MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN CÁC VÙNG VÀ KHU KINH TẾ THEO TINH THẦN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG
Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Đức Hải
Trung tướng Nguyễn Đức Hải phát biểu tại hội nghị Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ tp.HCM
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định rõ 12 nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021- 2025, trong đó, “Phát triển các vùng và khu kinh tế”[1] là nhiệm vụ, giải phát thứ 3. Vấn đề đặt ra, cho từng cán bộ, đảng viên của Đảng là cần quán triệt và triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, giải pháp này, trong tổng thể các nhiệm vụ, giải pháp vào thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thời gian tới.
Xuất phát từ tình hình thực tiễn của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, mạnh dạn đề xuất một số giải pháp cơ bản sau:
Giải pháp thứ nhất là, cấp ủy Đảng các cấp và từng cán bộ, đảng viên cần nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng chiến lược của nhiệm vụ, giải pháp phát triển các vùng và khu kinh tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Giải pháp này giữ vị trí hàng đầu, bởi vì, trên thực tế còn có sự nhật thức chưa sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng chiến lược của việc phát triển các vùng và khu kinh tế. Vẫn còn tồn tại tư tưởng, chỉ tập trung phát triển khu kinh tế, chưa kết hợp chặt chẽ với phát triển các vùng của đất nước. Hậu quả của nó là, sự chênh lệch ngày càng xa về kinh tế giữa các vùng với khu kinh tế và giữa các vùng với nhau. Kéo theo là những phát sinh phức tạp về các vấn đề xã hội và quốc phòng, an ninh ngay trong thời bình, khi có các tình huống quốc phòng, an ninh xảy ra, thì rõ ràng sẽ hết sức phức tạp.
Thực hiện giải pháp này, cần tập trung vào các biện pháp cụ thể, một là, tổ chức tốt việc học tập, quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng đề ra, nhất là ở cấp cơ sở để mọi cá bộ, đảng viên đều nhận thức rõ sự cần thiết phải gắn kết chặt chẽ phát triển các vùng và khu kinh tế trên từng địa phương và cả nước nói chung. Ha là, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên trong các ngành, các cấp về vai trò, tầm quan trọng chiến lược cả về kinh tế và quốc phòng, an ninh của phát triển các vùng và khu kinh tế trên từng địa phương cũng như cả nước. Ba là, xác định rõ phát triển các vùng và khu kinh tế là trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên, của toàn bộ hệ thống chin trị từ Trung ương đến từng địa phương.
Giải pháp thứ hai là, cần thực hiện tốt công tác điều tra, khảo sát nhằm xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển các vùng và khu kinh tế cân đối hài hòa trên phạm vi cả nước cũng như của từng địa phương
Giải pháp này, giữ vị trí chiến lược, bởi vì, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển các vùng và khu kinh tế là trục trung tâm để xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển các lĩnh vực kinh tế xã hội khác. Trục trung tâm được quy hoạch, kế hoạch rõ ràng, mạch lạc sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch tất cả các lĩnh vực hoạt động kinh tế- xã hội và quốc phòng, an ninh.
Các biện pháp cụ thể là, trước hết, cần thực hiện tốt công tác điều tra, khảo sát các vùng và khu kinh tế trên cả nước và của từng địa phương nhằm nắm rõ các nguồn lực, nhu cầu phát triển trung hạn, dài hạn giúp cho việc đưa ra các dự báo sát thực tiễn nhất. Hai là, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển các vùng và khu kinh tế phù hợp với thực tiễn đã được điều tra khảo sát có tính tới các tác động từ bên ngoài và những phát sinh mới có thể xảy ra trên từng địa bàn được xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển. Ba là, thường xuyên kiểm tra, rà soát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch để bổ sung, điều chỉnh kịp thời tránh tình trạng không tuân thủ đầy đủ các khâu, các bước đã được quy hoạch, kế hoạch đề ra.
Giải pháp thứ ba là, tăng cường các biện pháp đẩy mạnh phát triển các vùng và khu kinh tế nhằm từng bước rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, đồng bằng với rừng núi, biên cương, hải đảo của đất nước
Giải pháp này có ý nghĩa cả về kinh tế và quốc phòng, an ninh, bởi lẽ, thu hẹp khoảng cách về kinh tế giữa các vùng là một vấn đề hết sức khó khăn, phức tạp, nếu được thực hiện tốt sẽ mang lại lợi ích kép cho quốc gia. Một mặt, nó thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế phát triển để tham gia ngày càng sâu rông vào chuỗi giá trị toàn cầu. Mặt khác, sự phát triển tương đối đồng đều về kinh tế giữa các vùng sẽ tạo ra tiền đề để đẩy mạnh phát triển khu kinh tế mới nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, đồng thời nâng cao khả năng đáp ứng cho các nhu cầu tại chỗ cho quốc phòng và an ninh. Đây cũng chính là nhân tố quyết định thực hiện thắng lợi chiến lược quốc phòng bảo vệ từ sớm, từ xa của nước ta, trong thời kỳ mới.
Với giải pháp này, cần thực hiện các biện pháp cụ thể, một là, khai thác, tận dụng tối đa mọi nguồn lực, thế mạnh của từng vùng để xây dựng thành các trung tâm kinh tế tiểu vùng lên vùng, trên cơ sở đó tạo sức trỗi dậy của nền kinh tế các địa phương, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hai là, tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và quốc phòng trên mọi vùng, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo của đất nước. Ba là, tạo lập thể chế, cơ chế vận hành uyển chuyển phù hợp với từng vùng nhằm thúc đẩy kinh tế vùng phát triển nhanh và bền vững.
Tóm lại, phát triển các vùng và khu kinh tế là nhiệm vụ, giải pháp mang tầm chiến lược, mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức, quan triệt sâu sắc để phổ biến cho toàn dân thực hiện. Các giải pháp trên có mối quan hệ nhân quả, giải pháp này là tiền đề là điều kiện của giải pháp kia. Nếu được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, nhất định sẽ từng bước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 đã được Đảng đề ra. Góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thân yêu của chúng ta./.
[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tập 2 Nxb CTQGST Hà Nội – 2021 tr 114