Bút ký của LÊ PHI HÙNG
Bố tôi tên là Đoan. Tuy không cao to, đẹp trai lắm, nhưng ông là người rất có duyên. Những người lớn tuổi ở làng tôi giờ vẫn kể rằng ngày xưa ai cũng muốn nghe anh Đoan nói chuyện. Giọng điệu dí dỏm, cùng sự biểu cảm độc đáo của hình thể, của gương mặt, anh Đoan lôi cuốn mọi người từ câu chuyện này đến câu chuyện khác. Vì thế mà Đoan luôn được các cô gái trong làng để ý. Mỗi buổi tối có anh ra bờ đê là cả một cung đường rộn rã như đang vào hội.
Nhiều cô gái quý mến, nhưng anh Đoan chỉ để ý đến con gái nhà ông Tần trên xóm Đạo (xã Lý Thường Kiệt, huyện Mỹ Yên, Hưng Yên). Không phải là người “sắc nước, nghiêng thành”, nhưng cô Thoa khá đằm thắm. Nước da nhuộm màu nắng, dáng hình chắc nịch mỗi khi gánh lúa ở ngoài đồng về, đặc biệt nụ cười duyên của cô đã khiến bao chàng trai phải ngẩn ngơ, mơ màng. Một ngày giữa năm 1965, cô Thoa đưa anh chàng Đoan về thưa chuyện với ông Tần.
Một năm sau đám cưới, cô Thoa sinh hạ ra một cậu con trai chính là tôi. Cuộc sống ở làng quê nghèo trôi đi hối hả theo dòng thời gian của chiến tranh phá hoại. Quê tôi không bị giặc Mỹ dội bom, nhưng cũng tiếp nhận nhiều gia đình từ Hà Nội, Hải Phòng về sơ tán. Những nhà có con đi bộ đội hay thanh niên xung phong thường được tiếp nhận người sơ tán. Nhà tôi chỉ rộng hơn 20m2 nên không có ai đến ở. Tôi lớn lên bằng dòng sữa của mẹ và lời ru của bà nội.
Chả ai nghĩ bố sẽ đi bộ đội vì là con một, lại nhẹ cân. Nhưng chiến trường sục sôi, những bạn cùng trang lứa lần lượt rời quê vào Nam đánh giặc đã khiến bố viết đơn bằng máu tình nguyện xin nhập ngũ. Ngày bố lên đường, bà nội và bà ngoại rủ nhau xuống bếp khóc. Còn mẹ thì lau những dòng nước mắt khi cấy lúa ngoài đồng. Những lần tiễn trai làng đi tòng quân đều rất bịn rịn, đẫm nước mắt. Con đê lổm khổm cùng rặng nhãn xanh tươi lại chứng kiến những lời thề non, hẹn biển, rồi cố níu chân người đi, dằn lòng người ở lại…
Hai năm đầu bố huấn luyện ngoài Bắc, nên thi thoảng tranh thủ về thăm nhà được vài lần. Nhưng đến cuối năm 1970, đầu năm 1971 thì chỉ có những lá thư từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị gửi về. Đến giữa năm 1971 thì nhà tôi chẳng còn được nhận một lá thư nào của bố nữa.
Một chiều tháng 7 năm 1975, khi mà cả nước vẫn còn hân hoan với niềm vui thống nhất non sông, thì mẹ tôi nhận được 3 cái giấy báo tử. Một là của bố, một của anh ruột mẹ, cái còn lại là của người em họ gần. Mẹ lả người bên cạnh đống rơm trước sân, còn bà nội, bà ngoại thì thảm thiết khóc gọi con trai không ngớt. Nhìn những người thân yêu quằn quại trong đớn đau, tôi ngẩn ngơ như kẻ không có nhà. Không chỉ riêng gia đình tôi, mà trong tháng 7 năm 1975, ở thôn còn có hơn 20 gia đình khác nhận được giấy báo tử của con em đã chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Không khí tang tóc bao trùm vùng quê nghèo suốt mấy tháng liền. Kể từ dạo ấy, mỗi khi đến tháng 7 dương lịch là cả thôn đều làm chung một cái giỗ lớn vào ngày 27.
Nghe tin mùa nhãn năm nay sai quả mẹ dặn: “Nếu con về quê vào mùa nhãn chín, nhớ đem mấy chùm đến thắp hương trên mộ ông bà nội và ông bà ngoại. Con cũng mang mấy cân vào Nam thắp hương cho bố”. Tháng 7 năm 2022, tôi trở về quê trên con đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh láng mượt. Cánh đồng Tam Thiên Mẫu giờ bị chia ra làm nhiều khu và mọc lên nhiều nhà máy, xí nghiệp và chằng chịt đường qua lại. Không còn hai hàng nhãn lồng bên con đường 99 nữa, nhưng nhiều nhà vẫn lưu giữ những cây nhãn cổ đang chín mọng.
Trong nhà thờ họ, tấm ảnh chân dung của bố tôi cùng 9 liệt sĩ khác được để riêng trên một ban thờ. Không biết cô em gái con ông chú ruột bẻ từ bao giờ mà mấy chùm nhãn bày ở các đĩa trên các ban thờ lá vẫn còn tươi. Nhìn làn khói nhang vẽ hình rồng hướng lên mái nhà, mắt tôi nhòa lệ. Có lẽ những ngày này, rất nhiều gia đình ở thôn Tử Dương cũng bày nhãn thắp nhang để tưởng nhớ tổ tiên và những người đã ngã xuống. Tôi ước gì vẫn còn hai hàng nhãn xanh ngắt chạy dài trên con đường 99 như xưa, để được chứng kiến những buổi chia tay, những ngày gặp mặt, để những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc về sum họp và sống mãi trong niềm thương, nỗi nhớ của quê nhà…