được phân công dẫn đường cho các mũi tấn công của bộ đội vào nội ô thị xã đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu của  địch. Tổng kết chiến dịch, nhiều chị em đã được tuyên dương khen thưởng vì lập nhiều thành tích, trong đó có đồng chí Chí Tâm đạt huân chương chiến công giải phóng hạng ba và được chọn đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua quân khu 8.

Chị tên thật là Huỳnh Thị Ngọc Sết, quê xã Bình Khánh, Mỏ Cày, Bến Tre, là con gái út trong một gia đình có bảy anh em. Tính tình sôi nổi nhanh nhẹn, mười ba, mười bốn tuổi, chị đã tham gia đội văn nghệ ấp. Do có năng khiếu sau đó chị được gởi về huyện học múa. Phong trào đồng khởi năm 60 nổ ra, nhân dân và lực lượng vũ trang liên tục đánh thắng địch, mở rộng và củng cố nhiều vùng giải phóng. Trước tình hình  thanh niên nam nữ rầm rộ lên đường tòng quân giết giặc. Chí Tâm cũng đầu quân vào bộ đội Thu Hà, tên gọi C710, năm đó chị mười bảy tuổi.

Chị từng tham gia rất nhiều trận đánh nhưng những trận tiêu biểu đáng nhớ của chị lạ thay lại là những trận đánh rơi vào mùa Xuân. Đó là ngày 25 tết năm Ất Tỵ (ngày 16 tháng giêng 1966 ). Chị cùng một tổ ba người được giao nhiệm vụ đánh bọn mật thám ở cầu bắc Rạch Miễu nhằm gây tiếng vang, góp phần thu hút sự chú ý của địch về phía bắc cù lao Bảo theo ý đồ chiến lược của ban chỉ huy quân sự tỉnh. Đồng thời bảo đảm an toàn cho các cơ sở của ta phía Châu Thành Đông.

Nhiệm vụ cụ thể của Chí Tâm là ném  lựu đạn tiêu diệt mấy tên mật thám ở dãy nhà cặp bên chợ Tân Thạch.  Theo kế hoạch, Chí Tâm giả làm người gánh lá chuối ra chợ bán. Lựu đạn được độn trong một xấp lá có buộc cọng dây dừa tươi làm dấu đặt dưới đít thúng. Chị sẽ gánh lá vào chợ, đến gần cuối dãy phố đặt gánh xuống chờ. Hai đồng chí nữa đi theo có nhiệm vụ quan sát làm ám hiệu. Vũ khí của chị trong trận đánh này là hai trái lựu đạn, một trái Mỹ để ném và trái Mã Lai dự phòng. Trận đó,  địch bị thương cả thảy sáu tên, nhưng cái được quan trọng là bọn chúng do khiếp sợ bị trừng trị tiếp đã lơi lỏng kiểm soát tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở cách mạng và cán bộ địa phương bám địa bàn tiếp tục hoạt động. Về phía ta cả ba chị và lực lượng địa phương làm nhiệm vụ án ngữ để hỗ trợ đã rút an toàn không có ai xây xát và không phải tốn một viên đạn nào.

Trận nữa rơi đúng vào mùa xuân lịch sử 68, trận đánh làm tiền đề cho chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 thắng lợi vẻ vang kết thúc cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc thống nhất đất nước. Với C710, cuộc tiến công nổi dậy tết Mậu Thân đã được chuẩn bị từ tháng 10 năm 1967. Bắt đầu từ thời điểm này các chị đã được giao nhiệm vụ vào khu vực nội ô thị xã để nắm tình hình địch, quan sát địa hình, điều nghiên đường đi nước bước để dẫn đường cho bộ đội vào thị xã trong tư thế sẵn sàng trực tiếp chiến đấu.

Nhiệm vụ cụ thể của Chí Tâm trong trận này là cùng một đồng chí nữa đón bộ đội từ cầu Cái Cối dắt vào mục tiêu. Nhưng do một mũi tấn công  của tiểu đoàn 516 vượt sông Bến Tre không thành, không qua cầu được nên không thể hiệp đồng với đơn vị công binh thủy tấn công mục tiêu như đã dự định.

Tuy vậy với  tinh thần tiến công nhất quyết không bỏ cuộc, đồng chí cũng đã dẫn đường cho công binh thủy đánh chiếm được bãi quân xa, sau đó quay lại mục tiêu dinh tỉnh trưởng. Địch phản kích, Chí Tâm cùng đồng đội nổ súng đánh trả, nhưng do lực lượng quá ít lại bị kẹp trong vòng vây buộc phải giấu vũ khí giả làm dân nội ô chạy loạn, bị địch bắt giam. Sau đó chị đã tìm cách thoát ra được và vô vùng giải phóng.

Kể từ trận đánh mùa xuân 68 tính đến nay đã 55 năm. Lịch sử đã khép lại, nhưng  những tấm gương chiến đấu kiên trung quả cảm, sự hy sinh vì độc lập tự do dân tộc của chị em vẫn luôn được Tổ quốc ghi công và nhân dân tưởng nhớ.

Bảo Nghi

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây