Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

MƯA NGÂU

MƯA NGÂU

Truyện ngắn   TRẦN THẾ TUYỂN

Thằng Hòa mời mọc, hẹn hò mãi bà Tuyết mới quyết định lên thăm nó. Hoàng hôn vừa buông xuống, bà Tuyết dắt xe ra khỏi nhà. Bà bận bộ bà ba màu tím, chiếc nón lá trắng có nơ hồng và không quên gội đầu bằng lá bưởi, lá sả, bồ kết. Mùi hương mà anh ấy vẫn thích. Dắt xe qua lộ, bà Tuyết ngồi lên yên nhẹ nhàng đạp ra phía cánh đồng. Hơn bốn mươi năm rồi, bà Tuyết mới có được cảm giác thơ thới ấy. Mặc cho dòng người như mắc cửi, bà lặng lẽ theo con đường nhỏ ra bờ kênh phía tây thị trấn. Trái tim bà như muốn nhảy ra khỏi vồng ngực. Cứ như thời con gái, bà hồi hộp chờ đợi người lính vừa từ trong rừng ra với dáng mảnh khảnh, thư sinh.

Năm ấy, thị trấn nhỏ bé của bà ngập tràn hơi thở mới đón chào miền Nam hoàn toàn giải phóng. Bà là cô nữ sinh lớp 12 trường huyện. Có lẽ bởi nước da trắng như trứng gà bóc nên bạn bè gọi bà là “Tuyết hột gà”. Một chiều cuối tuần, chi hội thanh niên giải phóng của trường đón một vị khách quý đến giao lưu. Đó là một anh bộ đội trẻ. Dáng nhỏ thó, đôi mắt trũng sâu và nụ cười tỏa nắng. Anh bận bộ quân phục xanh mà sau này Tuyết mới biết đó là vải Tô Châu. Tuyết say sưa ngắm nhìn chàng trai giải phóng nói chuyện. Cách đây không lâu, sống trong vùng địch tạm chiếm, Tuyết nghe người ta đồn đại về Việt Cộng. Đó là những người rừng, mình đầy lông lá, ốm yếu như kẻ nghiện ngập. Họ còn bảo, Việt Cộng 7 người đeo lên cành đu đủ không gãy… Bây giờ mục sở thị, gặp người “Việt Cộng” này, Tuyết mới biết đó là những luận điệu xằng bậy. Không phải thế. Ngược lại các anh bộ đội giải phóng thật dễ thương. Không chỉ là những người lính đánh giặc giỏi, các anh còn là những người có văn hóa uyên sâu, nói năng dễ thương, gần gũi. Đôi má Tuyết bỗng hồng lên. Tuyết cảm thấy bối rối khi đứng trước mặt anh:
⁃ Tuyết hột gà, thay mặt lớp, bạn nói gì với anh giải phóng đi chứ. Nhỏ Hướng, bạn cùng lớp nhanh nhảu đẩy Tuyết sát anh bộ đội. Khi người Tuyết chạm người anh, Tuyết bỗng thấy như có luồng điện cực mạnh chạy qua:
⁃ Dạ, cho em hỏi, anh giải phóng thứ mấy, tên gì?
⁃ Tôi con thứ 2 trong gia đình. Cứ gọi tôi là Giang – Hương Giang
⁃ Ôi, tên anh bộ đội đẹp quá- một bạn gái chen vào:
– Vậy anh Ba quê ở đâu?…
Mọi người bủa vây anh bộ đội, thân thiết như đón người thân đi xa trở về. Các cô gái hỏi anh đủ thứ chuyện trên đời. Chuyện chiến đấu, chuyện ăn chuyện ngủ của người lính và cả chuyện người yêu nữa.
Tuyết nhường cho các bạn “phỏng vấn” anh chiến sĩ giải phóng. Cô lùi ra xa ngắm nhìn anh. Khuôn mặt xương gầy, rám nắng. Đôi mắt anh thật sáng và đặc biệt nụ cười như có phép màu khiến trái tim Tuyết rung lên nhịp lạ…

Và, chiều hôm đó, chuyện tình cờ xảy ra, khi người lính đến nhận thư báo tại quầy bưu phẩm nhà mình lại là anh bộ đội giải phóng sáng nay đã đến nói chuyện tại trường cô:

⁃ Em chào anh Ba.
Anh bộ đội ngạc nhiên:
⁃ Ủa, nhà em đây à? Thật duyên kỳ ngộ.. Anh bộ đội nói đến chữ duyên làm đôi gò má của Tuyết lại ửng hồng. Tuyết nhớ đến câu thơ của Nguyễn Du: Người đâu gặp gỡ làm chi / Trăm năm biết có duyên gì hay không?

Anh bộ đội lấy thư báo rồi đạp xe về đơn vị. Tuyết đứng như trời trồng ngắm nhìn anh cho đến khi bóng anh khuất sau vòm cây cuối phố. Cứ thế, ngày nào, khi hoàng hôn buông xuống, Tuyết cũng hồi hộp chờ đợi anh bộ đội ra lấy thư báo. Thỉnh thoảng khi mẹ đi vắng cô trực tiếp giao thư báo cho anh và đó cũng là dịp để hai người trò chuyện. Rồi một ngày kia, như thể không giấu được lòng mình, Tuyết viết thư kẹp vào trang báo:
⁃ Anh Ba, trong tờ báo này có thư ai gửi cho anh đó. Tuyết ấn tờ báo vào tay anh bộ đội rồi chạy ù vào nhà. Trái tim cô như muốn nhảy ra khỏi vồng ngực 19 tuổi đầy sức sống. Đôi gò má ửng hồng khiến cô càng bối rối. Gửi thư cho anh bộ đội xong, Tuyết cảm thấy mắc cỡ. Cô tự trách mình. Ai lại trâu đi tìm cọc. Rồi cô tự bào chữa. Thúy Kiều chẳng đã có lúc “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” đi tìm Kim Trọng đó sao?!

Lại nói về anh bộ đội. Nghe Tuyết bảo trong tờ báo có thư, Giang hồi hộp lắm. Anh cố đạp xe cho nhanh về đơn vị để mở thư. Ai đã viết thư cho mình? Tới đơn vị, trao vội gói thư báo cho mọi người, Giang cầm tờ báo mà Tuyết dặn có thư chạy ra chỗ vắng. Giang kín đáo đọc thư. Trên trang giấy học trò, nét chữ con gái đằng tả: “Anh Ba. Anh đừng ngạc nhiên nhé? Tuyết suy nghĩ mãi mới dám viết thư cho anh. Phải thú thật, ngay buổi đầu gặp anh Ba, trái tim Tuyết đã rung lên nhịp lạ. Mấy đêm liền, cứ nhắm mắt là Tuyết thấy bóng hình anh giải phóng. Đôi mắt sâu và giọng nói trầm ấm cứ ẩn hiện trong đầu Tuyết. Anh Ba ơi, anh có hiểu nỗi lòng của cô nữ sinh này không?…”
Bức thư dài kín hai trang giấy học trò, Tuyết kể cho Giang nghe chuyện nhà, chuyện lớp và bày tỏ khát khao được cùng Giang chia sẻ những tháng ngày sau chiến tranh. Lần đầu tiên nhận được lời tỏ tình, trái tim 24 tuổi của Giang như muốn vỡ tung lồng ngực. Giang đọc mãi không chán. Anh cứ nghĩ giọng Tuyết đang thủ thỉ bên tai. Hôm sau, ra nhận thư báo, không thấy Tuyết. Mẹ Tuyết bảo cô cùng các bạn đi dự trại hè. Hai hôm nữa mới về. Nhận thư báo đạp xe về đơn vị lòng Giang trống vắng, nặng trĩu. Anh nghĩ đến Tuyết. Đôi mắt bồ câu, mái tóc học trò và đôi môi như có sức hút thần kỳ làm anh muốn hóa điên hóa dại.

Rồi điều gì đến đã đến. Một chiều nọ, ra nhận thư báo, Giang đã trao cho Tuyết bức thư “hồi âm”. Lá thư gần 5 trang giấy học trò. Giang kể cho Tuyết cuộc sống của người lính chiến, những khát vọng của anh… Cuối thư, Giang mạnh dạn hẹn hò. Anh và Tuyết sẽ gặp nhau… Và, chính con đường nhỏ ngoại ô, nơi có cánh đồng lúa ngút tầm mắt này. Đôi trai gái đã gặp nhau. Đấy là một buổi tối khi thị trấn vừa lên đèn. Tuyết mặc bộ bà ba màu đen càng tôn nước da trứng gà bóc vỏ của cô. Giang đạp xe ra cánh đồng đứng chờ Tuyết. Tuyết đến. Từ xa Giang đã cảm nhận được
mùi hương sả, bồ kết từ mái tóc của Tuyết. Và, dường như anh nghe rõ nhịp đập trái tim con gái tuổi trăng tròn mỗi lúc một gần. Giang mạnh dạn cầm bàn tay mềm ấm của Tuyết. Anh dìu Tuyết ngồi bên bờ ruộng, nơi có thảm cỏ xanh như nhung dịu êm. Không biết Giang đã nói với Tuyết những gì buổi hẹn hò đầu tiên ấy. Chỉ biết rằng, khi đôi trai gái buông nhau ra, sương khuya đã ướt đầm mái tóc mền như lụa của Tuyết. Tuyết cảm thấy vòng tay Giang siết mạnh. Cô ngợp thở vì đôi môi nóng bỏng của Giang. Trời đất quay cuồng, mùi hương mía từ nhà máy đường đâu đó ngào ngạt. Đó là nụ hôn đầu đời mà họ đã trao cho nhau… Bà Tuyết dừng lại đúng nơi cách đây gần nửa thế kỷ bà đã gặp người yêu – anh bộ đội có dáng nhỏ thó, đôi mắt trũng sâu và nụ cười tỏa nắng.
Bao kỷ niệm ùa về. Sau lần gặp đầu tiên ấy, nơi này còn ghi dấu nhiều cuộc hẹn hò của họ. Giang và Tuyết thề non hẹn biển, sẽ chẳng bao giờ xa nhau. Họ sẽ báo cáo gia đình và tổ chức thành vợ thành chồng, sinh con đẻ cái như bao cặp uyên ương khác trên thế gian này.

Nhưng ước mơ của họ chưa kịp thực hiện thì một buổi tối, cũng chính nơi hẹn hò này, Giang đã nói với Tuyết rằng ngày mai đơn vị anh phải hành quân lên biên giới. Bọn phản động từ bên kia biên giới đã tràn sang giết chết dân thường, cướp bóc tài sản và lăm le xâm chiếm đất đai.
Tuyết gục vào ngực Giang nức nở:
⁃ Anh Ba cứ yên lòng ra đi. Em sẽ chờ anh!

Đó là lần gặp cuối cùng của đôi trai gái. Chiến tranh biên giới diễn ra ngày càng khốc liệt. Đơn vị của Giang được giao bảo vệ vùng biên giới Tây Nam. Sau đó đằng đẵng 10 năm ở lại làm nhiệm vụ quốc tế…Họ chỉ gặp nhau trên những cánh thư.

Thời gian như dòng sông cuộn chảy. Sau khi tốt nghiệp cấp 3 Tuyết theo học Cao đẳng Sư phạm và trở về dạy học tại thị trấn quê nhà. Giang mải miết theo đồng đội đánh giặc và một ngày kia tin sét đánh đến với Tuyết. Giang đã hy sinh trên biên giới phía Tây nước bạn. Nghe tin đó, Tuyết như người điên dại. Mỗi buổi chiều, khi hoàng hôn buông xuống, người ta thấy một phụ nữ bận bà ba đen, nón lá ra đứng như trời trồng giữa cánh đồng ngoại ô thị trấn. Giang hy sinh đã mấy
chục năm. Có nhiều người đàn ông tìm đến Tuyết. Nhưng cô đều từ chối. Bóng hình Giang luôn hiển hiện trong ký ức và trái tim của cô. Cô không thể nhận lời yêu ai, khi đôi mắt trũng sâu, nụ cười tỏa nắng và giọng nói ấm áp như hơi thở của Giang vẫn luôn ở bên cô. Cả nhà khuyên Tuyết lập gia đình, không được, người em gái của Tuyết đành trao Hòa, con trai của mình cho Tuyết. Làm con nuôi. Bà Tuyết vừa dạy học vừa nuôi dạy Hòa như chính giọt máu của mình sinh ra. Thật kỳ diệu càng lớn, Hòa càng có nét giống Giang, người yêu đầu đời và cũng là người yêu cuối cùng của bà. Học xong trung học phổ thông, Hòa xin vào bộ đội. Như có sự sắp đặt từ trước, Hòa được bổ sung vào đơn vị của Giang trước đây. Được mọi người kể cho nghe về tấm gương hy sinh của thủ trưởng Giang, Hòa càng cảm phục, càng miệt mài phấn đấu. Cậu được cử đi đào tạo cơ bản và giờ đây là Trung đoàn trưởng Trung đoàn mà “bố” Giang đã từng làm cán bộ chỉ huy.

Tháng 7 những trận mưa thoáng đến thoáng đi. Tháng 7 mưa ngâu. Câu chuyện trong truyền thuyết về Ngưu lang – Chức nữ cứ ám ảnh bà Tuyết.

Ngày mai bà Tuyết sẽ lên biên giới thăm con trai cũng là thăm lại đơn vị của mối tình đầu cũng là mối tình cuối của bà. Bà như thấy mình trẻ lại tuổi hai mươi. Cái ngày lần đầu tiên bà “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” đến với bố Giang. Mưa mỗi lúc một nặng hạt. Bà Tuyết lên xe. Những hạt mưa như hạt ngọc gõ đều đều trên mái lá./

TP Tân An, tháng 4 năm 2021

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây