Là người “nhặt sạn”, gác cổng cuối cùng trước khi bản thảo một tờ báo được chuyển đến nhà in, công việc của tôi không có gì đáng để “đao to búa lớn”, để bộc bạch về “vinh quang và cay đắng” nhưng nó đã đánh thức trong tôi một giấc mơ.
Giấc mơ trở thành nhà báo của tôi được dệt từ những ngày còn học cấp hai từ một việc hết sức đơn giản, chỉ vì tôi yêu thích đến ngẩn ngơ hình ảnh các anh chị ký giả trong bộ đồng phục bốn túi, xẻ lưng. Tôi nhìn thấy ở đó cái chất lãng tử phong trần, tính cách mạnh mẽ đầy cương nghị. Thời chiến tranh, với ký giả chiến trường còn bao gồm sự dũng cảm không khác gì chiến binh ngoài mặt trận.
Có một chút năng khiếu viết lách, tôi tập tành viết bài tham gia trang họa mi của báo Trắng Đen, các báo thiếu nhi Tuổi Xanh, Tuổi Hoa, Tuổi Hồng… viết leo sang các chuyên mục phù hợp của một số tờ nhựt trình khác.
Sài Gòn giải phóng, Đại học báo chí và các trường có liên quan đến chuyên ban của tôi như Văn khoa, Luật… tạm thời ngưng hoạt động. Phải hết hơn một năm chơi vơi, tôi buộc phải thi vào sư phạm. Nhưng giấc mơ “ký giả” vẫn chưa bao giờ phai nhạt trong tôi.
Tôi mang theo giấc mơ ấy về một vùng quê sông nước xa xôi. Ngoài cái loa sắt treo lủng lẳng trên ngọn dừa, mỗi hừng đông vài ba phút phát đi mấy mẫu tin tức địa phương, ở đó hoàn toàn không báo đài, không bất kỳ một phương tiện truyền thông nào khác.
Thỉnh thoảng lên Sài Gòn thăm nhà, thứ mà tôi luôn luôn khệ nệ mang về chính là… báo, có khi lên đến vài ký lô. Tất nhiên là báo cũ. Tôi nuốt thứ “cơm nguội” ấy với một tâm thế rất ngon lành, sảng khoái. Tin cũ, tin mới, chuyện xưa, chuyện nay, tháng năm xuất bản… ghi trên mỗi tờ báo cứ đan xen, chồng chéo nhiều khi làm tôi thấy rối rắm, hoang mang. Nhưng tôi luôn nâng niu, trân trọng từng câu chữ vì nghĩ đến công sức của những người làm ra nó, từ anh chị ký giả (bấy giờ đã gọi là phóng viên) đến các người sắp chữ nhà in.
27 năm sau, tôi về lại Sài Gòn, bỏ lại ngôi trường nằm ngó mặt ra con sông quanh năm đỏ nặng phù sa; Bỏ lại căn nhà nhỏ có khung cửa sổ mở ra một góc vườn; Bỏ lại ngày nắng, ngày mưa; Bỏ lại tên người, tên sông, tên đất … Và ngẩn ngơ bỏ lại mấy bao đầy… báo cũ.
Đọc morasse – một công việc không thể thiếu trong quy trình xuất bản một tờ báo có chất lượng nghiêm túc.
Tôi ơn Sài Gòn, nơi nuôi lớn tuổi thơ tôi, nơi tôi đã trải qua một quảng đời học trò đầy hoa mộng đã đón tôi trở về khi tôi vừa đủ… già để không biết bắt đầu từ đâu. Vậy mà có ai ngờ, chính ở nơi đây, vào những ngày sắp sửa bước qua tuổi 50, những ngày mà “giấc mơ ký giả” của tôi hầu như tàn lụi, thì thật kỳ diệu, anh bạn nhà thơ đã dắt tôi bỏ vào một tòa soạn “mưu sinh” bằng công việc đọc morasse cho một tờ báo của bạn anh ấy.
Tôi tin chỉ có giấc mơ trong tôi thức dậy, nó đánh thức tất cả mọi cố gắng và nỗ lực mới khiến tôi làm quen rất nhanh với công việc – một công việc hết sức khiêm tốn, thầm lặng trong quy trình của một tờ báo. Dù vậy, tôi vẫn rất yêu thích, rất vui, rất hạnh phúc mặc dù đôi khi cũng có cạnh lòng khi nghĩ: Hình như công việc của mình đứng thứ hạng cuối cùng trong bảng xếp hạng “danh giá” của nghề làm báo.
Tuy nhiên, sau nhiều năm “làm nghề”, tôi nhận ra không phải như vậy. Công việc morasse, thường được gọi là chấm morasse, đọc morasse hay soát lỗi morasse, là một công việc không thể thiếu và cũng không thể xem thường trong quy trình xuất bản một tờ báo có chất lượng nghiêm túc.
Không giống như phóng viên, người đọc morasse không được đào tạo bài bản. Họ phải vừa làm, vừa học, vừa tự tìm tòi ra phương pháp riêng của mình sao cho nhanh nhất mà không bị sót lỗi. Nhiều người nghĩ soát morasse chỉ đơn thuần là chấm lỗi chính tả. Điều này hoàn toàn sai. Ngoài lỗi chính tả, người đọc morasse còn phải có nhiệm vụ phát hiện các lỗi kỹ thuật do sơ sót trong quá trình đánh máy như phông chữ, cách dòng; Trong khâu trình bày như: Mất đoạn, sót đoạn… dẫn đến thông tin sai lệch, thậm chí sửa cả câu cú, cách diễn đạt… Thực tế, không ít trường hợp, người đọc morasse còn phát hiện cả lỗi sai kiến thức do tiến độ gấp rút, áp lực thời gian khiến biên tập viên bị “tẩu hỏa” dẫn đến không nhìn thấy.
Rất may là tôi có được những tố chất phù hợp với công việc: Cái đầu minh mẫn tỉnh táo, đôi mắt sáng, tấm lưng khỏe, sự tập trung cao độ, tính cẩn thận, tỉ mỉ, chịu khó, biết tư duy logic, có khả năng kiểm soát được câu chữ, cách diễn đạt…
Đã đọc qua nhiều tờ báo. Mỗi tờ có một lĩnh vực riêng: Chính trị, kinh tế, tiêu dùng, doanh nhân, tòa án, giáo dục, nhà đất… Để đáp ứng công việc, tôi thường xuyên cập nhập thông tin, tra cứu tư liệu và nhất là đọc, đọc thật nhiều từ những bản tin vụn vặt đến những tác phẩm lớn để làm giàu vốn kiến thức của mình.
Tuy nhiên, cũng như bất kỳ công việc nào, dù cẩn thận đến đâu cũng khó tránh khỏi sai sót. Lần đó ngay trang bìa, đứng phía sau tên chức vụ của một đồng chí lãnh đạo đã về hưu, đáng lẽ phải có chữ “nguyên” thì từ tác giả bài viết đến khâu biên tập, đến bộ phận đọc morasse, đến tỉnh táo viên… từng ấy đôi mắt đã không nhìn ra. Báo hại nhà in phải in lại một cặp 4 trang và toàn bộ lực lượng tòa soạn đã được huy động, kể cả các anh chị em bên phát hành, lồng báo đến gần 2 giờ sáng để kịp đến tay bạn đọc.
Một lần nữa rơi vào số đặc biệt, nhưng giá bìa vẫn gì theo giá cũ. Thế là lại toàn bộ tòa soạn không phân biệt trẻ già trai gái, không kể lực lượng đông đảo “quân chi viện”, mọi người bò ra cắt cắt dán dán. Không khí thật nhộn nhịp khẩn trương.
Với tôi, những lần như vậy, đằng sau cảm giác có lỗi, còn là những kỷ niệm khó quên, nó giúp tôi rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm và đáng quý nhất là nhận ra được giá trị của tinh thần đồng đội, nó khiến chúng tôi thêm gắn kết, thêm yêu thương nhau và yêu thêm công việc của mình.
Là người “nhặt sạn”, gác cổng cuối cùng trước khi bản thảo tờ báo được chuyển đến nhà in, công việc của tôi không có gì đáng để “đao to búa lớn”, để bộc bạch về “vinh quang và cay đắng”. Chúng tôi chỉ có niềm vui và sự trăn trở.
Niềm vui là sáng ra, được cầm tờ báo nóng hổi trên tay, lật từng trang, những trang báo đã đọc nhàu nát bản thảo nhưng vẫn rất mới lạ, rất tinh khôi. Chỉ thế thôi, đã thấy len lỏi một niềm vui thầm lặng. Còn một chút trăn trở chẳng qua là do đặc thù nghề nghiệp: Cái sai trên mặt báo thường đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng trách nhiệm cuối cùng vẫn thuộc về morasse. Với người làm morasse, đôi khi có đến hàng trăm lần họ đã sửa những lỗi rất quan trọng mà nếu như không phát hiện ra thì hậu quả khó lường mặc dù chỉ một dấu sắc bỏ sai, chỉ một nét thiếu hoặc thừa trong chức danh, tên họ của các vị lãnh đạo. Hàng trăm lần như thế, được cho rằng bình thường nhưng chỉ cần một lần sai sót thôi thì sự việc biến thành nghiêm trọng và người đọc morasse “lãnh đủ”.
Sau nhiều năm vừa làm, vừa học hỏi và rèn luyện, từ một nhân viên morasse, tôi được tín nhiệm trong vị trí là Biên tập viên. Nhưng hễ ở đâu có nhu cầu cần morasse ngỏ ý là tôi lại hớn hở nhận lời.
Tôi biết ơn nghề morat vì trước hết nó đã giúp tôi thực hiện được phần nào giấc mơ nghề nghiệp của mình. Nghề morasse tạo nên sự nhạy bén, linh cảm đôi khi rất khó lý giải. Nó giúp tôi làm giàu vốn sống, thu thập được nhiều nguồn thông tin qua từng bài viết của phóng viên.
Tôi viết những dòng này trong một ngày tháng sáu – ngày tôn vinh nghề báo và những người làm báo – trong niềm vui, hạnh phúc lẫn đôi điều trăn trở về nghề nghiệp. Nhưng dẫu gì thì tháng sáu vẫn làm tôi yêu thương mong đợi cùng với những cơn mưa không dứt.
Ngô Thị Thu Vân