Cuối năm 1972, giữa lúc đế quốc Mỹ đưa máy bay B52 đánh vào Hà Nội, em trai tôi, Trình Tự Kha – một cán bộ kỹ thuật vừa học ở Cộng hòa dân chủ Đức về, tha thiết tự nguyện xin làm người lính để ra trận. Em tôi được cấp trên chấp nhận vào giờ chót, nên không kịp chờ tôi đi công tác về để từ giã. Do vậy tôi đã có lá thư này gởi theo bước chân của các chiến sĩ hành quân thần tốc và bức thư được Nhà xuất bản Thanh Niên in trong tập “Hà Nội – 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không”. Lá thư như một lời dặn dò cho em trai tôi trên đường ra trận.
Sau đó tôi trở lại mặt trận ngoại giao ở Paris, cũng không có điều kiện để tìm em trai. Sau ngày Hiệp định Paris được ký, từ Paris về tôi lại vào Cam Lộ, Quảng Trị giúp Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Thị Bình tiếp đại sứ các nước đến trình quốc thư ủng hộ Việt Nam. Mỹ đã rút quân, theo cách Bác Hồ nói là ta đã đuổi giặc Mỹ ra khỏi bờ cõi. Cuộc chiến đấu ở vào giai đoạn cuối cùng.
Tôi nhờ rất nhiều kênh qua đường của Ban Thống nhất để tìm em trai nhưng không liên lạc được với Trình Tự Kha, chỉ biết Sư đoàn 5 của Kha đang ở chiến trường Đông Nam Bộ, sốt ruột quá! Vì sao Kha không gởi thư về? Có thể em đã hy sinh hay bị thương nặng rồi chăng? Má tôi thì cứ nước mắt ngắn nước mắt dài, sụt sùi “Có hy sinh thì phải có báo tử chứ”. Ba tôi, một đảng viên từ thời tiền khởi nghĩa, ông trầm tư lo lắng. Ông chỉ hỏi tôi: “Không có tin gì của em nó sao con?”.
Nhân có các anh vào Trung ương Cục, tôi quyết định có thư gởi Sư đoàn 5, ngày đó có bí danh là “Công trường 5” để hỏi thăm tin tức của em trai, nhưng rồi vẫn không được trả lời.
Mãi cho đến ngày dự mít tinh mừng giải phóng ở thành phố Huế tháng 3 năm 1975, tôi có dịp nhờ tướng Lê Trọng Tấn hỏi dùm. Khi tôi về đến Hà Nội thì anh đã tiến vào giải phóng Đà Nẵng, nhưng anh vẫn không quên tôi. Anh cho người báo cho tôi biết Kha thuộc Trung đoàn 174 của Sư đoàn 5, đang chiến đấu ở Mặt trận tây nam Sài Gòn. Và đến giờ phút đó, trong danh sách các chiến sĩ hy sinh không thấy tên Trình Tự Kha. Tôi nhẹ người, thế là em vẫn còn sống, đang chiến đấu ở tây nam Sài Gòn trong những ngày khốc liệt để kết thúc chiến tranh.
Miền Nam giải phóng, tôi được nhận công tác ở Thành ủy Sài Gòn. Tôi lên gặp Tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban quân quản trình bày đầu đuôi nguyện vọng tìm em với anh. Anh đồng ý cuối tuần tổ chức cho tôi đi lên Sư đoàn 5. Tướng Trà quay điện thoại giới thiệu tôi với Sư trưởng 5 Thược và cấp cho tôi công vụ lệnh ra khỏi thành phố với lý do: làm việc với Sư đoàn 5.
Và sáng đó, tôi được cấp chiếc xe Fiat đen bóng lộn, có cảnh vệ mang súng AK đi cùng. Lái xe và cả tôi cũng được trang bị súng ngắn. Chúng tôi đi về Tây Ninh. Ngày đó ngoại ô còn nhiều vùng hoang vắng. Qua cánh đồng mênh mông, cây cỏ rậm rạp, vô cùng hoang dã, để “yên tâm”, chú cảnh vệ đã bắn chỉ thiên mấy phát làm không khí của xe trở nên huyền hoặc. Đến Sư đoàn 5, Sư trưởng 5 Thược tiếp tôi rất ân cần, tổ chức để tôi nghe về chiến tích của Sư đoàn và vui vẻ mời cơm trưa. Tôi thì sốt ruột muốn mau gặp em trai. Cơm nước xong, Sư trưởng cho một sĩ quan quân lực dẫn đường đưa tôi xuống Trung đoàn 174 đóng ở Đức Hòa.
Ôi, mới có mấy năm dài dẫu khói lửa chiến tranh mà Sáu Kha khác quá, người gầy đen, mắt trũng sâu, chỉ có hàm răng trắng đều và nụ cười duyên đẹp trai vẫn như ngày nào. Anh em tôi ôm nhau trước niềm vui của đồng đội Kha. Hôm ấy Kha cho biết lá thư tôi gởi cho Sư đoàn 5 đã được chuyển đến Kha. Lá thư đó Kha còn giữ đến hôm nay. Tôi xin trích như sau:
“Tôi gởi thư này đến các đồng chí và đề nghị các đồng chí cho biết em Trình Tự Kha qua cuộc chiến đấu có còn sống hay không? Nếu còn sống thì hiện ở đâu và có liên lạc được không? Nếu không liên lạc được xin các đồng chí cho biết Kha vẫn còn sống.
Nếu Kha bị thương đang nằm quân y thì các đồng chí giúp cho tôi biết địa chỉ ở đó.
Nếu Kha hy sinh các đồng chí cũng cố gắng và vui lòng cho tôi hay, kèm theo một vài chi tiết nhỏ như ngày hy sinh, nơi hy sinh…
Trong chiến đấu, hy sinh, tổn thương là lẽ đương nhiên, phải có hy sinh mới có thắng lợi. Các đồng chí đừng phân vân gì khi phải báo tin đó cho gia đình tôi. Bởi vì, điều đó nếu xảy ra, vẫn là trong suy nghĩ của chúng tôi. Điều khổ nhất của tôi là không có tin tức gì. Tôi được biết các đồng chí đang ở Long An có phải không? Xin kính thăm sức khỏe đồng chí Năm Thược, đồng chí Tám Hòa và tất cả các đồng chí”. Cuối thư tôi có tái bút: “Nếu Kha còn sống, xin nhờ các đồng chí chuyển lá thư này cho Kha”.
Dù đã 50 năm trôi qua, lá thư ngắn ngủi ấy trở thành một chứng tích chiến tranh. Tôi trích lá thư vào bài viết này để góp thêm tư liệu nhỏ về ý chí, về sự hy sinh thầm lặng của mỗi gia đình Việt Nam với cuộc chiến đấu vì độc lập của Tổ quốc.
Trong bữa cơm tập thể với đơn vị nhỏ của Kha, nhưng là bữa cơm đầu tiên sau mấy năm xa cách anh em tôi gặp nhau, Kha giới thiệu với tôi một đồng đội của em có dáng người nhỏ thó, mắt cũng trũng sâu, nhanh nhẹn và cởi mở. Kha nói, đây là Trần Thế Tuyển, trợ lý tuyên văn (tên viết tắt từ tuyên huấn và văn nghệ) Trung đoàn 174.
Ngày ấy, tôi vừa được Ban tổ chức Thành ủy Sài Gòn tăng cường tham gia Ban Biên tập Báo Phụ nữ Sài gòn giải phóng. Trần Thế Tuyển và Trình Tự Kha đều là những người lính chiến, nhưng rất mê đọc, thích viết. Nghe Kha nói, Trần Thế Tuyển đang trực tiếp phụ trách đội tuyên văn trung đoàn mà Kha là một thành viên. Có lẽ thế, dù mới gặp, tôi và Tuyển đã trở nên gần gũi thân thiện. Tôi gợi ý Tuyển viết bài, đưa tin cho báo.
Tôi nhớ lần ấy tôi còn tâm sự với Tuyển, đại ý: “Viết báo trước nhất là phải đam mê. Nếu em thích viết thì phải ghi chép hàng ngày, thơ phải ghi tứ, ký phải ghi lại những xúc cảm, tư liệu và cuối cùng là phải viết, đừng hẹn, viết theo dòng chảy của xúc cảm thì sẽ có bài hay”.
Tuyển tỏ ra thích thú và hứa với tôi sẽ viết bài cho báo Phụ nữ Sài Gòn Giải phóng. Trần Thế Tuyển nói là làm. Tôi biết lúc ấy công việc của người lính sau chiến tranh bề bộn lắm. Nhưng vài ngày sau, qua Sáu Kha, tôi nhận được thư của Trần Thế Tuyển. Tôi cứ nghĩ đó là một mẩu tin nào đó về hoạt động của bộ đội, nhưng thật bất ngờ, Trần Thế Tuyển gửi cho tôi hai bài thơ. Tôi nhớ trong đó có một bài viết về công tác xóa mù chữ ở vùng mới giải phóng với tựa đề: Tự hào thay người chiến sĩ “diệt dốt” và một bài viết về tình cảm của người lính đi chiến đấu với người mẹ ở hậu phương.
Đọc đi đọc lại mấy lần những câu thơ mộc mạc, đậm hơi thở cuộc sống của Trần Thế Tuyển, tôi vui lắm. Thơ Tuyển rất chân chất, tứ hay, giàu cảm xúc, nhưng vần điệu chưa ổn. Tôi trao đổi với chị Vân Trang, chủ bút của báo. Chị Vân Trang là nhà văn, trí thức ngày trước hoạt động công khai trong thành. Nhà chị có hầm bí mật để in tạp chí Trí thức Cách mạng. Chị Vân Trang và chồng chị – anh Thiên Giang, thỉnh thoảng có làm thơ. Cảm mến tấm lòng của người chiến sĩ trẻ, chúng tôi cố gắng biên tập và xếp đăng hai bài thơ của Tuyển trong hai số báo liền kề nhau.
Tôi nhờ Sáu Kha chuyển báo cho Tuyển. Tôi không ngờ đó là một khích lệ lớn giúp Trần Thế Tuyển có cảm hứng viết nhiều hơn. Anh đều đặn gửi cho chúng tôi những sáng tác mới. Thơ anh ngày một chín hơn. Hình ảnh người mẹ, người em gái, người lính bộ đội Cụ Hồ luôn là đề tài chính trong các sáng tác của anh. Ngày ấy, dường như tháng nào báo Phụ nữ Sài Gòn cũng có thơ Trần Thế Tuyển. Sau đó tôi đọc được thơ anh đăng cả trên các báo như: Sài Gòn Giải phóng, Quân đội nhân dân, Văn nghệ…
Cuối năm 1975, Trần Thế Tuyển cùng em trai tôi về thành phố. Tôi tiếp những người lính trẻ nhiệt huyết ở tòa soạn đặt tại 188 Lý Chính Thắng. Chị Vân Trang và tôi trao đổi thân tình với Trần Thế Tuyển, nói rõ những chỗ chúng tôi sửa chữa, tu chỉnh cũng như các đoạn phải cắt xén trong những bài viết của anh. Trần Thế Tuyển rất vui vẻ, lắng nghe. Tuyển tâm sự: Dọc đường hành quân từ Bắc vào Nam, nhiều tứ thơ cứ vụt đến, đến dồn dập nhưng không ghi lại được, phần vì khốc liệt của chiến tranh, phần vì khó khăn thiếu thốn. Đôi lúc hứng khẩu cũng xướng lên góp vui với anh em đơn vị…
Sau lần gặp ấy, chúng tôi nhận được những bài thơ của anh chắc hơn, thơ hơn. Và theo yêu cầu của tôi anh gởi cả những bài ghi chép và thỉnh thoảng còn có cả truyện ngắn nữa. Một lần ra Hà Nội, nhà thơ Xuân Diệu hỏi tôi về các cây bút trẻ mới xuất hiện ở Sài Gòn sau ngày thành phố giải phóng, tôi có giới thiệu về Trần Thế Tuyển. Tôi đưa một bài thơ của Tuyển in trong số Báo Phụ nữ Sài Gòn mới nhất cho nhà thơ Xuân Diệu. Đọc xong, nhà thơ nói: “Những vần thơ này nẩy mầm từ trong lửa khói chiến đấu, nên có hồn lắm”. Anh dặn tôi phải nhớ bồi dưỡng cho những cây bút ra đời từ cuộc chiến. Họ là kho tư liệu sống, hiếm có lắm.
Đúng vậy, dặm đường Trường Sơn gian khó, khói lửa chiến đấu và đời người lính với lý tưởng cao đẹp giải phóng quê hương đã ươm mầm thơ trong Trần Thế Tuyển. Và chúng tôi, Báo Phụ nữ Sài Gòn chính là mảnh đất đầu tiên cho mầm thơ ấy nẩy mầm ra hoa kết trái. Tôi không nhớ chúng tôi đã đăng bao nhiêu bài thơ và truyện ngắn, bài báo của anh, nhưng chắc chắn rằng Báo Phụ nữ Sài Gòn Giải phóng là bà đỡ của những tác phẩm đầu tay của Trần Thế Tuyển.
Sau này, mối quan hệ giữa chúng tôi ngày càng trở nên thân thiết. Tôi được biết, dù năm tháng qua đi với nhiều thăng trầm, vất vả nhưng tình bạn chiến đấu giữa Trình Tự Kha và Trần Thế Tuyển không hề thay đổi. Mỗi người một công việc, một hoàn cảnh, nhưng họ có sự giống nhau về tình yêu người lính. Trần Thế Tuyển và Trình Tự Kha đã làm tất cả những gì mà họ có thể làm được vì đồng đội, đặc biệt đối với những người đã nằm xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Vào thập niên cuối cùng của thế kỷ trước, tôi gặp lại Trần Thế Tuyển. Người lính chiến tập tễnh làm thơ cách đây gần 36 năm bây giờ đã là nhà báo, nhà thơ, Đại tá trưởng cơ quan đại diện báo Quân đội nhân dân ở phía Nam. Sau đó anh về làm Phó Cục trưởng Cục báo chí thuộc Bộ Văn hóa Thông tin phụ trách phía Nam, rồi được tăng cường làm Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng. Tưởng rằng với cương vị này bận rộn nhiều, anh sẽ ít viết. Nhưng không, Trần Thế Tuyển vẫn viết đều tay. Anh không chỉ làm báo, viết báo mà vẫn sáng tác văn chương và lần lượt cho ra đời gần 10 tập sách, trong đó có 4 tập thơ.
Từ trái qua: CCB Trình Tự Kha, GS-TS Trình Quang Phú, Đại tá Trần Thế Tuyển
Người lính trận 23 tuổi ngày ấy, bây giờ đang bước vào tuổi lục tuần – cái tuổi đủ chín của người cầm viết, một vòng xoay trọn vẹn của cuộc đời. Rồi đây sự nghiệp văn chương, chữ nghĩa sẽ theo anh suốt cả cuộc đời. Bởi như có lần nào đó, khi trả lời phỏng vấn trên báo Phụ nữ Sài Gòn Giải phóng, anh đã nói: Tôi còn nợ đồng đội tôi nhiều lắm.
Đúng như vậy, Trần Thế Tuyển và Trình Tự Kha đã cùng các cựu chiến binh thân hữu chung vai “trả nợ” cho đồng đội.
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập. Trần Thế Tuyển được bầu làm Chủ tịch và Trình Tự Kha là Phó Chủ tịch Thường trực, với sự hỗ trợ của hai đồng chí Trung tướng Lưu Phước Lượng và Trung tướng Nguyễn Đức Hải, họ đã quyên góp xây nhà tình nghĩa cho các gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt họ đã vận động xây dựng nhiều khu kỷ niệm chiến tích, nhiều tượng đài nơi có nhiều đồng đội hy sinh, đặc biệt là khu đền Long Khốt ngay trên vị trí tiền tiêu mà đơn vị Trung đoàn 174 Cao Bắc Lạng của Kha, Tuyển đã chiến đấu.
Long Khốt nằm sát biên giới Campuchia, rất yên bình, cánh đồng lúa chín vàng ươm chạy sát đất bạn. Trần Thế Tuyển, Trình Tự Kha cùng Ban liên lạc CCB Trung đoàn 174 và Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng trên mảnh đất thiêng này ngôi đền khang trang, đúng tầm với một di tích cấp quốc gia.
Họ đã khắc lên bia đá hoa cương tên của gần 7.000 liệt sĩ của Trung đoàn 174, của Sư đoàn 5 cùng quân và dân ta đã anh dũng hy sinh ở mặt trận Tây Nam.
Trần Thế Tuyển đã có câu thơ khắc vào chuông đồng ở đền Long Khốt:
“Thân ngã xuống thành đất đai tổ quốc
Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia
Ngàn năm mãi mãi ngân nga
Tiếng chuông Long Khốt gấm hoa dâng đời”.
Tôi đã cùng Trung tướng Lưu Phước Lượng, Trung tướng Nguyễn Đức Hải, các giáo sư, nhà khoa học bạn tôi và cùng Trình Tự Kha, Trần Thế Tuyển nghiêm trang dâng hương ở đền Long Khốt. Trong mùi hương thơm lâng lâng lòng người, tiếng chuông Long Khốt đã làm rung động con tim, tiếng chuông Long Khốt ngân vang cả không trung, như lời nhắc nhở của 7.000 liệt sĩ đã nằm xuống trên mảnh đất này với chúng ta, với hôm nay và với mai sau.
GS – TS Trình Quang Phú – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông