Chủ Nhật, Tháng mười 13, 2024
Trang chủChưa phân loạiNGHE NGƯỜI TRONG CUỘC KỂ VỀ CHUYỆN TÌM LẠI TÊN CHO 6...

NGHE NGƯỜI TRONG CUỘC KỂ VỀ CHUYỆN TÌM LẠI TÊN CHO 6 LIỆT SĨ

Thông qua công tác thực chứng với người còn sống cùng đơn vị của liệt sĩ, ông Nguyễn Viết Quản – Uỷ viên BCH Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM đã hỗ trợ tìm lại tên, phần mộ cho 6 liệt sĩ quê miền Trung.

Từ trước đến nay, theo khoa học, những phần mộ liệt sĩ chỉ có tên, hoặc họ và tên mà không có quê quán, cấp bậc chức vụ, đơn vị, ngày tháng năm hy sinh mặc dù so sánh với giấy báo tử tuy có trùng tên nhưng phải thông qua công tác giám định ADN.

Tuy nhiên, mới đây, ông Nguyễn Viết Quản – Uỷ viên BCH Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS) TP.HCM đã hỗ trợ tìm lại 6 ngôi mộ liệt sĩ thông qua công tác thực chứng, câu chuyện khiến nhiều người cảm phục.

Ông Quản cho biết, ông có nhân duyên gặp gỡ cô Trịnh Thị Dân, chú Trịnh Văn Thụ, là em ruột liệt sĩ Trịnh Song Toàn, quê xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa tại nhà riêng của ông tại phường 2, quận 6, TP.HCM.

Tại buổi gặp mặt, cô Dân đưa ông Quản giấy báo tử nhờ tìm phần mộ anh trai. Qua trò chuyện, ông Quản biết ở cùng xã Định Tiến có ông Trịnh Ngọc Khoa, cùng đi nhập ngũ, cùng vào chiến trường miền Nam một ngày, cùng đơn vị chiến đấu với liệt sĩ Toàn. Đến năm 1977, ông Khoa được phục viên về quê sinh sống.

Ông Nguyễn Viết Quản luôn đau đáu về những đồng đội đã hy sinh.

Sau khi nắm bắt thông tin, ông Quản từ TP.HCM về quê hương của liệt sĩ Toàn. Tại đây, ông đã gặp ông Khoa, người cùng chiến đấu với liệt sĩ Toàn năm đó. Ông Khoa kể, đêm 27/1/1973, đơn vị hành quân phục vụ chiến đấu, khi vượt qua đoạn đường gần chợ Cầm Giang, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, 6 người đi sau cùng vấp phải mìn của địch gài và đã hi sinh.

Ngoài liệt sĩ Trịnh Song Toàn (SN 1950), còn có 5 liệt sĩ khác, gồm: Phạm Như Ý, cán bộ đại đội, quê Nga Tiến, Nga Sơn, Thanh Hóa; Trịnh Đình Thúy (SN 1950), quê Yên Ninh, Yên Định, Thanh Hóa; Đỗ Công Thơ (SN 1950), quê Yên Ninh, Yên Định, Thanh Hóa; Nguyễn Huy Chiến (SN 1950), quê Định Tiến, Yên Định, Thanh Hóa; Trịnh Văn Khang (SN 1950), quê Định Tiến, Yên Định, Thanh Hóa; Trịnh Song Toàn (SN 1950), quê Định Tiến, Yên Định, Thanh Hóa.

Ông Khoa nhớ lại, sau khi vụ việc xảy ra, ông đã chỉ huy Trung đội đào huyệt ở phía Đông chợ Cẩm Giang để chôn 6 liệt sĩ. Ông cứ ân hận vì từ ngày về nghỉ phục viên đến nay, sức khoẻ rất yếu nên không đi tìm đồng đội được.

Sau cuộc trò chuyện với ông Khoa, ông Quản đề nghị ông Khoa làm bản tường trình, có xác nhận của UBND xã Định Tiến. Sau đó, ông Quản cầm bản tường trình của ông Khoa từ Thanh Hoá trở lại Tây Ninh rồi đến xác minh thông tin ở xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu thì được biết UBND xã đã quy tập 6 phần mộ về Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) xã Hòa Thành.

Ông được Văn phòng đại diện Hội HTGĐLS Việt Nam tại TP.HCM tặng Bảng vàng vinh danh vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp tri ân liệt sĩ.

Không phút dừng chân ngơi nghỉ, ông Quản tìm về NTLS Hòa Thành và thấy 6 phần mộ của 6 liệt sĩ nhưng trên bia mộ chỉ có họ và tên, trong đó có một phần mộ sai chữ đệm, trong giấy báo tử là liệt sĩ Trịnh Song Toàn nhưng trên bia mộ lại ghi liệt sĩ Trịnh Sang Toàn. Ngoài ra không có thông tin gì về quê quán, đơn vị, cấp bậc, chức vụ, ngày tháng năm hy sinh.

Tiếp đó, ông Quản trở về Quân khu 7 xác minh thông tin, sau khi xem hồ sơ lưu trữ, thấy rằng thông tin trong hồ sơ, gồm họ và tên, năm sinh, quê quán, đơn vị, cấp bậc, chức vụ, ngày tháng năm hy sinh của 6 liệt sĩ rất trùng khớp với nội dung của giấy báo tử.

Sau đó, Quân khu 7 có văn bản xác nhận và đề nghị cơ quan chức năng bổ sung năm sinh, quê quán, đơn vị, cấp bậc, chức vụ, ngày tháng năm hy sinh trên bia mộ cho các liệt sĩ.

Không quản ngại gian lao vất vả, ông Quản quay trở lại làm việc với Phòng LĐ-TB&XH huyện Hòa Thành và được Phòng LĐ-TB&XH công nhận hồ sơ hợp lệ và ra quyết định điều chỉnh trả lại đúng như thông tin trong giấy báo tử, rồi cấp giấy xác nhận thông tin phần mộ.

Chia sẻ về câu chuyện tìm lại tên cho 6 liệt sĩ, ông Quản cho biết đây là trường hợp rất đặc biệt khiến ông không thể nào quên. Khi nghe cô Dân trò chuyện và nhắc đến ông Khoa, tôi rất vui và tự suy ngẫm trong lòng đây chính là đầu mối để tìm ra liệt sĩ Toàn.  Lúc đó, tôi động viên cô Dân cứ yên tâm về nhà nghỉ ngơi, khi nào có đại nhân duyên tìm thấy thông tin của liệt sĩ Toàn tôi sẽ thông báo sau. Bản thân tôi cũng không nghĩ từ việc đi tìm một liệt sĩ lại tìm thêm được nhiều liệt sĩ khác”, ông Quản giải bày.

Tìm lại được liệt sĩ Trịnh Song Toàn, gia đình như vỡ oà trong hạnh phúc. Cô Dân tâm sự, gia đình đã đi khắp các NTLS ở 10 tỉnh Miền Đông Nam Bộ để tìm phần mộ anh ruột nhưng tìm mãi, tìm hoài không thấy đâu. Lúc buồn và thất vọng nhất, tôi được ông quản trang giới thiệu ở phường 2, quận 6, TP.HCM có ông Nguyễn Viết Quản là người chuyên đi tìm hài cốt liệt sĩ cùng đơn vị rồi được cho số nhà, số điện thoại và còn động viên về gặp ông Quản nhờ tìm giúp người anh”, cô Dân nói.

“Biết được anh Quản là mối nhân duyên lớn của gia đình tôi, khi biết thông tin anh chỉ đi tìm mộ trong cùng đơn vị thì cũng hơi buồn nhưng có lẽ anh thương cho gia đình, cho người anh liệt sĩ nên đã đồng ý giúp, chúng tôi vô cùng cảm kích và biết ơn”, cô Dân bộc bạch.

Như vậy ông Nguyễn Viết Quản không chỉ giúp gia đình cô Dân tìm được anh trai mà còn giúp các gia đình tìm được thêm 5 liệt sĩ khác.

Ông Nguyễn Viết Quản – Uỷ viên BCH Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM.

Ngoài câu chuyện của 6 liệt sĩ, trong 6 tháng đầu năm 2023, ông Quản đã hỗ trợ tìm thêm 2 phần mộ người ngoài đơn vị, trong đó có đình liệt sĩ Trần Đông Sơ thuộc đơn vị C6, D8, E6, F302, phần mộ số 4, bông số 16, khu M6, nằm ở NTLS TP.HCM; liệt sỹ Nguyễn Duy Cải, thuộc C6, D8, E6, F302, phần mộ số 35 – R2 – KK3, nằm ở NTLS Tân Biên, Tây Ninh.

Nhiều năm qua, ông Nguyễn Viết Quản đã phối hợp, hỗ trợ tìm lại danh tính, hài cốt cho nhiều liệt sĩ ở các tỉnh, thành phía Nam và phía Bắc.

Ngoài là Uỷ viên BCH Hội HTGĐLS TP.HCM, ông Quản còn tham gia Uỷ viên Ban chấp hành Hội CCB phường 2; Chi hội trưởng Chi hội CCB khu phố 1.

Việc làm của ông Nguyễn Viết Quản đã được hệ thống chính trị các cấp ghi nhận. Đặc biệt, năm 2020, ông được Văn phòng đại diện Hội HTGĐLS Việt Nam tại TP.HCM tặng Bảng vàng vinh danh vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp tri ân liệt sĩ.

Đồng thời, ông cũng được BCH Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong cung cấp thông tin, tham gia tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Hoàng Da

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây