Thứ Bảy, Tháng Chín 7, 2024
Trang chủVĂN HÓA-VĂN NGHỆĐẶC SANNÊN LẤY NGÀY 27/7 HẰNG NĂM LÀM NGÀY TƯỞNG NHỚ BÁC HỒ...

NÊN LẤY NGÀY 27/7 HẰNG NĂM LÀM NGÀY TƯỞNG NHỚ BÁC HỒ VÀ CÚNG GIỖ LIỆT SĨ HY SINH TẠI PHÚ QUỐC (*)

Đại tướng LÊ HỒNG ANH

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng

 

Ngày 29/4/2022, sau thời gian 5 tháng thi công, Đền thờ Bác Hồ và anh hùng liệt sĩ Phú Quốc đã hoàn thành. Tại lễ khánh thành, Đại tướng Lê Hồng Anh đã có bài phát biểu quan trọng. Đặc san Linh Khí Quốc Gia trân trọng giới thiệu bài viết này.

Đại tướng Lê Hồng Anh ( giữa), Trung tướng Lưu Phước Lượng ( Thứ hai từ trái qua), Đại tá Trần Thế Tuyển ( thứ hai từ phải qua) – Thành viên Ban chỉ đạo xây dựng Đền thờ liệt sĩ Phú Quốc, được ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tặng bằng khen

  1. Huyện Phú Quốc có 27 đảo nổi lớn nhỏ nằm trong vùng biển phía tây nam của tổ quốc. Lịch sử hình thành và phát triển của Phú Quốc gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của nước ta. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng cả nước, Đảng bộ và nhân dân huyện Phú Quốc (nay là thành phố Phú Quốc) đã anh dũng chiến đấu kiên cường, quyết tâm bảo vệ quê hương đất đảo. Với tinh thần yêu nước qua các chặng đường lịch sử, nhân dân trên đảo trổi dậy mạnh mẽ đấu tranh quyết giữ lấy mảnh đất đã thấm mồ hôi và máu của ông cha và chính họ. Hàng ngàn lượt quần chúng bị địch bắt bớ, tra tấn, tù đày, hàng trăm người bị giết hại, âm thầm hy sinh trên mảnh đất đảo thiêng liêng này.

Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng ý nghĩa lịch sử của cuộc đấu tranh sinh tử của những người yêu nước, của cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt tù đày, vẫn chói ngời trong lịch sử. Các tấm gương mưu trí dũng cảm chiến đấu ngoan cường lập được nhiều chiến công hiển hách của các anh hùng liệt sĩ ngày càng tô thắm thêm truyền thống anh hùng cách mạng của dân tộc ta. Những chiến công của những người yêu nước quyết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ, từ thời đầu chống thực dân Pháp, đến chống Mỹ xâm lược và tay sai đã làm rạng danh đảo ngọc này.

Mọi người còn nhớ, cách đây hơn một thế kỷ, ngày 19/9/1868 từ Hà Tiên hơn 100 quân Pháp cùng với đạo quân của tên Việt gian Huỳnh Công Tấn tiến đánh Phú Quốc. Dưới sự chỉ đạo của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, gần 300 nghĩa quân đã kiên cường chiến đấu chống giặc, tiêu biểu là hai trận đánh quyết chiến với quân thù tại Hàm Ninh. Hơn 30 ngày đêm chống trả với quân địch, cuộc chiến đấu không cân sức do thế cô và vũ khí thô sơ phải chiến đấu với vũ khí hiện đại của quân Pháp, hầu hết các nghĩa quân tử trận nằm lại vĩnh viễn trên mảnh đất này. Ông Nguyễn Trung Trực bị giặc Pháp bắt và bị hành hình tại Rạch Giá – Kiên Giang. Giặc Pháp chiếm được đảo Phú Quốc và đặt ách cai trị trên đảo, lập trại giam Cây Dừa, tăng cường ruồng bố, giam cầm tra tấn dã man, giết hại những người nổi dậy chống đối đòi quyền dân sinh, dân chủ. Nhưng sự hy sinh cao cả của nghĩa quân và đồng bào là biểu tượng chói ngời của ý chí bất khuất, thà chết không chịu làm nô lệ của nhân dân ta.

Đầu năm 1967, chế độ Mỹ ngụy lập lại trại giam Cây Dừa trên đảo Phú Quốc để giam giữ những người yêu nước là tù binh Cộng sản Việt Nam. Đây là trại giam lớn nhất của Mỹ ngụy ở miền Nam nước ta. Tù binh ở đây quê quán ở khắp cả nước từ Nam chí Bắc, có lúc lên đến gần 45.000 người. Bọn quân cảnh, giám thị ngày đêm dùng vũ lực rất tàn bạo để tra tấn, hành hạ người tù. Ngoài phạt vạ, đánh đập, bắn giết chúng dùng nhiều hình thức dã man như: Trói chân tay ngoặt ra sau lưng rồi treo ngược, đổ xà bông, tra điện, đóng đinh vào bàn chân, bàn tay, ngón tay vào đầu gối, vào sọ đầu, nung sắt cho cháy đỏ rồi xiên vào bắp thịt, đục răng, trùm bao bố vào người rồi xối nước sôi lên, bỏ vào chảo nước đang sôi, đốt sống, chôn sống…

Nhưng với bản lĩnh chính trị vững vàng, nghị lực phi thường luôn hướng về niềm tin với Đảng và khát vọng độc lập, tự do, các chiến sĩ Cộng sản đã không khuất phục trước những thủ đoạn tàn ác, dã man của bọn xâm lược và tay sai bán nước, vẫn một dạ một lòng trung kiên bất khuất, giữ vững khí tiết cách mạng.

Từ khi lập trại giam Cây Dừa năm 1967 đến năm 1973, có hơn 4.000 người bị chúng giết hại bằng các hình thức tra tấn rất dã man. Nhiều đồng chí, đồng bào đã bị địch chôn sống dưới biển. Khi Hiệp định Paris được ký kết và có hiệu lực vào ngày 27/1/1973, địch còn giam giữ đến 40.000 người yêu nước; buộc chúng phải trao trả cho ta toàn bộ số tù binh này.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Phú Quốc, quân và dân đảo ngọc này đã phát huy tinh thần yêu nước, vượt qua mọi cam go, thử thách bền bỉ chiến đấu đánh Pháp đuổi Mỹ, góp phần cùng cả nước giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước. Qua hai cuộc kháng chiến, Phú Quốc có 342 gia đình liệt sĩ với 656 liệt sĩ và 176 thương binh.

  1. Hôm nay, đứng trên mảnh đất anh hùng này, chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của Phú Quốc; kinh tế có sự phát triển vượt bậc, diện mạo Phú Quốc có sự thay đổi rõ rệt; công trình dự án đẳng cấp quốc tế ngày càng nhiều, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Chúng ta càng tỏ rõ lòng biết ơn vô hạn đối với các anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú trên mọi miền đất nước đã hy sinh tại hòn đảo này trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta. Ghi nhận, tôn vinh tinh thần kiên trung, bất khuất đổ biết bao xương máu của các anh hùng liệt sĩ cho đảo ngọc Phú Quốc hôm nay, ngày càng phát triển tươi đẹp.

Xuất phát từ tâm niệm nói trên, tôi cùng Đảng bộ, nhân dân tỉnh Kiên Giang luôn đau đáu trong lòng cần phải xây dựng đền thờ để tưởng nhớ công lao các anh hùng liệt sĩ, trong đó có các nghĩa sĩ tử trận từ thời kỳ đầu chống Pháp đã dành trọn đời mình cho độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, nhiều đồng chí ra đi khi tuổi chưa tròn 18, đôi mươi; nhiều đồng chí đến nay chưa xác định được danh tính và nhiều người còn nằm dưới đáy biển, rừng núi của Phú Quốc, chưa tìm được để quy tập về nghĩa trang liệt sĩ. Đúng như đôi câu thơ, cặp vế đối đã khắc ghi trong Đền thờ liệt sĩ trên đất nước ta: Thân ngã xuống thành đất đai Tổ Quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí Quốc gia.

Tâm niệm đó hôm nay đã thành hiện thực. Đền thờ các anh hùng liệt sĩ thành phố Phú Quốc đã hoàn thành và đưa vào thờ cúng. Trong không khí ấm áp của mùa xuân, của lễ kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2022), chúng ta long trọng tổ chức lễ khánh thành đền thờ các anh hùng liệt sĩ Phú Quốc, công trình có ý nghĩa chính trị, văn hóa, nhân văn sâu sắc. Thể hiện sự tri ân “ăn quả nhớ người trồng cây” ơn đền nghĩa trả là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta; là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất của các thế hệ đi trước; là nơi để giới thiệu với du khách về chiến tranh tàn khốc trên đất nước Việt Nam nói chung, trên mảnh đất Phú Quốc nói riêng về sự anh dũng hy sinh của các anh hùng liệt sĩ vì độc lập, tự do, vì hạnh phúc của nhân dân.

Xúc động trước tấm gương hy sinh vô bờ bến của các anh hùng liệt sĩ, tôi mong rằng các thế hệ ngày nay và mai sau mãi mãi ghi nhớ và tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng bất khuất, kiên cường chiến đấu không quản ngại hy sinh gian khổ của các thế hệ đi trước, để tạo thành sức mạnh vô hạn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc nói chung, tỉnh Kiên Giang nói riêng ngày càng phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn và xây dựng thành phố Phú Quốc trở thành đảo ngọc – Trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế, xứng đáng với mong đợi của Đảng và nhân dân cả nước.

Nhân buổi lễ linh thiêng này, tôi đề nghị:

  1. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Phú Quốc cần làm tốt việc quản lý, giữ gìn ngôi đền thiêng này, hằng năm có thể lấy ngày 27/7 – ngày Thương binh Liệt sĩ để làm ngày tưởng nhớ Bác Hồ và cúng giỗ các anh hùng liệt sĩ tại đền thờ Phú Quốc.
  2. Cần có kế hoạch cụ thể phát huy giá trị văn hóa tâm linh của ngôi đền để giáo dục truyền thống cách mạng đối với thế hệ trẻ, hun đúc lòng yêu nước, yêu quê hương, xây dựng thành phố Phú Quốc ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
  3. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm lo ngày càng tốt hơn những gia đình liệt sĩ, người có công với nước.
  4. Cần tiếp tục sưu tầm tư liệu về danh tính liệt sĩ để bổ sung vào danh sách các liệt sĩ đang thờ cúng tại đền thờ liệt sĩ Phú Quốc.

Toàn cảnh Phú Quốc nhìn từ trên cao

(*) Đầu đề do Tòa soạn đặt

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây