Không ngẫu nhiên mà Ban Thường vụ Hội Hỗ trợ Gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Mình chọn ngày 17 tháng 2 ( nhằm mùng 6 tháng giêng Tân Sửu ) khai Xuân, mở cửa năm làm việc sau Tết nguyên đán.
Thứ nhất, đúng ngày này cách đây 42 năm, tập đoàn phản động Bắc Kinh xua quân đánh chiếm 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta, mở đầu cuộc tàn sát đẫm máu, dã man với “ người anh em núi liền núi, sông liền sông “. Cuộc chiến kéo dài không lâu nhưng để lại hệ lụy thật lâu, tổn thương tình hữu nghị mà nhân dân hai nước dầy công gầy dựng. Hàng vạn chiến sĩ và đồng bào ta ngã xuống nơi biên giới phía Bắc cùng với hàng chục vạn chiến sĩ đồng bào ta và cả nhân dân CPC đã ngã xuống trong cuộc chiến Tây Nam- CPC kéo dài trên chục năm- cũng do tập đoàn phản động BK gây ra.
Trong lời khấn, Đại tá NB Trần Thế Tuyển, Chủ tịch Hội đã giành phút giây xúc động nhất nói về sự kiện này và cũng chính là để tưởng nhớ tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh đời mình vì Tổ quốc, trong đó có các chiến sĩ sinh ra từ TP HCM, Nam Bộ ngã xuống nơi biên giới phía Bắc.
Thứ hai, ngày mùng 6 Tết năm nay được coi là ngày tốt. Chọn giờ hoàng đạo ( từ 10-11:00) để khai xuân, mở đầu năm làm việc cống hiến vì đồng đội, hỗ trợ gia đình liệt sĩ, các thành viên : Ban Thường vụ, HĐ Tư vấn, BCH và các doanh nghiệp, những người thiện nguyện muốn bày tỏ quyết tâm bền bỉ trên con đường tự nguyện dấn thân : tri ân liệt sĩ.
Câu chuyện đầu năm của các tướng lĩnh đã từng xông pha trận mạc; của các CCB đã từng hiến dâng một phần thân thể cho sự bình yên đất nước và cả “ hậu phương lớn “ của họ cùng các nhà tài trợ… cho thấy sức sống mới của một Hội thiện nguyện tri ân nơi thành phố mang tên người Anh hùng Dân tộc!
Thứ ba, không chỉ có thế, đó là cuộc gặp gỡ gửi trao. Trung tướng Lưu Phước Lượng, tác giả tập hồi ức “ Dấu ấn cuộc đời “ tặng sách chia sẻ: cách đây hơn 50 năm dịp này, Xuân Mậu Thân – 1968, ông và đồng đội đang chiến đấu tại vùng Tây Bắc Sài Gòn. Chính trong đợt tấn công vào Sài Gòn năm ấy, Lưu Phước Lượng đã tự tay chôn cất Trung đoàn trưởng rồi Chính ủy Trung đoàn…
Những khoảnh khắc gian nan và oai hùng ấy đã được tác giả gửi gắm trong “ Dấu ấn cuộc đời “. Trung tá Chỉ huy trưởng Trạm T67 Trần Thái Học kể về một liệt sĩ chưa biết tên mà gia đình anh đang thờ phụng. Số là khi dọn mặt bằng làm nhà, anh đã phát hiện ra ngôi mộ này. Bằng sự cẩn trọng tâm linh và trách nhiệm, anh đã xác định đó là phần mộ của liệt sĩ thuộc Trung đoàn Đồng Nai trong trận đánh vào SG Xuân Mạu Thân 1968. Chuyện tình cờ hy hữu, Tướng Lượng nhận ra người đồng đội cùng chiến hào với mình…
Cuộc gặp mặt đầu Xuân của Hội Hỗ trợ Gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Mình chuyển tải một thông điệp nghĩa tình đầy ý nghĩa!