Đất nước thanh bình, thời gian trôi đi, mọi thứ dần thay đổi, thế nhưng trong lòng cựu chiến binh Trần Công Sơn quê ở Sơn Thịnh, Hương Sơn, Hà Tỉnh, vẫn một lòng đau đáu nhớ về những đồng đội của mình đã anh dũng hy sinh trong trận đánh mùa hè đỏ lửa 1972
CCB Trần Công Sơn cùng với em gái và cháu của liệt sĩ Nguyễn Đình Quyết
Năm nào anh cũng bỏ thời gian vào Bình Long, Bình Phước – nơi mảnh đất linh thiêng một thời anh đã cùng đồng đội chiến đấu kiên cường. Nơi đồng đội anh đã mãi mãi nằm xuống, máu xương của các anh đã nhuộm đỏ mảnh đất Bazan hào hùng này. Chiến tranh đã trôi đi gần 50 năm nhưng vẫn còn nhiều đồng đội chưa tìm thấy hài cốt.
Đã 5 lần vào Nam tìm đồng đội. Lần nào anh cũng đến Bình Long nhờ người dân giúp đỡ cho mượn xe máy tới các vị trí năm xưa trong các khu rừng, nơi các anh đã từng lăn lộn dưới bom đạn chiến đấu với kẻ thù. Mặc cho bây giờ cảnh vật đã thay đổi, khu rừng xưa mọc lên nhà cửa công trình, vườn cây ao cá, anh vẫn không nản chí. Tới vườn cao su trên địa bàn xã Thanh Lương, anh cố tưởng tượng và nhắm hướng để xác định nơi đồng đội hy sinh. Rồi anh lại thắp hương cầu nguyện vong linh các liệt sĩ.
Ngày 22/5/2022 anh lại vào. Tôi gặp anh vào một buổi chiều trong nhà nghỉ Thu Hiền, Bình Long. Anh tâm sự: “Làm sao mình có thể sống vui vẻ, bình yên khi mà đồng đội mình vẫn còn nằm lạnh lẻo nơi rừng hoang chưa tìm thấy”.
Đơn vị anh hy sinh 234 người trong đó có liệt sĩ Nguyễn Đình Quyết xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn, Hà Tỉnh. Quyết vừa là đồng đội vừa là đồng hương với anh. Anh Quyết đã anh dũng hy sinh vào ngày 20/5/1972. Trong cuộc chiến đấu thần tốc vô cùng ác liệt đó, bộ đội ta hy sinh khá nhiều. Tại nghĩa trang, trên bảng vàng danh dự có tên liệt sĩ Nguyễn Đình Quyết quê ở Sơn Thịnh, Hương Sơn, Hà Tĩnh hy sinh ngày 20/5/1972, nhưng phần mộ thì không có.
Anh vào đây lần này có dẫn theo 2 người thân của đồng đội anh đó là chị Nguyễn Thị Thanh Hồng em gái của liệt sĩ Nguyễn Đình Quyết, và cháu Trần Thị Hồng Lý gọi liệt sĩ bằng cậu ruột.
Sáng hôm sau, tôi dẫn mọi người đến ngã ba Xa Cam. Anh đi vào giữa rừng cao su thuộc tổ 1, Đồng Nơ, Bình Long. Anh đi tới vị trí đó và cả quyết khu vực này là nơi đồng chí Nguyễn Đình Quyết hy sinh. Vì thời gian trôi đi 50 năm rồi, mọi thứ thay đổi nhiều rồi nhưng anh vẫn cả quyết là khu vực này.
Mọi người trải tấm áo mưa bày trái cây, bánh, quần áo, tiền vàng, hoa, nước thắp nhang cầu nguyện vong linh liệt sĩ. Trong giây phút thiêng liêng, chị Thanh Hồng cùng cô cháu gái khóc nức nở, thương vong linh liệt sĩ 50 năm nằm cô đơn lạnh lẽo nơi này.
Cựu chiến binh Trần Công Sơn thắp nén nhang tâm sự: “Tôi với anh Quyết cùng đơi vị C12, D3, E 205, là đồng đội, đồng chí, đồng hương cùng ăn, cùng ngủ, cùng chung một chiến hào, cùng vượt qua mưa bom lửa đạn, vượt qua bao chông gai quyết liệt giữa trận đánh. Hôm nay tôi còn, anh ấy mất suốt 50 năm vẫn nằm lạnh lẽo trong lòng đất mẹ. Vì thế, tôi chưa một ngày sống bình yên, việc đi vào tìm anh, tìm đồng đội là việc làm của người đang sống đối với người đã khuất. Tôi vẫn hằng cầu nguyện vong linh liệt sĩ sống khôn thác thiêng, báo mộng cho tôi biết các anh đang nằm chỗ nào để cơ quan tổ chức đem các anh về quy tụ vào nghĩa trang cho ấm cúng”.
Đó cũng là trăn trở của rất nhiều cựu chiến binh như anh Sơn. Nhiều cựu chiến binh tình nguyện tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sĩ suốt tháng quanh năm với cả trách nhiệm, với cả cái tâm.Với mong muốn quy tập hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang để vong linh các anh được chăm sóc, hương khói hàng năm. Đây là trách nhiệm của người còn sống tri ân những người đã hy sinh vì Tổ quốc. Cựu chiến binh Trần Công Sơn là một người có cái tâm như thế.
Kim Nguyền