Trung tướng, PGS TS. NGUYỄN ĐỨC HẢI
Trung tướng Nguyễn Đức Hải, nguyên viện trưởng viện chiến lược Bộ quốc phòng
Lịch sử dân tộc Việt Nam là dân tộc phải chống chọi các cuộc chiến tranh khốc liệt để bảo vệ sự tồn vong của đất nước. Biết bao thế hệ người con đất Việt đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì non sông gấm vóc để Tổ quốc trường tồn. Dân tộc Việt Nam luôn tự hào và khắc ghi trong tâm khảm, tri ân sự cống hiến vô cùng to lớn của những người đã khuất vì nước, vì dân.
Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, ngày 10/3 âm lịch hằng năm chúng ta đã có ngày Giỗ tổ Hùng Vương (ngày Quốc giỗ), để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng; vừa thể hiện ý thức về nguồn cội; trở thành ngày Quốc lễ thiêng liêng trọng đại, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dù đang sinh sống bất cứ nơi đâu đều hướng về nguồn cội.
Bác Hồ kính yêu khi về thăm Đền Hùng đã từng nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, khi tổ quốc bị xâm lăng cả nước ta nhất tề đứng lên để tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, chống lại sự xâm lăng của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và đồng minh của chúng. Biết bao đồng bào, đồng chí đã ngã xuống, vĩnh viễn nằm lại chiến trường.
Nhiều gia đình phải mất đi cả mẹ, cha, vợ, chồng, con, cháu ngoài mặt trận. Ngày 27/7/1947 là ngày Thương binh toàn quốc. Đến ngày 27/7/1955 được đổi tên thành ngày Thương binh – Liệt sĩ để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc. Thực hiện Chỉ thị 223/CT-TW ngày 08/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng từ năm 1975, ngày 27/7 hằng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh – Liệt sĩ” của cả nước. Với những chủ trương, chính sách xã hội cần thiết góp phần giải quyết những khó khăn cho thương binh – gia đình liệt sĩ.
Tuy nhiên, hậu quả của cuộc chiến tranh vô cùng tàn khốc và nặng nề, nhiều đồng bào, đồng chí chiến sĩ chúng ta hy sinh trong những hoàn cảnh ác liệt khác nhau. Thân thể họ đã hóa vào đất đai tổ quốc. Sự mất mát, hy sinh của họ thầm lặng, có người không để lại một dòng địa chỉ. Chiến tranh ngày càng lùi xa; những nhân chứng một thời chinh chiến cũng đã già, yếu, ra đi… Người thân của họ vẫn mong ngóng trong vô vọng. Mặc dù chúng ta đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ nhưng còn 500 ngàn trường hợp liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt hoặc chưa xác định được danh tính. Nhiều gia đình chỉ nhận được giấy báo tử với dòng chữ “hy sinh ở mặt trận”… không biết hy sinh ngày tháng năm nào. Tất cả chỉ biết chọn ngày 27/7 hằng năm để làm ngày giỗ của người thân… 27/7 hằng năm chúng ta vẫn hướng về nơi chiến trường xưa, nơi nghĩa trang liệt sĩ, nơi tượng đài, đền thờ… để thắp nén hương lòng tưởng nhớ người đã khuất.
Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn ( ảnh vnexpress.net)
Nên chăng, chúng ta cần nghiên cứu lấy ngày 27/7 hằng năm làm ngày Quốc giỗ thứ 2 để nhân dân cả nước tri ân công lao, sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. Đồng bào, đồng chí, chiến sĩ đã ngã xuống cho Tổ quốc Việt Nam được mãi mãi trường tồn, sánh vai với các cường quốc năm châu, là dịp tiếp tục truyền lửa cho thế hệ cháu con, tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn để xây dựng và bảo vệ tổ quốc ngày càng vững mạnh.