Thứ Hai, Tháng Chín 9, 2024

MÙA XUÂN CÒN MÃI

Võ Thu Hương

Trên bàn thờ o Lan mỗi độ xuân về vẫn có một nhành đào bé bé. Dì tôi đã chọn nhành đẹp nhất trong vườn để cắm lên đó. Nhành xuân ấy còn mãi đó, dù o đã mất từ những năm 70.

Bài thơ và bức ảnh kỷ vật của một liệt sĩ vô danh

O Lan là em chồng của dì tôi. Mỗi dịp Tết về quê, tôi vẫn thường ghé nhà dì thắp hương lên bàn thờ ông bà, có o Lan – người đã mất trước khi tôi ra đời từ khá lâu. Tôi biết o qua bức hình trắng đen bé xíu lọt lòng bàn tay, tấm bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ, và qua lời kể của những người trong nhà. Khi ông còn sống, ông vẫn kể cho tôi nghe về o, cô gái tuổi chưa đầy hai mươi xung phong đi nhập ngũ. Tính o lãng mạn, bên ba lô ngày ra trận còn mang theo một nhành đào bẻ từ cây đào trước sân nhà, trong mùa xuân năm ấy – mùa xuân cuối cùng o còn ăn Tết cùng gia đình.

Anh hùng LLVT Lê Thị Thu Nguyệt

Ở quê tôi, những nhà có vườn vẫn thường trồng một cây đào trước sân. Tết về sẽ có hoa đào thắm ngoài sân vườn, nhành đẹp nhất được chặt vào nhà chưng. Về sau, những cây đào mất dần đi vì nhà cửa mọc san sát, đất vườn không rộng như xưa. Ở nhà dì tôi vẫn luôn còn cây đào ở đúng vị trí đó dù cây đào đầu tiên o Lan và ông trồng đã cách đây hàng chục năm. Cây cũ bị bão quật hoặc già lụi đi lại có cây mới được trồng vào đó. Từ bàn thờ ông bà, o Lan nhìn ra sân mỗi mùa xuân vẫn thấy hoa đào nở hồng ở đó. Dì nói, vì cả ông và o Lan đều rất yêu hoa đào nên gốc đào ấy không chỉ làm đẹp cảnh quan, còn để nối yêu thương giữa người đã mất và người còn sống.

* * * * *

Một lần ghé nhà anh hùng LLVT Lê Thị Thu Nguyệt, tôi được cô cho xem những bức tranh thêu tay trê vải đã nhuốm màu thời gian nhưng thật đẹp. “Nè Hương, cái tấm rộng thiệt rộng này là cô thêu hồi ở tù Côn Đảo, tính để dành làm khăn trải bàn tiệc cưới. Mà hồi thêu nó, đã biết nắm tay ai đâu”. Tôi lặng đi vài giây, ôi những chị, những mẹ trong câu chuyện về những bức tranh thêu ở tù của cô – người thêu hình mẹ ôm con, mẹ ngóng ra song sắt nhà tù nhìn con đang cầm một nhành hoa mai; người tuổi còn son, ngồi tù với cái án chung thân vẫn mơ mộng thêu khăn rải bàn tiệc cưới, đôi chim liền cánh hẹn hò…

Cô Nguyệt – cô gái thanh xuân ngày xưa mang trên mình án chung thân vì tham gia biệt động, cài bom trên máy bay Mỹ, ngồi trong song sắt chuồng cọp thêu một vườn hồng mùa xuân với những đóa hoa tươi, những cánh bướm lượn rộn ràng trên mặt khăn trải bàn; cô gái ấy giờ đã là bà nội, mang trên mình nhiều vết sẹo chiến tranh vẫn giữ mãi tấm khăn thêu ước mơ (mà sau đó, hòa bình lập lại, cô được tự tay trải trong lễ cưới của chính mình) khiến tôi rưng rưng suốt một buổi chiều nắng đẹp. Nhưng có rất nhiều đồng đội của cô không có may mắn ấy. Có những bức tranh thêu phơi phới sắc xuân vẫn còn lưu lại trong Bảo tàng phụ nữ nhưng chủ nhân đã mãi mãi hóa thân vào sông núi không về.

* * * * *

Tôi bỗng nhớ một đêm mất ngủ, mò mẫm trên một fanpage dành cho giới trẻ đã bắt gặp nội dung cảm động về một bức hình với mong muốn tìm người thân liệt sĩ. Bức ảnh chụp một phụ nữ đang đứng dệt vải, ánh mắt cô nhìn thẳng đầy tin tưởng, gương mặt tròn căng tuổi thanh xuân. Và sau bức hình ấy, bài thơ tình thời kháng chiến “Đợi anh về” của Khương Hữu Dụng. Bài thơ ra đời 1967, bức hình ấy đề năm 1968 – là thời điểm ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ thần thánh.

Bức hình ấy của một chiến sĩ không ai biết tên tuổi, quê quán của anh. Chỉ biết trong túi áo anh có một tấm ảnh nhỏ cỡ 6x9cm. Thông tin được Cựu chiến binh Đặng Minh Phương, người lưu giữ bức ảnh này cung cấp. Nhiều năm qua, ông vẫn đau đáu với ước mong tìm lại người trong ảnh và gia đình liệt sĩ nhưng vẫn chưa thể thực hiện được. Về sau, kỷ vật được cựu chiến binh Phương trao lại cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Thượng tá Trần Thanh Hằng, cán bộ đã nghỉ hưu của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã chia sẻ lên mạng câu chuyện phía sau một bức hình. Cũng như nhiều đồng nghiệp, bà mong tìm được hoặc có thông tin về người phụ nữ trong ảnh để tìm thân nhân cho liệt sĩ… Bức ảnh ấy, những câu thơ đẹp chân phương phía sau bức hình khiến giới những người trẻ ngậm ngùi:

“Em để dành mùa xuân

Đợi anh về mới nở”…

Ngay sau khi chia sẻ lên mạng, câu chuyện về bức ảnh người con gái “Đợi anh về” dù đã qua gần nửa thế kỷ trên đã thu hút hàng nghìn lượt like, hàng trăm lần chia sẻ bình luận của dân mạng. Những người trẻ viết tiếp một niềm hy vọng tìm lại được cô gái trẻ trong bức hình, thân nhân của liệt sĩ.

Chiến tranh, những hận thù đã khép, điều còn mãi chính là những vẻ đẹp trường tồn: tình yêu chung thủy, khát vọng cao đẹp của những con người thanh xuân đã hy sinh cho Đất nước. Và trong những mùa xuân Đất nước, tin rằng, sẽ còn khắc mãi bóng dáng những anh linh.

“Có biết bao người con gái, con trai/ Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi/ Họ đã sống và chết/ Giản dị và bình tâm/ Không ai nhớ mặt đặt tên/ Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”. (trích thơ Nguyễn Khoa Điềm).

Bài trước đó
Bài tiếp theo
Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây